Một tu sĩ dòng Tên bị bắt cóc

nhưng đã được trả tự do

nhờ có sự can thiệp của dân làng

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Một tu sĩ dòng Tên bị bắt cóc nhưng đã được trả tự do nhờ có sự can thiệp của dân làng.

Keredari, Ấn Ðộ (UCAN IE05336.1505 Ngày 10-7-2008) - Hôm 3-7-2008 bọn tội phạm bị tình nghi đã bắt cóc một linh mục dòng Tên để đòi tiền chuộc tại một ngôi làng thuộc miền đông Ấn Ðộ, nhưng các lãnh đạo trong làng đã can thiệp giải thoát cho ngài vào ngày hôm sau.

Một nhóm vũ trang khoảng 10 người đã tấn công vào giáo điểm của dòng Tên tại làng Patra thuộc bang Jharkhand tối 3-7-2008, người đầu bếp của các linh mục ở đây là Daniel Tirkey nói với UCA News.

Chúng cho thuốc nổ vào cổng để phá cổng và chĩa súng bắt đem đi các linh mục Primius Kerketta, 45 tuổi, và Basil Lakra, 40 tuổi. Sau khi đi khoảng một kilômét, bọn chúng thả cha Kerketta về và đòi ngài mang một triệu rupi (khoảng 23,250 Mỹ kim) đến chuộc cha Lakra. Cha Kerketta phụ trách Seva Kendra (trung tâm xã hội) của giáo điểm.

Vị linh mục nói với UCA News rằng ngài thông báo với dân làng về vụ việc này, và họ đi vào rừng thương lượng với bọn bắt cóc và giải thoát cha Lakra.

Linh mục Sabri Muthu thuộc tỉnh dòng Tên Hazaribag nói với UCA News rằng nhà dòng "không trả một đồng nào". Tuy nhiên, ngài nói thêm: "Dân làng hứa trả một số tiền bằng cách quyên góp trong làng". Patra nằm cách thị xã Hazaribag 52 km về phía tây. Theo cha Muthu, bọn bắt cóc khẳng định chúng là Maoists nhưng các tu sĩ dòng Tên nghi ngờ chúng là bọn tội phạm địa phương. Vùng này là thành trì của Maoists, ngài thừa nhận, nhưng cho đến nay họ chưa từng tấn công các linh mục và nữ tu Công giáo, những người "làm việc tự do" trong các ngôi làng.

Cả hai cha Kerketta và Lakra "hơi hoảng sợ" nhưng sẽ tiếp tục làm việc trong làng này, cha Muthu nói. "Chúng tôi không sợ những chuyện như thế và sẽ không bỏ chạy".

Cảnh sát viên Naushad Alam nói với UCA News rằng cảnh sát đã nhận diện được bọn bắt cóc, cũng được ông gọi là bọn tội phạm. Ông nói: "Chúng tôi sẽ sớm tóm được bọn chúng".

Những người trong Giáo hội lên án việc bọn tội phạm nhắm vào các linh mục như là "mục tiêu ngon ăn" để làm tiền.

"Ðây là một điều rất bất hạnh", Ðức Giám mục Christodas Jojo của Giáo hội Truyền giáo Gossner, nhận xét. Vị giám chức Tin lành làm chủ tịch Uỷ ban Toàn thể các Giáo hội, một tổ chức đại kết đặt trụ sở ở thủ phủ Jharkhand của Ranchi, cách New Delhi 1,160 km về phía đông nam. Hazaribag cách Ranchi khoảng 90 km về phía bắc.

Các Kitô hữu xem việc bắt cóc các linh mục để đòi tiền chuộc "là vấn đề rất nghiêm trọng", Ðức cha Jojo nói với UCA News, và cho biết có hàng ngàn linh mục và nữ tu làm việc trong các ngôi làng xa xôi của Jharkhand. "Ðây là vụ đầu tiên trong bang và nó cho thấy Giáo hội sẽ phải đối mặt với vấn đề gì trong tương lai".

Linh mục Peter Raposo, làm việc tại toà tổng giáo phận Ranchi, cũng cho rằng vụ bắt cóc tạo "tiền lệ xấu" và là "vấn đề đáng quan tâm". Bọn tội phạm nhắm vào các linh mục bởi các ngài không làm hại ai và không trang bị vũ khí, ngài nói với UCA News. Ngài nói thêm bắt cóc các linh mục sẽ chỉ làm cản trở công việc của các thừa sai tại các làng và làm cho tình hình nghèo đói của người dân trầm trọng thêm.

Linh mục C.R. Prabhu, phó chủ tịch Uỷ ban Toàn thể các Giáo hội, nhận thấy những người sống ngoài vòng pháp luật Maoist biết công việc làm của những người trong Giáo hội và cho đến nay chưa hề gây phiền toái cho các linh mục và nữ tu. "Ngay cả những người theo Maoist và gia đình họ cũng hưởng lợi từ các dịch vụ của chúng tôi", ngài nói với UCA News.

Ngài kể lại vụ bắt cóc một linh mục dòng Tên khác trong cận bang Bihar cách đây khoảng 20 năm. Những kẻ bắt cóc đã giam ngài trong rừng hơn một tháng. "Nhưng sau khi thất vọng vì không đòi được tiền chuộc, họ đành thả ngài. Tới lúc đó vị linh mục đã xem họ là bạn", cha Prabhu kể.

Vị linh mục khẳng định Giáo hội sẽ không trả tiền chuộc cho nhân viên: "Chúng tôi sẵn sàng chết, nhưng không muốn thoả hiệp bằng cách trả tiền chuộc. Nếu chúng ta trả lần này, chúng sẽ lại bắt cóc chúng ta tiếp nhiều lần sau đó".

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page