Tự do tôn giáo

theo giáo huấn của Giáo hội Công giáo

 

Tự do tôn giáo theo giáo huấn của Giáo hội Công giáo: đây là đề tài của chuyên mục Công giáo và nhân quyền tuần này của chúng tôi...

(Radio Veritas Asia 15/10/2009) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong kháng thư số 28 đề ngày thứ Hai 12 tháng 10 năm 2009, ban đại diện lâm thời của Khối 8406 đã lên tiếng phản đối nhà cầm quyền cộng sản Việt nam xử tù các nhà dân chủ và tiếp tục đàn áp các tôn giáo.

Kháng thư mở đầu với ghi nhận như sau: "Trong thời gian chuẩn bị đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lần 2 và sau khi đảm nhận chức vụ ấy vào tháng 10-2009, với cuộc họp đầu tiên mang chủ đề "Phụ nữ, hòa bình và an ninh", nhà cầm quyền cộng sản Việt nam đã chứng tỏ mình có một quan niệm về hòa bình và an ninh khác hẳn thế giới, thách thức công luận qua những việc sau đây:

Ðối với các tôn giáo: Ngày 14-09-2009, lợi dụng lúc hai vị Giám mục cai quản Tổng giáo phận Công giáo Huế ra hải ngoại công tác, toàn bộ lãnh đạo chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Phú Lộc, thị trấn Lăng Cô đã huy động lực lượng công an, cảnh sát, dân quân, "quần chúng tự phát", thầy cô trường Tiểu học Lăng Cô, với số lượng khoảng 1,500 người và trang bị phương tiện hiện đại, đến bao vây giáo xứ Loan Lý thuộc huyện Phú Lộc, trấn áp gần 800 giáo dân, để cướp trắng ngôi trường của họ rồi vội vã xây tường bao quanh hầu chiếm đoạt vĩnh viễn.

Ngày 27-09-2009, nhà cầm quyền Cộng sản tỉnh Lâm Ðồng, thị xã Bảo Lộc đã huy động lực lượng công an, dân quân, côn đồ và nhiều thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam công cụ, con số lên tới cả ngàn người, đến bao vây tu viện Bát Nhã tọa lạc tại thôn 13, xã Ðamb'ri, thị xã Bảo Lộc để đập phá cơ sở, hành hung tăng ni, bắt bớ sư trưởng, trục xuất 400 tu sinh nam nữ, đa phần trẻ tuổi, ra khỏi tu viện này ngay dưới cơn mưa. Dù được sư trụ trì chùa Phước Huệ gần đó cho tạm trú, số tăng sinh này vẫn bị nhà cầm quyền tiếp tục sách nhiễu, ép buộc hoàn tục hay trở về quê quán.

Ngày 28-09-2009, lúc gần 17 giờ, lợi dụng cơn bão số 9 (Ketsana) đang thổi vào Quảng Nam, Ủy ban Nhân dân quận Sơn Trà, thành phố Ðà Nẵng, đã huy động hàng trăm công an chận tất cả con đường quốc lộ dẫn vào nhà thờ của một Giáo xứ Công giáo tọa lạc tại An Hải Tây, Sơn Trà, Ðà Nẵng, cho hai xe ủi múc xông vào tận khuôn viên Giáo xứ ủi sập trường Khiết Tâm, một trường học hai tầng mà sau năm 1975 Giáo xứ đã cho nhà cầm quyền mượn tạm làm cơ sở giáo dục. Ðến trưa hôm sau, 29-09-2009, khi cơn bão đã suy yếu, giáo dân tràn được vào khuôn viên nhà thờ, thì lực lượng phá hoại mới rút lui, nhưng ngôi trường Khiết Tâm hầu như đã trở thành bình địa."

Trên đây là một số diễn tiến mới nhứt cho thấy chính quyền cộng sản Việt nam đã tỏ ra không tôn trọng quyền tự do tôn giáo hay, --- như khối 8404 nhận định, --- chính quyền cộng sản Việt nam "có một quan niệm về hòa bình và an ninh khác hẳn với thế giới". Nhưng qua các cuộc đàn áp trên đây, một cách tổng quát hơn, người ta cũng thấy rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt nam có một quan niệm về nhân quyền, đặc biệt về quyền tự do tôn giáo, nếu không khác thì cũng hoàn toàn đi ngược lại với quan niệm chung của thế giới về nhân quyền và cách đặc biệt về tự do tôn giáo. Một quan niệm về tự do tôn giáo được thể hiện một cách cụ thể qua các cuộc đàn áp tôn giáo trên đây dĩ nhiên hoàn toàn đi ngược lại với giáo huấn của Giáo hội Công giáo về nhân quyền và tự do tôn giáo.

Chúng tôi muốn nhân dịp này ôn lại vài điểm nòng cốt trong giáo huấn của Giáo hội về tự do tôn giáo.

Hôm 8 tháng 10 năm 2009, tại Warsawa, Ba lan, trong bài phát biểu tại phiên họp của Tổ Chức an ninh và hợp tác Âu Châu, gọi tắt là Osce, mà Tòa Thánh là thành viên, Ðức cha Anthony Fronteiro, đại diện của Tòa Thánh đã khẳng định rằng tự do tôn giáo là chìa khóa để thẩm định sự tôn trọng đối với các quyền tự do khác.

