Di Dân Việt

Những Nẻo Ðường trên đất Thái Lan

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Di Dân Việt: Những Nẻo Ðường trên đất Thái Lan.

Bankok, Thái Lan (7/05/2008) - Ngay từ buổi sơ khai cuả Giáo Hội Thái, di dân Việt đã có mặt.


Di Dân lao động Việt Nam tại Bangkok, Thái Lan.


Dưới thời bách hại đạo của vua Minh Mạng khoảng năm 1835, có tới 1,500 tín hữu Việt phải ẩn trốn trong rừng. Sau đó dưới sự giúp đỡ của hải quân Thái Lan, số tín hữu này đã di dời sang đất Thái sinh sống để giữ đạo.

Những di dân Việt này đã được vua Thái Pranangklauchau (Rama III) cảm thương vì họ đã phải xa quê hương để giữ đức tin. Nhà vua đã cấp đất cho những di dân này tới cư ngụ tại làng Xốm-Kliếng, bên cạnh làng Công giáo Xảm-Xển hiện nay (thuộc thủ đô Băng-cốc). Những di dân này được quốc vương Thái thương ban đất riêng của vua cho tị nạn và cất nhà thờ với tên gọi là "nhà thờ thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê".

Ðây là những di dân Công giáo Việt đầu tiên đã sang lập nghiệp và sinh hoạt tại nhà thờ Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê ở Xảm-Xển từ thuở ban đầu cho tới nay. Nhiều vết tích còn lưu lại tại đây như trên nóc nhà thờ này còn có hàng chữ Nho. Hiện tại con cháu của những người di dân Công giáo Việt đầu tiên hãy còn sống tại đây. Một số những truyền thống tôn giáo và văn hóa của người Việt từ thế kỷ 19 còn được duy trì như: họ có nhà táng theo kiểu Việt; một ít người già còn nói được tiếng Việt; họ dùng đôi đũa để ăn cơm; và một số những đồ thờ vẫn còn được nhìn thấy tại đây.

 

Nhà thờ thánh Phanxicô Xaviê, Xảm Xển, Băng Cốc:


Nhà thờ thánh Phanxicô Xaviê, Xảm xển, Băng-Cốc.


Nhà thờ này của di dân Việt đầu tiên trên đất Thái được làm bằng tre. Sau đó bị xập vì bão và nhà thờ được cất lại bằng gỗ. Một lần nữa nhà thờ gỗ bị một cơn hỏa hoạn thiêu rụi và được xây dựng lại bằng xi-măng. Bên cạnh nhà thờ, một trường học dành cho nam sinh và một trường dành cho nữ sinh được thiết lập để giúp cho con em di dân Việt học viết chữ Việt nhằm thuận tiện cho việc dạy giáo lý.

Việc mưu sinh của những di dân Việt lúc này là làm ruộng và đánh bắt cá.

Dưới thời bách hại kế tiếp, nhiều tín hữu Việt ở Lavang - miền Trung đất Việt đã di dân sang Thái. Rồi những cuộc chiến ở Việt Nam như Trấn chiến Ðiện Biên Phủ (1954) và Cuộc chiến tranh Nam Bắc (1975) làm cho nhiều người Việt Nam kéo sang đất Thái lánh nạn. Hiện nay họ đang định cư ở một số tỉnh thành của Thái như: Băng-Cốc, Nỏng-Khai, Khỏn-Kèn, và U-Ðon.

Sau những năm dài chiến tranh đã làm cho kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ngày nay nhiều người Việt ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc đã sang Thái để tìm kế mưu sinh. Ða số những di dân này tập trung ở Băng-Cốc để làm việc. Nhưng họ vẫn không được chính phủ Thái chấp nhận và bị làm khó dễ.

Số di dân Việt ở Thái rất đông. Chỉ ước tính số di dân Việt có đạo ở Băng-Cốc hiện nay chiếm khoảng 1,000 người và họ đang gặp nhiều khó khăn về số phận của đời di dân.

Ca dao Việt Nam có câu:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn!"

 

LM. Nguyễn Tiến Ðức

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page