Cuộc hành hương vì Hòa Bình

của Ðức Thánh Cha Benedicto XVI

 

Cuộc hành hương vì Hòa Bình của Ðức Thánh Cha Benedicto XVI.

[Chu Văn viết theo CNS 30/4/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ bắt đầu chuyến viếng thăm Thánh Ðịa vào ngày thứ Sáu mùng 8 tháng 5 năm 2009. Như ngài đã nhiều lần minh định, đây là một cuộc hành hương theo dấu chân của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, cuộc hành hương này lại được thực hiện trong một vùng đất đầy căng thẳng về mặt chính trị cũng như tôn giáo.

Dưới nhiều khía cạnh, có thể nói chuyến viếng thăm Thánh Ðịa của Ðức Benedicto từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 5 năm 2009 sẽ là chuyến tông du hải ngoại có nhiều thách đố nhứt đối với ngài. Chuyến viếng thăm này sẽ là một trắc nghiệm về những kỹ năng truyền thông và liên kết của ngài trong một vùng đất đầy xung đột và thiếu tin tưởng này.

Sau vụ rút vạ tuyệt thông cho một vị giám mục thủ cựu có lập trường bài Do Thái, cũng như lời tuyên bố của Ðức Thánh Cha liên quan đến việc phân phát bao cao su để phòng ngừa bệnh Sida tại Phi Châu, nhiều người cho rằng Ðức Thánh Cha sẽ cân nhắc từng lời nói và từng cử chỉ trước các cơ quan truyền thông thế giới, nhứt là trong vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa các tín hữu kitô, với người do thái, với người hồi giáo và cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Cho dẫu thế giới sẽ đo lường sự thành công của chuyến viếng thăm dựa trên chính trị thế giới hay quan hệ liên tôn, Ðức Thánh Cha vẫn không ngừng khẳng định rằng chuyến viếng thăm của ngài trước hết và thiết yếu là một cuộc hành hương tôn giáo. Ðây là điều mà ngài đã một lần nữa lập lại trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng trưa Chúa Nhựt vừa qua 3 tháng 5 năm 2009. Ngài nói rằng ngài đi Thánh Ðịa như một sứ giả Hòa bình; ngài mang sự nâng đỡ và gần gũi của toàn thể Giáo hội đến cho các tín hữu kitô tại Thánh Ðịa.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn công giáo Hoa kỳ CNS, cha David Jaeger, một linh mục gốc Do Thái hiện đang là cố vấn tại Vatican, nói rằng ưu tiên của chuyến viếng thăm sắp tới của ÐTC là làm chứng cho Mầu Nhiệm Nhập Thể bằng cách viếng thăm các nơi đã diễn ra các biến cố cứu độ. Ðây chính là trọng điểm của chuyến viếng thăm.

Theo cha Jaeger, chuyến viếng thăm diễn ra vào một thời điểm cực kỳ quan trọng bởi vì chưa bao giờ dân chúng tại Thánh Ðịa thất vọng cho bằng hiện nay.

Vị linh mục cố vấn tại giáo triều này nói rằng điều tệ hại nhứt là khi con người mất hết hy vọng về hòa bình. Như vậy, ÐTC đến Thánh Ðịa là để vực dậy niềm hy vọng về hòa bình và hòa giải.

Nhưng dĩ nhiên, theo cha Jaeger, đây không phải là một cuộc thương lượng chính trị. Ðức thánh cha không đến đó để dàn xếp một thỏa ước hòa bình. Nhưng sự kiện ngài kêu gọi dân chúng trong vùng xây dựng hòa bình, đã là một đóng góp lớn lao của Giáo hội.

Chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến viếng thăm kéo dài một tuần lễ của đức thánh cha là Jordan. Tại đây, ngài sẽ có một loạt những cử hành và gặp gỡ, kể cả một lần đặt chân vào một đền thờ hồi giáo tại thủ đô Amman. Biến cố này và sự kiện đức Benedicto lưu lại nhiều ngày tại Jordan cho thấy rằng ngài muốn xích lại gần với thế giới hồi giáo.

