Bài phỏng vấn Hai nữ tình nguyện viên Công giáo trẻ

lặn vớt xác chết trong tàu bị lật tại Philippines

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài phỏng vấn Hai nữ tình nguyện viên Công giáo trẻ lặn vớt xác chết trong tàu bị lật tại Philippines.

Thành Phố Quezon, Philippines (UCAN PL05278.1504 Ngày 2-7-2008) -- Hai phụ nữ trẻ đã cùng các thợ lặn khác lặn tìm thi thể của những người bị kẹt trong một chiếc tàu bị lật tại Philippines nói rằng bố mẹ họ sinh họ ra là để giúp tha nhân.

Vanessa Anne, 28 tuổi, và em ruột Maria Alexandra, 23 tuổi, còn muốn giúp nhân viên bảo vệ bờ biển mà họ ngưỡng mộ. Hai phụ nữ Công giáo này là thành viên của đội Tương trợ Bảo vệ Bờ biển Philippines, đã nói chuyện với UCA News hôm 28-6-2008 ngay sau khi ra viện ở Trung tâm Y khoa Ðại lộ Ðông của nhà nước.

Hai chị và các thợ lặn của đội Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) đã được kiểm tra xem có bị nhiễm độc hay không sau khi đội bảo vệ bờ biển phát hiện tàu MV Princess of the Stars, bị lật hôm 21-6-2008 trong cơn bão Fengshen, có chở 10 tấn endosulphan. Loại thuốc trừ sâu này bị cấm tại Liên minh châu Âu, Campuchia cũng như bị hạn chế ở các nước khác vì nó có độc tính cao.

Nhóm tương trợ này là một tổ chức thiện nguyện có một cơ cấu quân đội gắn bó với PCG, nơi mẹ của hai chị em nhà Garon là bà Emerita- một thiếu tướng hải quân. Bà điều hành tập đoàn Trường Golden Values cùng chồng là Robert "Bob" Garon, đồng sáng lập năm 1979. Bob là một cựu linh mục dòng La Salette vẫn còn tiếp tục sứ vụ phục hồi cho những người bị nghiện ngập, kể cả các linh mục nghiện rượu và dính líu đến tình dục.

Vanessa quản lý một số trong sáu trường Golden Values trong khu vực Manila, đào tạo từ mẫu giáo đến trung học. Alexandra, một nhà tâm lý học, làm việc với bố ở Nhà Ðào tạo Nazareth, một trung tâm trị liệu cộng đồng ở San Jose, Batangas, phía nam Manila, được Bộ Y tế công nhận là trung tâm cai nghiện.

Nói chuyện với UCA News, hai chị em nhà Garon tả lại kinh nghiệm lặn gần đảo Sibuyan, cách Manila khoảng 150 km về phía đông nam, để giúp các thợ lặn PCG đưa thi thể ra khỏi tàu MV Princess of the Stars bị lật. Tính đến ngày 29-6-2008, Ủy ban Ðiều phối Thảm họa Quốc gia cho biết có 56 người còn sống được cứu và 173 người chết đuối được cứu sống lại trong số 725 hành khách và 141 thủy thủ trên tàu.

Các hoạt động tìm kiếm và cứu sống của PCG bị đình lại hôm 27-6-2008 sau khi Bộ Giao thông và Truyền thông cho biết con tàu đang chở endosulphan cho công ty Del Monte Philippines.

Sau đây là cuộc phỏng vấn của UCA News với hai chị em Vanessa và Alexandra Garon:

UCA News: Hai chị gia nhập đội cứu hộ bằng cách nào?

Vanessa Garon: Chúng tôi đã lặn bảy năm nay, và tôi luôn muốn tình nguyện làm một việc như thế. Tôi ngưỡng mộ những người làm việc trong PCG, đặc biệt là những thợ lặn cứu hộ khi có tàu chìm. Nhìn họ làm việc trong những hoàn cảnh tồi tệ, tôi nghĩ rằng với tư cách tình nguyện viên tôi có thể giúp họ dù chỉ trong một vài tuần hay vài ngày.

Ðối với tôi, thợ lặn đang làm những công việc hết sức dơ dáy giúp nhiều người một khi có vụ chìm tàu. Lặn dưới nước vớt xác người chết không phải là cảnh thú vị gì, nhưng điều truyền cảm cho tôi là cách họ làm nhiều việc để giúp đỡ người khác.

Vì thế khi tôi nghe nói PCG đang cần thợ lặn phụ giúp trong các hoạt động cứu hộ, tôi bảo em tôi hãy sẵn sàng và xin phép thầy hướng dẫn lặn cho phép chúng tôi đi. Thầy đồng ý và nói PCG rất cần mọi sự giúp đỡ có thể có.

Chúng tôi rời Manila hôm 24-6-2008 và lặn xuống nơi con tàu chìm vào ngày hôm sau.

UCA News: Ðiều gì gây ấn tượng nhất cho chị trong chuyện này?

Vanessa: Ðiều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi tại hiện trường là thi thể của một người đàn ông đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nó khiến tôi nhận ra rằng tôi thật sự đúng khi đến đây để giúp cứu sống lại những người đã chết. Ðây là một kinh nghiệm làm thay đổi cuộc đời.

Ở dưới nước, tôi và em tôi ở bên ngoài con tàu chờ những người thợ lặn khác tìm kiếm các thi thể bên trong tàu. Họ đưa thi thể ra ngoài tàu và chuyển cho chúng tôi và chúng tôi đưa thi thể lên. Phần lâu nhất và nặng nề nhất là sự chờ đợi. Dưới đó rất tối. Tôi lo không biết những người thợ lặn kia có bị kẹt lại bên trong tàu không? Hay có mang được các thi thể ra ngoài không?

