Một phái đoàn Israel đến Vatican

để thảo luận về vấn đề tài sản

của Giáo hội tại Thánh Ðịa

 

Một phái đoàn Israel đến Vatican để thảo luận về vấn đề tài sản của Giáo hội tại Thánh Ðịa.

Gierusalem [AFP 9/12/2009] - Một phái đoàn Israel đến Vatican để thảo luận về vấn đề tài sản của Giáo hội tại Thánh Ðịa.

Hôm thứ Tư 9 tháng 12 năm 2009, một viên chức cấp cao của chính phủ Israel đã đến Vatican để tham dự một vòng thương thảo mới về quy chế pháp lý và thuế khóa của các cơ sở Giáo hội tại Thánh Ðịa.

Ðược biết viên chức cấp cao này là ông Danny Ayalon, thứ trưởng ngoại giao Israel. Một thông cáo của bộ ngoại giao Israel cho biết ông Ayalon sẽ tham dự phiên họp của Ủy ban hỗn hợp Israel và Tòa thánh. Thông cáo xác định rằng các cuộc thương thuyết giữa hai bên đã đạt đến giai đoạn cuối cùng.

Ðược ký kết ngày 30 tháng 12 năm 1993, Thỏa hiệp nền tảng giữa Israel và Tòa thánh đã cho thành lập một Ủy ban hỗn hợp để giải quyết các vấn đề kinh tế và tài sản của Giáo hội tại những vùng bị Israel chiếm đóng từ năm 1967.

Ủy ban hỗn hợp này chưa bao giờ đạt được một giải pháp nào và ngay cả ngưng nhóm họp trong một thời gian dài. Các cuộc thương thuyết chỉ được tái lập vào vào năm 2004, sau 10 năm bị gián đoạn.

Phiên họp ngày 30 tháng 4 năm 2009 tại Gierusalem đã đạt được một số "tiến bộ đáng kể". Chính vì vậy mà Ủy ban quyết định tái nhóm tại Vatican vào ngày 10 tháng 12 năm 2009.

Giáo hội Công giáo không ngừng đòi hỏi chính phủ Israel phải nhìn nhận quyền pháp lý và thừa hưởng di sản của các cơ sở Công giáo tại Thánh Ðịa cũng như yêu cầu miễn thuế cho Giáo hội. Ðây là đặc ân mà Liên hiệp quốc đã đòi hỏi Israel phải dành cho Giáo hội khi quốc gia này được khai sinh vào tháng 5 năm 1948.

Theo thống kê của Israel, chính phủ Israel đã thừa nhận quy chế của hơn 100 cơ sở của Giáo hội Công giáo tại Israel, Cisjordan và miền đông Gierusalem. Nhưng 6 địa điểm khác tại Gierusalem và Bắc Galilea vẫn chưa được Israel thừa nhận. Israel vẫn duy trì quyền được truất hữu bất cứ tài sản nào của Giáo hội khi cần xây cất hạ tầng cơ sở trong những vùng giáp giới với các linh địa.

Một trong những vấn đề "nhậy cảm" nhứt liên quan đến "Phòng Tiệc Ly" tại Gierusalem. Ðây là một tòa nhà hai tầng nằm trên đỉnh Núi Sion là nơi mà Kitô giáo tin rằng Chúa Giêsu đã dùng bữa tối cuối cùng với các môn đệ. Israel vẫn khẳng định rằng Gierusalem và Núi Sion hoàn toàn thuộc chủ quyền Israel, do đó không thể "thương lượng" được.

Một trong những nơi "tranh cải" khác là Nhà từ thiện của các nữ tu dòng bác ái Vinh sơn, gần khu phố Kitô trong thành phố cổ Gierusalem. Tại đây các nữ tu Vinh sơn chuyên chăm sóc cho những người Palestine bị khuyết tật về thể lý và tinh thần. Chính quyền vẫn không nhìn nhận quyền sở hữu của Giáo hội và nội vụ đã được đưa ra tòa hồi năm 1974.

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page