Các nữ tu Việt Nam giúp đỡ

con cái của bệnh nhân phong

người dân tộc thiểu số

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các nữ tu Việt Nam giúp đỡ con cái của bệnh nhân phong người dân tộc thiểu số.

Pleiku, Việt Nam (UCAN VT05239.1503 Ngày 25-6-2008) -- Trẻ em dân tộc thiểu số nghèo ở Tây nguyên có thể đi học và thoát khỏi nỗi đau khổ là con cái của những gia đình bị phong nhờ dự án của các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres.

Têrêsa Ðinh Chúc, 14 tuổi, cố gắng ăn bữa cơm trưa thật nhanh để có thể đến trường đúng giờ. Em học sinh lớp sáu này đi học vào ban chiều.

Tuy nhiên, em nói với UCA News trước kia em đã không bao giờ ước mơ đến trường học như các học sinh khác bởi cha mẹ em mắc bệnh phong.

Cô bé còn nhớ những người dân làng Jarai phân biệt đối xử và thậm chí còn xua đuổi những người bệnh phong và con cái họ ra khỏi làng em, cách Pleiku 40 km. Em tính có 19 gia đình trong làng có người bị phong. Bố mẹ em bị vi trùng Hansen lấy đi các ngón tay và ngón chân.

Chúc cho biết các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres đã cho em ăn ở miễn phí, và chi trả các chi phí khác từ năm 2002 để em có thể đi học. Các nữ tu còn chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân phong trong làng.

Cô bé với em trai và sáu học sinh khác trong làng, đều là con cái của những người Jarai bị phong, sống trong lưu xá ngay trong khuôn viên nhà dòng của các nữ tu ở thành phố Pleiku, cách Hà Nội 1,205 km về phía nam.

Nhận Bí tích Thêm Sức vào lễ Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 11-5-2008, Chúc nói em không còn thấy mặc cảm về nguồn gốc dân tộc của gia đình mình và tham gia một nhóm múa do các nữ tu thành lập để trình diễn vào các dịp lễ của Giáo hội.

Gioakim Ksor Plang, 22 tuổi, nói với UCA News rằng em đã đến nhà các nữ tu xin làm việc, "nhưng các dì động viên em đi học nữa và cho em ăn ở từ năm 2004". Làng em gần làng của em Chúc.

Mồ côi khi còn rất nhỏ vì bố mẹ qua đời do bệnh phong, Plang bỏ học khi đang học lớp ba vào năm 1996 lúc em được 10 tuổi, do nghèo khổ. Em phải giúp đỡ những người cưu mang em bằng cách đi làm ngoài đồng ruộng và chăn bò. Em giải thích em không thể vừa làm việc vừa đi học, cách xa làng khoảng 5 km.

Học sinh lớp 7 người Jarai nói các nữ tu còn dạy em chơi đàn organ, và em hy vọng sau này được học tại một trường âm nhạc.

Nữ tu Têrêsa Lê Thị Liên nói với UCA News: "Chúng tôi cấp chỗ ăn ở, sách vở, bút viết và các chi phí khác miễn phí cho 160 học sinh dân tộc từ tiểu học đến trung học, bởi vì người dân tộc nghèo ở các làng xa xôi không có đủ tiền để đi học". Không có trường cấp hai hay cấp ba trong làng các em, chị nói thêm.

Chị Liên, 67 tuổi, cho biết hầu hết các học sinh mà chị và 26 nữ tu khác giúp đỡ là con cái của bệnh nhân phong thuộc các sắc tộc Jarai và Sedang, bị dân làng phân biệt đối xử. Các em thường rời lưu xá khi học hết trung học, chị lưu ý, nhưng có nhiều em bỏ học sớm hơn vì các em muốn giúp gia đình hay kiếm tiền mua quần áo mới hay điện thoại di động.

Nữ tu Anna Nguyễn Thị Kim Thảo, 46 tuổi, phát biểu với UCA News, học sinh dân tộc thiểu số tại lưu xá tập thể dục buổi sáng, chơi thể thao, ôn bài và học giáo lý, âm nhạc và cách chăm sóc sức khỏe cơ bản. Dự án giúp các em học tiếng Việt tốt, để các em có thể giao tiếp và thích nghi tốt hơn với môi trường bên ngoài làng các em.

Trương Thị Thanh Phương, một giáo viên đến từ một trường tiểu học công lập ở đây, cho UCA News biết dự án của các nữ tu giúp cho học sinh dân tộc thiểu số học tốt chữ quốc ngữ và theo kịp cuộc sống hiện đại.

Chị Liên, bề trên cộng đoàn, cho biết họ còn cấp chỗ ăn ở cho 137 học sinh người Kinh từ các vùng xa xôi lên thành phố học, và chăm sóc miễn phí cho bảy em bị bại não. Cộng đoàn còn quản lý một nhà trẻ với 200 trẻ.

Các nữ tu bắt đầu nhiều hoạt động mang tính giáo dục vào năm 1994 và mỗi năm chi 700 triệu đồng cho các hoạt động này, theo chị Liên.

Các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres còn làm việc với các bệnh nhân phong người dân tộc thiểu số tại các làng mạc xa xôi từ năm 1962. Họ cấp lương thực, thuốc men và chỗ ở cho 700 bệnh nhân phong.

Một bệnh nhân 34 tuổi nói với UCA News chị và con cái đã theo đạo vì họ "cảm động trước sự hỗ trợ hết lòng của các nữ tu".

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page