Ðức Thánh Cha giải thích

về ý nghĩa chức linh mục

 

Ðức Thánh Cha giải thích về ý nghĩa chức linh mục.

Vatican (Vat. 9/04/2009) - Trong thánh lễ làm phép dầu sáng thứ Năm Tuần Thánh, 9-4-2009, ÐTC Biển Ðức 16 đã giải thích về ý nghĩa chức linh mục, và mời gọi các linh mục sống trọn những lời đã hứa khi chịu chức.


Ðức Thánh Cha cử hành thánh lễ làm phép dầu sáng thứ Năm Tuần Thánh 9/04/2009.


Ðồng tế với ÐTC trong thánh lễ lúc 9 giờ 30 sáng, có lối 30 Hồng Y và 30 Giám Mục thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh và tòa Giám Quản Roma, cùng với 1 ngàn Linh mục, trước sự hiện diện của gần 7 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng sau bài Tin Mừng về chủ đề "Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi và vì thế Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi", ÐTC nói: "Anh chị em thân mến, trong nhà Tiệc Ly, ban tối trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ quây quần quanh Ngài, đồng thời Ngài cũng nhìn thấy trước cộng đoàn các môn đệ trong mọi thời đại, "những người sẽ tin nơi Ngài nhờ lời các môn đệ" (Ga 17,20). Trong lời cầu cho các môn đệ mọi thời đại, Chúa cũng đã thấy và cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta hãy nghe xem Ngài xin gì cho 12 Tông Ðồ và cho chúng ta tụ tập nơi đây: "Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến trong trần gian, con cũng sai họ đến trong trần gian; vì họ, con thánh hiến bản thân, để họ cũng được thánh hiến trong sự thật" (17,17ss).

Linh Mục được thánh hiến cho Chúa

Trọn bài giảng, ÐTC đã quảng diễn ý nghĩa câu nói này của Chúa Giêsu và áp dụng vào đời sống linh mục. Ngài giải thích ý nghĩa từ thánh hiến (consacratio) và thánh hóa (sanctificatio)... Thánh hiến là đưa ra khỏi thế gian và dâng cho Thiên Chúa hằng sống. Một sự vật hoặc một người được thánh hiến không còn thuộc về chúng ta và cũng không thuộc về chính mình nữa, nhưng được dìm sâu trong Thiên Chúa... Trong Cựu Ước, sự dâng hiến một người cho Thiên Chúa, nghĩa là thánh hóa người ấy, cũng đồng nghĩa với việc truyền chức tư tế, và qua đó, chúng ta cũng thấy chức tư tế hệ tại điều gì: đó là một sự chuyển giao quyền sở hữu, một sự cất khỏi thế gian và dâng cho Thiên Chúa... Trong lời cầu nguyện, Chúa Giêsu xin Chúa Cha "thánh hiến các môn đệ trong sự thật": đó là một sự tháp nhập các tông đồ vào trong chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô, thiết lập chức tư tế mới cho cộng đoàn các tín hữu thuộc mọi thời đại. "Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật": đó là lời cầu nguyện thánh hiến đích thực cho các tông đồ. Chúa Giêsu xin chính Thiên Chúa lôi kéo họ về với Ngài, trong sự thánh thiện của Ngài. Chúa Giêsu xin Thiên Chúa Cha kéo họ về với Ngài và nhận họ như sở hữu của Ngài để từ Ngài, họ có thể thi hành chức vụ tư tế cho thế giới.

Từ những nhận xét trên đây, ÐTC đặt câu hỏi: "Vậy thì, sự việc diễn ra thế nào trong đời sống chúng ta? Chúng ta có thực sự được Lời Chúa tràn ngập hay không? Lời Chúa có thực sự là lương thực nuôi sống chúng ta, hơn là cơm bánh và những sự vật đời này hay không? Chúng ta có biết Lời Chúa thực sự hay không? Chúng ta có quan tâm đến Lời Chúa trong nội tâm đến độ Lời Chúa thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống và hình thức tư tưởng của chúng ta hay không? Hay là tư tưởng của chúng ta luôn được rập theo khuôn khổ những gì người ta nói và làm? Phải chăng nhiều khi những ý kiến thịnh hành là tiêu chuẩn hành động của chúng ta? Xét cho cùng, phải chăng chúng ta chỉ cư xử hời hợt theo những gì người ta áp đặt cho con người ngày nay? Chúng ta có để cho mình thực sự được Lời Chúa thanh tẩy trong nội tâm hay không? Friedrich Nietzsche đã chế riểu nhân đức khiêm nhường và vâng phục như những nhân đức nô lệ, qua đó con người bị áp bức đè nén. Thay vào các nhân đức đó, ông ta đặt sự kiêu hãnh và tự do tuyệt đối của con người. Quả thực có những sự chế nhạo sự khiêm tốn sai lầm và một sự tùng phục sai trái mà chúng ta không muốn bắt chước. Nhưng cũng có sự kiêu hãnh hủy hoại và sự tự phụ làm băng hoạt mọi cộng đoàn và đưa tới bạo lực. Chúng ta có biết học từ Chúa Kitô sự khiêm nhường ngay chính, tương ứng với sự thật về bản tính chúng ta, và sự vâng phục, tùng phục sự thật và thánh ý của Thiên Chúa hay không? "Xin Cha thánh hóa họ trong sự thật; lời Cha là sự thật": lời này về sự hội nhập vào chức tư tế soi sáng cuộc sống chúng ta và kêu gọi chúng ta ngày càng trở thành môn đệ của sự thật, được mở rộng trong Lời Chúa".

