Bài Phỏng Vấn Ðức Cha Nguyễn Văn Sang

Về Việc Tham Dự Buổi Bảo Vệ Luận Án Tiến Sĩ

Liên Quan Ðến Ðạo Công Giáo

Và Văn Hóa Việt Nam

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Phỏng Vấn Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang Về Việc Tham Dự Buổi Bảo Vệ Luận Án Tiến Sĩ Liên Quan Ðến Ðạo Công Giáo Và Văn Hóa Việt Nam.

Thái Bình, Việt Nam (3/07/2008) - Sau nửa thế kỷ vắng bóng... Ðúng thế, sau nửa thế kỷ vắng bóng hàng giáo sĩ trong các trường đại học miền Bắc. Kể từ ngày chấm dứt nhiệm vụ giảng dạy của cha J.B. Nguyễn Văn Vinh dạy về văn chương La ngữ tại đại học Y Hà Nội, thì hôm nay, một biến cố lạ thường đã xảy ra, không phải chỉ là một Linh mục mà là một Giám mục hiện diện và phát biểu tại phiên họp bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường đại học Quốc gia Hà Nội. Sự việc như sau:

Ðức cha P.X. Nguyễn Văn Sang nhận được một luận văn tiến sĩ của nhà báo, giảng viên Ðại Học Phạm Huy Thông. Ông xin ngài đánh giá và phát biểu ý kiến. Tuy nhận được từ 3-4 tháng nay nhưng do bận công việc mục vụ, luận án lại khó đánh giá cho trung thực trong hoàn cảnh xã hội ngày nay. Ðầu đề của luận án là: "Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công Giáo và văn hóa Việt Nam".

Tuy nhiên vào cuối tháng 6/2008, Ðức Giám mục có nhận được giấy mời của trường đại học Quốc gia Hà Nội do thạc sĩ Phạm Thị Thu Hoa ký thừa lệnh của ông hiệu trưởng mời tới dự và phát biểu khoảng 5-7 phút. Ngài đã đi Hà Nội làm việc trong 3 ngày. Nghe tin ngài đã trở lại Tòa Giám mục ngày 2 tháng 7 năm 2008. Ban truyền thông Giáo phận Thái Bình đã đến xin phỏng vấn ngài một số sự việc như sau:

 

- PV 1: Chắc Ðức cha đi Hà Nội mệt lắm phải không?

- Ðức Cha: Mệt nhưng rất vui vì sau một năm vắng bóng, nay lại được phát biểu với tư cách một Giám Mục. Về bài phát biểu này chắc anh và nhiều người đã được đọc.

- PV 2: Vâng, Ðức cha đến trường đại học quốc gia Hà Nội trong hoàn cảnh nào, xin cho chúng con biết?

- Ðức Cha: Theo giấy mời thì 8:30AM phải có mặt nên 8:15AM tôi đã có mặt và được một vị giáo sư đi cùng anh Phạm Huy Thông đón tiếp, đưa vào thang máy rồi lên thẳng phòng họp ở tầng 4 trường đại học Quốc gia Hà Nội. Vì là phòng họp để chỉnh luận án nên số người được mời rất hạn chế. Ða số là các giáo sư đầu ngành, các phó giám đốc các trường đại học liên hệ như đại học Khoa học Nhân văn, đại học Khoa học Xã hội. Các giáo sư vẻ đạo mạo chín chắn thường đang giảng dạy ở các trường đại học. Ðứng đầu Hội đồng giám khảo là: giáo sư tiến sĩ Ðỗ Quang Hưng, viện trưởng nghiên cứu tôn giáo. Cũng có các khách mời như chủ tịch ủy ban đoàn kết Hà Nội và báo Người Công Giáo, đặc biệt có vị phó trưởng ban tôn giáo của chính phủ Nguyễn Văn Xuân người gốc Thái Bình và một số sinh viên nam nữ. Nói chung khoảng 40 người. Ðúng 9 giờ giáo sư viện trưởng khai mạc, giới thiệu các thành phần tham dự và đọc chương trình. Mở đầu là cuộc trình bày vắn tắt dự án của nghiên cứu sinh Phạm Huy Thông. Cuộc trình bày được minh họa bằng máy chiếu rất sinh động, trong đó có cả phần trình bày về nhà thờ chính tòa Thái Bình như là một sự đóng góp vào việc giao lưu giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam.

Sau đó đến phần các giáo sư trong hội đồng phản biện. Khoảng 6 giáo sư (trong đó có một nữ giáo sư). Nói chung họ đều khen ngợi luận án. Mở đầu cho các đề tài về văn hóa và tôn giáo, sau đó mỗi giáo sư đều nêu ra một vài câu hỏi phản biện. Trong đó có 2 câu của nữ giáo sư tiến sĩ và nhất là của giáo sư viện trưởng:

1. Tôi đặt câu hỏi cho nghiên cứu sinh và cũng cho cả Giám mục đang hiện diện nơi đây nữa: việc đồng hành của đạo Công Giáo với dân tộc được thể hiện qua những công việc gì? Tại sao đạo Công giáo khó hội nhập với văn hóa Việt Nam? Không như các tôn giáo khác như Phật giáo, Cao đài, Khổng giáo...

