Các lãnh đạo Giáo hội Công Giáo Á Châu

nhấn mạnh nhu cầu hội nhập văn hóa thích hợp

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các lãnh đạo Giáo hội Công Giáo Á Châu nhấn mạnh nhu cầu hội nhập văn hóa thích hợp.

Kathmandu (UCAN AS04935.1496 Ngày 5-5-2008) -- Các nhân viên Giáo hội đã nêu bật lên nhiều cách hội nhập Tin mừng vào các nền văn hóa Nam Á, nơi có đa số người Ấn giáo, Hồi giáo và Phật giáo.

37 giám mục, linh mục, chủng sinh, nữ tu và giáo dân đến từ Ấn Ðộ, Bangladesh, Myanmar, Nepal, Pakistan và Sri Lanka đã tham dự cuộc họp từ ngày 29/4-2/5/2008 tại Godavari, gần Kathmandu, bàn về chủ đề này.

Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa ở Vatican đã tổ chức cuộc họp dành cho các giám đốc trung tâm văn hóa Công giáo ở Nam Á. Cuộc họp có chủ đề Các Trung tâm Văn hóa Công giáo ở Nam Á: các phòng thí nghiệm sự gặp gỡ giữa Tin mừng và các giá trị văn hóa cốt lõi. 11 diễn giả trong đó mỗi quốc gia trong năm quốc gia trên có một người đã trình bày tham luận, và các tham dự viên khám phá các lĩnh vực có liên quan trong các buổi thảo luận.

"Nhân viên Giáo hội cần nỗ lực thật nhiều để thành thạo ngôn ngữ của người dân. Ðây sẽ là dấu hiệu đặc biệt về sự hiện diện của Giáo hội trong văn hóa của người dân", theo bản tuyên bố kết luận của họ. Linh mục theodore Mascarenhas, đứng đầu Ban đặc trách Á châu của hội đồng giáo hoàng, đã đọc bản tuyên bố này trước cuộc họp.

Bản tuyên bố còn nói: "Cần tổ chức mừng các lễ hội văn hóa chung bất kỳ nơi nào có thể được. Những lễ hội này tạo cho chúng ta một cơ hội có một không hai để công khai chuyển tải các thông điệp chào mừng các cộng đồng khác và nhờ đó thúc đẩy được sự hòa hợp trong cộng đồng".

Bản tuyên bố cho thấy đối thoại liên văn hóa cũng là lĩnh vực quan trọng, nhưng mang tính chủ động hơn là thụ động.

"Các trung tâm văn hóa Công giáo cần đến với mọi người, với sự nhạy cảm và cởi mở, hơn là mong chờ họ đến với chúng ta", bản tuyên bố khuyên. "Thúc đẩy đối thoại khoa học-tôn giáo nơi các nhà trí thức, như là một phần trong công tác truyền giáo hội nhập văn hóa, cũng quan trọng không kém, đặc biệt là ở các trung tâm thành phố".

Các tham dự viên còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chia sẻ lương thực với những người thuộc các cộng đồng khác nhau, đến với thường dân và tận dụng văn hóa dân gian, huyền thoại, truyện kể và tục ngữ để truyền cho họ các giá trị Phúc âm.

"Ðào tạo nhân viên về lĩnh vực đối thoại liên văn hóa là nhu cầu cấp bách", bản tuyên bố của họ khẳng định. Bản tuyên bố thúc giục hội đồng giáo hoàng "viết thư cho các giám mục, nhờ các ngài giúp tìm kiếm các tổ chức làm dịch vụ đối thoại liên văn hóa trong giáo phận".

Các tham dự viên còn chỉ ra tầm quan trọng của các văn hóa truyền giáo. Họ nói các trung tâm văn hóa Công giáo "có thể tổ chức một dịch vụ có ý nghĩa bằng cách tạo địa điểm và cơ hội cho các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội phê bình các thế lực văn hóa chi phối tác động lên cuộc sống của họ, và tìm cách biến đổi theo ánh sáng Tin Mừng".

Ngoài ra, "các lễ hội lớn của Kitô giáo cần được dùng để công bố các giá trị Tin Mừng thông qua các hình thức nghệ thuật, âm nhạc, vũ điệu, tranh ảnh và các truyền thống văn hóa dân gian địa phương", bản tuyên bố nói thêm. Nó còn nhấn mạnh các trung tâm này cần làm cho người dân ý thức về các vấn đề môi trường và tầm quan trọng của tính lương thiện trong cuộc sống cộng đồng.

Linh mục Bernardo Ardura, thư ký của hội đồng giáo hoàng, phát biểu trong bài diễn văn chào đón các tham dự viên: "Truyền giáo qua các nền văn hóa cần dẫn đến một sự hội nhập văn hóa đích thực, trong khi hội nhập văn hóa không nhắm vào truyền giáo thì kết quả của công tác truyền giáo là không có đức tin và trở thành một cái thùng rỗng".

Riêng về Nam Á, ngài khẳng định "các trung tâm văn hóa Công giáo, vốn đi đầu trong việc truyền giáo trong một khu vực mà người Công giáo chiếm thiểu số nhỏ, đại diện cho Giáo hội Công giáo trong chừng mực họ làm chứng cho tình yêu thương Thiên Chúa dành cho dân Ngài".

Ấn Ðộ và Nepal là hai quốc gia có đa số người Ấn giáo, Sri Lanka và Myanmar có đa số Phật tử, và Bangladesh và Pakistan có đa số người Hồi giáo. Kitô hữu chiếm một phần nhỏ trong dân số mỗi nước cao nhất là 8% ở Sri Lanka và thấp nhất là ở Bangladesh, chưa đến 1%.

Ðức Tổng Giám mục người Ấn Ðộ Thomas Menamparampil của Guwahati, trong bài nói chuyện có tựa đề Ðức Giêsu Kitô là Ánh sáng cho các nền văn hóa, phát biểu ảnh hưởng của toàn cầu hóa đang thách thức các văn hóa truyền thống. "Chúng ta có thể tin tưởng vào một tương lai chắc chắn chỉ khi nào chúng ta tìm ra những câu trả lời cơ bản được truyền cảm hứng bởi sự khôn ngoan và được hỗ trợ bởi sức mạnh của các giá trị hay các nền văn minh cổ xưa của chúng ta và được hướng dẫn bởi ánh sáng do Chúa Giêsu ban cho".

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page