Sức mạnh của Sự Thật

 

Sức mạnh của Sự Thật: đây là đề tài của chuyên mục Công giáo và nhân quyền tuần này của chúng tôi...

(Radio Veritas Asia 12/11/2009) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Hai 9 tháng 11 năm 2009, Âu Châu và toàn thế giới kỷ niệm đúng 20 năm ngày bức tường ô nhục Berlin sụp đổ và sự cáo chung của chiến tranh lạnh.

Nhưng tại Trung Quốc, biến cố này qua đi hầu như một cách lặng lẽ. Hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới đều tề tựu về Berlin để đánh đấu sự khởi đầu của một cuộc cách mạng ôn hòa chấm dứt chế độ cộng sản độc tài tại Ðông Ðức và theo hiệu ứng "domino", kéo theo sự cáo chung của toàn khối cộng sản Ðông Âu. Dĩ nhiên, không có bất cứ một đại diện nào của Trung Quốc tại các buổi cử hành này.

Hôm 9 tháng 11 năm 2009, bản tin chính được Tân Hoa Xã và các cơ quan truyền thông công cụ của nhà nước cộng sản Trung Quốc truyền đi là việc thủ tướng Vương Gia Bảo cam kết viện trợ cho Phi Châu 10 tỷ mỹ kim. Biến cố quan trọng thứ hai được các cơ quan truyền thông Trung Quốc nói đến là cuộc gặp gỡ giữa chủ tịch Hồ Cẩm Ðào và bộ tham mưu không lực Trung Quốc.

Nếu có nhắc đến sự sụp đổ của bức tường Berlin thì Tân Hoa Xã chỉ cho đăng một vài hình ảnh mà không đưa ra một lời bình luận nào. Bài viết duy nhứt có nhắc đến "Bức Tường" là bài viết liên quan đến việc tổng thống Pháp, ông Nicolas Sarkozy yêu cầu phá đổ hàng rào ngăn cách tại đảo Chypre giữa người Hy lạp và người Thổ Nhĩ Kỳ.

Báo "The China Daily", tờ báo Anh ngữ dành cho người ngoại quốc, có cho đăng tải một bài viết về việc kỷ niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ và các cuộc cử hành liên quan đến việc thống nhứt hai miền Ðông Tây, nhưng tuyệt nhiên không hề nhắc tới hai chữ "cộng sản".

Tưởng cũng nên nhắc lại sự sụp đổ của bức tường Berlin chỉ diễn ra vài tháng sau cuộc đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989.

Tại Trung Quốc, nơi thiết quân luật được áp dụng và các phong trào sinh viên và công nhân bị giải tán, tin tức về sự sụp đổ của bức tường Berlin đã khiến cho chính quyền cộng sản siết chặt sự kiểm soát đối với các đoàn thể, nghiệp đoàn và Giáo hội Công giáo. Khi đánh giá về biến cố này, Ðảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn xem Ðức Gioan Phaolô II như một nhân tố chính trong sự sụp đổ của bức tường Berlin.

Riêng tại Hà nội và Việt nam, theo ghi nhận của nhà báo lưu vong đang sống tại Pháp là ông Bùi Tín, "các báo đài vẫn im thin thít". Ông Bùi Tín viết rằng "các nhà lãnh đạo thông tin ở Việt nam cứ như muốn bắt toàn dân nghĩ rằng không hề có cái ngày lịch sử bức tường Berlin bị đổ sập, dù cho có thì không được nghĩ đến cái ngày họ cho là đen đủi tai hại ấy. Họ thực hiện cái gọi là sàng lọc thông tin, là thông tin có định hướng. Họ khôn, nhưng thật ra là dại. Vật cấm trở thành vật hấp dẫn".

Theo nhà báo Bùi Tín, "ngày 3 tháng 11 năm 2009, có một tin được tất cả các hãng thông tấn lớn trên thế giới loan tin và đăng tải, đó là sự kiện bà thủ tướng Ðức Angela Markel đọc một bài diễn văn lịch sử trước hai viện của Quốc Hội Hoa kỳ. Cho đến nay, không tờ báo nào ở Việt nam đưa tin này.

Cũng nhân dịp này, các báo trên thế giới đều đưa tin rộng rãi về việc bà Markel tái cử thủ tướng Ðức.

Nhà báo Bùi Tín nêu lên câu hỏi: "Vì sao các nhà lãnh đạo thông tin báo chí Hà nội lại che che, giấu giấu, không cho công dân Việt, phụ nữ Việt, trí thức Việt biết về bà thủ tướng Angela Markel, về tiểu sử lý thú và bài diễn văn cảm động của bà, cùng với lễ kỷ niệm lớn 9 tháng 11 nói trên mà bà Markel là nhân vật trung tâm?"

