Phỏng vấn ÐHY Andrea Cordero

về Năm Thánh Phaolô

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng vấn Ðức Hồng Y Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, Linh Mục trưởng Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, về Năm Thánh Phaolô.

Vatican (Avvenire 28-6-2008) - Lúc 6 giờ chiều thứ Bẩy 28-6-2008 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã chủ sự buổi hát Kinh Chiều trong thể tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, để khai mạc Năm Thánh Phaolô, kỷ niệm 2,000 năm thánh nhân sinh ra.

Tham dự lễ nghi khai mạc Năm Thánh Phaolô có Ðức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Giáo Hội Chính Thống Constantinopoli kiêm Giáo chủ danh dự toàn Chính Thống giáo, và 70 vị đại diện các Giáo Hội Kitô anh em khác, trong đó có Ðức Tổng Giám Mục Drexel Gomez, Giáo chủ Anh giáo miền Tây Ấn Ðộ, đại diện Ðức Tổng Giám Mục Cantebury, Ðức Tổng Giám Mục Theophanis của Gerasa nguyên Thượng Phụ Bisantin Giêrusalem, Linh Mục trưởng Ignatios Sotiriadis thuộc Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, Ðức Tổng Giám Mục Giorgios di Phapos đại diện Giáo Hội Chính Thống đảo Chypre, Ðức Tổng Giám Mục Valentin của giáo phận Orenburg và Buzuluk thuộc Tòa Thượng Phụ Matscơva.

Giảng trong buổi Kinh Chiều Tam Nhật chuẩn bị mừng lễ hai thánh Phêrô Phaolô và khai mở Năm Thánh Phaolô, tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành ngày thứ Năm 26-6-2008, Ðức Hồng Y Walter Kasper, Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, khẳng định rằng Năm Thánh Phaolô là dịp tái đẩy mạnh nỗ lực đại kết. Ðối với mọi Kitô hữu nó là một thách đố "trở thành các chứng nhân can đảm của Chúa Kitô giống như thánh Phaolô", "trở thành một ngọn đuốc sáng chiếu soi và định hướng cho thế giới và là mối dây nối kết các Kitô hữu chia rẽ với nhau". Chính cuộc sống của thánh Phaolô là một lời mời gọi đối thoại. Thánh nhân đã là người quen sống trong thế giới do thái và hy lạp, đã từ Phương Ðông sang Phương Tây, từ Giêrusalem tới Roma, và là chứng nhân tính cách đại đồng của Chúa Kitô, là Ðấng vượt lên trên mọi nền văn hóa, và cho tới nay là mối dây nối kết tất cả mọi Giáo Hội Kitô.

Thánh Phaolô là vị tông đồ của sự hiệp nhất và của tất cả mọi người đã được rửa tội. Còn hơn thế nữa, như là tín hữu do thái nhiệt thành, thánh nhân đã làm chứng cho thấy rằng các tín hữu do thái và kitô đều là thành phần giao ước duy nhất của Thiên Chúa. Phaolô cũng là chứng tá của phẩm giá bình đẳng của mọi người. Ðức Hồng Y Kasper cũng mời gọi mọi Kitô hữu trong Năm Thánh Phaolô này chăm chỉ đọc và suy gẫm các thư của thánh nhân.

Phát biểu trong dịp này Ðức Tổng Giám Mục Gennadios Zervós, thuộc Tòa Thượng Phụ Constantinopoli đặc trách Giáo Hội Chính Thống miền nam Âu châu, ca ngợi thánh Phaolô như là người rao giảng sự thật và bảo vệ sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Ðức Tổng Giám Mục cầu mong mọi Giáo Hội Kitô có quan điểm đại kết coi thánh Phaolô như là nền tảng.

Buổi hát Kinh Chiều bắt đầu Tam Nhật mở Năm Thánh Phaolô đã được linh hoạt bởi các tu sĩ Biển Ðức, các cộng đoàn chính thống hy lạp, các cộng đoàn tin lành Methodist, Valdese và Episcopal cũng như cộng đồng thánh Egidio.

