Phiên họp ngày 8-10-2009

của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II

 

Phiên họp ngày 8-10-2009 của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II.

Vatican (Vat. 8/10/2009) - Sáng 8-10-2009, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 đã nhóm phiên khoáng đại thứ 6 trước sự hiện diện của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16. Gần 230 nghị phụ đã bỏ phiếu bầu Ủy ban soạn Sứ điệp gửi toàn thể Dân Chúa vào cuối công nghị Giám Mục này.

Tiếp đó, mọi người tiếp tục nghe các nghị phụ lên tiếng phát biểu ý kiến. Nhiều vấn đề đã được các nghị phụ đề cập đến như lý thuyết về giống (gender) phủ nhận kế hoạch của Thiên Chúa xác định căn tính của người nam và người nữ, từ đó họ hủy hoại gia đình truyền thống và đề ra những luật ủng hộ phá thai và ngừa thai. Các nghị phụ cũng nói về các hoạt động của Ủy ban công lý và hòa bình, những đe dọa và thách đố do các nhóm Tin Lành tân Pentecostal đề ra, đang thu hút nhiều người trẻ đi theo họ. Vấn đề bạo lực, tham ô hối lộ cũng được bàn tới, cũng như tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông. Cuối phiên họp, các nghị phụ đã lên tiếng kêu gọi hòa bình tại Cộng hòa Dân Chủ Congo.

Việc phát biểu này còn được tiếp tục trong phiên khoáng đại thứ 7 bắt đầu lúc 4 giờ rưỡi chiều 8-10-2009.

Sau đó, vào lúc quá 6 giờ, ÐTC đã đến thính đường ở đường Hòa giải, cạnh Ðài Vatican để tham dự buổi hòa nhạc nhân dịp kỷ niệm 70 năm thế chiến thứ hai bùng nổ. Hiện diện tại buổi hòa nhạc này cũng có Tổng thống Italia, Ông Giorgio Napolitano.

Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quí vị nội dung các bài phát biểu của một số nghị phụ trong các phiên họp của những ngày qua.

1) Ðức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn và từng làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh trong 15 năm trời. Trong bài phát biểu đã nhắc đến định chế Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã được thiết lập cách đây 44 năm và cho đến nay đã có 22 khóa Thượng Hội Ðồng Giám Mục, trong đó Ðức Hồng Y đã được tham dự 12 khóa họp gần đây; nay ngài vui mừng tham dự khóa họp này, trong tư cách đại diện tượng trưng cho 185 vị thuộc Hồng y đoàn.

Ðức Hồng Y Sodano đặc biệt nói đến chương thứ 4 trong Tài liệu làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu hiện nay, nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự cộng tác giữa các Giám Mục với các Hội Ðồng Giám Mục liên hệ, và giữa các Hội Ðồng Giám Mục với Liên Hội Ðồng Giám Mục Phi châu và Madagascar. Ðức Hồng Y nói: "Cũng cần nhớ rằng trước tiên cần có sự cộng tác chặt chẽ với Tòa Thánh, nghĩa là với Ðức Giáo Hoàng và các cộng sự viên của ngài. Và tại các nước Phi châu, có các đại diện của Ðức Giáo Hoàng: 26 vị Sứ thần Tòa Thánh đang giữ liên hệ với các Giám Mục tại đại lục này cũng như đối thoại xây dựng với các chính quyền dân sự để bênh vực tự do của Giáo Hội, góp phần vào công trình hòa giải, công lý và hòa bình: là 3 mục tiêu của Công nghị Giám Mục hiện nay.

Ðức Hồng Y Sodano nhận xét rằng "Ngày nay chúng ta thấy rõ hơn thảm trạng kinh khủng do chủ nghĩa quốc gia và sự đề cao ý niệm chủng tộc gây ra. Ở Âu Châu này chúng tôi đã trải qua kinh nghiệm đau buồn trong thế kỷ vừa qua, đến độ đi tới thế chiến thứ 2, trong 5 năm trời, đã gây ra chết chóc cho 55 triệu người. Giờ đây tất cả chúng ta phải làm việc để những thảm trạng như thế không tái diễn nữa. Làm sao quên được rằng tại Phi châu cũng đã xảy ra cuộc tàn sát dữ tợn giữa các nhóm chủng tộc khác nhau và đã đảo lộn nhiều nước? Chỉ cần nghĩ đến Ruanda và các nước láng giềng! Hồi năm 1994 và những năm sau đó, ý thức hệ bộ tộc chủ nghĩa đã làm cho hơn 800 ngàn người chết, trong đó có nhiều vị Giám Mục quảng đại, các giáo sĩ và nhiều tu sĩ.