Năm 2006, ngài đã vào cầu nguyện trong một đền thờ hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cử chỉ này đã có một âm hưởng rộng lớn trong thế giới hồi giáo. Tại Amman, đức thánh cha sẽ đọc một bài diễn văn trước các nhà lãnh đạo hồi giáo, ngoại giao đoàn và các viện trưởng đại học tại Jordan. Cử tọa và khung cảnh gợi lại những chủ đề của bài diễn văn lịch sử mà ngài đã đọc tại Ðại học Regendurg, Ðức quốc hồi năm 2006. Nhưng lần này, khi đề cập đến mối quan hệ giữa đức tin và lý trí, hẳn đức Benedicto không muốn làm phật lòng thính giả của ngài nữa.

Ðối với 75 ngàn tín hữu công giáo tại Jordan, biến cố lớn sẽ là Thánh lễ cử hành tại sân vận động bóng đá tại Amman vào ngày 10 tháng 5 năm 2009. Nhưng có hai biến cố khác cũng đáng chú ý không kém. Ngài sẽ có một cuộc gặp gỡ tại Trung Tâm "Nữ Vương Hòa Bình". Ðây là trung tâm cổ võ cuộc đối thoại và cộng tác giữa công giáo và hồi giáo. Tại đây, có lẽ ÐTC sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc đối thoại bằng "cuộc sống" và sự hợp tác xã hội giữa con cái của tổ phụ Abraham.

Biến cố thứ hai đáng chú ý khác là việc ngài sẽ đặt viên đá đầu tiên cho trường đại học Madaba được tòa thượng phụ công giáo thuộc nghi lễ Latinh ở Gierusalem cho xây cất. Việc làm phép viên đá đầu tiên là chuyện thường có trong các chuyến viếng thăm của các đức giáo hoàng. Nhưng thiết lập một trường đại học công giáo trong một xứ sở có đông người hồi giáo là một biến cố có ý nghĩa đặc biệt.

Hầu hết các chặng đường trong lộ trình của đức Benedicto đều diễn ra theo dấu chân của Ðức Gioan Phaolo II trong chuyến viếng thăm Thánh Ðịa hồi năm 2000. Chẳng hạn đức Benedicto sẽ đến cầu nguyện tại Núi Nebo tại miền Tây Jordan, nơi mà ông Moisen đã đứng nhìn về Ðất Hứa trước khi qua đời. Kế đó, cũng như đức Gioan Phaolo II, ngài sẽ viếng thăm sông Jordan là nơi Chúa Giesu chịu phép rửa.

Ðức Benedicto sẽ đến Gierusalem vào ngày 11 tháng 5 năm 2009. Cuối ngày, ngài sẽ đến thăm bão tàng viện Yad Vashem. Ðây là một biến cố quan trọng của chuyến viếng thăm. Hồi năm 2000, khi đức Gioan Phaolo II phát biểu trước bảo tàng viện này, dân Israel đã xem đó như một bước ngoặc quan trọng trong cuộc hành hương của ngài.

Ðức Benedicto đã không ngừng nói đến cuộc sát tế người Do Thái do đức quốc xã chủ trương. Tuy nhiên, ngài không đến Yad Vashem với tư cách là một người Ðức để xin lỗi người Do Thái, mà chỉ để gợi lại bài học về nguy cơ của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và bài Do Thái.

Trong những ngày kế tiếp của cuộc hành hương, ÐTC sẽ đến Gierusalem để viếng thăm các linh địa của Hồi giáo, Do thái giáo và Kitô giáo. Ngày 13 tháng 5 năm 2009, ngài sẽ đến Tây Ngạn để viếng thăm Bethlehem. Buổi chiều cùng ngày, chặng dừng chân được chờ đợi nhứt của ngài là Trại tỵ nạn Aida, nơi hiện đang có khoảng 5,000 người Palestine sinh sống. Sang ngày 14 tháng 5 năm 2009, ÐTC sẽ dâng lễ tại Nazareth và viếng thăm Hang Ðá Truyền Tin, kết thúc cuộc hành hương tại Thánh Ðịa.

Ðức hồng y John Foley, nguyên chủ tịch hội đồng tòa thánh về truyền thông xã hội, nhận định: " Ðức thánh cha sẽ làm điều thánh Phêrô luôn làm: đó là nâng đỡ các tín hữu, giúp họ nhận ra giá trị của mình và cho họ biết rằng Giáo hội hoàn vũ luôn đánh giá cao niềm tin của họ".

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page