Trả lời cho câu hỏi ấy, ông Bùi Tín trích dẫn bài diễn văn của bà Markel trước Quốc hội Hoa kỳ. Trong bài diễn văn, bà Markel kể lại rằng bà sinh ra ở tỉnh Brandebourg, thuộc phía Bắc nước cộng hòa Dân Chủ Ðức trước đây vào năm 1954, sau khi chính phủ Ðông Ðức được thành lập được 5 năm. Cha bà là một Mục sư Tin Lành Luther, mẹ là giáo viên nhưng không được dạy học. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà làm việc tại Viện Hóa Lý thuộc Viện Hàn Lâm khoa học Berlin. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, tuy có băn khoăn về tự do tôn giáo và tự do công dân, nhưng bà chỉ say mê khoa học. Bà kể lại rằng ngày 9 tháng 11 năm 1989, bà sống ở gần bức tường, bị cuốn hút mãnh liệt bởi biển người tận cùng hứng khởi, Ðông Tây ôm chầm lấy nhau, hôn nhau, ca hát, khóc cười, nhảy múa thâu đêm suốt sáng, kéo dài hằng tuần lễ... chính sự kiện ấy đã thôi thúc bà dấn dân hoạt động chính trị".

Bà Markel khẳng định: nguyện vọng tự do của con người là tất thắng, là không gì ngăn cản nổi. Trích lời tổng thống Bill Clinton sau ngày 9 tháng 11 năm 1989, nữ thủ tướng Ðức nói: "mọi chuyện đều có thể xảy ra, không gì có thể cản trở chúng ta tiến tới phía trước".

Một thông điệp như thế, dĩ nhiên, không thể nào có thể được lập lại trên các cơ quan truyền thông công cụ của một chế độ chủ trương bóp nghẹt mọi tự do của con người, trong đó có tự do thông tin.

Tại Nga, các cơ quan truyền thông cũng không dành cho việc kỷ niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ một tầm quan trọng như biến cố này đáng được có. Nhiều người Nga vẫn xem rằng bức tường Berlin là chuyện của Tây phương chứ không phải của Nga.

Theo một cuộc thăm dò của Viện "Vtsiom" của Nga, có đến 58 phần trăm người dân Nga không hề biết ai là người đã quyết định cho dựng lên bức tường ô nhục này. Chỉ có 24 phần trăm người Nga hiểu một cách đúng đắn rằng bức tường này được dựng lên là để củng cố vị thế của Liên Xô, bảo vệ chế độ cộng sản khỏi ảnh hưởng của nước ngoài và ngăn chận làn sóng người dân trốn ra khỏi nước. 52 phần trăm những người trả lời trong cuộc thăm dò nói rằng họ không biết tại sao bức tường đã được dựng lên.

Tựu trung, ngay cả trong thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu này, nhiều người người đã từng sống dưới chế độ cộng sản hay hiện đang sống dưới chế độ cộng sản, do bị đầu độc hoặc thông tin một chiều, vẫn chưa biết được sự thật lịch sử.

Nhà báo Ronald Linden, khi phân tách về những yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin, đã viết rằng có một yếu tố chính góp phần kết liễu chế độ cộng sản Ðông đức và kéo sập bức tường Berlin. Ðó là sự truyền bá thông tin. Thông tin được lan truyền rộng khắp cả hai phía, về những gì xảy ra ở phương Tây và về những hoàn cảnh thực tế ở Ðông Âu. Kiến thức về quản trị của người Tây Âu và người Mỹ và cách sống của họ, đã làm gia tăng khao khát thay đổi chế độ. Trong khi khái niệm về dân chủ và tự do ở Ðông Âu có lẽ chưa được hoàn toàn định rõ, thì nhận thức về những khai niệm này là động lực chính thúc đẩy biến chuyển".

Tựu trung, Sự Thật là Sức Mạnh đã giựt sập bức tường Berlin và kéo theo sự cáo chung của các chế độ cộng sản tại Ðông Âu. Chúa Giêsu đã chẳng nói: Sự thật sẽ giải thoát các ngươi!

Chính vì ý thức được sức mạnh giải phóng của sự thật, mà trong một chuyến viếng thăm Cuba mới đây, Ðức cha Claudio Maria Celli, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội, đã yêu cầu nhà nước cộng sản tại quốc gia hải đảo này hãy cho Giáo hội có nhiều tự do hơn trong việc xử dụng các phương tiện truyền thông. Ðó là cách thể để Giáo hội góp phần vào công cuộc giải phóng đích thực cho con người.

Chúng tôi xin tạm ngưng mục Công giáo và nhân quyền tuần này tại đây. Xin thân ái chào quý vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Năm tuần sau.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page