Thánh lễ an táng đầu tiên sau bốn thập niên

mang lại hy vọng cho người Công giáo ở vùng sâu xa

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thánh lễ an táng đầu tiên sau bốn thập niên mang lại hy vọng cho người Công giáo ở vùng sâu xa.

Lai Châu, Việt Nam (UCAN VT04565.1487 Ngày 3-3-2008) - Người Công giáo ở một tỉnh miền Bắc hy vọng Thánh lễ an táng đầu tiên trong thị xã vùng xa của họ, sau hơn 40 năm, là sự khởi đầu tốt đẹp cho việc coi sóc mục vụ trong tương lai.

Mặc dù hôm 15-2-2008 thời tiết lạnh rét dưới không độ C, nhưng linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình, chánh xứ Sa Pa, vẫn lái chiếc xe cũ vượt qua 70 km đường đèo để đến thị xã Lai Châu, cách Hà Nội 470 km về phía tây bắc.

Ngài lái xe từ giáo xứ của ngài ở tỉnh Lào Cai đến dâng lễ và ban Bí tích Xức dầu Bệnh nhân cho 12 giáo dân cao tuổi ở tỉnh Lai Châu. Nghi thức được cử hành tại nhà cụ Anna Nguyễn Thị Bon, ở xã San Thàng, sau đó cha Bình trở về lại giáo xứ của ngài.

Tuy nhiên, vào ngày hôm sau cha Bình lại phải trở lại Lai Châu để làm lễ an táng cho cụ Bon, 71 tuổi, qua đời bốn giờ sau khi ngài ban Bí tích Xức dầu cho cụ. Khoảng 300 trong số 500 người Công giáo trong thị xã đã tham dự lễ an táng, và thiếu nhi hát thánh ca.

"Người Công Giáo chúng tôi hôm nay không biết lấy gì để diễn tả niềm sung sướng của mình vì cảm nghiệm được tình thương bao la của Thiên Chúa không hề bỏ rơi đoàn Chiên bé nhỏ và xa xôi này", bà Anna Nguyễn Thị Khơi, hàng xóm của cụ Bon, nói với UCA News sau Thánh lễ.

Theo bà Khơi, 60 tuổi, cụ Bon là giáo dân địa phương đầu tiên được lãnh Bí tích Xức dầu Bệnh nhân. Cụ còn là người đầu tiên được linh mục làm các nghi thức an táng kể từ năm 1966, khi những người đầu tiên đến vùng đất này. Bà Khơi nói: "Tôi tin chắc bà Bon đã được hưởng trọn hồng phúc Chúa ban".

Trước đây, nhà nước thường bắt đưa dân đi kinh tế mới, đặc biệt là các vùng xa xôi, nơi không có linh mục và nhà thờ.

Chồng bà Khơi là ông Luca Phạm Khắc Huân, cho UCA News biết người Công giáo địa phương đã phải di cư từ tỉnh Hà Nam đến cái gọi là "vùng kinh tế mới" này năm 1966.

Ông thừa nhận trong những năm gần đây cuộc sống kinh tế ngày càng khá hơn, nhưng "đời sống tôn giáo thì hoàn toàn bị hạn chế, cắt đứt". Họ chỉ biết đến các ngày lễ lớn, dịp ăn chay là nhờ vào những cuốn lịch Công giáo do bà con ở Hà Nam gửi lên cho họ, ngừoi đàn ông 60 tuổi nói thêm.

Ông Huân cho biết họ vẫn còn bị cấm tập trung đọc kinh cầu nguyện và không được phép xây nhà nguyện, vì thế con cái họ không được học giáo lý và nhiều người lập gia đình không có cơ hội được làm phép hôn phối.

Trong suốc 42 năm không có linh mục, bà Khơi kể, người già và đau yếu ở đây không có cơ hội đi xưng tội, hay lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh nhân. "Bà con giáo dân chúng tôi vẫn tập trung đọc kinh cầu nguyện cho người chết, nhưng mỗi lần như vậy đều phải xin phép chính quyền", bà nói thêm.

Một số người Công giáo cho biết, từ tháng 10 năm 2007 chính quyền xã đã cho phép người Công giáo địa phương mời cha Bình về ban các bí tích cho bệnh nhân và dâng lễ an táng cho người chết, và thừa nhận đây là nhu cầu tâm linh cần thiết của người dân. Nhưng họ cũng cho biết chính quyền không cấm các thầy cúng đến cúng vái cho người ngoài Công giáo có thân nhân chết tại nhà họ.

Ông Philiphê Nguyễn Văn Tuyết, một lãnh đạo giáo dân của cộng đoàn Công giáo địa phương, cho UCA News biết mỗi lần cha Bình đến viếng thăm bệnh nhân hay gia đình người chết, giáo dân ở đây có dịp để xưng tội, tham dự các nghi thức phụng vụ và nghe giảng giáo lý. "Tạ ơn Chúa, cộng đoàn này không còn phải chịu cảnh mồ côi nữa".

Cha Bình, 37 tuổi, nói với UCA News rằng ngài cảm kích việc chính quyền xã công nhận làm mục vụ cho bệnh nhân và dâng lễ an táng cho người chết là nhu cầu chính đáng của người Công giáo địa phương.

Vị linh mục, coi xứ của ngài từ khi chịu chức linh mục ngày 14-2-2006, cho biết ngài viếng thăm người Công giáo ở đây từ tháng 10-2007 và đã dâng bốn Thánh lễ, trong đó có lễ Giáng sinh. "Tôi có tới chào thăm chính quyền địa phương và thấy họ tỏ ra rất lịch sự và nhã nhặn khi tiếp linh mục", ngài nói thêm.

Cha Bình cho biết chính quyền địa phương nói với ngài rằng họ chưa cho phép người Công giáo địa phương xây nhà nguyện là vì nhiều nhóm Kitô giáo khác ở đây cũng không có nhà nguyện. Theo vị linh mục, tỉnh Lai Châu có 1,000 người Công giáo, đa số là người dân Tộc H'Mông và người Kinh.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page