Thảm cảnh sống

của các nạn nhân động đất tại Aquila

 

Thảm cảnh sống của các nạn nhân động đất tại Aquila.

Aquila, Italia (Avvenire 12-4-2009; SD 14-4-2009) - Phỏng vấn Ðức Cha Giuseppe Molinari, Tổng Giám Mục Aguila, về thảm cảnh sống của dân chúng trong trận động đất vùng Aquila miền trung Italia ngày 6-4-2009.

Ngày 14-4-2009 Ðức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia, đã đến viếng thăm và ủy lạo các nạn nhân bị động đất tại thành phố Aquila và vùng phụ cận. Ðược Ðức Tổng Giám Mục Giuseppe Molinari, Giám Mục sở tại tháp tùng, Ðức Hồng Y đã viếng thăm các bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện tạm thời, rồi gặp gỡ dân chúng. Ban chiều ngài đã thăm trung tâm phối hợp hoạt động của tổ chức Caritas, gặp gỡ thứ trưởng Guido Bertolaso đặc trách việc bảo vệ dân chúng và chủ sự thánh lễ cho các tín hữu. Ðức Hồng Y cũng cho biết Hội Ðồng Giám Mục Italia dành thêm 2 triệu Euros nữa, cộng với 3 triệu trong những ngày trước đây để góp phần cứu trợ các nạn nhân. Ngoài ra Chúa Nhật 19-4-2009 tại các nhà thờ công giáo trên toàn nước đã có cuộc lạc quyên trợ giúp các nạn nhân động đất.

Như đã biết trận động đất xảy ra trong vùng Aquila miền trung Italia ngày 6-4-2009 đã khiến cho hơn 290 người chết, hàng ngàn người bị thương và 40,000 người phải sống trong các trại tị nạn. Chính Ðức Cha Giuseppe Molinari, Tổng Giám Mục giáo phận và 40 linh mục của ngài cũng phải sống trong lều như mọi người. Ðức Cha ngủ trong một chiếc lều trong vườn của một người chị. Tình hình càng thê thảm hơn vì trong các ngày vừa qua trời đã mưa lớn khiến cho nhiều lều bị ngập nước, và dân chúng lại phải dời lều đi chỗ khác. Tuy đã là mùa xuân nhưng ban đêm khí hậu miền núi còn lạnh tới 1-2 độ, và trên vùng cao hơn ban đêm có khi xuống dưới không độ. Dân chúng tiếp tục sống trong lo âu vì đất vẫn tiếp tục rung.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Giuseppe Molinari, Tổng Giám Mục Aguila, về thảm cảnh sống của dân chúng trong trận động đất vùng Aquila miền trung Italia ngày 6-4-2009.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, Ðức Cha có suy tư nào khi cùng dân chúng sống cảnh nạn nhân của trận động đất vừa qua, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh và lễ Phục Sinh?

Ðáp: Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng: nếu hạt lúa rơi xuống đất và chết đi thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt. Nhưng đây là điều đi ngược lại với tâm thức của con người, vì không ai muốn chấp nhận rằng từ cái chết có thể nẩy sinh ra sự sống. Chỉ khi nhìn lịch sử cuộc đời của Chúa Giêsu với các khổ đau Người phải gánh chịu, chúng ta mới có thể hiểu rằng khổ đau có thể có một sự phong phú ngoại thường. Ðàng khác toàn lịch sử nhân loại là một Ðàng Thánh Giá của con người và các dân tộc.

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đanh cùng với Chúa Giêsu đã bị thu hút bởi vị Thầy trẻ tuổi thành Nagiarét Người rao giảng tình yêu thương và sự sống vĩnh cửu của Chúa, và anh ta thành công trong việc đương đầu với cái chết mà không buông lời nguyền rủa. Khi nhìn Chúa Giêsu anh ta trao ban cho nỗi khổ đau của mình một ý nghĩa và cầu xin với Chúa: "Lậy Thầy, xin nhớ tới tôi khi Thầy vào Vương quốc của Thầy". Còn người trộm kia thì không, vì đối với anh ta cuộc sống vẫn là một điều vô lý, khép kín cho niềm hy vọng và vô nghĩa. Do đó anh ta nói phạm thượng cho tới phút cuối cùng. Ðối với tôi nó là dụ ngôn diễn tả thái độ sống của toàn nhân loại.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, trong thánh lễ an táng các nạn nhân Ðức Cha đã nhắc nhớ tới gương mặt của một số các anh chị em giáo dân, mà Ðức Cha "vẫn mang trong tim". Ðức Cha muốn nói đến những ai vậy?

