Toà thánh và vấn đề

độc thân linh mục

 

Toà thánh và vấn đề độc thân linh mục.

Vatican [CNS 13.11.2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Ðộc thân linh mục là một vấn đề thường được bàn cãi, nhất là trong các Thượng hội đồng Giám mục thế giới. Một cách cụ thể, gần đây vấn đề này càng trở nên sôi nổi hơn khi Ðức thánh cha Beneđitô XVI ban hành tông hiến "Anglicanorum Coetibus" về việc thiết lập một cơ chế pháp lý cho những người Anh giáo muốn trở về hiệp thông với Giáo hội Công giáo.

Sự kiện các linh mục Anh giáo có gia đình có thể được thụ phong linh mục Công giáo đã làm phát sinh nhiều đồn đãi cho rằng đây là một bước mới trong việc xét lại việc độc thân linh mục.

Nhưng cũng như trong những lần trước, Toà thánh Vatican đã mau chóng bác bỏ nguồn tin này. Hôm mùng 9 tháng 11 năm 2009, cùng với tông hiến của Ðức thánh cha, Toà thánh đã cho công bố một tuyên ngôn để giải thích rằng: "Tông hiến của Ðức thánh cha có thể cứu xét từng trường hợp một, cho các linh mục Anh giáo có gia đình. Tuy nhiên, điều đó không nghĩa là giáo hội sẽ đưa ra bất cứ một thay đổi nào trong luật độc thân linh mục. Theo Công đồng Vatican II, độc thân linh mục là một dấu chỉ và là một động lực cho bác ái mục vụ cũng như một lời loan báo về nước Chúa."

Theo nhận định của ký giả John Thavis của hãng thông tấn Công giáo Hoa Kỳ CNS, cứ mỗi lần vấn đề độc thân linh mục được đem ra bàn cãi thì Toà thánh lại cương quyết bảo vệ luật hiện hành.

Một ngày trước khi công bố tông hiến "Anglicanorum Coetibus" Ðức thánh cha đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của luật độc thân linh mục trong chuyến viếng thăm Brescia, Bắc Ý. Trích lời Ðức Phaolô VI, Ðức thánh cha nói rằng độc thân là cách thế để linh mục đồng hình một cách trọn vẹn nhất với Chúa Kitô: Khi sống độc thân, linh mục biểu lộ và phản chiếu tình yêu của Chúa Kito đối với giáo hội của Người.

Một vài ngày trước đó, báo người quan sát Roma, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Toà thánh đã cho đăng một bài dài của Ðức Hồng y Dionigi Tettamanzi, Tổng giám mục Milano. Trong bài viết này, Ðức tổng giám mục Milano đã khẳng định rằng: độc thân linh mục là một sự chọn lựa có sức lôi kéo nhiều người mà không hề bóp nghẹt hay làm cho những giá trị của tính dục trở nên nghèo nàn.

Vị tiền nhiệm của Ðức Hồng y Tettamanzi là Ðức hồng y Carlo Maria Martini, là một trong những người đã từng tuyên bố rằng: giáo hội cần phải tìm cách thích nghi luật độc thân linh mục với những hoàn cảnh khác nhau. Một số người cho rằng: Tại những nơi thiếu linh mục trầm trọng, giáo hội nên phong chức linh mục cho những người có gia đình.

Vấn đề này đã được nêu lên trong nhiều Thượng hội đồng Giám mục thế giới, nhất là trong Thượng hội đồng Giám mục thế giới về "đào tạo linh mục" năm 1990: Khi có một số Giám mục đề nghị phong chức linh mục cho những người có gia đình, thì hầu hết các nghị phụ trong Thượng hội đồng yêu cầu củng cố luật độc thân. Lúc đó, Ðức Gioan Phaolô II đón nhận gợi ý của Thượng hội đồng và gọi đề nghị phong chức linh mục cho những người có gia đình là một "tuyên truyền chống lại luật độc thân linh mục".

