ÐTC kêu gọi các tu sĩ nam nữ

noi gương Thánh Phaolô

 

Ðức Thánh Cha kêu gọi các tu sĩ nam nữ noi gương Thánh Phaolô.

Vatican (SD 2-2-2009) - Chiều 2-2-2009, ÐTC Biển Ðức 16 đã gặp gỡ các tu sĩ nam nữ và ngài mời gọi họ hãy noi gương thánh Phaolô trong đời sống thánh hiến.

ÐTC đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong cuộc gặp gỡ các tu sĩ lúc 6 giờ chiều tại Ðền Thờ Thánh Phêrô sau thánh lễ do Ðức Hồng Y Franc Rodé, dòng Lazzariste, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, chủ sự lúc 5 giờ, nhân lễ Ðức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Ðền Thánh, cũng là ngày Thế giới lần thứ 13 về đời sống thánh hiến.

Ðồng tế với Ðức Hồng Y còn có Ðức Tổng Giám Mục Gianfranco Agostino Gardin, OFM-Conv., Tổng thư ký của Bộ các dòng tu, cùng với nhiều vị Bề trên Tổng quyền các dòng nam, trước sự hiện diện của đông đảo các Bề trên tổng quyền dòng nữ, lối 8 ngàn tu sĩ nam nữ và tín hữu. Sau bài Tin Mừng, các tu sĩ đã cử hành nghi thức cảm tạ Thiên Chúa vời hồng ân đời sống thánh hiến.

Huấn dụ của ÐTC

Trong bài huấn dụ ngắn tại cuộc gặp gỡ, ÐTC nhắc đến năm Thánh Phaolô và nói rằng: "Trong truyền thống của Giáo Hội, thánh Phaolô vẫn luôn luôn được nhìn nhận là cha và là thầy của những người, khi được Chúa kêu gọi, đã chọn lựa hiến thân vô điều kiện cho Chúa và Tin Mừng của Chúa. Nhiều dòng tu đã nhận tên Thánh Phaolô và kín múc từ nơi Ngài nguồn hứng cho đoàn sủng chuyên biệt. Chúng ta có thể nói rằng đối với những người nam nữ thánh hiến, thánh nhân cũng lập lại lời mời gọi thân ái và rõ ràng: "Anh chị em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Kitô" (1 Cr 11,1). Thực vậy, đời thánh hiến là gì nếu không phải là bắt chước Chúa Giêsu một cách quyết liệt, một sự hoàn toàn đi theo Chúa?" (Mt 19,27-28). Qua tất cả những điều đó, thánh Phaolô làm trung gian sư phạm chắc chắn cho chúng ta: Anh chị em rất thân mến, bắt chước thánh nhân trong việc theo Chúa Giêsu chính là con đường trổi vượt để đáp lại trọn vẹn ơn gọi thánh hiến đặc biệt của anh chị em trong Giáo Hội".

"Quả thực, từ chính tiếng nói của thánh Phaolô chúng ta có thể nhận ra một lối sống diễn tả bản chất của đời thánh hiến, sống theo các lời khuyên Phúc Âm: thanh bần, khiết tịnh và vâng phục. Thánh nhân thấy trong cuộc sống thanh bần như một bảo đảm sao cho việc rao giảng Tin Mừng được thực hiện một cách hoàn toàn nhưng không (cf 1 Cr 9,1-23), đồng thời biểu lộ tình liên đới cụ thể với các anh chị em túng thiếu. Về vấn đề này, tất cả chúng ta đều biết quyết định của thánh Phaolô tự sinh nhai bằng công việc tay chân và sự dấn thân của ngài trong việc lạc quyên để giúp đỡ người nghèo ở Jerusalem (cf 1 Ts 2,9; 2 Cr 8-9). Thánh Phaolô cũng là vị tông đồ, khi đón nhận lời Chúa kêu gọi sống khiết tịnh, đã trao hiến con tim cho Chúa một cách không chia sẻ, để có thể phụng sự anh chị em mình một cách tự do và tận tụy hơn (cf 1 Cr 7,7; 2 Cr 11,1-2); hơn nữa trong một thế giới trong đó các giá trị của đức khiết tịnh Kitô ít được đón nhận (cf 1 Cr 6,12-20), thánh nhân mang lại một điểm tham chiếu chắc chắn trong đường lối cư xử. Còn về đức vâng phục, chỉ cần để ý rằng sự chu toàn thánh ý Chúa và "nỗi ray rứt hằng ngày và mối bận tâm đối với tất cả các giáo đoàn" (2 Cr 11,28) linh hoạt, uốn nắn và làm tiêu hao cuộc sống của thánh nhân, biến thành hy tế đẹp lòng Thiên Chúa. Tất cả những điều ấy khiến thánh Phaolô thốt lên như đã viết cho các tín hữu thành Philiphê: "Quả thực đối với tôi sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi" (Pl 1,21).

