Các nhân viên Giáo hội Ấn Ðộ

lên án động thái bắt ép

các phương tiện truyền thông im lặng

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các nhân viên Giáo hội Ấn Ðộ và những người khác lên án động thái bắt ép các phương tiện truyền thông im lặng.

Ahmedabad, Ấn Ðộ (UCAN ID05162.1501 Ngày 12-6-2008) -- Các nhân viên Giáo hội và các nhóm nhân quyền chỉ trích chính quyền ủng hộ Ấn giáo ở bang Gujarat đã cố tình bịt miệng giới báo chí.

Hôm 6-6-2008, Tòa án Tối cao của bang miền tây Ấn này đồng ý cho bảo lãnh hai nhà báo đang làm việc với tờ The Times of India ở Ahmedabad, tờ nhật báo bằng tiếng Anh.

Cảnh sát Ahmedabad đã ghi nhận năm vụ xúi giục nổi loạn và mưu phản vào ngày 1-2/6/2008 đối với Bharat Desai và Prashant Dayal, là biên tập viên thường trú và đặc phái viên của tờ báo. Cảnh sát tiến hành vụ việc sau khi tờ báo đăng một loạt các bài báo vạch trần những mối quan hệ của xã hội đen với O.P. Mathur, người được bổ nhiệm làm cao ủy cảnh sát thành phố hôm 20-5-2008. Thành phố này là thủ phủ thương mại của Gujarat, cách New Delhi 915 km về phía tây nam.

Cảnh sát cũng đưa ra những lời buộc tội tương tự đối với Ashish Nandy, một nhà phân tích chính trị ở New Delhi, hôm 30-5-2008. Những lời buộc tội này liên quan đến bài báo hồi tháng giêng của Nandy trên tờ The Times of India phân tích kết quả cuộc bầu cử hội đồng bang được tổ chức một tháng trước đó.

Ðảng Nhân dân Ấn Ðộ (Bharatiya Janata Party - BJP) cai quản bang này hơn một thập niên qua. Ðảng được xem là cánh chính trị của các nhóm Ấn giáo theo chủ nghĩa dân tộc, trong đó một số nhóm bị lên án gây bạo lực chống các Kitô hữu và người Hồi giáo nhằm giành số phiếu bầu của người Ấn giáo chiếm đa số.

Bài báo của Nandy đổ lỗi cho tầng lớp trung lưu ở Gujarat đã phổ biến một "nền chính trị hận thù" chống các nhóm tôn giáo thiểu số. Các nhóm nhân quyền và báo giới khẳng định chiến dịch gây hận thù này giúp BJP giữ vững quyền lực.

Trong khi Mathur là nguyên cáo trong vụ kiện các nhà báo, luật sư V.K. Saxena truy tố hình sự đối với Nandy. Mathur cho rằng các bài báo này làm cho người dân có cảm nghĩ là toàn bộ lực lượng cảnh sát thành phố được một băng cướp trả lương. Sở nội vụ của bang cho phép cảnh sát điều tra các vụ này.

Theo linh mục dòng Tên Cedric Prakash, các vụ kiện này tượng trưng cho "giới có tư tưởng phát xít" trong chính quyền Gujarat. Giám đốc trung tâm nhân quyền Prashant ở Ahmadabad, nói với UCA News rằng chính quyền bang ít tôn trọng quyền tự do ngôn luận theo hiến pháp của người dân.

Trong một thông cáo báo chí hôm 6-6-2008, cha Prakash bày tỏ ngạc nhiên khi thấy các vụ kiện các nhà báo coi một nhân viên cảnh sát ngang với bang. "Xu hướng này của chính quyền rất nguy hiểm", ngài nói. "Nó sẽ bị tất cả những người có liên quan đến nhân quyền và tự do phản đối".

Bản thông cáo báo chí của cha Prakash thúc giục người dân Gujarat không nên quan tâm đến các động thái bịt miệng giới truyền thông khơi lên các vấn đề chung của chính quyền.

Một linh mục dòng Tên khác là cha Rappai Poothokaren biện minh cho việc các bài báo nghi ngờ về tính liêm chính của Mathur. "Làm sao anh có thể bầu chọn một nhân viên làm cảnh sát trưởng mà lại có quan hệ với xã hội đen?" ngài hỏi trong khi nói chuyện với UCA News. Vị linh mục là giám đốc đơn vị SIGNIS Ấn Ðộ, diễn đàn truyền hình, phương tiện nghe nhìn và truyền thông hiện đại quốc tế của Giáo hội.

Theo cha Poothokaren, hành động chống đối giới truyền thông của cảnh sát là "không thể bỏ qua được", bởi vì nó "phản dân chủ và không khác gì là đe dọa". Các vụ kiện cảnh báo những người chỉ trích chính quyền "ngậm miệng lại nếu không sẽ phải vào tù".

Linh mục Xavier Manjooran, linh mục dòng Tên làm việc giữa người bộ lạc trong bang, khen ngợi các phương tiện truyền thông đã vạch trần bộ mặt của nhân viên cảnh sát "ô uế" này. "Sự xúi giục nổi loạn xảy ra theo hướng ngược lại, bởi vì nhân viên cảnh sát lại quan hệ với trùm xã hội đen. Các nhà báo phải vạch trần sự thối nát", ngài nói với UCA News.

Girish Patel, một luật sư Ấn giáo, cho rằng các vụ kiện này bộc lộ "tính hoang tưởng tự đại và phản dân chủ" của Mathur khi coi bản thân ông ngang hàng với chính quyền. Ông nói với giới truyền thông rằng nếu các bài báo đó xúc phạm Mathur, thì ông đã nộp đơn kiện tội làm mất danh dự rồi.

Hôm 2-6-2008, các nhà báo do Câu lạc bộ Truyền thông Gujarat dẫn đầu đã biểu tình bên ngoài văn phòng của Mathur. Ngày hôm sau, họ trình lên Thống đốc bang Nawal Kishore Sharma một bản ghi nhớ yêu cầu ông ra lệnh rút đơn kiện các nhà báo. Thống đốc đại diện cho tổng thống Ấn Ðộ tại một bang.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page