- Tôi đã trả lời như sau: Văn hóa và chính trị là hai lĩnh vực khác nhau. Ðạo Công giáo đồng hành với văn hóa dân tộc... thì như trong bài phát biểu của tôi, nên phân biệt những gì là bất biến thuộc lĩnh vực tín lý và những điều có thể thay đổi được. Cho nên việc hội nhập, đồng hành cũng phải theo hai lĩnh vực kể trên. Những cái gì là bất biến thuộc về căn bản Tín lý thì mãi mãi không thay đổi. Ngoài phạm vi đó ra chẳng hạn như quan điểm về chính trị và xã hội thì cũng có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh xã hội, chính trị...

- Xin giáo sư viện trưởng nhớ lại lần họp về đề tài "Công giáo và dân tộc", tôi cũng được mời tham dự và đã nghe ý tưởng mạnh bạo của giáo sư Thiện Cẩm rằng: "Công giáo và dân tộc ít có vấn đề, nhưng Công giáo và Cộng sản mới nảy sinh những vấn nạn khó khăn" như chính giáo sư vừa đặt vấn đề. Tôi nhìn thấy giáo sư viện trưởng gật đầu lia lịa, liền nghĩ đến một thông tin xuất phát từ chính giáo sư: có nên mở cuộc hội thảo về vấn đề "Công giáo và Cộng sản" hay không? Riêng tôi xin tán thành và mời các vị về Tòa Giám mục Thái Bình để cùng nhau hội thảo. Tôi nhác thấy ông viện trưởng và các vị giáo sư mỉm cười đầy ý nghĩa. Riêng tôi trong bài phát biểu, đã nói rõ một số yếu tố xã hội khiến cho việc hội nhập của đạo Công giáo bị hạn chế rất nhiều như nền luân lý cổ truyền bị phương hại: nạn phá thai tràn lan, nạn xì ke ma túy, nạn mại dâm, sự buông thả tính dục của lớp thanh thiếu niên trên mạng như dùng thuốc lắc, sex, game,... Ðàng khác, việc từ chối cung ứng các phương tiện như không có các trường đại học Công giáo, không được phép mở các trường trung học, không được đứng đầu các bệnh viện, các tổ chức bác ái từ thiện xã hội khác... như nhiều lần Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề nghị và hôm nay trước mặt các vị, tôi lại nhắc lại những kiến nghị đó: Cách đây 1-2 năm trong các hiệu sách có bày bán một tác phẩm có tựa đề: "Mật Mã Da Vinci" một tác phẩm xúc phạm đến chính Chúa Giêsu và đạo Công giáo cũng như các tôn giáo thuộc Kitô giáo. Tôi đã viết một tác phẩm: "Mật Mã Da Vinci: Gian dối và nhạo báng" và xin nhà xuất bản Tôn giáo cho ấn hành và xuất bản nhưng đã bị từ chối với lời hứa: Chúng tôi đã có lệnh thu hồi cuốn sách đó. Vậy cụ không nên cho xuất bản cuốn sách phản bác làm gì gây xôn xao dư luận. Nhưng thực tế sách vẫn được bày bán công khai trong các hiệu sách và lại còn trưng bày một cuốn khác cùng tác giả. Cuốn sách này mới đây đã bị chính Ðức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI lên án nặng nề. Thế thì đồng hành và hội nhập thế nào được. Song tôi vẫn tin vào những hạt giống thiêng liêng vẫn ẩn náu trong các tâm hồn thiện chí như quý vị. Ðó là những hạt giống Chân-Thiện-Mỹ một mai sẽ nảy mầm thành cây trĩu hạt làm nên một mùa gặt cho văn hóa Việt Nam cũng như đại học Công giáo.

Sau bài phát biểu, những người có mặt đã vỗ tay hoan hô nhiệt liệt và một thiếu nữ đã đến tặng tôi một bó hoa hồng thật tươi đẹp. Tôi không thể lưu lại lâu hơn để dự buổi tiệc thân mật để mừng cho vị tiến sĩ vì phải đi thăm bệnh nhân nên nói vài lời kính chào và cáo lỗi các vị ấy, và mong sẽ được gặp lại vào các buổi hội thảo sau này. Tôi lưu lại ở Hà Nội, đi thăm vài bệnh nhân trong bệnh viện rồi trở về Thái Bình vào ngày 2 tháng 7 (năm 2008) để kịp ngày 3 tháng 7 (năm 2008) dâng lễ và gặp gỡ ban Hội đồng mục vụ của Giáo phận Thái Bình.

- PV: Xin cám ơn Ðức cha và kính chúc Ðức cha mạnh khỏe.

 

(T.H ghi)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page