Linh Mục gia tăng kết hiệp với Chúa Kitô

Tiếp tục bài giảng, ÐTC nói với các Giám Mục và Linh Mục rằng: "Bản chất linh mục của chúng ta không là gì khác hơn là một cách thức mới để kết hiệp với Chúa Kitô. Sự kết hiệp này được ban cho chúng ta mãi mãi trong bí tích truyền chức. Nhưng dấu tích mới này có thể trở thành một án phạt cho chúng ta nếu đời sống chúng ta không tiến triển và đi vào sự thật của bí tích. Những lời hứa mà hôm nay chúng ta lập lại nói rằng ý chí chúng ta phải hướng về sự kết hiệp ngày càng mật thiết hơn và trở nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu. Kết hiệp với Chúa Kitô đòi hỏi phải từ bỏ, đòi chúng ta không được áp đặt con đường và ý chí của chúng ta, chúng ta không được muốn trở thành điều này hay điều khác, nhưng phó thác cho Chúa, bất cứ ở đâu và theo thể thức nào Chúa muốn sử dụng chúng ta. Về điểm này, thánh Phaolô đã nói: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20).

Trong lời thưa xin vâng khi chịu chức linh mục, chúng ta đã thực hiện sự từ bỏ cơ bản ý muốn được tự trị, tự thể hiện chính mình. Nhưng ngày qua ngày, cũng cần phải thực hiện lời thưa xin vâng cao cả ấy trong nhiều sự xin vâng nhỏ bé và những việc từ bỏ nhỏ mọn. Những sự từ bỏ bé nhỏ này chỉ có thể thực hiện không cay đắng, không tự cảm thương mình, nếu Chúa Kitô thực sự ở trung tâm đời sống chúng ta, nếu chúng ta sống thân mật thực sự với Chúa. Như thế, giữa những từ bỏ thoạt đầu có thể gây ra đau đớn, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui gia tăng nhờ tình bạn với Chúa... "Ai mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được". Ai dám mất mạng mình vì Chúa, thì sẽ cảm nghiệm được Lời Chúa chân thực dường nào."

ÐTC đề cao việc cầu nguyện trong đời sống linh mục và nói rằng: "Chìm đắm trong Sự Thật, trong Chúa Kitô, đó là điều thuộc về kinh nguyện, trong đó chúng ta tập luyện trong tình bạn với Chúa và học biết Ngài: học biết cách sống, cách tư tưởng và hành động của Chúa. Cầu nguyện là bước đi trong sự hiệp thông bản thân với Chúa Kitô, trình bày cho Ngài cuộc sống hằng ngày của chúng ta, những thành công và thất bại, những cơ cực vất vả và vui mừng - tóm lại là trình bày chính bản thân chúng ta trước mặt Chúa. Nhưng để cho hành động này khỏi trở thành một sự tự chiêm ngắm, điều quan trọng là chúng ta cần liên tục học cách cầu nguyện với Giáo Hội. Cử hành Thánh Lễ có nghĩa là cầu nguyện. Chúng ta cử hành Thánh Lễ một cách đúng đắn nếu qua tư tưởng và lối sống, chúng ta đi vào những lời mà Giáo Hội đề nghị cho chúng ta. Trong những lời ấy có kinh nguyện của mọi thế hệ, mang chúng ta đi trên con đường hướng về Chúa...

Sau cùng, ÐTC kể lại rằng: "Hôm trước ngày thụ phong linh mục cách đây 58 năm, tôi đã mở Kinh Thánh, vì tôi muốn nhận được một lần nữa một Lời Chúa cho ngày hôm ấy và cho con đường linh mục tương lai của tôi. Tôi đọc thấy đoạn này: "Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật; Lời Cha là sự thật". Bấy giờ tôi biết rằng Chúa đang nói với tôi. Chính điều ấy sẽ xảy ra ngày mai cho tôi. Xét cho cùng, chúng ta không được thánh hiến nhờ các nghi thức, tuy cũng cần phải có các nghi thức. Bể tắm rửa mà Chúa dìm chúng ta vào trong, là chính Ngài, là hiện thân của Sự Thật. Thụ phong linh mục có nghĩa là được chìm đắm trong Chúa, trong Sự Thật. Tôi thuộc về Chúa một cách mới mẻ và cho tha nhân, để Nước Chúa được hiển trị. Các bạn thân mến, trong giờ lập lại những lời hứa khi chịu chức linh mục, chúng ta hãy cầu xin Chúa biến chúng ta thành những con người của sự thật, của tình thương, những con người của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ngày càng lôi kéo chúng ta vào trong Ngài, để chúng ta thực sự trở thành những Linh Mục của Tân Ước. Amen.

