Thánh lễ và sứ điệp Phục sinh

của Ðức Thánh Cha

 

Thánh lễ và sứ điệp Phục sinh của Ðức Thánh Cha.

Vatican (Vat. 12/04/2009) - Thánh lễ Phục sinh cử hành tại thềm đền thờ thánh Phêrô vào lúc 10 giờ 15 sáng ngày 12 tháng 4 năm 2009 mang nhiều sắc thái độc đáo, không phải bởi vì những tràng hoa muôn sắc, nhưng vì tính cách hoàn vũ của nó, được biểu lộ qua những khuôn mặt thuộc rất nhiều dân tộc trên thế giới trong số 40 ngàn người hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô, cũng như qua 63 ngôn ngữ của 5 lục địa mà đức thánh cha đã xướng lên khi gửi lời chúc mừng sau đi đọc sứ điệp.

Thực ra đức Bênêđictô XVI đã cử hành thánh lễ Phục sinh vào đêm vọng, với việc ban các bí tích khai tâm cho 5 dự tòng. Kế đến vào lúc 10 giờ 15 sáng, ngài chủ sự thánh lễ trên thềm đền thánh Phêrô. Phụng vụ mở đầu với nghi thức Chúa Kitô gặp gỡ thánh Phêrô dựa theo chứng tích của Tân ước, và được diễn tả qua việc vị kế nhiệm thánh Phêrô hôn kính bức icôn Chúa Kitô.

Ba bài đọc Sách thánh được công bố bằng tiếng Tây ban nha, Anh, Ý. Năm ý chỉ lời nguyện phổ quát được xướng bằng tiếng Pháp (cầu cho đức thánh cha), Ðức (cầu cho hàng giám mục), Ả rập (cầu cho các nhà cầm quyền), Do thái (cầu cho những người chịu đau khổ về tinh thần hay thân xác), tiếng Bồ đào nha (cầu cho những người đã qua đời).

Sau bài Tin mừng, đức Bênêđictô XVI đã đọc một bài giảng ngắn trước khi hát kinh Tin kính, chú trọng đến cuộc sống mới mà thánh Phaolô đã đề cập trong bài đọc thứ hai. Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 55. Ðức Thánh Cha đã lui vào trong đền thờ để tiến lên bao lơn đọc bài sứ điệp Phục sinh, với nội dung là Chúa Kitô niềm hy vọng của chúng ta. Ðối lại với những triết thuyết duy vật và hư-vô chỉ giới hạn cuộc sống con người vào cuộc đời hiện tại, Chúa Kitô Phục sinh mở đường hy vọng về một cuộc sống bất tận. Tuy sự sống ấy đã khai mào với cuộc phục sinh của Ðức Kitô, nhưng Người muốn các môn đệ tiếp tục gieo vãi mầm sống ấy vào thế giới hôm nay, đem lại niềm hy vọng vào những nơi còn bị đè nặng bởi lo âu sợ hãi. Sau đây là nguyên văn sứ điệp:

 

Anh chị em thân mến ở Rôma và trên toàn thế giới

Tôi xin mưọn lời thánh Augustinô để gửi lời chúc mừng lễ Phục sinh đến anh chị em: "Resurrectio Domini, spes nostra- Cuộc phục sinh của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta" (Sermo 261,1). Với lời khẳng định này, vị đại giám mục giải thích cho các tín hữu rằng Chúa Giêsu sống lại ngõ hầu chúng ta, tuy mang thân phận phải chết, nhưng không bị thất vọng khi nghĩ rằng với cái chết thì cuộc sống cũng chấm dứt. Không, Chúa Kitô đã sống lại để mang lại cho chúng ta niềm hy vọng.

Thực vậy, một trong những câu hỏi gây ra khắc khoải cho cuộc sống của con người là: sau khi chết còn cái gì nữa không? Ðại lễ hôm nay cho phép chúng ta trả lời cho bí ẩn ấy: không phải sự chết sẽ nói lời chung cục, bởi vì sau cùng kẻ chiến thắng là Sự sống. Niềm xác tín của chúng ta không dựa trên những lý luận đơn giản của loài người, nhưng là trên một sự kiện lịch sử của đức tin. Ðức Giêsu Kitô, kẻ đã bị đóng đinh và mai táng, đã sống lại với thân thể vinh hiển. Ðức Giêsu đã sống lại, để cho chúng ta là những kẻ tin vào Người, có thể có sự sống muôn đời. Lời loan báo nằm ở trọng tâm của sứ điệp Tin mừng. Thánh Phaolô đã khẳng khái tuyên bố: "Nếu đức Kitô không sống lại thì lời giảng của chúng tôi rỗng tuếch, lòng tin của anh em cũng rỗng tuếch" (1Cr 15,14.19). Từ hừng đông lễ Phục sinh, một mùa xuân mới của hy vọng đã tràn ngập trái đất; từ hôm ấy, cuộc phục sinh của chúng ta đã khởi đầu, bởi vì lễ Phục sinh không chỉ đánh dấu một thời điểm của lịch sử mà còn mở đầu một tình thế mới. Ðức Kitô đã sống lại không phải bởi vì các môn đệ còn lưu trữ trong tâm khảm ký ức về Người, nhưng bởi vì chính Người đang sống trong chúng ta, và trong Người chúng ta đã bắt đầu hưởng niềm vui của cuộc sống vĩnh cửu.

