Ðã có thể nói gì về

quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican

 

Ðã có thể nói gì về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican?

Hà Nội, Việt Nam (21/02/2009 18:11:52) - Cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican về quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đã kết thúc, đúng như chương trình dự liệu, sau hai phiên làm việc: chiều 6-02-2009 và sáng 17-02-2009.

- Từ những nhận định trên các phương tiện thông tin chính thức của Việt Nam.

Ngày 18-02-2009, một ngày sau khi cuộc hội đàm kết thúc, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin về cuộc họp:

"Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican đã trao đổi một cách sâu rộng và tổng thể các vấn đề trong quan hệ giữa hai bên trong đó có các vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam. Hai bên ghi nhận chiều hướng phát triển đáng khích lệ của mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh từ năm 1990 tới nay. Hai bên cho rằng cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác hỗn hợp là một bước tiến mới quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh và nhất trí tiếp tục nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy quan hệ song phương. Hai bên nhất trí sẽ tiến hành phiên họp thứ hai của Nhóm công tác hỗn hợp. Thời gian và địa điểm phiên họp sẽ được xác định sau. Cuộc họp của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau".

Cùng ngày, TTXVN đã thực hiện cuộc phỏng vấn ông Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thế Doanh.

Khi được hỏi "Ông nhận định thế nào về cuộc gặp lần này và về tiến triển trong mối quan hệ giữa hai bên?", ông Trưởng ban đưa nhận xét:

"Tuy đây là lần đầu tiên Tổ chuyên gia hỗn hợp của mỗi bên gặp nhau nhưng với những gì đã thu được từ quá trình gặp gỡ hai bên trong những năm qua và với thiện chí của cả hai bên cũng như kết quả ban đầu của cuộc gặp lần này chắc chắn sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho những bước tiếp theo trong những lần gặp sau".

Trước đó, ông Nguyễn Thế Doanh cũng cho phóng viên biết quan điểm của Ban Tôn giáo về những yếu tố quan trọng nhất góp phần thúc đẩy quan hệ hai bên:

"Trước hết là sự tôn trọng lẫn nhau, trong đó có việc tôn trọng độc lập, chủ quyền, lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, pháp luật Việt Nam, vừa cùng chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt, vừa cùng thể hiện tinh thần thiện chí để tìm ra những điểm đồng thuận mới. Thứ hai, muốn có kết quả trong quan hệ thì phải bảo đảm sự hài hòa về lợi ích của mỗi bên. Thứ ba, cả hai bên đều phải quyết tâm cùng nhau hướng tới sự phát triển một cách trong sáng và lành mạnh, trong đó việc duy trì và khẳng định đường hướng đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không để bị tác động bởi những ý nghĩ và hành vi tiêu cực từ bất cứ phía thứ ba nào".

Hôm sau, 19-02-2009, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi về ý nghĩa, kết quả chuyến thăm Việt Nam lần này của phái đoàn Vatican, thời gian và địa điểm của cuộc gặp lần sau, khi nào hai bên sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Lê Dũng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết:

"Ðây là cuộc họp lần thứ 18 giữa hai bên kể từ năm 1990 đến nay và là cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican. Cuộc họp đầu tiên của Nhóm Công tác hỗn hợp là một bước tiến quan trọng, khẳng định chiều hướng phát triển của quan hệ Việt Nam - Vatican. Việc tổ chức cuộc họp này khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chính sách tôn giáo nhất quán và đúng đắn cũng như thiện chí của Việt Nam trong những năm qua... Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican là một tiến trình. Hai bên cần có thêm các cuộc trao đổi để xác định khuôn khổ và những nguyên tắc chung về quan hệ... Thời gian và địa điểm của cuộc họp tiếp theo của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican sẽ được ấn định sau".

- Ðến một số dư luận từ báo chí nước ngoài

Ngày 17-02-2009, khi cuộc họp giữa hai phái đoàn ngoại giao Việt Nam và Vatican đang diễn ra tại Hà Nội, trang tin điện tử của BBC (Anh) đưa tin:

"Việt Nam và Vatican nối lại hội đàm hôm thứ Hai khi đoàn của thứ trưởng ngoại giao Tòa thánh họp với đoàn của Bộ Ngoại giao Việt Nam".

