Ðức Thánh Cha kêu gọi hy vọng

và chấm dứt chiến tranh tại Gaza

 

Ðức Thánh Cha kêu gọi hy vọng và chấm dứt chiến tranh tại Gaza.

Vatican (SD 6-1-2009) - ÐTC Biển Ðức 16 mời gọi các tín hữu giữ vững hy vọng trước cuộc khủng hoảng hiện nay và ngài khuyến khích các sáng kiến nhắm chấm dứt xung đột võ trang tại Gaza.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng thánh lễ và kinh Truyền Tin hôm 6-1-2009 lễ Chúa Hiển Linh. Hiện diện trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại Ðền thờ Thánh Phêrô có 24 Hồng Y trong đó có 2 vị tháp tùng ÐTC như phó tế, hơn 30 Giám Mục và khoảng 9 ngàn tín hữu trong đó có một số vị thuộc ngoại giao đoàn. Ðặc tính hoàn vũ của Giáo Hội được biểu lộ qua sự kiện hàng chục đại chủng sinh trường Truyền Giáo thuộc nhiều nước Á Phi đã giúp lễ và nhiều tín hữu thuộc các dân nước khác tham gia phần dâng lễ.

Trong bài giảng, sau khi diễn giảng về vị trí trung tâm của Chúa Giêsu Kitô trong lịch sử cứu độ và trong cả vũ trụ, không những như mặt trời trong thái dương hệ nhưng còn như một vì sao, trung tâm của toàn thể vũ trụ, ÐTC mời gọi các Kitô hữu "tiếp tục giữ vững niềm hy vọng, dù đứng trước những cuộc khủng hoảng trầm trọng về xã hội và kinh tế đang làm điên đảo nhân loại như ngày nay, dù đứng trước oán thù và bạo lực tàn phá không ngừng làm cho nhiều miền trên thế giới đẫm máu, dù đứng trước sự ích kỷ và sự tự phụ của con người nâng mình lên như thể là chủ tể của chính mình, nhiều khi đi tới những đảo lộn một cách nguy hiểm ý định của Thiên Chúa về sự sống và phẩm giá con người, về gia đình và sự hòa hợp của các loài thụ tạo. Nỗ lực của chúng ta nhắm giải thoát cuộc sống nhân loại và thế giới khỏi những độc chất và ô nhiễm có khả năng hủy hoại và tương lai, vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của nó, cho dù bề ngoài chúng ta có vẻ không thành công hoặc chúng ta có vẻ bất lực trước sự lướt thắng của các lực lượng thù nghịch, bởi vì "đó là một niềm hy vọng lớn lao dựa trên những lời hứa của Chúa, Ðấng ban cho chúng ta can đảm và hướng dẫn hành động của chúng ta trong những lúc thuận lợi cũng như những lúc đau buồn khó khăn" (Thông điệp Spe salvi n.35).

ÐTC cũng nêu bật ý nghĩa của lễ Chúa Hiển Linh trong năm thánh Phaolô Tông Ðồ và mời gọi toàn thể Giáo Hội, mỗi cộng đoàn và mỗi tín hữu, hãy làm như Thánh Tông Ðồ dân ngoại, noi gương phục vụ của ngôi sao dành cho các Ðạo Sĩ Phương Ðông, dẫn đường cho họ đến cùng Chúa Giêsu (Thánh Lêô Cả, Disc. 3 Lễ Hiển Linh, 5: PL 54,244). Cuộc sống của thánh Phaolô sau khi trở lại là một cuộc "chạy đua" để mang ánh sáng của Chúa Kitô cho muôn dân, và đối lại, dẫn đưa các dân tộc về cùng Chúa Kitô. Ơn thánh của Chúa đã biến thánh Phaolô thành một ngôi sao cho muôn dân. Sứ vụ của Người là một khích lệ cho Giáo Hội tái khám phá bản chất của mình là truyền giáo và canh tân sự dấn thân rao giảng Tin Mừng, nhất là cho những người chưa nhận biết Chúa".

