Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Khuôn mặt trẻ trung của Giáo Hội

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Khuôn mặt trẻ trung của Giáo Hội.

Sydney, Australia (28/07/2008) - Hôm ngày 27 tháng Bẩy năm 2008, tại dinh mùa hè, trước khi đọc kinh truyền tin với khách hành hương, Ðức Bênêđíctô XVI đã dùng các từ ngữ tốt đẹp để nói về Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23 tại Sydney. Ngài ví ngày ấy như một Lễ Chúa Thánh Thần mới từ đó, khách hành hương được sai đi làm tông đồ cho người cùng thời với họ. Ngài nói với mọi người rằng: "Trong tâm trí cha, cha vẫn nhớ dịp hết sức đặc biệt ấy, trong đó cha cảm nghiệm được khuôn mặt trẻ trung của Giáo Hội. Nó như bức tranh ghép muôn mầu, tạo thành bởi thanh niên nam nữ khắp nơi trên địa cầu, tất cả cùng tụ tập nhau trong một đức tin duy nhất vào Chúa Giêsu Kitô".

Ðức Thánh Cha cho hay giới trẻ tham dự biến cố trên được mệnh danh là "khách hành hương trẻ của thế giới", một kiểu nói, theo Ngài, "đã nắm bắt được yếu tính của các cuộc gặp mặt quốc tế này do Ðức Gioan Phaolô II khởi xướng. Những cuộc gặp mặt này thực tế đã tạo nên những khung cảnh cho các cuộc hành hương vĩ đại khắp thế giới, để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng niềm tin vào Chúa Kitô đã biến tất cả chúng ta thành con cái Thiên Chúa và là những người kiến tạo nền văn minh tình yêu". Ngài còn thêm: "Ý thức về Chúa Thánh Thần, đấng bênh đỡ sự sống của Giáo Hội và của từng Kitô hữu, là đặc điểm của cuộc gặp mặt tại Sydney. Hành trình dài nhằm chuẩn bị tại các Giáo Hội địa phương đã đi theo chủ đề của các ngôn từ sau đây do miệng Chúa Kitô phục sinh phán với các tông đồ: 'Chúng con sẽ tiếp nhận sức mạnh khi Chúa Thánh thần ngự xuống trên các con và các con sẽ là nhân chứng của Thầy".

Khi nhận định về tuần lễ WYD, Ðức Thánh Cha gọi các buổi sinh hoạt giáo lý là "các giờ phút suy niệm và hồi tâm hết sức cần thiết làm cho biến cố này thành một biến cố tác động sâu xa đối với lương tâm, chứ không phải là một biểu dương chỉ có tính bề ngoài. Ðêm canh thức, ngay trong lòng thành phố, dưới Chòm Sao Phương Nam, là một bản đồng ca tha thiết kêu cầu Chúa Thánh Thần; và lúc bế mạc, trong lễ cử hành Thánh Thể đông đảo vào Chúa Nhật, cha đã ban Phép Thêm Sức cho 24 thanh niên nam nữ thuộc nhiều châu lục khác nhau, trong đó có 14 người là người Úc, cha đã mời gọi mọi người nhắc lại các lời hứa khi lãnh nhận Phép Rửa Tội". Ngài khẳng định Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã "được biến đổi để trở thành Lễ Hiện Xuống mới, từ đó sứ mệnh của người trẻ, được mời gọi làm tông đồ cho người đồng thời, đã được phát động".