Do đó, sự phục sinh không phải là một lý thuyết nhưng là một thực tại lịch sử được mặc khải do Con Người Giêsu Kitô nhờ sự vượt qua, mà Người đã mở ra một đường mới giữa đất với trời (xc Dt 10,20). Ðó không phải là một huyền thoại, một giấc mộng, không phải là một thị kiến hay một mơ ước, mà là một biến cố độc nhất vô nhị: đức Giêsu Nadaret, con của bà Maria, kẻ đã được hạ xuống khỏi thập giá và an táng vào chiều thứ sáu, Người đã rời bỏ ngôi mộ cách khải hoàn. Thực vậy, vào rạng đông của ngày thứ nhất tiếp sau ngày sabat, ông Phêrô và ông Gioan đã nhận thấy ngôi mộ trống rỗng. Bà Mađalena và các phụ nữ khác đã gặp Chúa Kitô phục sinh; hai môn đệ Emmaus cũng nhận ra Người vào lúc bẻ bánh; Chúa Phục sinh đã hiện ra với các tông đồ vào buổi tối trong nhà Tiệc ly, và tiếp đó hiện ra với các môn đệ ở Galilê.

Việc loan báo cuộc phục sinh của Chúa chiếu soi những vùng tối tăm trên thế giới mà chúng ta đang sống. Cách riêng tôi muốn nói về thuyết duy vật và thuyết hư-vô, về vũ trụ quan không biết vươn lên cao hơn điều mà kinh nghiệm có thể kiểm chứng, và buồn sầu thu hẹp vào cảnh hư-vô như cùng đích của kiếp sống làm người. Thực ra nếu đức Kitô không sống lại, thì đúng là sự trống rỗng sẽ thống trị. Nếu chúng ta loại bỏ đức Kitô và sự phục sinh của Người, thì sự trống rỗng sẽ chiếm đoạt. Tuy nhiên hôm nay vang lên lời loan báo về sự phục sinh của Chúa Kitô, trả lời cho vấn nạn của những kẻ hoài nghi được sách Giảng viên ghi lại: "Thử hỏi trên đời này có điều gì nói được là mới lạ không? (Gv 1,10). Chúng tôi xin đáp: Có chứ: vào buổi sáng Phục sinh, mọi sự đều đổi mới: "Mors et vita duelle conflixere mirando: dux vitae mortuus regnat vivus"- Sự chết và sự sống đã đối đầu với nhau trong cuộc giao tranh kỳ diệu (thư hùng): Chúa sự sống đã chết nhưng bây giờ Người đã sống lại hiển thắng. Ðó là chuyện mới lạ. Một sự mới lạ làm thay đổi cuộc sống của kẻ nào đón nhận nó, như đã xảy ra cho các thánh, chẳng hạn như cho thánh Phaolô.

Trong khung cảnh của năm thánh Phaolô, chúng ta đã nhiều lần có dịp suy niệm về cảm nghiệm của vị đại tông đồ. Ông Saulô, kẻ quyết tâm bắt bớ các Kitô hữu, trên đường Ðamát đã gặp gỡ Ðức Kitô và đã bị Người "chinh phục". Những gì tiếp theo thì ai ai cũng đã biết. Nơi thánh Phaolô đã xảy ra điều mà về sau ông viết cho các tín hữu Corintô: "Phàm ai ở trong Chúa Kitô thì trở nên một thọ tạo mới; những chuyện cũ đã qua, này đây sinh ra những chuyện mới" (2Cr 5,17). Chúng ta hãy nhìn nhà loan truyền Tin mừng, với lòng hăng say táo bạo của hoạt động tông đồ, đã mang Tin mừng cho các dân tộc trên thế giới vào thời ấy. Lời giảng và gương sáng của ông thôi thúc chúng ta hãy đi tìm Chúa Giêsu, khuyến khích chúng ta hãy tín thác vào Người, bởi vì cảm giác hư-vô đang muốn nhiễm độc nhân loại, đã bị đè bẹp bởi ánh sáng và niềm hy vọng tràn ra từ cuộc phục sinh của Người. Những lời của thánh vịnh 139 đã trở nên hiện thực: "đêm tối không còn là đêm tối đối với ngươi nữa; đêm tối đã sáng rực như ban ngày" (Tv 139, 12). Ngay cả vương quốc của Tử thần cũng được giải thoát, bởi vì Lời của sự sống được thần khí thúc đẩy, đã thấu đến cõi âm ti (câu 8).