Ðáp: Ðó là một số trong biết bao nhiêu người dân Aquila mà tôi quen biết gia đình và cuộc đời tư của họ. Chẳng hạn như bà Patrizia, vợ ông Maurizio Cora và các con gái là Alessandra hát rất hay và Antonella đã chết ngày thứ sáu Tuần Thánh tại nhà thương Gemelli. Chính tôi đã rửa tội cho cả hai. Hay Maria Paola và Domenico là các con của nhà báo Giustino Parisse, và thân phụ là ông Domenico sống tại Onna, là nơi bị trận động đất tàn phá nặng nề nhất. Hoặc Claudio Fioravanti và vợ là bà Franca. Bà đã là một trong các người bị chết. Tôi còn nhớ ngày 19 tháng 3 (năm 2009) vừa qua bà Franca đã đọc sách thánh trong thánh lễ tôi cử hành tại trung tâm tiếp đón của các nữ tu Zelatrici tỉnh Aquila. Khi kể tên họ, tôi cố ý nhớ đến tất cả những người đã chết và từng người một. Dĩ nhiên thảm cảnh này cho thấy nỗi khổ đau lớn lao của mọi người cũng liên hệ tới chúng ta nữa.

Hỏi: Khi viếng thăm dân chúng trong các trại tị nạn những ngày này, Ðức Cha nhận thấy những gì? Người dân xin gì nơi vị chủ chăn của họ?

Ðáp: Nhiều người chỉ thinh lặng không nói gì, nhưng trên gương mặt của họ lộ hiện tất cả sự bất lực trước một thử thách lớn lao như vậy. Nhưng cũng có người nói rằng họ tin tưởng nơi Thiên Chúa, là Ðấng giúp họ ra khỏi thảm cảnh này. Có một nữ giáo lý viên đã xin tôi chúc lành cho chị vì chị sợ chết. Chúng tôi đã cầu nguyện với nhau, và tôi nói với chị ấy rằng tôi cũng sợ chết. Tôi đã ban phép lành cho chị và chị ấy đã ra đi với gương mặt ngời sáng và nụ cười trên môi. Có biết bao nhiêu dấu chỉ bé nhỏ của niền hy vọng nơi lòng tin, vì chỉ ai tin nơi Chúa Kitô mới có thể nhìn xa hơn tất cả các cảnh buồn thương này.

Hỏi: Thảm cảnh của trận động đất cũng đã khơi dậy sự thi đua trong tình liên đới. Toàn nước, các cơ cấu và dân chúng đang gia tăng các nỗ lực trợ giúp, mặc dù có vài trục trặc trong việc phân phối, có đúng thế không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Vâng. Ðây là điều rất tốt lành và là một an ủi, khi trông thấy tinh thần thi đua liên đới với các nạn nhân. Ông Renato Schiffani, Chủ tịch Thượng Viện và phu nhân đã đến viếng thăm các nạn nhân. Tôi đã tháp tùng họ đi thăm trại tị nạn tại Armi. Có một nữ bác sĩ đã thẳng thắn phê bình các nhà chính trị là chỉ đến thăm người tị nạn để chụp hình quảng cáo, trong khi dân chúng tại trại tị nạn thiếu lò sưởi để chống lại cái lạnh giá buốt ban đêm. Tôi đã đánh giá cao cuộc viếng thăm này. Dĩ nhiên có người giận dữ nhìn một cái cây và quên đi cả cánh rừng. Ðúng thật là còn thiếu thốn rất nhiều thứ, nhưng chúng ta phải cám ơn các anh chị em đã đến trợ giúp chúng ta. Chẳng hạn như một nhân viên cứu hỏa tỉnh Bergamo đã chết vì bị đứng tim, khi trợ giúp các nạn nhân, hay những người hy sinh kỳ nghỉ lễ để đến giúp đỡ các anh chị em bị nạn. Ðó là cả một dòng sông của tình liên đới. Và chỉ vì thiếu cái này cái nọ mà không nhận ra tình liên đới đó, thì thật là không xây dựng tí nào. Cũng có một vài chính trị gia địa phương chỉ trích chính quyền là lợi dụng người tị nạn cho các mục đích bầu cử. Tôi thấy đó là điều bất lợi, vì đây là lúc mọi người cần phải hiệp nhất với nhau, chứ không được nghĩ tới việc tái chiếm các chiến thắng chính trị.