Thời đại mới của Chúa Thánh Thần

Người ta còn nhớ, trong thông điệp gửi người hành hương WYD ngay khi tới Sydney, Ðức Bênêđíctô XVI đã trích dẫn lời sau đây của Thánh Augustinô: "Nếu muốn trẻ trung mãi, các con hãy tìm kiếm Chúa Kitô". Lời trích trên đây hết sức thích hợp không những đối với giới trẻ đang chờ được thấy Ðức Giáo Hoàng, mà còn đối với bất cứ ai khác, kể cả các xã hội Tây Phương đang mỗi ngày một bị tục hóa hơn lên và thường là thù nghịch đối với sứ điệp của Chúa Kitô. Paul Kelly, chủ bút tờ The Australian, một tờ nhật báo đặt cơ sở tại Sydney, cho hay chủ nghĩa duy thế tục là một vấn đề. Trong một bài nhận định trước ngày khai mạc WYD, ông nhận xét rằng chủ nghĩa này không những muốn hạn chế tôn giáo vào lãnh vực hoàn toàn tư riêng, mà còn tìm cách "tạo ra một thứ chủ nghĩa vô thần làm tôn giáo chính thức trên thực tế để xua đuổi tôn giáo đích thực ra khỏi lãnh vực công".

Chủ đề trên đây vì vậy đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt tuần Ðại Hội. Thủ Tướng Úc, Ông Kevin Rudd chẳng hạn, trong bài diễn văn chào mừng khách hành hương trong Thánh Lễ khai mạc vào ngày 15 tháng Bẩy năm 2008, đã nhìn nhận tầm quan trọng của Kitô Giáo, một nhìn nhận nhiều người coi là quá thiên tôn giáo này nơi một nhà lãnh đạo chính trị. Ông Rudd tuyên bố: "Một số người nói không có chỗ cho đức tin trong thế kỷ 21. Tôi bảo họ sai rồi. Một số người bảo đức tin là kẻ thù của lý trí; tôi cũng nói họ sai rồi". Thủ Tướng Úc tiếp tục ca ngợi vai trò của Kitô giáo trong việc phát triển giáo dục và cấp dưỡng người nghèo: "Và tôi xin thưa điều này, Kitô giáo vốn là một sức mạnh trổi vượt của sự thiện trên thế giới".

Một thế giới tốt hơn

Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trong bài giảng tại thánh lễ cung hiến bàn thờ của Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary ngày 19 tháng Bẩy năm 2008, đã đề cập đến thách thức đối với vai trò của tôn giáo trong thế giới. Ngài cho hay: "Nhân danh tự do và tự lập nhân bản, danh Thiên Chúa đã im lặng bị bỏ qua, tôn giáo bị thu gọn vào việc sùng kính tư riêng, và đức tin bị tránh né nơi quảng trường công cộng".

Trong nhiều diễn văn khác, Ðức Giáo Hoàng luôn nhấn mạnh tới đóng góp tích cực của tôn giáo và các tín hữu. Như trong diễn văn ở buổi lễ chào mừng tại Dinh Chính Phủ ngày 17 tháng Bẩy năm 2008 chẳng hạn, Ngài nói đến việc khách hành hương tụ tập nhau để lắng nghe Lời Chúa và để học hỏi nhiều nhơn về đức tin Kitô giáo của mình. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là khởi đầu. Ngài nói thêm: "Họ mong mỏi dự phần vào biến cố đang hết sức tập chú vào các lý tưởng cao vời từng gợi hứng cho họ, và họ sẽ trở về nhà lòng đầy hy vọng và một quyết tâm đổi mới muốn góp phần vào việc xây đắp một thế giới tốt đẹp hơn". Trong các bài diễn văn của mình, Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến chủ đề Chúa Thánh Thần đã được chọn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới: "Các con sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các con và các con sẽ là nhân chứng của ta cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1:9).

Theo Ðức Thánh Cha, Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn khôn ngoan để người trẻ biết phải chọn nẻo đường nào, và cũng khích lệ để họ dấn thân đi theo nẻo đường ấy. Ðức Giáo Hoàng không ngừng nhắc tới chủ đề về Chúa Thánh Thần trong các bài giảng của Ngài vào ngày hôm sau, mà cao điểm nhất là bài giảng trong Thánh Lễ Bế Mạc vào Chúa Nhật, 20 tháng Bẩy năm 2008 tại trường đua Randwick. Ngài giải thích rằng sức mạnh Chúa Thánh Thần, từng được khấn cầu, chính là sức mạnh của sự sống Thiên Chúa. Nó là sức mạnh sáng tạo, sức mạnh từng làm Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, và là sức mạnh đang dẫn dắt ta tới Nước Thiên Chúa. Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến một thời đại mới đang ló hình. Ngài nhận định: "Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu công bố rằng một thời đại mới đã bắt đầu, trong đó, Chúa Thánh Thần sẽ được đổ tràn đầy xuống trên nhân loại".