"Tôi tin rằng chúng ta cần phải tha thiết lập lại cho tất cả mọi người rằng yêu mến quốc gia chủng tộc của mình là một nghĩa vụ của Kitô hữu, nhưng chúng ta cũng phải nói thêm rằng những sai trái của chủ nghĩa quốc gia bộ tộc là điều hoàn toàn tương phản với Kitô giáo... Kitô giáo đã giúp tập hợp dân chúng tại một miền nào đó, làm nảy sinh ý niệm dân tộc hoặc quốc gia, với căn tính văn hóa riêng. Nhưng Kitô giáo luôn luôn lên án mọi sự xuyên tạc ý niệm quốc gia, sự sai trái này thường làm cho người ta rơi vào chủ nghĩa quốc gia hoặc chủ nghĩa chủng tộc, vốn là điều phủ nhận đặc tính phổ quát của Kitô giáo. Trong thực tế 2 nguyên tắc cơ bản giúp các tín hữu Kitô sống chung với nhau, đó là phẩm giá của mỗi người, và sự hiệp nhất của nhân loại.

Và Ðức Hồng Y Niên trưởng Hồng y đoàn kết luận rằng: 53 quốc gia Phi châu hiện nay sẽ được một tương lai rạng rỡ trong đại gia đình 192 nước của toàn thể gia đình nhân loại, nếu họ biết khắc phục những chia rẽ với nhau và cùng cộng tác vào sự tiến bộ vật chất cũng như tinh thần của các dân tộc liên hệ. Thượng Hội Ðồng Giám Mục này, một lần nữa, muốn chứng tỏ cho các anh chị em chúng ta ở Phi châu rằng Giáo Hội gần gũi với họ và muốn giúp đỡ họ trong sứ mạng kiến tạo hòa giải, công lý và hoà bình trên toàn đại lục".

2) Ðức Hồng Y Polycarp Pengo , Tổng Giám Mục Dar-es-Salem, thủ đô Tanzania, kiêm Chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Phi châu và Madagascar, trong bài tham luận đã nhận định rằng đề tài Công nghị Giám Mục hiện nay là điều rất cấp thiết cho Giáo Hội tại Phi châu. Ðể khai triển và đào sâu đề tài này, cần can đảm và công khai đề cập tới các vấn đề như sự ích kỷ, ham hố của cải vật chất, các vấn đề chủng tộc đưa tới xung đột và những nguyên nhân khác gây ra tình trạng thiếu hòa bình tại nhiều xã hội Phi châu, để rồi đưa ra những đường hướng mục vụ chuyên biệt. Chiến tranh và xung đột đang làm thương tổn đại lục chúng ta, chia rẽ các dân tộc, gieo rắc một nền văn hóa bạo lực và phá hủy các tế bào tinh thần, xã hội luân lý trong xã hội chúng ta.

Ðức Hồng Y nói: "Thật là buồn khi phải nhìn nhận rằng một vài vị trong số các chủ chăn chúng ta bị cáo là có dính líu tới những xung đột ấy, hoặc vì sơ sót hoặc tham gia trực tiếp. Trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục này, chúng ta phải can đảm tố giác, kể cả chống lại chính chúng ta, những vụ lạm dụng vai trò và việc thực thi quyền bính, chủ nghĩa duy bộ lạc và coi chủng tộc mình là trung tâm, hoặc sự kiện các vị lãnh đạo đứng về một phe phái chính trị, v.v.. Giáo Hội Phi châu không thể đồng thanh nói về sự hòa giải, công lý và hòa bình, nếu tại đại lục này thiếu sự đoàn kết, thiếu hiệp thông một cách tỏ tường và thiếu sự tôn trọng của mỗi Giám Mục, của các Hội Ðồng Giám Mục quốc gia và miền đối với Liên Hội Ðồng Giám Mục Phi châu và Madagascar, gọi tắt là Secam. Chúng ta cần có sự hiệp thông sâu rộng và một tình liên đới mục vụ mạnh mẽ hơn giữa lòng Giáo Hội Phi châu.

