Ðức Thánh Cha tiếp kiến

ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

 

Ðức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Vatican (Vat 8/01/2009) - Sáng ngày 8-1-2009, ÐTC Biển Ðức 16 đã tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Nhân dịp này ngài đã kiểm điểm tình hình quốc tế, và đặc biệt tái kêu gọi hòa bình cho Thánh Ðịa.

Tòa Thánh hiện hiện có quan hệ ngoại giao trên cấp Sứ thần và Ðại sứ với 178 quốc gia, không kể Liên bang Nga và tổ chức OLP của Palestine, có đại diện cạnh Tòa Thánh nhưng chưa có quan hệ ngoại giao hoàn toàn.

Sau lời chào mừng của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh là Ông Alejandro Lalladares Lanza, Ðại sứ của Honduras, ÐTC chào thăm và gửi lời cầu chúc nồng nhiệt đến các vị Ðại Sứ, chính quyền và nhân dân các nước mà các vị đại diện. Ngài lần lượt nhắc đến những người bị thiên tai trong đó có Việt Nam, nạn nghèo đói trên thế giới cần bài trừ, giới trẻ, tình trạng nghèo về tinh thần, trong đó có nạn kỳ thị, đặc biệt là kỳ thị tôn giáo, nạn bạo hành chống các tín hữu Kitô tại Irak và Ấn độ, cũng như những thành kiến trong các xã hội tây phương chống Kitô hữu, tình trạng xung đột tại Trung Ðông, nhất là tại Thánh Ðịa, tình trạng bạo lực tại một số nước Á châu, các vấn đề của Phi châu, đặc biệt là các trẻ em nạn nhân chiến tranh, tiếp đến là Mỹ châu la tinh với vấn đề di dân. Tại Âu Châu ÐTC đề cập đến những điểm nóng, Thổ Nhĩ kỳ, Chypre, Georgia... Dưới đây là một số đoạn nổi bật trong diễn văn của ÐTC.

 

Các nước gặp thiên tai và nạn nghèo đói trên thế giới

"Vào bình minh của năm 2009 này, trước tiên tôi thân ái nghĩ đến tất cả những người đau khổ vì thiên tai trầm trọng, đặc biệt tại Việt Nam, Miến điện, Trung Quốc, Phi luật tân, Trung Mỹ và quần đảo Caraibi, Colombia và Brazil; những người đau khổ vì các cuộc xung đột đẫm máu tại các quốc gia và miền, hoặc vì những cuộc tấn công của những kẻ khủng bố gieo rắc chết chóc và tàn phá tại các nước như Afganistan, Ấn độ, Pakistan và Algérie Mặc dù bao nhiêu nỗ lực, nhưng hòa bình mà mọi người mong ước vẫn còn xa vời! Ðứng trước thực trạng đó, chúng ta không được nản chí cũng không được giảm bớt sự dấn thân bênh vực một nền văn hóa hòa bình chân chính, trái lại cần gia tăng gấp đôi nỗ lực bênh vực an ninh và phát triển. Trong chiều hướng đó, Tòa Thánh đã cố ý thuộc vào số những nước đầu tiên ký và phê chuẩn "Hiệp ước về các võ khí gồm nhiều loại đạn nhỏ", một văn kiện cũng có mục đích củng cố công pháp quốc tế về nhân đạo. Ðàng khác, lo âu vì thấy có những triệu chứng khủng hoảng trong lãnh vực tài giảm binh bị và chống lan tràn võ khí hạt nhân, Tòa Thánh không ngừng nhắc nhở rằng người ta không thể xây dựng hòa bình khi mà những chi phí quân sự chiếm một số lượng rất lớn lao trong các tài nguyên về nhân sự và vật chất, gây thiệt thòi cho các dự án phát triển, nhất là các dân tộc nghèo nhất."

Nhắc đến sứ điệp của Ngài nhân ngày Hòa Bình thế giới năm nay với chủ đề "Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình", ÐTC khẳng định rằng: "Ðể xây dựng hòa bình, cần trả lại hy vọng cho người nghèo. Làm sao không nghĩ đến bao nhiêu cá nhân và gia đình đang bị thử thách vì những khó khăn và bấp bênh mà cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay gây ra trên bình diện thế giới? Làm sao không nhắc đến cuộc khủng hoảng lương thực và sự hâm nóng khí hậu, khiến có việc đạt được lương thực và nước uống càng trở nê cam go hơn đối với dân chúng tại những vùng nghèo nhất trên trái đất?. Từ nay cần cấp thiết chấp nhận một chiến lược hữu hiệu để bài trừ nạn đói và tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển nông nghệp ở địa phương, nhất là vì tỷ lệ người nghèo gia tăng ngay tại các nước giàu....

"Ðúng vậy, thưa quí vị, nếu chúng ta muốn bài trừ nghèo đói, chúng ta phải đầu tư trước tiên nơi giới trẻ, giáo dục người trẻ về một lý tưởng tình huynh đệ chân thực. Trong các cuộc viếng thăm mục vụ của tôi hồi năm ngoái, tôi đã có dịp gặp nhiều người trẻ, nhất là trong khuôn khổ cử hành đặc biệt Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 23 tại Sydney bên Úc....