Ðồng thời cũng đưa ra đánh giá sự kiện ngoại giao trên đây bằng cách đặt trong bối cảnh hiện nay: "Gần đây quan hệ giữa Hà Nội và Vatican bước vào tiến trình tan băng".

BBC còn nhắc lại cách Vatican ứng xử trong một số vụ việc diễn ra tại Hà Nội từng gây xôn xao trong dư luận: "Trong thời gian tranh chấp, Tòa thánh Vatican không đưa ra quan điểm công khai về chủ đề đất đai tại Việt Nam".

Trong khi đó, hai ngày sau khi cuộc họp của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican về quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đã kết thúc, trong bản tin ngày 19-02-2009, trang tin điện tử Voanews.com giật tít khá ngoạn mục: "Ðức ông Parolin hy vọng Ðức Giáo Hoàng có thể đến thăm Việt Nam năm nay".

Trong bài viết có nhan đề khá ấn tượng nêu trên, Voanews.com đã nêu ra nhận xét của Ðức ông Pietro Parolin, trưởng đoàn của Vatican, về cuộc làm việc vừa qua với phía Việt Nam:

"Bàn về các cuộc thảo luận của nhóm công tác, Ðức ông Parolin cho biết hai bên đã có những cuộc thảo luận tốt đẹp và rất hài lòng về điều này# Ðức ông Parolin cho hay các cuộc thảo luận đã diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn và cởi mở. Ðức ông không cho biết rõ tiến trình thảo luận sẽ còn kéo dài bao lâu, nhưng nói rằng kết quả sẽ là việc thiết lập quan hệ ngoại giao, điều cả hai bên cùng mong ước".

Ngày 19-02-2009, trang tin điện tử của Ý, Zenit.org, bản tiếng Pháp, chạy hàng tít lớn: "Viet Nam: Négociations avec Vatican, bilan positif du gouvernement" (Việt Nam: Những cuộc đàm phán với Vatican, bản tổng kết tích cực của chính quyền).

Trong bản tin này, Zenit.org dẫn từ nguồn của báo điện tử Eglise d'Asie (EDA) của Hội Thừa sai Paris, đăng lại bản dịch sang tiếng Pháp bài phỏng vấn của TTXVN đối với ông Nguyễn Thế Doanh. Từ đó nêu bật đánh giá của phía Việt Nam về kết quả của những cuộc trao đổi Việt Nam - Vatican từ gần 20 năm qua là "tích cực".

- Cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican diễn ra trong hai ngày 16 và 17 tháng Hai 2009 rồi sẽ đi vào lịch sử.

Nội dung cụ thể của cuộc đàm phán giữa hai phái đoàn ngoại giao của Việt Nam và Vatican, cuộc gặp gỡ chính thức của phái đoàn Tòa thánh với Ban Tôn giáo Chính phủ, cũng như những cuộc tiếp xúc không chính thức của ba đức ông đến từ Rôma với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân Việt Nam... chưa được công bố và cũng không thể ghi nhận đầy đủ, trọn vẹn. Nhưng có thể nhận ra một bầu khí nhẹ nhàng, không căng thẳng, gay cấn đã toát lên qua nội dung được thông tin chính thức, ngôn từ phát biểu, gương mặt, phong thái của tất cả mọi nhân vật tham gia vào sự kiện.

Như vậy đã có thể nói đến những tín hiệu khá tích cực về bang giao giữa hai quốc gia Việt Nam và Vatican sẽ thành hiện thực.

Vấn đề phải chăng sẽ chỉ là thời gian.

Cố nhiên trên những chặng đường sắp tới của tiến trình đàm phán, sẽ còn phải khai thông nhiều chướng ngại do lịch sử và sự khác biệt về quan điểm để lại, còn phải xây dựng những cơ sở cho sự đồng thuận và nền tảng cho cung cách ứng xử lâu dài trong tương lai.

 

Gia Kỳ

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page