Việc đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần xuống này không phải chỉ là một sức mạnh soi sáng và ủi an mà thôi, mà còn là sức mạnh sáng tạo ra một thế giới mới nữa. Ngài nói: "Ðược Chúa Thánh Thần ban sức mạnh và rút tỉa được một cái nhìn phong phú của đức tin, một thế hệ Kitô hữu mới đang được kêu gọi góp phần xây đắp một thế giới, trong đó, quà phúc sự sống của Thiên Chúa được chào đón, kính trọng và trân qúy, chứ không bị từ khước, sợ sệt như một đe dọa và bị trừ khử". Trong thời đại mới này, tình yêu sẽ không tham lam hay vị kỷ, nhưng trong trắng và tự do. Một thời đại mới sẽ xuất hiện, trong đó, người ta sẽ cởi mở với nhau và rạng rỡ niềm vui cũng như vẻ đẹp, một thời đại mới của hy vọng sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi nông cạn và dửng dưng. Thách Thức Trong bài giảng của mình, Ðức Giáo Hoàng cũng nói rõ Ngài không phải chỉ đem lại hy vọng và khích lệ cho người trẻ, mà còn thách thức họ hãy góp phần xây dựng nên thời đại mới kia: "Các bạn trẻ thân mến, Chúa đang yêu cầu các bạn làm tiên tri cho thời đại mới này, làm sứ giả tình yêu của Người, lôi kéo người ta về với Chúa Cha và xây dựng tương lai đầy hứa hẹn cho toàn thể nhân loại".

Ðức Bênêđíctô XVI cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho người trẻ. Ngài hỏi họ xem họ muốn để lại chi cho thế hệ tiếp theo, và họ sử dụng các ơn phúc và sức mạnh Chúa Thánh Thần ra sao. "Các con có sống cuộc sống của mình cách nào đó để mở rộng không gian cho Chúa Thánh Thần ngự xuống giữa một thế giới chỉ thích quên khuấy Chúa đi, có khi còn bác bỏ Người nhân danh thứ tự do bị họ quan niệm cách sai lạc nữa?" Thách thức trên cũng là chủ đề của bài giảng Ðức Giáo Hoàng ban bố trong buổi canh thức đêm hôm trước. Ngài đề cập tới việc phải làm nhân chứng ra sao trong một thế giới vốn được người ta mô tả như hết sức mỏng dòn và kiệt lực vì các vết thương. Ðức Thánh Cha nhận định rằng nhiều vết thương do hiệu quả xấu của chủ nghĩa tương đối gây ra, một chủ nghĩa "không nhìn ra bức tranh trọn vẹn" vì nó làm ngơ các nguyên tắc "giúp ta có hể sống và triển nở trong hiệp nhất, trật tự và hoà hợp".

Chìa khóa để nhìn ra trọn bộ bức tranh là mở lòng ra đón nhận hành động của Chúa Thánh Thần, Ðấng vốn gìn giữ ta trong hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo Hội. Sự hiệp nhất này chính là yếu tính của Chúa Thánh Thần, vì Người vốn là sự sẻ chia giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần cũng là yêu thương và tự hiến, "Hãy để tình yêu hiệp nhất thành thước đo của chúng con; tình yêu bền vững thành thách thức của chúng con; tình yêu tự hiến thành sứ mệnh của chúng con!"

Các hoa trái

Trước ngày khai mạc WYD, phần lớn báo chí Úc chú trọng tới các khía cạnh tiêu cực của biến cố này, như phí tổn cao và gây xáo trộn cho sinh hoạt bình thường của thánh phố.