 

Chống kỳ thị Kitô hữu

"Những vụ kỳ thị và những cuộc tấn công rất nặng nề hồi năm ngoái mà nạn nhân là hàng ngàn tín hữu Kitô chứng tỏ rằng không phải chỉ có nạn nghèo đói vật chất, nhưng cả nạn nghèo về luân lý cũng gây hại cho hòa bình. Thực vậy, những hành động xách nhiễu ấy ăn rễ trong sự nghèo nàn về luân lý. Khi tái khẳng định rằng đóng góp lớn lao mà các tôn giáo có thể mang lại cho cuộc chiến chống nghèo đói và xây dựng hòa bình tôi muốn lập lại trước cử tọa ở đây, đại diện tất cả các nước trên thế giới rằng: Kitô giáo là một tôn giáo tự do và hòa bình và phục vụ thiện ích đích thực của nhân loại. Tôi tái bày tỏ lòng yêu thương hiền phụ của tôi đối với các anh chị em nạn nhân của bạo lực, đặc biệt là tại Irak và Ấn độ; với các chính quyền dân sự và chính trị, tôi tha thiết thỉnh cầu họ hãy quyết liệt nỗ lực chấm dứt tình trạng bất bao dung và những xách nhiễu chống các tín hữu Kitô, hãy hoạt động để sửa chữa những thiệt hại đã gây ra, đặc biệt cho các nơi thờ phượng và tài sản; và khích lệ bằng mọi phương thế, sự tôn trọng đúng đắn đối với mọi tôn giáo, bài trừ mọi hình thức oán thù và khinh rẻ. Tôi cũng mong ước rằng tại thế giới tây phương, người ta không nuôi dưỡng những thành kiến hoặc đố kỵ chống lại các tín hữu Kitô, chỉ vì tiếng nói của các tín hữu này về một số vấn đề làm cho họ khó chịu. Về phần mình, các môn đệ của Chúa Kitô đừng nản chí trước những thử thách ấy: việc làm chứng cho Tin Mừng luôn luôn là một dấu chỉ đối nghịch so với tinh thần của thế gian này! Tuy những sầu khổ thật là cam go, nhưng sự hiện diện liên tục của Chúa Kitô là một niềm an ủi mạnh mẽ. Tin Mừng của Chúa là một sứ điệp cứu độ cho tất cả mọi người và vì thế, Tin Mừng ấy không bị đóng khung trong khuôn khổ riêng tư, nhưng phải được công bố trên mái nhà cho đến tận bờ cõi trái đất.

 

Tình hình tại Trung Ðông và Thánh địa.

"Sự giáng sinh của Chúa Kitô trang hang đá nghèo nàn ở Bethléhem tự nhiên làm chúng ta nhắc đến tình trạng tại Trung Ðông và trước tiên là tại Thánh Ðịa, nơi mà những ngày này chúng ta chứng kiến sự gia tăng bạo lực, gây thiệt hại và đau khổ vô biên cho các thường dân. Tình trạng này càng gây phức tạp cho việc tìm kiếm một lối thoát cho cuộc xung đột giữa người Israel và Palestine, lối thoát này cũng được họ và toàn thế giới nồng nhiệt mong muốn. Một lần nữa, tôi muốn lập lại rằng biện pháp quân sự không phải là một giải pháp và bạo lực, bất kỳ đến từ đâu và dưới hình thức nào, đều phải bị quyết liệt lên án. Tôi mong ước rằng, với sự dấn thân quyết liệt của cộng đồng quốc tế, một cuộc ngưng chiến tại giải Gaza sẽ được tái lập, đây là điều không thể thiếu được để làm cho cuộc sống của dân chúng ở trong tình trạng có thể chấp nhận được, và tôi mong ước các cuộc thương thuyết hòa bình được mở lại và đẩy mạnh, từ bỏ oán thù, khiêu khích và sử dụng võ khí. Ðiều rất hệ trọng là vào dịp tuyển cử quan trọng có liên quan tới rất nhiều dân chúng trong vùng, sẽ nổi lên các vị lãnh đạo có khả năng làm cho tiến trình hòa bình được tiến triển quyết liệt và hướng dẫn các dân tộc liên hệ tiến tới sự hòa giải tuy khó khăn nhưng là điều tối cần thiết. Người ta không thể đạt tới hòa giải nếu không có một phương thức giải quyết toàn diện các vấn đề của các nước, trong niềm tôn trọng những khát vọng và những quyền lợi hợp pháp của mọi dân tộc liên hệ. Ngoài những cố gắng được đổi mới để giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, như tôi vừa nhắc đến, cũng cần phải quyết liệt hỗ trợ cuộc đối thoại giữa Israel và Syrie, và đối với Liban, cần nâng đỡ sự củng cố hiện nay đối với các cơ chế và tổ chức. Việc củng cố này càng hữu hiệu nếu được thực thi trong một tinh thần đoàn kết. Với những người Irak đang chuẩn bị hoàn toàn nắm giữ vận mệnh của mình, tôi đặc biệt khuyến khích họ hãy lật sang một trang mới để nhìn về tương lai, hầu xây dựng tương lai này không chút kỳ thị về chủng tộc, bộ tộc hoặc tôn giáo. Về Iran, không nên mệt mỏi trong việc tìm kiếm một giải pháp thương thuyết để giải quyết tranh chấp về chương trình hạt nhân, qua một cơ cấu đáp ứng các đòi hỏi hợp pháp của Iran cũng như của cộng đồng quốc tế. Một kết quả như thế sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho sự hòa dịu trong vùng và trện thế giới nữa.