Nhắc lại tuyên ngôn về tự do tôn giáo mà Hội đồng an ninh và hợp tác Âu châu đã đưa ra tại Helsinki, Phần Lan, hồi năm 1975, đại diện của Tòa Thánh nói rằng lúc đó, "các quốc gia thành viên đã ý thức rằng nếu không bảo vệ các giá trị thánh thiêng nhứt của Âu Châu, trong đó có việc tuyên xưng và thực hành niềm tin, thì tất cả mọi tự do khác, như báo chí, ngôn luận, lương tâm đều dễ bị tổn thương".

Dựa trên tuyên ngôn của Công đồng Vatican II, Ðức cha Fronteiro nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo là một quyền xây dựng "trên phẩm giá và bản chất đích thực của con người". Theo Giáo hội, quyền này phản ánh sự kiện "tất cả mọi người đều có lý trí và ý muốn tự do và như vậy cũng có trách nhiệm cá nhân".

Vị đại diện của Tòa thánh tại Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu khẳng định: "Tự do tôn giáo là một quyền cơ bản và quan trọng hơn cả quyền tự do phát biểu".

Sự kiện Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu cổ võ cho tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo hay tự do niềm tin cho thấy rõ ràng rằng niềm tin tôn giáo "không nên bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ hoặc bị xem như một điều kỳ dị hay như một tàng tích lỗi thời của quá khứ."

Cũng trong bài phát biểu tại cuộc gặp gỡ của Tổ Chức An Ninh và hợp tác Âu châu, đại diện của Tòa Thánh nhắc lại sự cần thiết phải tách biệt rõ ràng giữa Nhà nước và tôn giáo. Tuy nhiên, theo Tòa Thánh, tôn giáo không thể tách khỏi đời sống xã hội và văn hóa, bởi vì tôn giáo đóng góp một cách thiết thực và tích cực cho các xã hội.

Như vậy, theo Tòa Thánh, tự do tôn giáo phải được xem như "một quyền cơ bản và tự nhiên, phải được đồng hiện hữu với những nghĩa vụ của cộng đồng chính trị để bảo đảm trật tự công cộng và an ninh".

Với cái nhìn trên đây của Giáo hội về tự do tôn giáo, người Công giáo chắc chắn không thể nào chấp nhận những hành động đàn áp tôn giáo như đã và đang xảy ra tại cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam.

Như tuyên ngôn của Tổ Chức an ninh và hợp tác Âu Châu, được đại diện Tòa Thánh lập lại, đã khẳng định, nếu quyền tự do tôn giáo không được nhìn nhận và tôn trọng, thì các quyền khác cũng dễ bị tổn thương.

Ðây là điều mà người ta có thể thấy được rõ ràng tại Việt nam: việc chối bỏ và chà đạp quyền tự do tôn giáo cũng đương nhiên dẫn đến việc đàn áp các quyền khác, trong đó có quyền tự do ngôn luận.

Trong kháng thư số 28, đại diện của Khối 8406 vừa lên án việc bách hại tôn giáo vừa tố cáo việc đàn áp các nhà tranh đấu cho dân chủ, tức những người thực thi tự do ngôn luận. Nhắc đến sự kiện Thủ tướng Việt nam ban hành Quyết định 97 cấm các tổ chức khoa học công nghệ, "không được công bố công khai những kết quả nghiên cứu trái với đường lối chủ trương của Ðảng và nhà nước", Khối 8406 gọi "đây là hành vi ngang nhiên bịt miệng giới trí thức nói riêng và tất cả những ai trong xã hội nói chung dám lên tiếng phê bình chủ trương chính sách của đảng Cộng Sản. Ðiều này đã khiến Viện Nghiên cứu Phát triển ra Tuyên bố ngày 14-09-2009, lên án văn bản phi pháp, độc đoán này, rồi quyết định "tự giải thể để biểu thị thái độ".

Thêm một sự kiến khác cho thấy quyền tự do ngôn luận cũng bị chối bỏ và chà đạp tại Việt nam, đó là trong các ngày 6, 7, 8 và 9-10-2009, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã dựng lên hai phiên tòa tại Hà Nội và một phiên tòa tại Hải Phòng để xử án 9 nhà đấu tranh dân chủ, với nhiều biện pháp vô luật, man rợ như hăm dọa gia đình các bị can trước ngày xử; cấm cản hoặc hạn chế tối đa sự có mặt của thân nhân, báo giới, công chúng trong ngày mở phiên tòa; không cho có luật sư bào chữa, hoặc kết án bị can bất chấp lời bào chữa hợp lý của luật sư; xét xử vội vàng và kết án mau lẹ; ngăn cản báo giới quốc tế phỏng vấn thân nhân các bị can sau phiên tòa; thông tin xuyên tạc trên báo chí về toàn bộ vụ việc..."

Tòa khâm sứ cũ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, Bát Nhã, Sơn Trà... và các phiên tòa xét xử các nhà tranh đấu cho dân chủ: tất cả chứng minh rằng một khi tự do tôn giáo là quyền cơ bản nhứt của con người bị chối bỏ và chà đạp, thì các quyền tự do khác như báo chí, ngôn luận, phát biểu cũng bị chối bỏ và chà đạp.

Với khẳng định trên đây của Tòa Thánh về tự do tôn giáo, chúng tôi xin tạm ngưng mục Công giáo và nhân quyền tuần này tại đây. Xin thân ái chào quý vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Năm tuần sau.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page