Nhưng khi biến cố này đang diễn tiến, và người ta được tận mắt thấy Ðức Giáo Hoàng và các nhân chứng và được dự phần vào các biến cố ngoạn mục như nghi thức Chặng Ðàng Thánh Giá đầy xúc động, thì giới truyền thông tỏ ra hết sức ủng hộ. Nhiều bài bình luận nhắc đến tài tổ chức và cả sự kiện lực lượng cảnh sát không cần đến nhiều như các biến cố khác của tuổi trẻ Úc. Lúc từ giã Sydney lên đường về Rome, Ðức Giáo Hoàng đã nhận định như sau: "Ngày Giới Trẻ Thế Giới cho ta thấy rằng Giáo Hội có thể hân hoan với tuổi trẻ ngày nay và tràn trề hy vọng với thế giới ngày mai". Ðối với Giáo Hội tại Úc và khắp thế giới, thách đố là phải làm thế nào biến niềm hy vọng ấy thành hiện thực.

Thành công khó đo

Trên đây là nhận định của linh mục John Flynn, LC. Các cơ quan thông tấn khác cũng có nhiều nhận định tương tự. Theo hãng One News, thành công của WYD năm 2008 tại Sydney khó có thể đo lường được. Các người hành hương phấn chấn, các chính trị gia hân hoan và các nhà khoa bảng dè dặt, mỗi người đều có những nhận định riêng. Tuy nhiên ai cũng phải đồng ý một điều lễ hội kéo dài một tuần lễ này quả là một thành công đối với Sydney. Phòng Thương Mãi cho rằng Sydney đã dành lại được bùa mê (mojo) của mình, sau khi rơi tọt xuống thế lặng gió kể từ Thế Vận Hội năm 2000. Patricia Forsythe, giám đốc điều hành của Phòng này, cho hay: "Sau những chân trời tím ngắt của hậu Thế Vận, đây là tuần lễ Sydney dành lại được tước hiệu kinh thành tiếp khách số một của thế giới".

Morris Iemma, Thủ hiến bang NSW, cũng hào hứng không kém. Ông bảo: "Thành phố đã mặc lại cái bùa mê thương ấn của mình, thành phố hạng nhất của thế giới, quả là thành phố hạng nhất của thế giới. Và chúng ta thấy điều ấy một cách rõ ràng suốt cả tuần lễ". Ông cũng cho hay tiền bạc không thể mua được sự quảng bá tích cực mà WYD đã mang tới cho Sydney. Người hành hương từ 170 quốc gia cho hay nhiều người đã phải dành dụm suốt hai năm qua mới đủ tiền thực hiện chuyến đi của mình t1ơi Sydney lần này, nhưng họ thấy đồng tiền của họ đã được chi tiêu chính đáng.

Francesca Avi, 29 tuổi, một trong hơn 110,000 người hành hương quốc tế có đăng ký chẳng hạn, nói rằng Sydney là WYD thứ ba của cô. Cô cho hay: "Tôi đã tới Patis (1997) và Rome (2000) và bây giờ tới đây. Nơi đây tốt nhất xưa nay".

Và người ở giữa tâm điểm biến cố, tức Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, rõ ràng hết sức cảm kích trước vẻ đẹp của Sydney. Trước cử tọa ngút ngàn ở trường đua Randwick, Ngài thổ lộ: "Ở đây tại nước Úc, tại mảnh đất Phương Nam của Chúa Thánh Thần này, tất cả chúng ta nhận được một cảm nghiệm không thể nào quên về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và sức mạnh của vẻ đẹp thiên nhiên". Ngay như kỹ nghệ đua ngựa, là nhóm phản đối việc sử dụng trường đua cho WYD vì sợ các đường đua của mình bị hư hao, cũng rất hài lòng sau đó. Một phát ngôn viên của Câu Lạc Bộ Nài Ngựa Úc, trong khi quan sát ban tổ chức WYD đang cho thu dọn trường đua sau khi được hơn 400,000 sử dụng, đã cho biết: "Xem ra trường đua đã được giữ gìn rất tốt".

Vậy tại sao vẫn không ưa?