 

Tình hình Á châu

Sang đến Á châu, ÐTC nói: "Khi nhìn về đại lục Á châu rộng lớn, tôi lo âu nhận thấy rằng tại một số nước, bạo lực tiếp tục kéo dài và tại một số nước khác tình hình chính trị vẫn căng thẳng, nhưng cũng có những tiến bộ giúp nhìn về tương lai với niềm tin tưởng nhiều hơn. Ví dụ, tôi nghĩ đến việc mở lại các cuộc hòa đàm tại Mindanao, Phi luật tân, và hướng đi mới trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Ðài Bắc. Trong cùng bối cảnh tìm kiếm hòa bình ấy, một giải pháp chung kết cho cuộc xung đột tại Sri Lanka chỉ có thể là giải pháp chính trị, giữa lúc nhu cầu của dân chúng liên hệ phải tiếp tục là đối tượng cần quan tâm đặc biệt. Các cộng đồng Kitô tại Á châu thường là nhỏ bé về số lượng, nhưng cũng muốn góp phần đầy xác tín và hữu hiệu cho công ích, cho sự ổn định và tiến bộ của đất nước họ, làm chứng về quyền tối thượng của Thiên Chúa, Ðấng thiết lập một nấc thang lành mạnh cho các giá trị và mang lại một nền tự do mạnh mẽ hơn những bất công. Lễ tôn phong mới đây 188 chân phước tử đạo Nhật Bản nhắc nhở điều đó một cách hùng hồn. Giáo Hội không xin đặc ân, nhưng chỉ yêu cầu áp dụng nguyên tắc tự do tôn giáo trong mọi chiều kích. Trong nhãn giới đó, điều quan trọng là tại Trung Á, các luật lệ về các cộng đồng tôn giáo phải bảo đảm sự thi hành trọn vẹn quyền căn bản này, trong niềm tôn trọng các qui luật quốc tế.

 

Trong phần còn lại của bài diễn văn, ÐTC đề cập đến tình hình tại Phi châu mà ngài sẽ viếng thăm vào tháng 3 tới đây. Ngài đặc biệt nhắc đến việc áp dụng Hiệp ước về quyền của các trẻ em, tuy đã có hiệu lực từ 20 năm nay, nhưng các trẻ em tại Phi châu vẫn rất dễ bị tổn thương. Nhiều trẻ em sống thảm trạng của người tị nạn và di tản tại Somalia, miền Darfur, và cộng hòa dân chủ Congo. Ðây là làn sóng di cư của hàng triệu người đang cần được trợ giúp nhân đạo, nhất là họ không được các quyền căn bản và bị thương tổn trọng phẩm giá của họ. ÐTC nói: "Tôi thỉnh cầu những người đang thi hành trách nhiệm chính trị, trên bình diện quốc gia và quốc tế, hãy đề ra tất cả những biện pháp cần thiết để giải quyết các cuộc xung đột hiện nay và chấm dứt những bất công tạo nên các xung đột ấy. Tôi mong ước rằng tại Somalia, việc tái lập Nhà Nước có thể tiến triển, hầu chấm dứt những đau khổ vô tận của người dân nước này. Tại Zimbabwe cũng vậy, tình trạng vẫn nguy kịch và cần trợ giúp rộng lớn về nhân đạo. Các hiệp định hòa bình tại Burundi đã mang lại một tia sáng hy vọng trong vùng này. Tôi mong ước rằng các hiệp định ấy sẽ được áp dụng đầy đủ và trở thành nguồn gợi hứng cho các nước khác chưa tìm được con đường hòa giải.

Về tình hình Mỹ châu la tinh, ÐTC mong ước rằng các nhu cầu của người di dân được cứu xét qua những luật lệ giúp họ đoàn tụ gia đình và dung hòa được những đòi hỏi hợp pháp về an ninh và sự tôn trọng con người. Ngài nói: "Tôi cũng ca ngợi nỗ lực ưu tiên của một số chính quyền nhắm tái lập sự tôn trọng luật pháp và chiến đấu quyết liệt chống lại nạn buôn bán ma túy và nạn tham nhũng."

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page