ÐTC khen ngợi Giáo hội Myanmar

đã giúp những người cần giúp đỡ

và hy vọng hàng cứu trợ quốc tế

sẽ đến tay những người sống sót sau bão Nargis

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI khen ngợi Giáo hội Myanmar đã giúp những người cần giúp đỡ và hy vọng hàng cứu trợ quốc tế sẽ đến tay những người sống sót sau bão Nargis.

Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên ở Rôma

Vatican (UCAN ZY05092.1500 Ngày 2-6-2008) -- Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI khen ngợi Giáo hội Myanmar đã "đoàn kết với những người nghèo và người cần giúp đỡ", đặc biệt là sau trận siêu bão Nargis, khi ngài tiếp kiến các giám mục của quốc gia này gần đây.

Nói chuyện với các giám chức cuối chuyến hành hương ad limina, ngài còn hy vọng sau thỏa thuận đã đạt được giữa Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon và giới cầm quyền quân sự Myanmar, hàng cứu trợ quốc tế và các nhân viên cứu trợ sẽ đến tận nơi những người cần được giúp đỡ nhất.

Ðức Bênêđictô nói chuyện chung với các giám mục trong thư viện riêng tại Vatican hôm 30-5-2008, sau khi tiếp kiến riêng từng người trước đó. Giáo luật buộc các giám mục sang Rôma mỗi năm năm để báo cáo tình hình giáo phận lên Ðức Thánh cha và các văn phòng Vatican.

Ðức Tổng Giám mục Paul Zinghtung Grawng của Mandalay, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Myanmar, đại diện 14 giám mục có mặt tiếp kiến Ðức Thánh cha. Ngài lấy làm tiếc có hai giám mục không thể đi được là Ðức Tổng Giám mục Charles Maung Bo của Yangon, "do thảm họa của trận siêu bão gần đây", và Ðức Giám mục Peter Louis Ca Ku của Kengtung, "do bị bệnh".

Ngài cám ơn Ðức Thánh cha đã dành "tình yêu đặc biệt" cho Giáo hội Myanmar, nhất là "lời cầu nguyện và quan tâm sâu sắc ngài dành cho mọi người trong quốc gia chúng con trong những lúc khó khăn, như các cuộc phản đối vào tháng 9 năm ngoái (2007) và thảm họa của trận bão gần đây". Những lời này "là nguồn sức mạnh và an ủi thiêng liêng", ngài nói, và lời Ðức Thánh cha "kêu gọi nhận thức về công lý và bác ái mang lại hy vọng hòa bình và hòa giải".

Người Phật giáo chiếm khoảng 85% trong số 53 triệu dân Myanmar, nhưng Ðức cha Grawng nói với Ðức Thánh cha rằng công tác truyền giáo "đang trên đà" và Giáo hội Công giáo địa phương có 650,000 người Công giáo trong đó có 658 linh mục, 1,330 nam nữ tu sĩ, và 2,084 giáo lý viên.

"Giáo hội Myanmar được mọi người biết đến và ngưỡng mộ vì sự đoàn kết với người nghèo và người cần được giúp đỡ", Ðức Bênêđictô khẳng định trong lời phúc đáp. Ngài đặc biệt nói đến phản ứng trước bão Nargis cũng như việc làm của "nhiều tổ chức và hội đoàn Công giáo". Ðức Thánh cha động viên các giám mục tiếp tục "thiết lập quan hệ tốt đẹp giữa truyền giáo và bác ái". Ngài còn gián tiếp nhắc tới việc các nhà cầm quyền quân sự miễn cưỡng trong việc cho phép cộng đồng quốc tế cứu trợ nạn nhân bão.

Về vấn đề này, ngài "hy vọng sau khi thỏa thuận cho phép cộng đồng quốc tế cung cấp hàng cứu trợ đạt được gần đây, tất cả các tổ chức sẵn sàng giúp đỡ sẽ có thể cung cấp hàng cứu trợ cần thiết và dễ dàng tiếp cận những nơi cần được giúp đỡ nhất".

Ngài cam đoan với các giám mục rằng Giáo hội hoàn vũ "đoàn kết tinh thần với những người bị mất người thân". Ðức Thánh cha cầu xin Chúa "mở lòng mọi người để họ có thể phối hợp tạo điều kiện và điều phối nỗ lực liên tục cứu trợ những người đau khổ và xây dựng lại cơ sở hạ tầng quốc gia".

Sau đó Ðức Bênêđictô chuyển sang "những dấu hiệu hy vọng" khác mà ngài nhận thấy nơi Giáo hội Ðông Nam Á này. Ngài tuyên dương số "phụ nữ đáp lại ơn gọi sống tận hiến" và số ơn gọi linh mục đang gia tăng.

Trong cả hai trường hợp ngài nhấn mạnh nhu cầu đào tạo tốt. Ngài tuyên dương các cộng đoàn tu sĩ đã hợp tác và tổ chức "các khóa đào tạo" chung thông qua Hội đồng Tu sĩ Công giáo, và ngài khuyên các ứng viên linh mục cần trở thành "những tấm gương trung thành và thánh thiện trước mặt dân Chúa" trong tư cách linh mục.

"Nhiệt huyết" của các bạn trẻ và các giáo dân khác đang tham gia các hoạt động của Giáo hội địa phương là "dấu hiệu hy vọng" thứ ba. Nhưng ở đây ngài cũng đề nghị có "một chương trình đào tạo Kitô hữu vững chắc và năng động, truyền cảm hứng cho họ đem thông điệp Tin Mừng đến nơi họ làm việc, gia đình và xã hội nói chung".

Ðức Bênêđictô động viên Giáo hội Myanmar "đẩy mạnh quan hệ tốt đẹp hơn nữa với người Phật giáo vì lợi ích của từng cộng đồng và của toàn quốc gia", trong khi khen ngợi các sáng kiến được đề xuất cho đến nay.

Ðể kết thúc, ngài cám ơn các giám mục đã "trung thành trong thừa tác vụ của mình giữa lúc gặp những hoàn cảnh khó khăn và những trở lực thường vượt quá tầm kiểm soát". Trước khi ban phép lành, ngài tặng mỗi vị một thánh gia đeo trước ngực và khuyến khích các ngài noi gương Thánh Phaolô trong khi làm nhiệm vụ đòi hỏi khắt khe.

Ðức Thánh cha tuyên bố Năm Thánh Phaolô từ ngày 29-6 năm nay (2008) đến ngày 29-6-2009.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page