Ðức Gioan Phaolô II và sự sụp đổ

của bức tường ô nhục Berlin

 

Ðức Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của bức tường ô nhục Berlin.

Roma [La Croix 8/11/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thứ Hai 9 tháng 11 năm 2009, thế giới kỷ niệm đúng 20 năm ngày bức tường ô nhục do những người cộng sản dựng lên bị sụp đổ. Có nhiều yếu tố góp phần đánh đổ bức tường này.

Nữ dân biểu Pháp, Elizabeth Guigou, thuộc đảng xã hội, lúc bấy giờ đang đặc trách về Âu châu, cho biết: điện Elysee theo dõi từng giờ các biến cố đang diễn ra tại Berlin. Bà nói rằng bà thường xuyên liên lạc với thủ tướng Helmut Kohl để chuẩn bị cuộc họp thượng đỉnh của các nguyên thủ Âu châu tại Strasbourg vào tháng 12 năm 2009. Bà nói: "phải nói là bức tường Berlin sụp đổ nhanh chóng hơn người ta tưởng. Nhưng chúng ta biết rằng đây là một tiến trình không thể tránh được".

Là một biến cố bất ngờ, nhưng có một người xem ra không ngạc nhiên về sự sụp đổ của bức tường này. Người đó là đức Gioan Phaolô II, người mà ngày nay, muốn hay không, thế giới phải nhìn nhận có một đóng góp quan trọng làm cho bức tường ô nhục này sụp đổ.

Ðầu tháng 6 năm 1979, khi Ðức thánh cha Gioan Phaolô II trở về thăm quê hương Balan của ngài, phóng viên Bernard Lecomte của Nhựt Báo Công giáo Pháp "La Croix" đã được gởi đến theo dõi biến cố. Chuyến viếng thăm quê hương đầu tiên của đức Gioan Phaolô II đã diễn ra 10 năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Theo phóng viên Lecomte, bức tường này đã bị rạn nứt ngay từ chuyến viếng thăm ấy. Ông ghi lại như sau: "Chúng tôi đứng như "trời trồng" khi nghe vị Giáo hoàng gốc Slave này nói trước hằng trăm ngàn người Balan về tự do, về phẩm giá con người, về quyền con người. Và ngài nói như thể bức tường Berlin không hề hiện hữu".

Là tác giả của một quyển tiểu sử bằng tiếng Pháp về Ðức Gioan Phaolô II, Lecombe viết tiếp: "Ðức Karol Wojtyla đã luôn biết rằng bức tường này chỉ có tính cách tạm thời". Ðối với ngài, Âu Châu là một. Bài diễn văn của ngài, vốn có tính cách đạo đức và tôn giáo hơn là chính trị, đã được những người ngoài Kitô giáo lắng nghe. Khắp nơi, những người bất đồng chính kiến hiểu được sứ điệp của ngài".

Và dĩ nhiên, hơn bất cứ nơi nào khác, Ðiện Kremlin đã chăm chú theo dõi từng chữ trong bài diễn văn. Kể từ lúc được bầu làm chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, vị Giáo hoàng người Slave này đã cương quyết gạn lọc các giá trị có sức đánh động lương tâm con người và góp phần làm tan rã đế quốc đỏ. Ðức hồng y Frantisek Tomasek và ông Vaclav Havel tại Praha, Tiệp Khắc, ông Doina Cornea và mục sư Tokes tại Rumani, ông Adam Michnik tại Balan, nhà văn Alexandr Soljenitsyne, nhà khoa học Andrei Sakharov tại Liên xô và nhiều nhân vật khác tại Ðông Âu cũng đều có cùng hướng đi như vị Giáo hoàng này.

Trước đó, tại Tòa Thánh, người ta thấy có thái độ hòa hoãn và đối thoại với các chế độ cộng sản Ðông âu. Chủ trương này được tỏ rõ trong chính sách thường được mệnh danh là "Ostpolitik" được Quốc vụ khanh Tòa thánh lúc bấy giờ là Ðức hồng Agostino Casaroli đeo đuổi. Tuy nhiên, sử gia Lecomte viết: "Ðức hồng y làm nhà ngoại giao, còn Ðức giáo hoàng thì làm tiên tri".

Ngày 24 tháng Giêng năm 1979, tại Vatican, đức Gioan Phaolô II tiếp kiến ông Andrei Gromyko, bộ trưởng ngoại giao Liên Xô. Người ta hiểu rằng điện Kremlin đã bắt đầu "quan tâm" đến vị Giáo hoàng đến từ một nước cộng sản này. Ngày 13 tháng 5 năm 1981, âm mưu ám sát Ðức thánh cha tại quảng trường thánh Phêrô ở Roma đã làm cho người dân Ðông Âu lo ngại: đúng hay sai không cần biết, người ta cho rằng Ali Agca chỉ là người thừa hành lệnh của KGB. Nhưng cũng chính biến cố này củng cố các lực lượng "đối kháng" tại Ðông Âu.

Năm 1987, khi chủ tịch Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev, đề ra chính sách "cởi mở" và "tái cấu trúc", Ðức thánh cha đã tâm sự với ký giả Pháp Andre Froissard như sau: "Làm sao con người này có thể sửa đổi hệ thống mà không thay đổi chính hệ thống?"

Tháng 6 năm 1988, các nhà lãnh đạo Liên Xô cho phép tổ chức các cuộc cử hành đánh dấu một ngàn năm nước Nga theo Kitô giáo. Ðại diện cho Tòa thánh để tham dự các cuộc cử hành này, Ðức hồng y Casaroli, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã gặp gỡ chủ tịch Gorbachev và mời ông viếng thăm Vatican. Trong hậu trường sân khấu, mọi sự diễn tiến một cách tốt đẹp khi đức Gioan Phaolô II, vào năm 1985 và đầu năm 1988, đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho nhà bất đồng chính kiến Andrei Sakharov.

Cuối cùng, ngày bức tường ô nhục Berlin mở ra, thì tại Roma, đức Gioan Phaolô II chuẩn bị phong thánh cho thánh nữ Agnes Bohemia, dược dự trù vào ngày 12 tháng 11 năm đó. Ðây cũng là dạo đầu của sự sụp đổ của bức tường Berlin.

Ba tuần lễ sau, vào ngày 1 tháng 12 năm 1989, Ðức thánh cha Gioan Phaolô II tiếp chủ tịch Gorbachev tại Vatican. Sau đó không lâu, ông Gorbachev tuyên bố: "Không gì có thể xảy ra tại Ðông Âu nếu không có vị Giáo hoàng này".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page