Hỏi: Như là các Giám Mục của vùng đất này, Ðức Cha có đặt vấn nạn tại sao tai ương này lại xảy ra trong vùng này hay không. Theo Ðức Cha có thể nói tới một chương trình quan phòng hay không?

Ðáp: Có một câu Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nói trong buổi đi đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nếu tôi không lầm: đó là có một dự án được Thiên Chúa nhắm tới để dậy dỗ chúng ta điều gì đó. Thiên Chúa không cần đến các tai ương, nhưng Ngài có thể khiến cho các tai ương đó trở thành dịp giúp con người suy tư và có các lựa chọn khác nhau. Và đối với những người ngủ mê trong những điều mau qua, nó có thể là một dịp của ơn thánh.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, có người nói rằng đó là một biến cố thiên nhiên, và con người chỉ là một phần bé nhỏ li ti của một chu kỳ thiên nhiên, còn Ðức Cha thì Ðức Cha nghĩ sao?

Ðáp: Trong giáo lý chúng ta đã học biết tội tổ tông là gì. Ðôi khi chúng ta đã khiến cho ý nghĩa của nó trở thành trống rỗng, bằng cách giản lược nó vào chuyện trái táo và bà Evà. Ông Môshê đã phải giải thích cho một dân sống về nghề du mục các điều lớn lao. Nhưng khởi đầu lịch sử đã xảy ra một điều tàn phá. Con người đã đánh mất đi lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa. Tương quan thân tình của con người với Thiên Chúa đã bất thình lình trở thành sự sợ hãi. Và điều này cũng đã âm hưởng trên thiên nhiên. Nếu ông Ađam và bà Evà đã tiếp tục tin tưởng nơi Thiên Chúa và không tin nơi Con Rắn, thì có gì ngăn cản chúng ta tin rằng giữa con người và thiên nhiên cũng có môt tương quan khác, thanh bình và không xung khắc với nhau? Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của chúng ta. Ông bà nguyên tổ đã lựa chọn sự dữ nên chúng ta phải trả một giá nào đó. Nhưng khi chấp nhận cái chết, Chúa Giêsu đã khiến cho cái chết ra khỏi hang của nó. Có một giáo phụ đã nói rằng cái chết đã nuốt trửng Thiên Chúa, xem ra là một thụ tạo nghèo nàn, mà không biết rằng nó đã nuốt cái chết của chính mình.

Hỏi: Ðất tiếp tục rung, khiến cho nhà cửa bị sập và dân chúng than khóc những người đã chết. Ðức Cha muốn nói gì với những người sợ hãi?

Ðáp: Triết gia Georges Bernanos đã nói rằng khi đổ mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu, với sự sợ hãi của Ngài Ðức Giêsu đã thánh hóa sự sợ hãi của chúng ta. Cả tôi nữa sau 47 năm làm linh mục tôi cũng đến gần những người đã mất đi một người con với sự sợ hãi. Có người hỏi tại sao vậy? Có người khác lấy làm qúy vì có người bên cạnh để giúp đỡ họ thắng vượt được nỗi khổ đau, cầu nguyện và tin vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng chúng ta chỉ hiểu được điều này, nếu Chúa ban cho chúng ta lòng tin. Có một thi sĩ Kitô nói rằng cuộc sống của chúng ta là một vần của một từ trong một câu chuyện dài như sự vĩnh cửu. Làm sao từ một vần của một từ mà chúng ta có thể hiểu được ý nhgĩa của câu chuyện đó? Với sự khiêm tốn của lòng tin chúng ta phải nói rằng: tôi không hiểu, nhưng lậy Chúa, con tin nơi chứng tá của Chúa. Ai không tin thì khó mà có thể sống chung với sự vô lý của cuộc sống. Và rốt cuộc thì họ khước từ sự sống. Các tín hữu Kitô không có sẵn câu trả lời trong túi đâu. Họ cũng bước đi trong cùng một đường hầm tối tăm với người không có lòng tin. Nhưng chúng ta tiến bước, vì chúng ta tin rằng ở cuối đường hầm có ánh sáng.

(Avvenire 12-4-2009; SD 14-4-2009)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page