Quả thực sự chết không còn quyền hành trên nhân loại và thế giới nữa, tuy nhiên vẫn còn nhiều, rất nhiều dấu vết của chế độ cũ. Tuy rằng nhờ cuộc Phục sinh, Chúa Kitô đã nhổ bứng gốc rễ của sự dữ, nhưng Người vẫn còn cần nhờ những con người thuộc mọi nơi mọi chốn giúp cho Người để thiết lập cuộc chiến thắng với những khí cụ của Người: khí cụ của công lý và chân lý, của lòng khoan nhân, của tha thứ và tình yêu. Ðây là sứ điệp mà nhân chuyến viếng thăm nước Cameroun và Angola mới đây, tôi đã muốn mang đến cho toàn thể lục điạ Phi châu, và họ đã đón nhận với lòng hoan hỉ. Thực thế, châu Phi đã phải chịu đựng quá mức vì những cuộc giao tranh tàn bạo và bất tận (thường bị quên lãng), đã xâu xé biết bao quốc gia, và làm tăng thêm con số nạn nhân của nạn đói, nghèo và tật bệnh. Tôi sẽ mạnh dạn lặp lại sứ điệp đó tại Thánh địa mà tôi sẽ viếng thăm trong vài tuần nữa. Cuộc hoà giải, tuy khó nhưng không thể tránh được, bởi vì là tiền đề cho một tương lai của an ninh và chung sống hoà bình, và nó chỉ có thể trở thành thực tại nhờ những nỗ lực được đổi mới, kiên trì và thành thực, để dàn xếp cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine. Rồi từ thánh địa, tầm nhìn được mở rộng sang các nước lân cận, sang miền Trung đông, sang khắp thế giới. Trong thời buổi khan hiếm lương thực trên hoàn cầu, kinh tế rối loạn, cảnh nghèo dưới hình dạng cũ và mới, sự thay đổi khí hậu, cảnh bạo động và cùng quẫn bó buộc nhiều người phải rời bỏ quê hương để tìm một chỗ sống an toàn hơn, mối đe doạ của cảnh khủng bố đang gia tăng, những nỗi lo sợ trước cảnh bấp bênh của ngày mai, thì sự khám phá những viễn tượng mang lại hy vọng là một điều khẩn trương. Mong rằng đừng ai rút lui trong cuộc chiến an bình được mở đầu từ cuộc phục sinh của đức Kitô, Ðấng đang tìm kiếm những con người giúp củng cố sự chiến thắng với những khí cụ của Người, khí cụ của công lý và sự thật, của lòng khoan nhân, của tha thứ và tình yêu.

"Resurrectio Domini, spes nostra- Cuộc phục sinh của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta" . Hôm nay Hội thánh hân hoan công bố điều đó: Hội thánh loan báo niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã củng cố chắc chắn khi cho đức Giêsu Kitô phục sinh từ cõi chết. Hội thánh thông đạt niềm hy vọng đang ấp ủ trong tim và muốn chia sẻ với mọi người, ở khắp nơi, đặc biệt là tại những nơi mà các Kitô hữu đang chịu bách hại vì đức tin hoặc vì sự dấn thân bảo vệ công lý hoà bình. Hội thánh kêu cầu hy vọng có khả năng gợi lên lòng can đảm làm điều tốt kể cả khi phải giá đắt. Hôm nay Hội thánh hát lên "ngày mà Thiên Chúa đã làm nên" và mời gọi hãy vui mừng. Hôm nay Hội thánh nài xin đức Maria, ngôi sao của Hy vọng, để xin Mẹ dìu dắt nhân loại đến bến của sự cứu rỗi an toàn là trái tim của Chúa Kitô, Hy lễ Vượt qua, Chiên đã cứu chuộc thế gian, Ðấng vô tội đã hoà giải chúng ta là những tội nhân với Chúa Cha. Chúng ta hãy hân hoan hát lên lời Alleluia để mửng Người, là Vua hiển thắng, Ðấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại.

Sau bài sứ điệp là các lời chúc mừng với 63 ngôn ngữ khác nhau (mở đầu là tiếng Ý, rồi các ngôn ngữ châu Âu, châu Phi, châu Á, và kết thúc với tiếng maori và Samoa ở châu Ðại dương cùng với hai ngôn ngữ quốc tế là tiếng esperanto và latinh.

Phụng vụ mừng lễ Chúa Phục sinh kết thúc với phép lành ban ơn Tòan xá Urbi et Orbi , cho thành phố Rôma và cho tòan thế giới. Các tín hữu có thể lãnh ân xá qua đài truyền thanh và truyền hình. Trước đó, vị chủ sự đã đọc công thức xá giải các tội lỗi và hình phạt: "Nhờ lời chuyển cầu của Ðức Trinh nữ Maria, các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tội lỗi cho chúng ta, và ban cho chúng ta được ơn hoán cải và kiên trì làm việc thiện cho đến cùng".

 

Bình Hòa

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page