ÐTC nói với tân đại sứ Sri Lanka

rằng đàm phán chân thành

là cách duy nhất có được hòa bình

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI nói với tân đại sứ Sri Lanka rằng đàm phán chân thành là cách duy nhất có được hòa bình.

Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên ở Rôma

Vatican (UCAN ZY05100.1500 Ngày 3-6-2008) -- "Ðàm phán thẳng thắn và chân thành" là "cách đảm bảo duy nhất" để giải quyết cuộc xung đột kéo dài ở Sri Lanka, Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI nói với tân đại sứ của quốc gia này tại Tòa Thánh.

Ðức Thánh cha đã nhận ủy nhiệm thư của Ðại sứ Tikiri Bandara Maduwegerdera hôm 29-5-2008 tại Vatican, chỉ hơn một năm sau khi ngài tiếp đón Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa.

Tại cuộc hội kiến tháng 4-2007, ngài nhấn mạnh đến nhu cầu đàm phán tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang kéo dài 25 năm qua giữa chính quyền do người Sinhal đứng đầu và phiến quân Tamil. Cuộc xung đột đã làm 80,000 người thiệt mạng và hơn một triệu người mất nhà cửa.

Thông điệp của ngài vẫn không thay đổi, nhưng cuộc xung đột trên quốc đảo Nam Á có 20 triệu dân này lại leo thang, đặc biệt là sau lệnh ngừng bắn được ký năm 2002 bị bãi bỏ hồi tháng giêng. Sri Lanka có khoảng 69% người theo Phật giáo Sinhal; 15% Ấn giáo Tamil; 8% Hồi giáo và 8% Kitô giáo, vừa người Sinhal và Tamil, trong đó có 1.3 triệu người Công giáo.

"Người Công giáo ở Sri Lanka, cùng với các Kitô hữu khác, đoàn kết với nhiều người Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo rất khao khát có được hòa bình dài lâu trong nước và mong muốn hoàn toàn chấm dứt những bất hoà lâu nay", Ðức Bênêđictô nói với tân đại sứ. "Thật buồn, bạo lực vẫn còn gây đau khổ cho dân chúng, gây quan ngại nghiêm trọng cho Tòa Thánh và cộng đồng quốc tế".

Ðức Thánh cha khẳng định "đàm phán thẳng thắn và chân thành, cho dù phải mất bao nhiêu thời gian và nguồn lực đi nữa" là "cách bảo đảm duy nhất để đạt được sự hòa giải và giải quyết các vấn đề vốn đã gây trở ngại cho sự chung sống hòa bình ở Sri Lanka lâu nay".

Ông Madywegerdera phát biểu trong diễn văn rằng "một nhóm khủng bố" đã đe dọa nghiêm trọng đến "chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ" của Sri Lanka trong 1/4 thế kỷ qua. Ông nói "trong khi tìm cách giải quyết vấn đề Tamil về mặt chính trị", chính phủ của ông cũng đang dùng "hành động quân sự hạn chế để đàn áp khủng bố trong nước".

Ðức Bênêđictô đáp lại rằng "các hành động khủng bố không bao giờ có thể bào chữa được", trong khi "các vụ tấn công độc đoán không tạo ra tiếng nói hữu hiệu cho lợi ích của các nhóm khác nhau mà các vụ tấn công này được công khai thực hiện đại diện cho họ" và có thể khơi lên những phản ứng khác nhau".

Ngài nói với đại sứ -- và với chính phủ của ông thông qua ông -- rằng những vòng bạo lực như thế gây hoang mang trong sự thật, kéo dài chuỗi cáo trạng và phản cáo, và làm cho con người bị vỡ mộng và thất vọng".

Vì lý do này, ngài khẳng định, "cuộc đấu tranh chống khủng bố phải luôn được thực hiện với sự tôn trọng nhân quyền và quy định pháp luật".

Ðức Bênêđictô kêu gọi "tất cả các bên" chuẩn bị cơ sở cho hòa bình "bằng cách lắng nghe nhau và bày tỏ lòng tôn trọng hợp lý đối với nguyện vọng chính đáng của nhau".

Ðại sứ nói về việc các phiến quân tuyển dụng binh lính trẻ em và dùng phụ nữ đánh bom liều chết để tấn công thường dân cũng như các lực lượng an ninh.

Ðức Bênêđictô lên án "việc chiêu mộ trẻ em tham chiến hoặc tham gia các hoạt động khủng bố" như là việc làm "đáng phải lên án". Ngài nói thêm "các sáng kiến" hòa bình phải được "ăn sâu trong việc tìm hiểu đúng đắn về con người và tính bất khả xâm phạm của những quyền lợi vốn có của con người".

Ông Maduwegerdera cũng nêu lên "tiến bộ quan trọng" của Sri Lanka về nhân quyền và các vấn đề nhân đạo, chẳng hạn như thành lập "Bộ Nhân quyền và Xử lý Thảm họa".

Lưu ý đến những sáng kiến này, Ðức Thánh cha mô tả việc chính phủ nước này quyết định "thành lập một Ủy ban Ðiều tra đặc biệt nhằm điều tra các vụ bị tình nghi coi thường công lý và nhân quyền" là "đáng khích lệ".

Ngài hy vọng ủy ban sẽ hoàn thành công việc "nhanh chóng để sự thật về tất cả các vụ này có thể được đưa ra ánh sáng", trong đó có vụ "linh mục Jim Brown và người giúp việc bị mất tích cách đây gần hai năm và cho đến nay vẫn không ai biết được chỗ ở của họ".

Ghi nhận cảm kích của đại sứ đối với sự đóng góp của Vatican sau trận sóng thần tháng 12-2004, Ðức Thánh cha cam đoan với chính phủ của ông rằng Giáo hội cam kết "đến với tất cả mọi người bằng tình thương".

Ngài khen ngợi "bất kỳ biện pháp nào trong tương lai" được chính phủ nước này áp dụng để "giúp đảm bảo các bệnh viện, trường học và tổ chức bác ái của Công giáo có thể tiếp tục chăm sóc người bệnh, giới trẻ và những người dễ bị tổn thương không phân biệt sắc tộc hay tôn giáo".

Ðể kết thúc, Ðức Bênêđictô đảm bảo với Tổng thống Rajapaksa rằng ngài sẽ cầu nguyện cho hòa bình và hạnh phúc của quốc gia ông" và ban phép lành của ngài cho tất cả người dân Sri Lanka.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page