Lý do có nhiều, nếu bạn cho rằng Kitô giáo có quá nhiều ảnh hưởng tại Úc. Giáo sư John Stratton, trưởng khoa nghiên cứu văn hóa tại Ðại Học Curtin ở Perth chẳng hạn, đã cho rằng biến cố này đem lại cho chính sách đa tôn giáo một cú đấm trời đánh và cho thấy chính phủ quá ưu đãi Kitô giáo. Ông bảo: "sẽ tốt đẹp nếu ta có thể tuyên bố sẽ có một Ngày Giới Trẻ Thế Giới cho Hồi Giáo tại Úc chẳng hạn. Nhưng tôi rất hoài nghi về phương diện tôn giáo vì nếu chuyện ấy xẩy ra, người ta sẽ la ó phản đối ghê lắm". Ông cho hay ông quan tâm tới việc WYD sẽ tiếp tục nói lên việc nhích xa dần khỏi chủ nghĩa duy thế tục, một chủ nghĩa hết sức quan yếu đối với việc điều hành một tiểu bang tân tiến, một diễn trình, theo ông đã bắt đầu với chính phủ Howard trước đây. Stephen Juan, giảng sư tại khoa giáo dục và hoạt động xã hội tại Ðại Học Sydney cũng đặt nghi vấn đối với việc đăng cai WYD. Ông bảo: "Biến cố này hết sức ngoại thường vì nhiều lý do. Nhưng ít ai có thể tưởng tượng người ta có thể dành cùng một sự ưu đãi như thế cho một nhóm Hồi Giáo kiểu này".

Các chỉ trích trên xem ra quá khắt khe nếu xét đến khía cạnh Giáo Hội Công Giáo đã làm hết sức để nối vòng tay lớn với các tôn giáo khác trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Ðức GH Bênêđíctô và Ðức Tổng Giám Mục, Hồng Y George Pell, đều đã dành thì giờ hết sức bận bịu trong những ngày WYD để gặp gỡ trao đổi với các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo và cả Phật Giáo nữa. Ðức Hồng Y Pell thưa với các nhà lãnh đạo này rằng: "Cùng với nhau, trong tư cách tín hữu, ta phải chứng tỏ được rằng đức tin chân thực vào Thiên Chúa là nguyên nhân đem lại hiệp nhất và hỗ tương, chứ không phải chia rẽ và hận thù". Việc đối xử có tính ưu ái đối với Giáo Hội Công Giáo có thể do sự kiện ông Iemma và nhiều bộ trưởng khác là người Công Giáo, nhưng cũng do sự kiện này nữa: Công Giáo là tôn giáo đông người nhất của Úc. Cuộc thống kê dân số năm 2006 cho thấy 5 triệu người, tức quá 25% tổng số dân là Công Giáo. Chỉ có 340,000 người nói mình theo Hồi Giáo mà thôi. Trong nhiều tháng trước WYD, Ðảng Xanh tại NSW chỉ trích phí tổn cao, cho rằng Giáo hội Công Giáo là người thụ hưởng, thì Giáo Hội ấy phải chịu hết phí tổn. Nhưng Phòng Thương Mãi phản cung lại cho rằng biến cố này sẽ mang lại 231 triệu dollars, một con số tuy không chính xác hoàn toàn, nhưng vẫn được họ duy trì cho đến phút kết thúc đại hội. Chính phủ NSW thì khiêm tốn hơn, chỉ tiên đoán là 150 triệu mà thôi... Có lẽ còn lâu mới có được bá cáo chính xác về khía cạnh này.

Lợi nhuận tài chánh có ra sao, không hẳn là điều quan yếu. Người ta không thể lấy tiền bạc ra mà đo niềm hạnh phúc đã được biến cố này mang tới cho không biết bao nhiêu du khách và niềm hãnh diện nhờ nó mà Sydney đã dành lại được. Một tờ báo đã chạy hàng tít lớn như thế này: "Hết lòng đa tạ... nhân dân Sydney đã biểu lộ sự kiên nhẫn và cảm thông đến thế. Nhờ tài năng và thiện chí của các bạn, Sydney vẫn còn là thủ phủ chính cho các biến cố thế giới không bị ai tranh cãi".

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page