Nội dung vài bản tường trình

của các nhóm nghị phụ

Thượng Hội Ðồng Giám Mục

Phi châu kỳ 2

 

Nội dung vài bản tường trình của các nhóm nghị phụ Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2.

Vatican (Vat. 19/10/2009) - Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 đã tiến hành được 2 phần 3 chương trình và đang đi vào giai đoạn gặt hái kết quả các cuộc thảo luận.

Hôm 19-10-2009, các nghị phụ không nhóm phiên họp khoáng đại nào, nhưng Ðức Hồng Y Tổng tường trình viên, Ðức Tổng Giám Mục Tổng thư ký đặc biệt và 12 tường trình viên của 12 nhóm nghị phụ đã nhóm họp sáng chiều với nhau với mục đích thống nhất các đề nghị do các nhóm soạn ra hồi cuối tuần qua thành một danh sách duy nhất, để trình bày trước Công nghị sáng thứ Ba 20-10-2009, trong phiên khoáng đại thứ 17. Giai đoạn kế tiếp sẽ là sửa chữa các đề nghị đó để đưa ra biểu quyết chung kết vào sáng thứ Bẩy 24-10-2009.

Dĩ nhiên các đề nghị đó chưa được công bố, nhưng qua các bản tường trình kết quả các cuộc thảo luận nhóm, người ta cũng có thể thấy được phần nào hướng đi của các đề nghị. Các bản đó cũng đúc kết các ý kiến của đa số và thiểu số trong nhóm, thu thập các đề nghị và suy tư của các thành viên trong nhóm. Các bản tường trình này có tầm quan trọng rất lớn vì chúng biểu lộ tư tưởng của các nghị phụ trong các cuộc thảo luận nhóm, và qua đó chứa đựng mầm mống các yếu tố được chính Thượng Hội Ðồng Giám Mục đồng thuận.

Tường trình của một số nhóm

Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quí vị nội dung vài bản tường trình của các nhóm nghị phụ.

1. Nhóm Bồ đào nha do Ðức Cha Gabriel Mbilingi , dòng thừa sai Chúa Thánh Thần, Tổng Giám Mục Phó giáo phận Lubango, bên Angola, kiêm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục miền nam Phi châu, ghi nhận có một số đề tài ít được công nghị Giám Mục này đào sâu:

- đó là đời sống thánh hiến, vai trò của các Giám Mục, Linh Mục, giáo lý viên, như những nhân viên có tư cách hòa giải.

- Việc thực thi công lý như một yếu tố thiết yêu đối với một xã hội hòa giải..

- chủ nghĩa duy bộ lạc và bài người ngoài là nguyên nhân gây ra các xung đột và vi phạm các quyền con người;

- vấn đề bùa ngải, phù thủy, như yếu tố gây ra đau khổ, sợ hãi, xung đột và bóc lột con người.

Nhóm tiếng Bồ đưa ra một số đề nghị như:

- Việc tham chiếu rõ ràng đạo lý xã hội của Hội Thánh phải thuộc về nội dung đạo lý của chúng ta trong việc rao giảng Tin Mừng và huấn giáo.

- Khi giảng dạy giáo lý, nên theo kiểu mẫu dự tòng, thúc đẩy tín hữu đích thân chọn theo Chúa Kitô.

- Cần nhấn mạnh vai trò cơ bản của đời sống thánh hiến trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, nhất là đề cao công việc của những người thánh hiến trong lãnh vực hòa giải, công lý và hòa bình, qua việc cầu nguyện, hiện diện tại các học đường, các nhà thương và các phương tiện truyền thông xã hội, thăng tiến phụ nữ, v.v.

- Ðề cao giá trị của lãnh vực chính trị như một việc phục vụ xã hội, giúp các nhà chính trị Kitô đảm trách nghĩa vụ của mình, đi từ đức tin. Tìm cách tăng cường việc huấn luyện và sự nâng đỡ của giáo dân trong các lãnh vực khác nhau trong cuộc sống, về tìm cách bổ nhiệm các vị tuyên úy cho các tầng lớp chuyên biệt như giáo sư, cảnh sát, và quân đội, v.v..

- Về các linh mục, nhóm các nghị phụ nói tiếng Bồ nhấn mạnh về đời sống và sứ vụ của linh mục như một công tác phục vụ dân Chúa, chứ không phải là quyền bính. Các linh mục hãy thực sự ở giữa dân, dành thời gian cho sứ vụ lắng nghe và hòa giải. Các linh mục cần có khả năng giúp chữa lành các vết thương và các chấn thương, đồng thời ý thức về vai trò xã hội của mình, trở thành những dụng cụ hòa giải đích thực, kể cả nơi những người ngoài Kitô giáo.

2. Nhóm tiếng Pháp E, do Cha Edoudard Tsimba , Bề trên Tổng quyền Dòng thừa sai Khiết Tâm Ðức Mẹ, quen gọi là các cha dòng Scheut, làm tường trình viên. Nhóm này nhận định rằng Phi châu, đại lục giầu tài nguyên và là đối tượng của bao nhiêu ham muốn, phải đóng góp phần của mình cho thế giới.