Ðức Hồng Y Pengo cho biết trước khi nhóm Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu này, theo chương trình sẽ có Ðại hội thứ 15 của Liên Hội Ðồng Giám Mục Phi châu và Madagascar, tiến hành tại thành phố Frascati gần Roma. Nhưng rất tiếc là Ðại hội Secam này chỉ được triệu tập vào phút chót vì thiếu sự hỗ trợ tài chánh của nhiều Hội Ðồng Giám Mục thành viên. "Ðiều này xảy ra giữa lúc chúng ta đang mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Liên Hội Ðồng Giám Mục này. Tôi hy vọng và cầu nguyện để Thượng Hội Ðồng Giám Mục này làm cho chúng ta dấn thân hơn đối với Liên Hội Ðồng Giám Mục Phi châu và Madagascar."

3) Ðức Hồng Y Franc Rodé, người Sloveni, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, trong bài tham luận, đã nói về số 113 trong Tài liệu làm việc, ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ ơn gọi tu trì, là dấu chỉ sức sinh động của Giáo Hội tại Phi châu, cùng với năng lực tinh thần xuất phát từ các Ðan viện chiêm niệm.

Ðức Hồng Y nói: "Các Giám Mục Phi châu về Roma viếng mộ hai thánh Tông Ðồ thường cho biết sự hiện diện của các tu sĩ nam nữ ngày nay ở Phi châu nổi bật nhất trong lãnh vực y tế, giáo dục và từ thiện bác ái. Sự dấn thân đáng ca ngợi này không thể không để ý tới những thách đố lớn Giáo Hội tại Phi châu đang gặp phải, nhất là việc phân định ơn gọi và huấn luyện khởi đầu và việc thường huấn cho các tu sĩ. Ðời sống thánh hiến tại Phi châu đang cần các nhà đào tạo nam nữ được chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như một cộng đồng giáo dục: chứng tá về đời sống tu trì của các cộng đoàn, lòng trung thành với các lời khuyên Phúc Âm, với Hiến pháp và đặc sủng của dòng, đó là điều kiện không thể thiếu được để huấn luyện các môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Ngoài ra, các tu sĩ nam nữ Phi châu được kêu gọi sống trọn vẹn giá trị và vẻ đẹp của các lời khuyên Phúc Âm, trong một nền văn hóa trong đó thật là khó làm chứng về đức thanh bần, vâng phục và khiết tịnh, được sống thực sự vì lòng yêu mến.

4) Ðức Cha Maroun Elias Lahham, Giám Mục giáo phận Tunis thủ đô Tunisie, trong bài phát biểu đã nhấn mạnh sự khác biệt lớn lao giữa Hồi giáo ở Bắc Phi và Hồi giáo ở nam sa mạc Sahara, và tài liệu làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục này hầu như không để ý tới. Phần lớn người Hồi giáo Phi châu sống ở Bắc Phi, một miền địa lý hầu như hoàn toàn vắng bóng trong Tài liệu làm việc.

Ðức cha Lahham cho biết 80% trong số 350 triệu người Hồi giáo Arập hiện sống tại các nước Bắc Phi. Ðiều này cho thấy quan hệ giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại Bắc Phi khác hẳn với các quan hệ ở Âu Châu, Phi châu nam Sahara và các nước Arập ở Trung Ðông. Ðặc tính quan hệ Kitô và Hồi giáo ở Bắc Phi có thể làm cho kinh nghiệm đối thoại ở nơi khác được thêm phong phú và làm dịu bớt những phản ứng sợ hãi và từ khước Hồi giáo như đang xảy ra tại một số nước.

Ðức cha Lahham mô tả đặc điểm kinh nghiệm của các Giáo Hội Kitô tại Bắc Phi:

- Trước tiên đây là một Giáo Hội gặp gỡ. Tuy không được tự do như mong ước, nhưng không bị bách hại.

- Ðây là một Giáo Hội sống tại những nước 100% dân chúng là Hồi giáo và tín hữu Công Giáo chỉ gồm hầu hết là người nước ngoài, họ chỉ lưu lại đó vài năm trời.

- Giáo Hội tại Bắc Phi, từ khi các nước này được độc lập, mạnh mẽ dấn thân phục vụ về mặt nhân bản, xã hội, văn hóa, giáo dục. Họ được tự do phụng tự khá rộng rãi, như trường hợp tại Tunisie.