ÐTC nói tiếp: "Khi nhìn thánh Phaolô, chúng ta không thể quên rằng những lời giảng của Người được nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh. Vì thế trong viễn tượng Thượng HÐGM thế giới mới đây, cần mạnh mẽ tái khẳng định rằng Giáo Hội và mỗi tín hữu Kitô chỉ có thể là ánh sáng dẫn đưa về cùng Chúa Kitô, nếu chúng ta được nuôi dưỡng một cách siêng năng và thân mật bằng Lời Chúa".

Kinh Truyền Tin

Sau thánh lễ, lúc 12 giờ trưa, ÐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh truyền tin với lối 40 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Lên tiếng trước khi đọc kinh Truyền Tin, ÐTC nhắc đến giai thoại Ba Ðạo Sĩ phương đông đi tìm Chúa Hài Ðồng, để thờ lạy "Vua dân Do thái", ngài ghi nhận thái độ khác hẳn của họ với thái độ của vua Hêrôđê và người Do Thái. Vua Hêrôđê coi vị mà các Ðạo Sĩ tìm kiếm như người sẽ cạnh tranh với ông và con cái ông, trong khi các thủ lãnh và dân thành Jerusalem thì kinh ngạc và xao xuyến. Dường như Thánh Sử Phúc Âm muốn nói trước tới lập trường của các Thượng tế và Thượng Hội đồng Do thái và cả dân chúng đối với Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai của Ngài. Chúng ta cũng nghĩ tới cảnh Chúa Giêsu khóc thương thành Jerusalem, vì đã không biết nhận ra thời điểm được Chúa thăm viếng (Lc 19,44). Ðây chính là một trong những điểm nòng cốt của thần học lịch sử: đó là thảm kịch tình yêu trung thành của Thiên Chúa nơi con người của Chúa Giêsu, Ðấng đến giữa dân Ngài, nhưng họ không nhận biết Ngài" (Ga 1,11).

Sau kinh Truyền Tin và ban phép lành cho các tín hữu, ÐTC gởi lời chúc mừng đến các anh chị em tín hữu Chính Thống giáo và các Giáo Hội Ðông phương mừng lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 7-1 theo niên lịch cũ Giuliano. Ngài nói thêm rằng: "Việc nhớ đến các anh chị em ấy đưa tinh thần tôi tới Thánh Ðịa và Trung Ðông. Tôi tiếp tục lo âu theo dõi những cuộc xung đột bạo lực võ trang đang diễn ra tại giải Gaza. Tôi lập lại rằng oán thù và từ chối đối thoại chỉ đưa tới chiến tranh, hôm nay tôi muốn khuyến khích các sáng kiến và nỗ ực của những người quan tâm đến hòa bình, đang tìm cách giúp đỡ người Israel và Palestine chấp nhận ngồi vào bàn và nói chuyện với nhau. Xin Chúa nâng đỡ sự dấn thân của những người can đảm xây dựng hòa bình ấy!"

ÐTC nhắc đến sự kiện lễ Hiển Linh cũng là lễ của các trẻ em tại nhiều người. Ngài đặc biệt nghĩ đến các em, và muốn lưu ý vế tình trạng hàng chục trẻ em nam nữ trong những tháng gần đây, kể cả trong mùa Giáng Sinh, tại tỉnh Ðông cộng hòa dân chủ Congo, đã bị các nhóm võ trang bắt cóc, chúng tấn công các làng mạc và làm cho nhiều người chết và bị thương. ÐTC nói: "Tôi kêu gọi thủ phạm của những hành vi tàn bạo vô nhân đạo ấy, hãy trả các trẻ em cho gia đình các em, và cho tương lai an ninh và sự phát triển của các em, những điều mà các em có quyền được hưởng cùng với toàn dân. Ðồng thời tôi bày tỏ sự gần gũi với các Giáo Hội địa phương, đang bị tổn thất về nhân mạng và cơ sở, đồng thời tôi khích lệ các vị chủ chăn và các tín hữu hãy vững mạnh kiên cường trong hy vọng".

"Rất tiếc rằng những vụ bạo hành đối với các trẻ em cũng xảy ra ở các nơi khác trên thế giới, sự kiện này càng đáng trách hơn nữa, xét vì năm 2009 này là kỷ niệm 20 năm Hiệp ước về quyền của các trẻ em: đây là một quyết tâm mà cộng đồng quốc tế được kêu gọi lập lại để bảo vệ, bênh vực và thăng tiến các trẻ em trên toàn thế giới".

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page