Phụ nữ Công giáo Mông Sơn

vất vả xẻ núi dời non để nuôi gia đình

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phụ nữ Công giáo Mông Sơn vất vả xẻ núi dời non để nuôi gia đình.

Mông Sơn, Việt Nam (UCAN VT05244.1503 Ngày 26-6-2008) -- Giữa lúc giá lương thực và các nhu yếu phẩm khác tăng cao, phụ nữ Công giáo ở một giáo xứ miền bắc phải làm việc vất vả ở các mỏ đá để nuôi gia đình.

Năm công ty nhà nước và tư nhân đang khai thác đá trắng ở các ngọn đồi quanh hồ thủy điện Thác Bà. Các mỏ đá này thuộc xã Mông Sơn của tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội 220 km về phía bắc. Các công ty thuê phụ nữ ở Mông Sơn và các làng xã khác trong tỉnh bóc vác đá lên xe thuyền để chở đi.

Trong số 3,000 dân của Mông Sơn có khoảng 2,500 người Công giáo. Họ chiếm phân nửa giáo dân trong giáo xứ đặt trụ sở tại xã này. Giáo xứ trông coi nhiều xã với dân số 150,000 người.

Một ngày trong tháng 6/2008, dưới cái nắng nóng 38 độ C, hàng trăm phụ nữ xếp hàng chuyền tay nhau các hòn đá nặng để chất lên xe tải và ghe thuyền.

"Chị em phụ nữ chúng tôi biết khuân vác đá là cực nhọc, hại sức khoẻ và được trả công rẻ mạt nhưng cũng phải cắn răng mà làm vì không còn việc gì khác để mưu sinh nuôi sống gia đình và lo cho con cái ăn học, nếu không làm thì chỉ còn nước chết đói thôi", Chị Maria Ðinh Thị Liên vừa lau mồ hôi trên mặt vừa nói với UCA News.

Người phụ nữ 41 tuổi, có chồng chết năm ngoái (2007), nói chị và năm đứa con không thể sống nhờ vào đám ruộng 720 mét vuông, một năm thu được 400 kg thóc. Chị giải thích chị không thể nuôi con và lo chi phí học hành cho chúng nếu không bóc vác đá. Gia đình chị sống trong một căn nhà nhỏ lợp lá.

Chị Liên, làm việc tại mỏ đá từ năm 2000, cho biết vào mùa hè chị em phụ nữ tranh thủ làm việc lúc 5 giờ sáng để nghỉ trưa sớm, tránh nắng nóng và một ngày mỗi người kiếm được 40,000 đồng, trung bình mỗi người phải khiên được 10 khối đá.

Chị Têrêsa Hoàng Thị Thu, 46 tuổi, cũng làm việc tại mỏ đá, cho UCA News biết mình chị phải nuôi sáu đứa con sau khi chồng qua đời vì tai biến hồi năm ngoái. Giống như chị Liên, chị Thu phải làm việc vất vả nếu không các con chị sẽ phải nghỉ học hay thiếu ăn.

Chị Thu cho biết chị phải khuân vác các tảng đá nặng đến 40 kg mỗi ngày và kiếm được 40,000 đồng. "Tôi cầu xin Chúa cho có sức khoẻ để làm nuôi con", chị nói thêm.

Bà Maria Nguyễn Thị Soi, mẹ của 10 đứa con, phát biểu với UCA News rằng phụ nữ địa phương phải làm việc vất vả như đi khiêng đá hay đi đánh bắt cá ở hồ vào ban đêm. Bà cho biết ba đứa con của bà đang học cấp hai phải nghỉ học để đi bóc vác đá phụ gia đình.

Khi giá lương thực và các nhu yếu phẩm khác tăng gấp đôi thậm chí gấp ba trong sáu tháng đầu năm, bữa ăn hàng ngày của họ chỉ có cơm, rau và muối, vốn không đảm bảo cho sức khỏe, theo bà Soi.

Maria Nguyễn Thị Thương, 16 tuổi, cho UCA News biết em học hết lớp 9 và phải nghỉ học để đi làm ở các mỏ đá, một ngày kiếm được 24,000 đồng để giúp bố mẹ em nuôi tám người con.

Maria Nguyễn Thị Hồng nói chị không thể khiêng đá nặng được, vì thế chị theo chồng đi đánh bắt cá để nuôi sáu đứa con.

Theo linh mục Micae Nguyễn Tiến Quang, chánh xứ Mông Sơn, các gia đình ở đây trung bình có từ 5-10 người con nhưng mỗi gia đình chỉ có vài trăm mét vuông ruộng. Ngài ước tính có 500 phụ nữ làm việc tại các mỏ đá.

Vị linh mục, 35 tuổi, phát biểu với UCA News rằng ngài không thể giúp được nhiều cho các gia đình nhưng khuyến khích họ cho con em đi học vì chỉ có học mới có thể giúp họ thoát nghèo.

Một chủ công ty tư nhân khai thác đá ở đây nói với UCA News rằng do giá cả tăng nên ông trả 4,000 đồng cho mỗi khối đá chất lên ghe hoặc xe, trước đây mỗi khối đá ông chỉ trả 3,000 đồng. Ông còn trả cho mỗi khối đá được đập ra là 17,000 đồng.

Theo thương gia này, một khối đá đem đi bán ở các nơi khác được một triệu đồng. Loại đá có màu trắng tinh ở đây được các công ty trong nước mua dùng làm ximăng và các sản phẩm sữa có pha canxi, và còn xuất khẩu nữa.

Ông thừa nhận năm công ty ở đây kiếm lợi rất nhiều từ việc khai thác đá, trong khi người dân địa phương phải chịu bụi bặm và tiếng ồn ào.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page