Các nghị phụ nhóm Pháp E đặt câu hỏi: Có thể nói về hòa bình cho một dân tộc đang chịu đói hay không? Nghèo đói có thể biện minh cho sự miệt mài chống đối nhau bằng những hành động man rợ hay không?

Nói về hòa bình có nghĩa là nói về lòng từ bi của Thiên Chúa. Chỉ có người được hòa giải với Thiên Chúa, trong an bình, mới có thể nói về hòa bình. Vì thế cần nhắc nhở giá trị quan trọng của bí tích hòa giải, sự nghiêm túc và thời gian mà tác nhân hòa giải tức là các linh mục phải dành cho vấn đề này, dành thời gian và sự chuẩn bị cần thiết để giải tội cá nhân cũng như cử hành nghi thức thống hối cộng đồng.

Nhóm Pháp E đề nghị rằng ngoài các nền tảng Kinh Thánh, cũng cần kín múc nơi nền tảng các truyền thống Phi châu qua các tục ngữ ca dao. Và mặc dù bao nhiêu điều tiêu cực xảy ra tại Phi châu, chúng ta không được thất vọng. Có bao nhiêu điều tích cực tại Phi châu đáng được thế giới chú ý. Cuộc sống và chứng tá của bao nhiêu tín hữu Kitô, nhiều khi đến độ tử đạo, đáng được nhắc nhớ như một nguồn mạch nâng đỡ đức tin. Cuộc sống và tấm gương của các nhân viên Giáo Hội, không phân biệt, là điều căn bản trong lãnh vực hòa giải. Thực vậy, đối với các tín hữu Kitô, chính nhờ hy vọng mà chúng ta được cứu thoát (Spe salvi).

3. Nhóm tiếng Pháp A, do Cha Gérard Chabanon, Bề trên Tổng quyền dòng Thừa sai Phi châu, quen gọi là các cha dòng Trắng, làm tường trình viên, đã đặc biệt nhấn mạnh đến hai phương pháp tiếp cận vấn đề, đó là tố giác và loan báo. Tố giác những bất công bằng cách tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa của chúng, và loan báo, công bố những cố gắng những chính sách tiến hành theo hướng đi đúng.

Có hai đề tài lớn được nhóm Pháp A đặc biệt quan tâm:

- Trước tiên là gia đình: tế bào cơ bản của xã hội và của các cộng đồng Kitô. Gia đình đang bị đe dọa vì nạn nghèo đói, cai trị kém, những khó khăn trong việc cho con cái cắp sách đến trường, bạo hành và sự vô trách nhiệm của những người cha gia đình, bỏ rơi vợ con.

- Tiếp đến là Hồi giáo. Ðây là một đề tài được thảo luận nhiều. Tình trạng khác nhau tại Phi châu, đặc biệt giữa Bắc và Nam sa mạc Sahara. Ðặc tính Arập và Phi châu không luôn luôn có cùng giá trị. Có thể phát triển sự đối thoại bằng cuộc sống và đối thoại xã hội giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo. Các nghị phụ trong nhóm đặc biệt nhấn mạnh rằng chúng ta cần đòi hỏi tự do lương tâm cho các tín hữu và nhấn mạnh tính chất hỗ tương trong việc phụng tự.

Cần dành cho các tôn giáo cổ truyền của Phi châu một chỗ đứng quan trọng hơn trong các suy tư của chúng ta.

4. Nhóm Anh Pháp Hỗn hợp, do Ðức Cha Jean Mbarga , Giám Mục giáo phận Ebolowa bên Camerun làm tường trình viên. Các nghị phụ nhóm này nhìn nhận rằng vấn đề bộ tộc trong Giáo Hội vẫn là một thách đố lớn. Có thể tìm được một sự quân bình giữa những tiến triển thần học và mức độ rộng lớn của các thảm trạng con người ở Phi châu mà các nghị phụ cần mang lại câu trả lời; hoạt động ngôn sứ của các Ủy ban Công lý và hòa bình đáng được chú ý nhiều hơn. Sự phân tích các cuộc xung đột ở Phi châu sẽ giúp đào sâu các nguyên nhân chính yếu như sự bóc lột các tài nguyên thiên của Phi châu là nguyên do có tính cách quyết định hơn cả chủ nghĩa bộ lạc mà người ta thường nói.