Trong Năm Thánh Phaolô các giáo phận toàn nước Italia cũng có các chương trình khác nhau giúp tín hữu kỷ niệm 2,000 năm thánh Phaolô sinh ra. Ðặc biệt là các giáo phận đã được thánh Phaolô đi qua như Siracusa, Reggio Calabria, khi thánh nhân bị dẫn độ về Roma như là tù nhân của đế quốc.

Tổng giáo phận Siracusa đã cử hành Năm Thánh Phaolô 2006-2007 và tiếp tục suy tư về thánh Phaolô trong năm 2008-2009. Ðức Tổng Giám Mục Giuseppe Costanzo đã lấy thánh Phaolô làm chủ đề cho bức thư mục vụ thứ hai gửi tín hữu giáo phận với tựa đề "Hỡi các người được chúc phúc, hãy chúc tụng" lấy hứng từ thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêxô.

Tổng giáo phận Reggio Calabria thì cử hành Năm Thánh Phaolô với các cuối tuần đại phúc và hướng dẫn đọc hiểu các thư của thánh Phaolô cho tín hữu từng vùng và các giáo xứ, cũng như các đại hội văn hóa và các cuộc hành hương sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thư mục vụ gửi tín hữu Ðức Tổng Giám Mục Vittorio Mondello mời gọi mỗi giáo xứ thành lập một trung tâm lắng nghe, giúp tín hữu đào sâu thế giới nhân bản và tinh thần của thánh Phaolô cũng như tư tưởng của người.

Tại các giáo phận như Firenze, Pozzuoli, Palermo, Trani-Barletta-Bisceglie và Napoli cũng đã có các thánh lễ trọng thể khai mạc Năm Thánh Phaolô, và nhiều Giám Mục đã gửi thư mục vụ khích lệ tín hữu siêng năng đọc và suy gẫm các thư của thánh Phaolô cũng như tham gia các sinh hoạt khác nhau trên bình diện giáo xứ và giáo phận.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Hồng Y Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, Linh Mục trưởng Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, về Năm Thánh Phaolô.

Hỏi 1: Thưa Ðức Hồng Y sự kiện Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI chủ sự lễ nghi khai mạc Năm Thánh Phaolô xem ra là một ngạc nhiên đối với nhiều người. Tại sao lại có việc cử hành này thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Trước hết có lẽ cần phải đưa ra một tiền đề liên quan tới điều mà Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI muốn nêu bật. Ðây không phải là một Năm Thánh, như là Năm Thánh mà theo truyền thống Giáo Hội cử hành từ vài thế kỷ nay, cứ 25 năm một lần, và các Năm Thánh này gắn liền với việc mở các Cửa thánh của bốn vương cung thánh đường chính tại Roma. Năm kính thánh Phaolô trái lại là một năm đề tài, như là Năm Thánh Mẫu mà Ðức Gioan Phaolô II muốn dành để biệt kính Ðức Mẹ hồi thập niên 1980. Cách đây 2 năm chính tôi đã gợi ý xin Ðức Thánh Cha mở năm kính thánh Phaolô. Như qúy vị biết, chúng ta không biết chính xác thánh Phaolô đã sinh ra vào năm nào, nhưng các chuyên gia nói là giữa năm thứ 6 và thứ 10 của kỷ nguyên Kitô, và như thế đây là thời gian kỷ niệm 2,000 năm thánh Phaolô sinh ra. Ðức Thánh Cha đã hứng khởi chấp thuận đề nghị của tôi và đã đề ra hai chiều kích cho việc cử hành Năm Thánh Phaolô.