ÐTC nói thêm rằng: "Một khía cạnh căn bản khác trong đời thánh hiến của thánh Phaolô chính là sứ mạng truyền giáo. Thánh nhân hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu và nhất là trở thành Chúa Giêsu cho mọi người: tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người, để cứu vớt với bất kỳ giá nào một số người" (1 Cr 9,22). Chúng ta thấy, nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô như thế, thánh Phaolô đã có khả năng sâu xa liên kết đời sống thiêng liêng với hoạt động truyền giáo; nơi thánh nhân hai chiều kích nhắc nhớ nhau. Và vì thế, chúng ta có thể nói thánh Phaolô thuộc vào hàng ngũ "những nhà xây dựng thần bí", có cuộc sống vừa là chiêm niệm vừa là hoạt động, cởi mở với Thiên Chúa và tha nhân, để chu toàn hữu hiệu công tác phục vụ Tin Mừng. Trong chiều kích thần bí - tông đồ này, tôi muốn nêu bật lòng can đảm của thánh Tông Ðồ trước hy sinh, khi đương đầu với những thử thách kinh khủng, cho đến cuộc tử đạo (cf 2 Cr 11,16-33), niềm tín thác không lay chuyển dựa trên Lời Chúa: "Ơn Ta đủ cho con; vì sức mạnh được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối" (2 Cr 12,9-10). Kinh nghiệm thiêng liêng của thánh Phaolô xuất hiện trước chúng ta như một sự diễn tả sống động mầu nhiệm vượt qua, mà ngài say mê tìm hiểu và rao giảng như một lối sống của Kitô hữu. Thánh Phaolô sống vì Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Thánh nhân viết: "Tôi đã chịu đóng đanh với Chúa Kitô, không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20), và "đối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi" (Pl 1,21).

Trong phần cuối của bài huấn dụ, ÐTC nhắc đến lời nhắn nhủ không biết mệt mỏi của thánh Phaolô: làm sao để cho Lời Chúa Kitô ở trong chúng ta với tất cả sự phong phú (cf Cl 3,16). "Ðiều này làm tôi nghĩ đến lời Huấn Thị "Công việc phục vụ của quyền bính và vâng phục", mời gọi anh chị em, "Mỗi sáng hãy tìm cách tiếp xúc sinh động và liên lỷ với Lời Chúa được công bố trong ngày, suy niệm và giữ Lời Chúa trong tâm hồn như một bảo vật, biến Lời Chúa thành cội rễ của mọi hành động và là tiêu chuẩn đầu tiên của mọi chọn lựa, quyết định" (số 7). Vì thế, tôi cầu mong Năm Thánh Phaolô ngày càng nuôi dưỡng nơi anh chị em quyết tâm đón nhận chứng tá của Thánh Phaolô, bằng cách mỗi ngày suy niệm Lời Chúa, qua việc trung thành thực hành việc nguyện gẫm Lời Chúa (lectio divina), cầu nguyện "với các thánh vịnh, thánh thi và thánh ca với lòng biết ơn" (Cl 3,16). Ngoài ra, Chúa sẽ giúp anh chị em thực hiện công tác tông đồ trong và với Giáo Hội trong một tinh thần hiệp thông không chút dè dặt; trao tặng tha nhân các đoàn sủng của mình (cf 1 Cr 14,12) và làm chứng trước tiên về đoàn sủng lớn nhất là đức bác ái (cf 1 Cr 13).

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page