Nhóm Nghị Phụ Anh Pháp hỗn hợp nhìn nhận rằng Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu này là một hồng ân của Thiên Chúa cho toàn Giáo Hội và cho cả nhân loại nữa. Sự hiệp thông của Giáo Hội cũng là một sức mạnh phải giúp người Phi châu đương đầu với những thách đố của họ trong niềm hy vọng nơi sự sống lại và với sự liên đới hoàn vũ trọn vẹn. Niềm tin nơi Chúa Kitô, vốn là một đặc tính của các Kitô hữu, mang lại cho mọi người, đặc biệt là dân Phi châu, một khả năng thực sự thông truyền trong toàn đại lục tinh thần hòa giải, công lý và hòa bình. Ðây thực là một lời nhắc nhở cho tất cả mọi người Phi châu về sự dấn thân truyền giáo và làm ngôn sứ, để trong mọi nơi và mọi thời, họ trở thành dấu chỉ và dụng cụ của một Phi châu được hòa giải, được bình định và được công lý.

5. Nhóm tiếng Anh A, do Ðức cha Anthony John Valentine Obinna, Tổng Giám Mục giáo phận Owerri, bên Nigeria làm tường trình viên, cho biết các thành viên trong nhóm đã cảm nghiệm một cách tích cực và lành mạnh về sự hiệp thông Giáo Hội qua Thượng Hội Ðồng Giám Mục này, và sẽ thông truyền cho toàn thể các Giáo Hội địa phương và các cơ quan liên hệ.

Nhóm nhận thấy có nhu cầu cấp thiết cần chữa lành tâm hồn, lương tâm chúng ta bị tổn phương vì các thứ tội lỗi cá nhân và xã hội: từ sự ích kỷ cho đến chủ nghĩa duy bộ lạc, chế độ bộ tộc, phe phái nhiều khi cũng không vắng bóng trong các giáo hội địa phương. Thượng Hội Ðồng Giám Mục này giúp chúng tôi đào sâu ý thức về những vết thương đó và thúc giục chúng ta chữa lành chúng.

Nhóm Anh ngữ A cũng đề nghị cần củng cố gia đình Phi châu: những lời lên án mà thôi thì không đủ, cần phải đề ra những sáng kiến tích cực để chữa lành những hoàn cảnh hôn phối bị rối.

Ngoài ra, để đáp lại nhiều nạn nhân bất công ở Phi châu, những thai nhi chưa sinh ra bị hủy diệt, các trẻ mồ côi, trẻ em bụi đời, tật nguyền, các tù nhân, các cộng đoàn bị bách hại và gạt ra ngoài lề xã hội, cần kiến tạo những cơ cấu công lý, hòa bình, quan tâm săn sóc mục vụ, cảm thông và thiện cảm giữa lòng Giáo Hội và xuất phát từ Giáo Hội. Nhóm này không quên đề nghị dùng cuốn toát yếu giáo huấn xã hội Công Giáo như văn bản bắt buộc trong việc huấn luyện giáo dân.

6. Nhóm Anh ngữ C, do Cha Obiora Francis Ike , Giám đốc Học viên Công Giáo về phát triển, Công lý và hòa bình ở Enugu, Nigeria, làm tường trình viên, đề nghị củng cố các cơ cấu nhắm tăng cường sự hiệp nhất của hàng Giám Mục trong các cộng đoàn Giáo Hội tại các đại lục, trong tình liên đới và đồng trách nhiệm đối với nhau. Cần củng cố Liên Hội Ðồng Giám Mục Phi châu và Madagascar, gọi tắt là Secam, duyệt lại tổ chức này để trở thành một cơ cấu của hàng Giám Mục đại lục, hữu hiệu về phương diện mục vụ, để phục vụ các nhu cầu của Phi châu, các nước thành viên sẵn sàng đóng góp nhân lực và tài lực cho tổ chức này.

Các Giám Mục thuộc nhóm Anh Ngữ C quan tâm đến tự do đi lại và quyền của những người di dân và công nhân đang phải chịu các chính sách hạn chế trên thế giới, và họ thường phải chịu những điều kiện sống vô nhân đạo. Tại nhiều quốc gia, người ta nhận thấy trào lưu kỳ thị chủng tộc và bài nước ngoài đang gia tăng, và nhiều người Phi châu phải chịu sự đối xử vô nhân đạo như vậy. Cần phải đối xử với con người theo phẩm giá và trong niềm tôn trọng tại các nước mà họ đi tới. Các Giám Mục cho biết: Về phần mình, chúng ta cũng phải tìm hiểu xem tại sao bao nhiêu người trẻ, thường là những người có nghề nghiệp chuyên môn, lại bỏ đất nước của mình như vậy.

Ngoài ra, cần thành lập những ủy ban tại mỗi giáo phận ở Phi châu để thăng tiến phẩm giá và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội và trong xã hội... Cần tăng cường việc huấn luyện cho các nhân viên mục vụ. Các nhân viên này phải nhấn mạnh về sự phổ biến ý niệm về phẩm giá của lao công, về sự di động của số tiền tiết kiểm, sử dụng kế hoạch hóa thích hợp và kiến tạo các ngân hàng tiểu tín dụng để nâng đỡ những người tiết kiệm cỡ nhỏ, các giới chủ xí nghiệp, cũng như tài trợ các dự án nông nghiệp, trường học, các cơ cấu có thể bảo đảm cho Giáo Hội tự lập về tài chánh.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page