Tương lai các giáo xứ

trong Giáo hội tại Pháp

 

Tương lai các giáo xứ trong Giáo hội tại Pháp.

Lộ Ðức, Pháp [La Croix 2/11/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Các Ðức giám mục Pháp hiện đang tham dự hội nghị mùa thu diễn ra tại Lộ Ðức. Một trong những điểm được các vị chủ chăn Giáo hội tại nước này thảo luận là tương lai của các giáo xứ.

Ðức cha Dominique Lebrun, Giám mục Saint Etienne, nói rằng đây là một "vấn đề nhức óc" đối với hầu hết các giáo phận tại Pháp. "Tổ chức lại", "phát triển", "tái cấu trúc", "quy tụ lại thành một giáo xứ lớn". v.v... đó là những kiểu nói hiện đang được các vị chủ chăn đề nghị khi nói về tổ chức mới của các cộng đồng Kitô. Tại thôn quê, vấn đề xem ra còn trầm trọng hơn.

Làm thế nào để duy trì được sự hiện diện của Giáo hội trong tình trạng khan hiếm linh mục hiện nay và đứng trước khó khăn trong việc canh tân các nhóm giáo dân? Ðó là câu hỏi được nhiều vị Giám mục Pháp nêu lên trong hội nghị mùa thu này.

Ðứa cha Lebrun, một trong 4 vị Giám mục đặc trách nghiên cứu về vấn đề này, đã chia sẻ như sau: "Trong giáo phận của tôi, tôi tìm cách khai triển hai lãnh vực ưu tiên và bổ túc cho nhau là: khai tâm Kitô giáo và đối thoại với xã hội. Nhìn dưới khía cạnh này, vấn đề con số linh mục và các giáo xứ không hoàn toàn là một vấn đề như nhau. Mục đích không phải là bằng mọi cách nhân lên các nhóm giáo dân, mà là làm sao để các cộng đồng của chúng ta phải là những là cộng đồng kito nói với mọi người rằng Thiên Chúa yêu thương và cứu độ mình".

Ðức giám mục Giáo phận Saint Etienne cho biết: 10 năm sau khi thiết lập các giáo xứ mới trong giáo phận, xem ra giáo dân vẫn còn rất gắn bó với mô hình giáo xứ cũ". Ngài nói: "liệu ý niệm về "giáo xứ" có còn hợp thời không? Hiện nay chúng ta đang tiến dần đến "truyền giáo" hơn là giáo xứ theo ý nghĩa cổ điển".

Một số giáo phận vẫn còn bám chặt vào mô hình giáo xứ cổ điển: mỗi linh mục một giáo xứ. Ðây là trường hợp của Giáo phận Frejus Toulon. Giáo phận này không đặt vấn đề "gôm" các giáo xứ lại, trái lại kêu gọi sự trợ giúp của các linh mục ngoại quốc và thiết lập những cộng đồng mới.

Linh mục Yann de Rauglaudre, giám đốc văn phòng truyền thông của giáo phận này nói rằng mấu chốt của vấn đề là tình trạng thiếu linh mục. Do đó, giáo phận này nhấn mạnh đến nhu cầu cổ võ ơn gọi.

Ðức cha Michel Santier, Giám mục Creteil, ngoại ô Paris, cũng nhấn mạnh rằng cổ võ ơn gọi là một phần trong giải đáp cho những khó khăn hiện nay. Vị giám mục này xem điểm tựa của giáo dân và việc huấn luyện họ là một phương thuốc bổ túc cho vấn đề tái tổ chức các giáo phận.

Cha Joel Morlet, Tổng đại diện giáo phận Chalon en Champagne, cũng đồng quan điểm. Theo vị linh mục này, "được kêu gọi tích cực tham dự vào đời sống Giáo hội, giáo dân cần được huấn luyện để diễn tả một cách đúng đắn hơn niềm tin của mình và để có thể nhân danh Giáo hội đề ra những sáng kiến". Chính vì vậy mà trong giáo phận này, nhiều nhóm linh hoạt mục vụ gồm có linh mục, phó tế và giáo dân được thành lập. Nhiều giáo dân, được trả lương hay làm việc thiện nguyện, được gởi đến các điểm truyền giáo.

Vai trò của linh mục trong Giáo hội Pháp hiện nay cũng tiến triển một cách đáng kể. Ðức cha Hubert Herbreteau, Giám mục Agen, khẳng định rằng linh mục "không thể là người của một tổ chức, nghĩa là biết và điều khiển mọi sự nữa". Theo vị Giám mục này, linh mục là một người hướng đạo, đồng hành, nâng đỡ, thực thi sứ vụ hiệp thông giữa các cộng đồng được ủy thác cho mình, chăm lo việc trưởng thành trong đức tin và nhiệt khí truyền giáo.

Như thế, dần dà, sau nhiều dò dẫm, thế quân bình giữa giáo dân và linh mục được thiết lập. Ngày càng có nhiều nhóm giáo dân tích cực trong các giáo xứ. Ðây là kinh nghiệm của giáo phận Poitiers. Hiện nay giáo phận này có khoảng 320 nhóm. Dù vậy, linh mục vẫn luôn giữ vai trò trọng yếu: linh mục là "cha" trong đức tin hơn là nhà tổ chức; linh mục điều chỉnh, nâng đỡ, đồng hành, mang lại cho các cộng đồng những gì họ không có.

Ðây là mô hình mà giáo phận Chalon en Champagne đang theo. Giáo phận này có khoảng 34 giáo xứ, trong số này có đến 14 giáo xứ không có linh mục .Thay vào đó, Ðức giám mục giáo phận bổ nhiệm giáo dân làm "đại diện mục vụ" trong thời hạn 5 năm. Chỉ còn lại vấn đề là: thánh lễ và việc rước lễ trong các buổi cử hành Lời Chúa Ngày Chúa Nhựt. Ðây là vấn đề vẫn chưa có giải pháp.

Tựu trung, như Ðức giám mục giáo phận Saint Etienne ghi nhận, vấn đề không phải là xác định ai sẽ làm gì, mà là khởi đi từ những cộng đồng hiện hữu để cùng nhau đọc và sống Tin Mừng. Ðể nâng đỡ những cộng đồng này, cần phải thiết lập những nhóm lưu động có thể theo định kỳ đến các làng mạc để lắng nghe, để trình bày một giáo huấn hay để, tuy theo nhu cầu, đi gỏ cửa từng nhà.

Cha Philippe Brunel chia sẻ một kinh nghiệm độc đáo. Ngài hiện đang phụ trách 23 nhà thờ quy tụ khoảng 14 ngàn giáo dân. Mới đây, nhân cuộc khủng hoảng về sữa tại Pháp, vị linh mục này đã vận động tổ chức một cuộc gặp gỡ dành cho các nông dân trẻ và các thành viên công đoàn. Cha cho biết: nếu không có cơ cấu mới của các giáo xứ được hình thành cách đây 10 năm, ngài đã không thể tổ chức được một cuộc gặp gỡ như thế. Theo cha, sứ mệnh của Giáo hội là đóng góp vào sự hài hòa của xã hội, giúp cho mọi người hiểu nhau.

Theo Ðức cha Santier, Giám mục Creteil, "một khuôn mặt mới của Giáo hội đang được vẽ ra: trong Giáo hội này, sinh hoạt mục vụ không còn hoàn toàn đặt nặng lên vai của các linh mục nữa".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page