Lập lại lời hứa

Sau bài giảng của ÐTC, các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. ÐTC hỏi: "Anh em có muốn kết hiệp thâm sâu hơn với Chúa Giêsu là mẫu gương linh mục của chúng ta, bằng cách từ bỏ chính mình và quyết tâm thi hành các nghĩa vụ thánh, mà anh em đã tự nguyện đảm nhận đối với Giáo Hội, do tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy hay không? "Anh em có muốn là những người trung thành phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa, nhờ việc cử hành Thánh Lễ và các hoạt động phụng vụ khác, chu toàn sứ vụ lời cứu độ noi gương Chúa Kitô, là Ðầu và là Mục Tử, không để cho những lợi lộc phàm nhân hướng dẫn, nhưng theo sự hướng dẫn của tình yêu đối với anh em đồng loại hay không? Sau mỗi câu hỏi, các vị hiện diện đều thưa: "Có, con muốn!".

Rồi ÐTC ngỏ lời với các giáo hữu hiện diện, xin họ cầu nguyện cho các linh mục để các vị là những thừa tác viên trung thành của Chúa Kitô, và cầu cho chính Ngài nữa, để Ngài trung thành thi hành công tác phục vụ tông đồ đã được ủy thác. Tiếp đến, ÐTC đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma). Nghi thức này cũng nhấn mạnh mầu nhiệm Giáo Hội như bí tích phổ quát của Chúa Kitô, thánh hóa mọi thực tại và hoàn cảnh của cuộc sống. Vì thế, ngoài dầu thánh hiến, còn có nghi thức làm phép dầu dự tòng cho những người chiến đấu để chiến thắng ác thần, hầu lãnh nhận những nghĩa vụ từ bí tích rửa tội, và sau cùng dầu bệnh nhân, để xức cho những người ở trong tình trạng bệnh tật đang thể hiện nơi thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô. Và thế là từ Ðầu, hương thơm tốt lành của Chúa Kitô toả lan cho mọi chi thể của Giáo Hội và lan ra thế giới. Lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu xuất hiện 2 lần dưới hình thức hơi được thay đổi. Chúng ta phải nghe cả hai lần với tất cả sự chú ý, để bắt đầu hiểu ít là được phần nào điều cao cả đang được diễn ra. "Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật", rồi Chúa Giêsu nói thêm: 'Lời Cha là sự thật". Vì vậy, các môn đệ được lôi kéo vào trong nội tâm của Thiên Chúa nhờ sự chìm đắm trong Lời Chúa. Có thể nói, Lời Chúa là sự thanh tẩy làm cho các môn đệ được thanh sạch, là quyền năng sáng tạo biến đổi các môn để trong Thiên Chúa.

Liên đới với giáo phận L'Aquila bị động đất

Cuối thánh lễ, trước khi ban phép lành, ÐTC tái bày tỏ liên đới với Tổng giáo phận L'Aquila ở Italia bị động đất:

"Tôi muốn chuyển các dầu thánh này như dấu chỉ hiệp thông sâu xa và sự gần gũi tinh thần tới người anh em quí mến là Ðức Cha Giuseppe Molinari, Tổng Giám Mục giáo phận L'Aquila, vì những thiệt hại rất lớn do động đất gây ra, không thể tụ họp linh mục đoàn trong giáo phận để cử hành lễ làm phép dầu. Ước gì những dầu thánh này tháp tùng thời gian tái sinh và tái thiết, chữa lành những vết thương và nâng đỡ niềm hy vọng".

Mặt khác, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: "Chấp nhận lời thỉnh cầu của chính quyền và giáo quyền, ÐTC đã cử Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Tarcisio Bertone, chủ sự thánh lễ thứ sáu tuần thánh 10-4-2009 để an táng các nạn nhân động đất tại thủ phủ miền Abruzzo và vùng phụ cận. "Xét vì tính chất đặc biệt của biến cố này, Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích đã ban phép chuẩn để cử hành thánh lễ cầu hồn, mặc dù theo luật, phụng vụ ngày thứ sáu Tuần Thánh không dự trù một nghi thức nào khác, ngoài lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô".

Và như một dấu chỉ sự gần gũi bản thân của ngài với những người đau khổ vì trận động đất, Ðức Ông Georg Gaenswein, bí thư riêng của ÐTC, sẽ tham dự thánh lễ an táng các nạn nhân. Số nạn nhân động đất ở thành phố L'Aquila và vùng phụ cận đã lên tới 280 người. Lễ quốc táng cho họ được cử hành ngày 10-4-2009.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page