Các quan hệ của Giáo hội Công giáo

với Hồi Giáo tại Bắc Phi

 

Các quan hệ của Giáo hội Công giáo với Hồi Giáo tại Bắc Phi.

Roma [Zenit 6/10/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ hai về Phi Châu đã bước sang ngày thứ tư. Hôm thứ Ba 6 tháng 10 năm 2009, các tham dự viên Thượng hội đồng đã lắng nghe phát biểu của các vị đại diện các lục địa ngoài Phi Châu.

Ðức cha Raymundo Damasceno Assis, Tổng giám mục Aparecida, Brasil, chia sẻ những kinh nghiệm phong phú của Hội đồng Giám mục Brasil, cách riêng trong việc đào tạo linh mục.

Ðức cha Wilton Gregory, Tổng giám mục Atlanta, Hoa kỳ nói rằng Giáo hội tại Hoa kỳ vẫn tiếp tục hưởng được lợi ích từ những người Phi Châu vừa đến nước này. Theo Ðức cha Gregory, những người này mang theo một đức tin sống động và một kho tàng thiêng liêng phong phú. Sự hiện diện của họ là một thách đố để người Mỹ tái khám phá những truyền thống thiêng liêng của họ, vốn bị bỏ qua một bên vì ảnh hưởng của chủ nghĩa tục hóa.

Ðức cha Orlando Quevedo, người Phi Luật Tân, so sánh lục địa Á Châu với Phi Châu. Theo ngài, Giáo hội tại Phi Châu và Á Châu đều có cùng kinh nghiệm về đau buồn và vui tươi.

Ngoài ra, sự hiện diện của Ðức thượng phụ Abuna Paulos, Thượng phụ Chính thống Ethiopi, được ghi nhận một cách đặc biệt. Ðức thượng phụ kêu gọi Thượng hội đồng nên quan tâm đến những nhu cầu tinh thần của các tín hữu Phi Châu. Ngài nói: "không nên tách biệt các hoạt động xã hội với hoạt động tông đồ".

Nhưng đáng chú ý nhứt trong các phát biểu tại Thượng hội đồng hôm thứ Ba 6 tháng 10 năm 2009 là bài phát biểu của Ðức cha Maroun Elias Lahham, Giám mục Tunis, Tunisie, Bắc Phi.

Tuy không đến từ một nước bên ngoài Phi Châu, nhưng Ðức cha Lahham cảm thấy như phần đất này không thuộc Phi Châu và ngài đề nghị Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông vào tháng 10 năm 2010 nên bao gồm các giáo phận của Bắc Phi, nhứt là trong những gì có liên hệ đến các nhóm thiểu số Kitô và các quan hệ và đối thoại với Hồi giáo. Ngoài ra, Ðức cha Lahham cũng đề nghị nên tổ chức một cuộc hội thảo về Hồi giáo tại Phi Châu để ghi nhận những cảm nghiệm khác nhau về Hồi giáo từ Tunis đến Johannesburg.

Theo Ðức cha Lahham, điểm đầu tiên cần ghi nhận là "Tài liệu làm việc" chỉ đề cập đến Hồi Giáo trong một chương duy nhứt với ba danh từ tổng quát và chỉ nói đến Hồi giáo tại vùng Hạ Sahara, Phi Châu. Trong thực tế, phần lớn người Hồi giáo Phi Châu lại sống tại Bắc Phi. Ðây là vùng địa lý hoàn toàn vắng mặt trong tại liệu làm việc.

Một điểm khác cần ghi nhận, theo Ðức giám mục Tunis, là gần 80 phần trăm trong tổng số 380 người Á rập theo Hồi giáo sống tại các nước Bắc Phi.

Ðức cha Lahham nói rằng "các quan hệ giữa Hồi giáo và Kitô giáo tại Bắc Phi khác với các quan hệ giữa Hồi giáo và Kitô giáo tại Âu châu và Vùng Hạ Sahara cũng như tại các nước Á rập Trung Ðông."

Theo vị Giám mục này, "nét đặc thù của các mối quan hệ giữa Hồi giáo và Kitô giáo tại Bắc Phi có thể làm giàu cho các kinh nghiệm về đối thoại tại những nơi khác và dẹp bỏ được những phản ứng sợ hãi và khước từ đối với Hồi giáo như được thấy hiện nay tại một số quốc gia". Ðức cha Lahham khẳng định: "tất cả chúng ta đều biết rằng sợ hãi là một cố vấn xấu".

Trong bài phát biểu trước các nghị phụ Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu, Ðức giám mục Tunis ghi nhận 6 đặc điểm của kinh nghiệm đối thoại với Hồi giáo tại Bắc Phi như sau:

- Trước hết, Giáo hội tại Bắc Phi là một Giáo hội của gặp gỡ, ngay cả khi Giáo hội không có tất cả mọi tự do mình muốn có.

- Kế đó, Giáo hội tại Bắc Phi là một Giáo hội đang sống trong những nước Hồi giáo gần như một trăm phần trăm; tại đây, đa số các tín hữu Công giáo đều là những người ngoại quốc, mà phần lớn chỉ tạm trú vài năm.

- Ðặc điểm thứ ba của Giáo hội tại Bắc Phi là: kể từ khi các nước Bắc Phi dành được độc lập, Giáo hội tại đây đã dấn thân mạnh mẽ trong việc phục vụ nhân bản, xã hội, văn hóa và giáo dục tại những nước nào đón tiếp mình.

- Một đặc điểm khác là: đây là một Giáo hội có nhiều tự do để tổ chức việc thờ phượng cho hàng ngàn tín hữu, như tại Tunisie chẳng hạn.

- Về đặc điểm thứ năm trong quan hệ của Giáo hội tại Bắc Phi với Hồi giáo, Ðức cha Lahham nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những suy tư của Giáo hội. Ðức giám mục Tunis nói: "Ðây là một Giáo hội đang sống tại các nước Hồi giáo trong đó đang bắt đầu có phong trào suy tư và phê bình đối với một Hồi giáo cứng nhắc và cuồng tín. Hiện nay có cả một trường học chuyên về nghiên cứu phê bình các bản văn và truyền thống Hồi giáo".

- Cuối cùng, đức cha Lahham ghi nhận: "sự cộng tác của Giáo hội thường được thúc đẩy trong cách suy nghĩ và sống Hồi giáo một cách mới mẽ này. Các linh mục hay giám mục đã từng sống nhiều năm tại các nước Bắc Phi đều được khuyến khích hợp tác như thế. Công cuộc hợp tác lại càng được đẩy mạnh kể từ khi một số người bản địa được bổ nhiệm làm giám mục".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page