Các đôi vợ chồng Singapore tìm hiểu

tại sao vấn đề tiền bạc

có thể làm tan vỡ gia đình

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các đôi vợ chồng Singapore tìm hiểu tại sao vấn đề tiền bạc có thể làm tan vỡ gia đình.

Singapore (UCAN SG05065.1499 Ngày 28-5-2008) -- Có phải đời sống gia đình hoàn toàn nói về tình yêu và cam kết, trong đó vấn đề tiền bạc không quan trọng? Hoàn toàn không phải, linh mục dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ (CICM) Paul Staes phát biểu tại một lễ kỷ niệm gần đây của phong trào Gặp gỡ Gia đình.

Các cuộc bàn cãi về tiền bạc là nguyên nhân chính của 9 trong 10 vụ ly hôn ở Singapore, vị linh mục người Bỉ trích từ một bài báo hồi tháng 12/2007 trên tờ The Straits Times, nhật báo trong nước.

Cha Staes là một trong bốn diễn giả có bài nói chuyện tại nhà thờ Khiết Tâm Ðức Mẹ và Trung tâm Giáo dục Tổng giáo phận Công giáo gần đó hôm 19-5-2008 kỷ niệm 29 năm thành lập phong trào Gặp gỡ Gia đình ở Singapore. Khoảng 400 người đã tham dự các bài nói chuyện này.

Trong bài phát biểu: Vấn đề Tiền bạc trong Hôn nhân Kitô giáo, cha Staes nhấn mạnh lý do tài chính, nếu không được chú ý đầy đủ, có thể ảnh hưởng xấu đến hôn nhân Kitô giáo.

Trong cuộc thăm dò ý kiến về thói quen chi tiêu của các đôi vợ chồng ở Singapore, 41% nói chi tiêu cá nhân là nguyên nhân chính dẫn đến những bất đồng về tài chính, ngài cho biết.

Vị linh mục, cựu thủ quỹ của Tỉnh dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ (CICM) Trung Hoa, trong đó có Ðài Loan, Hồng Kông, Mông Cổ, Singapore và Trung Quốc đại lục, giải thích việc kiểm soát tiền bạc giữa vợ chồng có thể dẫn đến các cuộc tranh giành quyền lực trong gia đình.

Người kiếm nhiều tiền hơn có thể sử dụng những cách công khai hay tế nhị để kiểm soát vợ hay chồng mình, chẳng hạn như hạn chế ngân sách gia đình hay từ chối trả các hóa đơn của vợ hay của chồng, ngài giải thích. "Tiền bạc có thể làm tan vỡ gia đình", ngài cảnh báo.

Cha staes nhấn mạnh vợ chồng cần phải nhất trí về cách giải quyết các vấn đề tiền bạc. Nó bao gồm cả tài chính, nợ nần, chi tiêu, đầu tư và lên kế hoạch cho những trường hợp khẩn cấp. Ngài nói thêm không công khai tài chính với nhau có thể làm tan vỡ gia đình.

Những phẩm chất cần có để giải quyết các vấn đề như thế cũng chính là những phẩm chất cần thiết cho hôn nhân hạnh phúc, ngài nhận xét, và nêu lên cam kết hòa hợp, thông tin cho nhau, thật thà, trách nhiệm giải trình và tin cậy.

"Giáo huấn trong Kinh Thánh về tiền bạc rất rõ ràng, mạch lạc và cơ bản", vị thừa sai lưu ý. "Tiền bạc tự bản chất nó không phải là nguồn gây ra các vấn đề. Nói đúng hơn, chính 'lòng ham muốn tiền bạc mới là cội rễ sinh ra mọi điều ác'", ngài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi Timôthê (6,10).

Cha Staes còn mời vợ chồng ông Joseph và bà Terri chia sẻ cách họ nuôi tám người con dựa trên thu nhập của một người đi làm thôi.

Ðôi vợ chồng này lên kế hoạch cho ngân sách gia đình cẩn thận, quyết định không mua thức ăn nhanh và không đi ăn quán hay nhà hàng, và con cái phải bằng lòng mặc ít đồ mới hơn và dùng lại đồ cũ của anh chị nhiều hơn.

Trong một bài nói chuyện khác là Tình yêu Vợ chồng, Tình yêu Dễ lây, linh mục Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) Michael Arro nói tình yêu vợ chồng dành cho nhau "dễ lây". Nó có sức ảnh hưởng tích cực nơi con cái họ, các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng, ngài nói.

Cha Arro, làm việc với phong trào Gặp gỡ Gia đình 28 năm nay, nhận xét: "Hôn nhân không bị phá vỡ bởi một người khác. Có người xen vào là do có sự rạn nứt, một khoảng trống trong quan hệ vợ chồng".

Nữ tu Una Boland thuộc dòng Truyền giáo Ðức Mẹ, một bác sĩ làm việc tại nhà tế bần, nhận xét lối sống "married single", là cách các đôi vợ chồng mỗi người có cuộc sống riêng mặc dù chung sống dưới một mái nhà, đang ngày càng trở thành tiêu chuẩn.

Trong bài nói chuyện: Bạn, Tôi và Chúng ta, chị nói khi "thỏa mãn của tôi" trở thành động lực trong quan hệ, là lúc cần cân nhắc tại sao người ta bắt đầu kết hôn.

Adrian Lim, một nhà tư vấn tâm lý Công giáo, nói về những thách thức và trách nhiệm các gia đình gặp phải trong bài nói chuyện Vợ chồng nuôi dạy con cái cùng với Chúa. Ông nói thách thức chính đó là giải quyết vấn đề theo cách hợp với kế hoạch tạo dựng gia đình của Chúa, trong đó thể hiện rõ quan hệ mật thiết giữa vợ, chồng và con cái.

Các tham dự viên nói với UCA News rằng họ nhận thấy các bài nói chuyện này hữu ích.

Cyril Lew, đi cùng vợ là Michelle, nói bài nói chuyện của cha Staes củng cố "những điều chúng tôi đã biết... và nghe có người nhấn mạnh những điều đó giúp chúng tôi quả quyết hơn".

Serene Jensen, đi cùng chồng là Bernard, bình luận: "Nữ tu Una nêu lên một điều gì đó rất thiết yếu, lối sống 'married single', vốn thật sự khiến chúng ta phải suy nghĩ về cách chúng ta đang sử dụng thời gian của mình. Ðôi khi chúng ta luôn tập trung vào công việc làm và đánh mất những cái thật sự quan trọng trong cuộc sống".

Phong trào Gặp gỡ Gia đình quốc tế nhắm giúp đỡ các đôi vợ chồng yêu thương, chăm sóc và tận tậm với nhau hơn, chủ yếu thông qua các buổi họp mặt cuối tuần tại nơi làm việc được tổ chức nhằm thúc đẩy đối thoại giữa vợ chồng.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page