- Ðây là một Giáo Hội sống tại các nước Hồi giáo trong đó đang nảy sinh một phong trào tư tưởng phê bình đối với thứ Hồi giáo cực đoan và cuồng tín.

Người ta thường xin sự cộng tác của Giáo Hội Công Giáo trong cách thức mới mẻ quan niệm và sống Hồi giáo. Lời mời gọi này được gửi đến các LM và GM đã sống lâu năm tại các nước Bắc Phi.

Sau những nhận định trên đây, Ðức Cha Lahham đề nghị rằng Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông vào tháng 10 năm 2010 cũng bao gồm cả các giáo phận ở miền Bắc Phi. Ngoài ra, khi thảo luận về Hồi giáo ở Phi châu, cần để ý đến sự khác biệt kinh nghiệm Phi châu, từ Tunisi đến Johannesburg ở Nam Phi.

5) Ðức Cha Francois Xavier Maroy Rusengo, Tổng Giám Mục giáo phận Bukavu là miền sôi động nhất vì chiến tranh từ nhiều năm nay ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Trong bài phát biểu ngài đã nói về nỗ lực của Giáo Hội địa phương trong việc kiến tạo hòa bình và hòa giải. Ðức Tổng Giám Mục nói:

"Chúng tôi thấy rằng hòa giải không thể chỉ thu hẹp vào việc hòa hợp các quan hệ giữa cá nhân với nhau. Chắc chắn nó phải để ý tới những nguyên do sâu xa gây ra cuộc khủng hoảng giữa các quan hệ. Những nguyên do này có liên hệ tới những lợi lộc và tài nguyên thiên nhiên của đất nước Congo, cần phải được khai thác và quản lý một cách minh bạch và liêm chính, để mưu ích cho tất cả mọi người. Những nguyên nhân gây ra bạo lực ở miền đông Cộng hòa dân chủ Congo chủ yếu là do sự tranh dành các tài nguyên thiên nhiên.

"Với mục đích đó, chúng tôi nhắc đến công việc mà Ủy ban công lý và hòa bình đang thực hiện trong tổng giáo phận Bukavu để việc hòa giải được thực hiện qua sự tái tạo cộng đoàn. Mục đích là để giúp con người hòa giải với nhau và với lịch sử của họ cũng như dấn thân cùng nhau xây dựng một tương lai mới. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến giới trẻ. Chúng tôi để nghị những hoạt động có tính cách sáng tạo và văn hóa có khả năng tạo điều kiện cho sự hòa giải giữa họ với nhau, nhờ sự can dự của tất cả và từng người vào việc tái tạo môi trường sinh sống của họ.

Phương pháp này cần được hiểu như một giải pháp cho những chấn thương của cộng đoàn thường bị quên lãng, với mục đích giúp dân chúng có tinh thần trách nhiệm và giữ vai chính trong việc cải tiến. Nó đòi phải tăng cường nền giáo dục cơ bản và tổ chức dân chúng để họ tham gia nhiều hơn các công việc của cộng đồng. Nó cũng đòi phải kiến tạo không gian và khuôn khổ để có sự trao đổi và đối thoại hầu giúp dân chúng thực sự tham gia vào việc quản lý các tài nguyên phong phú, dùng chúng vào việc tái thiết, phát triển, hòa giải và sống chung hòa bình.

Ðức Tổng Giám Mục Maroy Rusengo nhắc đến tình trạng khó khăn tại địa phương của ngài và nói rằng "Trong khi chúng tôi lên tiếng tại khóa họp này, các nhân viên mục vụ của tổng giáo phận chúng tôi bị những kẻ thù của hòa bình tấn công. Trong các giáo xứ của chúng tôi đã bị thiêu hủy hôm 2-10-2009, các linh mục bị ngược đãi, một số khác bị những người mặc đồng phục bắt làm con tin và đòi phải trả những món tiền lớn để chuộc mạng. Chúng tôi đang buộc lòng phải trả để cứu vãn sinh mạng của các linh mục ấy. Với những hành động ấy, chính Giáo Hội là sự nâng đỡ duy nhất cho dân chúng ở Bukavu đang sống trong kinh hoàng, tủi nhục, bị bóc lột, thống trị, và phải im lặng.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page