Giới trẻ Công giáo Myanmar ra nước ngoài làm việc

có phải là tình trạng rò rỉ chất xám đối với Giáo hội

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giới trẻ Công giáo Myanmar ra nước ngoài làm việc có phải là tình trạng rò rỉ chất xám đối với Giáo hội?

Bài của Future Star

Yangon (UCAN MY04928.1495 Ngày 2-5-2008) -- Chúng ta có thể gọi anh ta là Richard Aung. Anh ta tiêu biểu cho nhiều người Công giáo trẻ tôi quen đang cố cải thiện cuộc sống trong điều kiện khó khăn.

Richard, 21 tuổi, không chắc là mình có thể làm việc được trên tàu hay ở Singapore không, nhưng anh ta muốn làm việc bên ngoài Myanmar.

Nhiều bạn cùng trang lứa với anh cũng đang gặp thách thức tương tự. Họ muốn ra nước ngoài làm việc và học tập để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, người ta có thể nói rằng tình trạng này sẽ vắt cạn nhựa sống của Giáo hội Myanmar, vì giới trẻ là tương lai và hy vọng của Giáo hội.

Ðể nâng cao tay nghề và chuẩn bị đi nước ngoài, Richard đã đi một đoạn đường xa từ quê nhà ở vùng đồi núi Mogok thuộc giáo phận Lashio để đến thủ đô Yangon.

Richard cho biết em quyết định đi nước ngoài bởi vì ở những vùng đồi núi phía đông bắc Mandalay em không có hy vọng theo đuổi một tương lai tốt đẹp.

Ðây là vấn đề nghiêm trọng, Ðức Tổng Giám mục Charles Bo của Yangon cho biết hôm 26-3-2008 trong khi nói chuyện với những người tốt nghiệp chương trình đào tạo lãnh đạo giới trẻ do Fondacio International tổ chức. Ðặt trụ sở tại Versailles, Pháp, phong trào có 3,500 thành viên tại 24 quốc gia.

"Nhiều bạn trẻ đi nước ngoài sau khi tốt nghiệp hay tham dự một số chương trình đào tạo chuyên môn ở đây là chuyện rất phổ biến", Ðức Tổng Giám mục Bo nói với những người tốt nghiệp chương trình. Tuy nhiên, với sự tập trung vào học hành và nghề nghiệp như thế, ngài hỏi, "Ai sẽ mang lại sự thay đổi mà chúng ta cần ở đây?"

Ðức cha có lý do để lo lắng về tình trạng rò rỉ chất xám và nhu cầu cải thiện cuộc sống trong nước. Một số bạn trẻ Công giáo sáng giá nhất ở Myanmar đang ra nước ngoài trong khi chúng ta cần năng lực trí tuệ và kỹ năng của họ để giúp trao quyền cho Giáo hội chúng ta.

Khác với cách đây một thế kỷ. Lúc đó, những người trẻ đóng góp thời gian và sức lực cho Giáo hội bằng cách tham gia vào nhiều sứ vụ giới trẻ khác nhau. Trong những lúc hăng say hoạt động đó, chúng ta dành hết sức lực cho hoạt động của Giáo hội, và cha mẹ khích lệ chúng ta tích cực tham gia.

Chúng ta không mong chờ sự giúp đỡ từ phía Giáo hội nhưng nhận thấy đây là cơ hội để trao quyền cho các bạn trẻ khác và ủy thác các trọng trách của chúng ta cho thế hệ sau. Chúng ta có cùng ý thức cam kết, sáng kiến, hiệp nhất và cộng tác.

Khi chúng ta phát triển nhanh, thay đổi cũng bất ngờ xảy ra. Giờ đây, người ta có cảm nghĩ đồng tiền chi phối tất cả. Sau khi thi xong trung học, giới trẻ ngày nay bận theo học các lớp vi tính, các khóa học nói tiếng Anh, và kế toán. Họ phải học như thế để kiếm việc làm ở quê nhà, và đặc biệt nếu họ muốn có cơ hội đi làm ở nước ngoài.

Một lãnh đạo giới trẻ ở giáo xứ Thánh Lazarô thuộc tổng giáo phận Yangon tán thành quan điểm của tôi. Anh nói với tôi khó có thể tổ chức giới trẻ bởi họ bận học, và phụ huynh không muốn con cái tham gia các chương trình của Giáo hội.

Trong khi nhiều bạn trẻ chuẩn bị đi nước ngoài, lãnh đạo giáo xứ này đang cố gắng tổ chức một chương trình đào tạo cho giới trẻ. Anh cho biết anh lo ngại là không có người để ủy thác trách nhiệm của chúng ta như là những người trẻ năng động của Giáo hội cho thế hệ mai sau.

Cách đây một thập niên, chúng ta dường như không cần lo lắng về tiền bạc và bố mẹ chúng ta có thể lo cho chúng ta, chúng ta có thể dễ dàng tổ chức cho những người trẻ tham gia các hoạt động giới trẻ và các chương trình tĩnh tâm.

Giờ đã thay đổi nhiều. Mục tiêu chính của các thành viên trong gia đình bây giờ là sinh kế, vì thế chúng ta không thể đổ lỗi cho thế hệ trẻ bỏ đi làm việc ở nước ngoài hay học hành ở đó.

Một bạn trẻ ở giáo phận Pekhon nói với tôi gần đây về kế hoạch và những thách thức của mình, kể cả vấn đề tài chính. Bố mẹ anh cố gắng giúp anh nhưng anh miễn cưỡng khi phải sống dựa vào đồng tiền của bố mẹ. Anh đề nghị Giáo hội nên đi đầu bằng cách giúp những người trẻ nâng cao tay nghề.

Một bạn khác tên là James đến từ Loikaw nói với tôi rằng anh hạnh phúc khi làm người Công giáo ở Myanmar, nhưng những thách thức sinh hoạt và việc làm ở đây khó mà giải quyết được.

Lợi ích lâu dài từ tình trạng rò rỉ chất xám này có thể có, nhưng chỉ khi giới trẻ được trao quyền, giáo dục tốt hơn, có kinh nghiệm hơn, bảo đảm về mặt tài chính hơn.

Về điểm này chúng ta có lý để hỏi rằng: Chúng ta có mong đợi những người đi lao động nước ngoài mà không được sự trợ giúp của Giáo hội đóng vai trò tích cực trong đời sống của Giáo hội khi họ trở về không?

- - - - - - - - - - - -

* "Future Star" là phóng viên của UCAN ở Myanmar, yêu cầu không nêu tên.

 

UCA News

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page