Năm 1993, vài tuần sau khi có một số Giám mục Canada xin Toà thánh cứu xét việc phong chức linh mục cho những người có gia đình tại những vùng xa xôi hẻo lánh, Ðức Gioan Phaolô II đã trả lời rằng bãi bỏ luật độc thân linh mục không phải là một giải pháp cho vấn đề khan hiếm linh mục.

Vấn đề độc thân linh mục lại được nêu lên một lần nữa trong Thượng hội đồng Giám mục thế giới về bí tích Thánh thể hồi năm 2005. Một số Giám mục thuộc nghi lễ Latin nại đến tình trạng khan hiếm linh mục trong vùng của mình đã đề nghị phong chức linh mục cho những người có gia đình. Nhưng trong những đề nghị chung cục của Thượng hội đồng, các nghị phụ đã bác bỏ ý tưởng trên đây và Ðức Gioan Phaolô II đã kết thúc Thượng hội đồng bằng cách đề cao độc thân linh mục như là một ơn cao quý cho toàn thể giáo hội.

Vào năm 2006, Ðức hồng y Claudio Hummes, người đứng đầu bộ giáo sĩ đã nhận ra rằng độc thân linh mục là một vấn đề nhạy cảm của Vatican. Trong một cuộc phỏng vấn tại Brazil, vị Hồng y này nói rằng: độc thân linh mục cho dẫu là một phần lịch sử của Giáo hội nhưng không phải là một tín điều và như vậy có thể được duyệt lại.

Nhưng chỉ vài giờ sau khi đến Roma để lãnh đạo bộ giáo sĩ, Ðức hồng y Hummes đã đưa ra một lời minh định để nói rằng: độc thân linh mục không phải là một vấn đề để tranh luận trong lúc này.

Dĩ nhiên, trong lịch sử Giáo hội đã từng có những người có gia đinh được thụ phong linh mục, nhất là trong Giáo hội Công giáo thuộc nghi lễ Ðông Phương. Nhưng vào thế kỷ IV giáo hội Latin mới bắt đầu đưa ra những hạn chế về việc phong chức linh mục cho những người có gia đình. Ðến thế kỷ XII thì độc thân linh mục mới trở thành luật.

Những người muốn thay đổi luật độc thân linh mục đều nại đến tình trạng khan hiếm linh mục hiện nay. Hiện nay, trên thế giới con số trung bình các tín hữu được một linh mục chăm sóc tăng 20 phần trăm so với 20 năm trước. Tình trạng này lại càng bi đát hơn tại một số nước Châu Mỹ Latin như Brazil: tại đây mỗi linh mục phải chăm sóc cho hơn tám ngàn tín hữu.

Trước tình trạng này, Toà thánh nói rằng giải pháp tốt nhất cho vấn đề là phân phối linh mục cách hợp lý và cổ võ ơn gọi. Riêng Ðức Benedicto XVI thì nhấn mạnh đến phẩm chất hơn là số lượng.

Vấn đề độc thân linh mục lại bùng nổ một lần nữa vào năm 2006 khi một vị Tổng giám mục người Zambia là Ðức cha Emmanuel Milingo đã bị vạ tuyệt thông sau khi phong chức Giám mục cho bốn người có gia đình mà không có phép của Ðức thánh cha. Vị Tổng giám mục này đã kêu gọi Toà thánh nên phong chức linh mục cho những người có gia đình.

Trước biến cố này, Ðức Benedicto XVI đã cho triệu tập hơn hai mươi vị đứng đầu các cơ quan của Toà thánh để duyệt lại các chính sách của Giáo hội. Sau một ngày hội nghị, Toà thánh đã đưa ra một tuyên ngôn tái khẳng định giá trị của độc thân linh mục và kêu gọi các linh mục cũng như chủng sinh phải ý thức về tầm quan trọng của vấn đề này.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page