Hỏi 2: Hai chiều kích đó là hai chiều kích nào thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Chiều kích thứ nhất là làm cho nhiều người, công giáo cũng như không công giáo, biết thánh Phaolô. Thánh Phaolô đã là một người có tài truyền thông cho người khác biết Lời Chúa, ơn cứu rỗi, và toàn bộ giáo lý Kitô, cả khi thánh nhân đã không trực tiếp biết Chúa Giêsu Kitô, mà đã chỉ nhận được mặc khải trên đường đến thành Damasco. Có lẽ thánh Phaolô đã là người thông truyền lớn nhất từ xưa cho tới nay, và tiếp tục là người thông truyền lớn nhất trong lịch sử, qua các bút tích của người. Vì thế nên thật là điều quan trọng việc làm cho thánh nhân được biết đến nhiều hơn, đào sâu và học hỏi thánh Phaolô nhiều hơn.

Hỏi 3: Có người định nghĩa thánh Phaolô là "người ghét phụ nữ", người khác thì cho rằng thánh nhân là "ông tổ thứ hai của Kitô giáo". Ðó là hai định nghĩa chúng ta thường hay gặp. Thực hư như thế nào, vì thế đây lại càng là một lý do khác nữa khiến cho chúng ta phải tìm hiểu thánh Phaolô nhiều hơn. Tại sao gương mặt của thánh nhân quan trọng như vậy, mà lại ít được các tín hữu biết tới như thế thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Chúng ta phải chú ý tới một điều. Thánh Phaolô đã hấp thụ được một nền giáo dục hoàn toàn mang tính cách do thái. Thánh nhân đã là một rabbi do thái và là một người thông hiểu luật lệ, vì thế đã trở thành người bách hại các Kitô hữu. Thánh nhân đã là một người pharisêu tuân giữ luật lệ nghiêm ngặt và muốn rằng tất cả mọi người phải tuân giữ luật lệ do thái, mà người hiểu biết một cách vẹn toàn.

Thế rồi trên đường đến thành Damasco để bách hại các Kitô hữu thánh nhân đã được thay đổi một cách bất thình lình. Khi đề cập tới thánh Phaolô cần phải chú ý tới sự kiện được đổi đời này của thánh nhân. Mọi chuẩn bị giáo lý và văn hóa của thánh nhân là do thái. Khi thánh nhân giải thích điều mà người được linh hứng trực tiếp từ Chúa Giêsu Kitô, người giải thích bằng cách dùng nền văn hóa do thái, dùng kiểu nói của người, và tất cả các tiền đề văn hóa của người như là kỹ thuật. Ðó là lý do giải thích tại sao đối với chúng ta thật là khó hiểu, vì thánh nhân hoàn toàn chìm đắm trong thế giới do thái thời bấy giờ. Ngoài ra, cũng cần phải nói rằng thánh Phaolô cũng hơi ngoắt nghéo trong tư tưởng của người, vì thế nhiều người không hiểu thánh nhân. Nhưng đàng khác, chúng ta cũng không được quên rằng Kitô giáo đã có gốc rễ nơi Do thái giáo. Có biết bao nhiêu điều của Kitô giáo sẽ không thể nào giải thích được một cách tốt đẹp và hoàn toàn, nếu không tìm về các gốc rễ đó.

Hỏi 4: Trên đây Ðức Hồng Y đã nói Ðức Thánh Cha nhắm hai chiều kích khi mở Năm Thánh Phaolô. Thế chiều kích thứ hai là chiều kích nào thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Ðề tài thứ hai mà Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nhấn mạnh rất nhiều đó là khía cạnh đại kết. Hơn các đền thờ khác ở Roma, tự nó, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành đã có chiều kích đại kết này rồi. Chúng ta hãy nhớ đến biết bao nhiêu sáng kiến, các lễ nghi, các buổi canh thức cầu nguyện, các đại hội đã được tổ chức tại đền thờ thánh Phaolô này, và tất cả đếu hướng tới chỗ tái tạo sự hiệp nhất của Giáo Hội, giữa các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội Kitô khác nhau. Vì thế với Năm Thánh Phaolô này Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI muốn đẩy mạnh việc tìm về hiệp nhất qua lời cầu nguyên, qua việc học hỏi và đào sâu sự hiểu biết về thánh Phaolô của tất cả mọi tín hữu Kitô.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page