Tôi nhìn thấy nhiều dấu vân tay trên các cửa sổ kính. Nó làm cho tôi liên tưởng cách đây một vài ngày những người này thật sự còn sống, rất hoảng sợ và muốn thoát ra ngoài. Chính lúc đó, tôi chỉ biết cầu nguyện cho họ. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh đó.

Alexandra Garon: Có nhiều dấu hiệu níu kéo sự sống trong con tàu bị chìm. Tôi thấy một chiếc giày trên sàn, một mớ tóc và một khăn tay treo trên cửa sổ... họ đã cố tìm cách thoát chết. Một số người còn cố trèo lên bàn. Khi anh rơi vào tình huống như thế, anh không thể không nghĩ đến những ơn phúc anh có. Anh nhận ra sự sống quan trọng như thế nào.

Tôi còn nhìn thấy một người thợ lặn, một người Công giáo không hành đạo, làm dấu thánh giá lần đầu tiên.

Vanessa: Anh chàng đó không phải là người đạo đức nhưng anh ta đã xúc động và mỗi khi nghĩ đến đó anh ta càng xúc động hơn.

Một người thợ lặn khác nói với chúng tôi rằng họ nhìn thấy một chuỗi hạt mân côi màu xanh trong một túi xách trên tàu. Anh nói ngay ở đó và sau đó rằng anh biết đây là dấu hiệu Chúa gìn giữ chúng ta trong khi làm nhiệm vụ và cảm thấy mình phải tiếp tục đưa những người đó ra ngoài.

UCA News: Hai chị là phụ nữ duy nhất trong đội cứu hộ, hai chị có cảm tưởng như thế nào về điều đó?

Vanessa: Vì chúng tôi không có anh em trai, bố mẹ chúng tôi luôn nói với chúng tôi rằng các con hãy làm bất cứ thứ gì đàn ông có thể làm và còn khuyến khích chúng tôi hãy làm tốt hơn.

Một số nhân viên bảo vệ bờ biển trêu chọc chúng tôi và hỏi tại sao chúng tôi tình nguyện tham gia đội cứu hộ. Mọi người đều lo lắng cho chúng tôi. Chúng tôi nói với họ đây là việc nhỏ nhất mà chúng tôi có thể làm để giúp người khác. Thật là hồi hộp.

Một viên đại tá tại bệnh viện nói họ có tinh thần cao mặc dù mệt "bở hơi tai" vì tất cả đều đã làm hết sức mình. Chúng tôi nói với họ chúng tôi có cảm hứng từ họ. Ðó là cách chúng tôi tạo thêm sự tin tưởng lẫn nhau.

UCA News: Làm thế nào các chị biết được tin hóa chất tràn?

Alexandra: Kế hoạch lặn sáng ngày 27-6-2008 của chúng tôi không được thực hiện vì các thợ lặn khác nói với chúng tôi rằng chúng tôi sắp đi làm xét nghiệm để xem có bị nhiễm độc do dầu tràn hay các thi thể thối rữa ở con tàu bị chìm hay không, và sau đó chúng tôi được thông báo về số hóa chất này.

Vanessa: Lúc đầu chúng tôi nghĩ họ nói đùa, nhưng khi tôi đi kiểm tra thì thấy có lệnh đưa chúng tôi đến bệnh viện, tôi cảm thấy lo lắng.

Nghĩ lại, nếu tôi biết có hóa chất, tôi vẫn lặn. Ðây là kinh nghiệm có một không hai trong đời. Thật ra, chúng tôi lo lắng về tình trạng tràn dầu hơn là thuốc sâu. Cho đến nay chúng tôi vẫn không cảm thấy có gì khác, vì thế tôi nghĩ chúng tôi ổn cả.

UCA News: Các chị bắt đầu làm công tác thiện nguyện khi nào?

Vanessa: Tôi cho rằng tất cả những việc mà chúng tôi đang làm là do cách chúng tôi được nuôi dạy. Chúng tôi được khuyến khích làm công tác thiện nguyện.

Lúc 16 tuổi, tôi đã giúp tổ chức các trại hè cho học sinh trong trường chúng tôi. Lúc tôi 20, tôi đã từng dạy thể thao cho các trẻ em nghèo, những em không có thời gian đi chơi vì làm việc phụ giúp gia đình. Tất cả những điều mà tôi được thụ huấn là hành trang và thúc đẩy tôi sẵn sàng làm nhiều công tác thiện nguyện hơn.

Ðó là nét đẹp của việc tình nguyện, một khi anh đã cảm nghiệm được, anh sẽ tiếp tục làm. Ðó là một kinh nghiệm thú vị khiến anh thay đổi và làm cho anh trở thành một người tốt hơn. Cảm giác đó không phải là một điều gì đó có vẻ bề ngoài -- Ðó là một sự cao hứng tự nhiên.

Alexandra: Cách chúng tôi được nuôi dạy, giống như chị tôi nói, ảnh hưởng đến chúng tôi. Cách mà bố mẹ chúng tôi tận tâm giúp đỡ người khác và tư vấn cho những người bị nghiện giúp chúng tôi tập được tính biết chăm sóc người khác. Chúng tôi luôn được dạy như thế. Chúng tôi không bao giờ bị hư hỏng. Chúng tôi không được cho nhiều tiền khi còn nhỏ; chúng tôi phải làm việc để kiếm tiền. Chúng tôi được tiếp xúc với tất cả mọi tầng lớp xã hội khi nhỏ và vì thế chúng tôi cảm thấy dễ dàng khi đến với mọi tầng lớp trong xã hội.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page