Sự nâng đỡ và niềm an ủi mà ÐTC Benedicto XVI

sẽ mang đến cho các tín hữu kitô tại Thánh Ðịa

 

Sự nâng đỡ và niềm an ủi mà Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ mang đến cho các tín hữu kitô tại Thánh Ðịa.

Vatican [La Croix 6/5/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Ngày 8 tháng 5 năm 2009, Ðức thánh cha lên đường viếng thăm Thánh Ðịa. Ngài sẽ đặt chân đến thủ đô Amman, Jordan vào lúc 2 giờ 30 chiều giờ địa phương ngày thứ Sáu mùng 8 tháng 5 năm 2009. Sau 3 ngày viếng thăm Jordan, ngài sẽ đi Israel và kết thúc cuộc hành hương Thánh Ðịa vào ngày thứ Hai 11 tháng 5 năm 2009.

Chuyến tông du hải ngoại lần thứ 12 này của Ðức Benedicto XVI diễn ra trong bối cảnh chính trị, tôn giáo và ngoại giao của Trung Ðông, được đánh giá là rất tế nhị.

Trong chuyến viếng thăm này, Ðức thánh cha sẽ chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên, tại ít nhứt là 7 nơi cho các đại học tại Madaba, Jordan, tại Nazareth, cho một nhà thờ bên bờ sông Jordan, cho một số trung tâm tại Gierusalem v.v...

Ðối với một vị giáo hoàng vốn rất dè dặt trong các cử chỉ, việc đặt các viên đá đầu tiên này có một ý nghĩa tượng trưng cao độ: với cử chỉ này, ngài muốn chứng tỏ rằng kito giáo trong vùng này vẫn còn có một tương lai mà ngài muốn góp phần xây dựng.

Nếu trong chuyến viếng thăm Thánh Ðịa hồi năm 2000, vị tiền nhiệm của ngài là Ðức Gioan Phaolo II nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa Giáo hội và Do thái giáo, thì với chuyến đi này, Ðức Benedicto XVI muốn dành ưu tiên cho các tín hữu kitô mà, như ngài đã nhấn mạnh trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng hôm Chúa Nhựt 3/05/2009, "ngài muốn mang đến sự gần gũi và nâng đỡ của toàn thể Giáo hội".

Ðức hồng y Walter Kasper, đặc trách về mối quan hệ với Do thái giáo, người sẽ tháp tùng Ðức thánh cha trong chuyến viếng thăm này, cũng đã khẳng định rằng "nâng đỡ các tín hữu kitô Thánh Ðịa là mục tiêu chính của chuyến viếng thăm". Vị hồng y này nói rằng "trong vùng này, các tín hữu kitô, nhứt là người trẻ, đang sống trong thất vọng". Tòa thánh rất quan ngại về tình trạng bỏ nước ra đi của các tín hữu kitô. Từ ba năm nay, hiện tượng này ngày càng gia tăng.

Ðức Thánh Cha đến Thánh Ðịa để nhắc lại rằng không thể tìm một giải pháp cho Trung đông mà không màng tới kitô giáo.

Mặc dù Ðức thánh cha không ngừng xác nhận rằng chuyến viếng thăm Thánh Ðịa của ngài thiết yếu là một cuộc hành hương tôn giáo, vẫn không thể chối bỏ được âm hưởng chính trị của chuyến viếng thăm. Trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần sáng thư Tư 6/05/2009, Ðức thánh cha nói rằng ước nguyện đầu tiên của ngài là cầu xin cho ơn hoà bình và hiệp nhứt. Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa thánh cũng nhìn nhận bối cảnh rất khó khăn của chuyến viếng thăm.

Những cuộc dội bom của Israel xuống Dải Gaza, chính phủ mới tại Israel do ông Benjamin Netanyahu lãnh đạo, những chia rẽ nội bộ giữa Hamas và Fatah về phía Palestine, sự đe dọa của Iran... đó là những cái bẫy đang được gài tại Cận Ðông. Theo một chuyên gia về vùng này, "chỉ có một điều chắc chắn là người ta không thể đoán trước được điều gì".

Sau vụ Tòa Thánh rút vạ tuyệt thông cho Ðức cha Williamson, vị giám mục thủ cựu phủ nhận trách nhiệm của Ðức quốc xã trong vụ sát tế người Do thái, người ta e ngại rằng Israel muốn khai thác chuyến viếng thăm của một vị giáo hoàng luôn hạ mình xin lỗi vì những sai lầm của mình. Nhưng theo một nhà ngoại giao Tây Phương, vì hình ảnh không mấy tốt đẹp của mình trên chính trường quốc tế, Israel cũng muốn quan tâm đến ngài một cách đặc biệt để xóa tan những chỉ trích của Tây Phương.

Theo nhận định của Nhựt báo Công giáo Pháp La Croix, trong số ra ngày thứ Tư mùng 6 tháng 5 năm 2009, Ðức thánh cha đang nắm trong tay một lá bài chủ: đó là là bài của sự quân bình và hòa giải.

Tòa thánh chỉ mới nhìn nhận quốc gia Israel từ năm 1993. Chính sách ngoại giao của Tòa Thánh là duy trì thế quân bình giữa khối Á Rập và Israel. Và hôm Chúa Nhựt 3/05/2009, khi kêu gọi cầu nguyện cho người Palestine, Ðức thánh cha đã đưa ra một tín hiệu mạnh về vấn đề này.

Nhưng dù chuyến viếng thăm có thể có âm hưởng chính trị đến đâu đi nữa, Ðức thánh cha đến Thánh Ðịa thiết yếu với tư cách người đại diện của Chúa Kitô. Ngài muốn đi lại những dấu chân của Ðấng Cứu Thế. Ðây là cuộc hành hương mà ngài hằng mong muốn thực hiện ngay từ lúc mới được bầu làm Chủ Chăn Giáo hội hoàn vũ.

Ngoài sự nâng đỡ và niềm an ủi mà ngài mang đến cho các tín hữu kitô tại Thánh Ðịa, Ðức thánh cha cũng muốn củng cố mối quan hệ với các tôn giáo khác. Và trong cuộc đối thoại với các tôn giáo khác, dĩ nhiên do thái giáo là tôn giáo mà Ðức thánh cha mong muốn cải thiện quan hệ nhiều nhứt. Là một nhà thần học, ngài đã từng nghiên cứu về tôn giáo này. Là một người Ðức, sự hiện diện của ngài tại bảo tàng viện Yad Vashem cũng có một ý nghĩa đặc biệt.

Cũng như vị tiền nhiệm của ngài, hẳn Ðức Benedicto XVI cũng sẽ thì thầm cầu nguyện tại Bức Tường Than Khóc. Với cử chỉ này, không những Ðức Benedicto XVI muốn đi sâu vào quan hệ với Do thái giáo, ngài còn muốn giúp cho dân tộc Do Thái, mà phần lớn đều sinh ra tại Israel, hiểu rõ hơn về Kito giáo. Chỉ với điều kiện ấy thì kito giáo sẽ không còn là một chuyện của quá khứ đối với dân tộc này nữa.

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page