Ấm Áp Bữa Cơm Giáng Sinh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ấm Áp Bữa Cơm Giáng Sinh.

Vinh, Việt Nam (20/12/2007) - Ðến với Giáo xứ Lập Thạch, Làng Anh, Hạt Cửa Lò, Giáo phận Vinh, vào những ngày áp Giáng Sinh (19/12/2007), tôi thấy người dân đang tất bật chuẩn bị cho ngày chào đón Chúa ra đời. Những chuẩn bị tất bật bên ngoài dường như là sự thể hiện của việc sẵn sàng bên trong tâm hồn. Nét hồ hởi tràn ngập trên khuôn mặt của những chàng trai đang treo đèn, những cô gái đang kết hoa. Ông Bình, trưởng Ban hành giáo "bật mí" cùng tôi: "Khác với mọi năm, dù là cứ đến Giáng Sinh là vui rồi, nhưng năm nay, Cha quản nhiệm Raphael Trần Xuân Nhàn cũng là linh mục chánh xứ Làng Anh sẽ tổ chức 'Bữa Cơm Giáng Sinh' dành cho những người nghèo, neo đơn, khuyết tật trong giáo xứ. Ðây là sự kiện đầu tiên mà giáo xứ tổ chức nên mọi người đều phấn khởi. Chúng tôi đã nỗ lực mấy hôm để hoàn tất nốt những công đoạn chuẩn bị."

Vừa nói đến đấy thì kìa, Cha quản nhiệm bước tới. Với dáng người chắc đậm, cha tỏ ra là một mẫu người xông xáo, dám nghĩ, dám làm. Khi biết tôi là một tu sĩ dòng Ðaminh, ngài tâm sự: "Mình say mê làm công tác xã hội lắm (được biết ngài đã từng hết mình trong công việc cứu trợ trong mấy trận lụt vừa qua tại miền trung).

Cần là mình có mặt ngay. Bây giờ được cái có Internet cũng tiện. Ví như chương trình 'Bữa cơm Giáng Sinh' tổ chức tại Lập Thạch, Làng Anh, cho khoảng 350 thực khách và tại ba nhà khuyết tật khác nữa. Mình lên mạng, viết thư kêu mời các nhà hảo tâm. Ba ngày sau là đủ kinh phí như đã dự trù, những tấm lòng vàng không thiếu".

Chia tay, cha quản nhiệm mời tôi sáng hôm sau (20/12/2007) cùng đến tham dự "Bữa cơm Giáng Sinh". Tôi vui vẻ nhận lời, phần vì muốn sống trong bầu khí bác ái của tinh thần Kitô giáo, phần vì sức lôi cuốn của vị linh mục này cũng khiến tôi khó lòng từ chối.

10 giờ sáng 20 tháng 12 năm 2007, khu vực hội trường giáo xứ Lập Thạch nhộn nhịp hẳn. Các em trong ca đoàn với đồng phục áo dài trắng đang tất bật đón tiếp khách. Những vị khách hôm ấy là những người có khiếm khuyết về thể lý. Có em phải nằm trên nôi đặt giữa phòng tiệc. Dẫu vậy trên ánh mắt của những người có hoàn cảnh đặc biệt ấy chan chứa niềm hân hoan.

Tôi bắt gặp ở đây những mảnh đời khác nhau, như mẹ con chị Liên. Chị bị bại liệt từ bé, năm nay đã 42 tuổi, hiện đang sống với bà mẹ già. Nhìn cảnh bà mẹ tóc bạc phơ đang ngồi ôm đứa con gái tật nguyền, tóc cũng lốm đốm bạc mà lòng tôi không khỏi dâng lên niềm cảm xúc. Rồi còn bà Ái, một bà mẹ đã sinh hạ bốn người con, nhưng hai đứa con trai đầu đã chẳng may chết sớm. Giờ thì ông bà đang nuôi dưỡng một đứa con gái hiện đang học lớp 8, và một người con trai bị thiếu nặng về trí khôn. Tôi chẳng biết nói gì với một bà mẹ đã chịu quá nhiều đau khổ như thế, một bà mẹ chốc chốc lại lấy khăn lau những dòng mủ chảy từ tai của đứa con ngồi bên cạnh. Vâng, còn nhiều nữa những mảnh đời, hoàn cảnh mà nếu kể ra thì ta đều cảm thấy vị mặn đắng ở những hoàn cảnh ấy. Vì mỗi vị khách được mời đều có hoàn cảnh như thế nên khi có thư mời của Cha quản nhiệm, họ đều vui, đều hồ hởi khi tham dự "Bữa cơm Giáng Sinh" ấm cúng nghĩa tình này.

Mà quả thực khi tham dự bữa cơm này, tôi đã cảm nhận thấy nghĩa tình chan chứa nơi đây. Cha quản nhiệm và các vị hữu trách của giáo xứ đã chuẩn bị mọi thứ chu đáo. Họ ân cần hỏi thăm, giúp đỡ, tiếp thức ăn cho những người thua thiệt. Trong chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn, đích thân cha quản nhiệm lên giúp vui văn nghệ. Hình ảnh hoà đồng, yêu thương mà ngài dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, chắc chắn sẽ còn đọng mãi nơi tâm hồn những người tham dự bữa cơm ấy. Tất cả những nghĩa cử này, như lời ông Nguyễn Xuân Lửng, đại diện của những người có hoàn cảnh đặc biệt phát biểu, "là nghĩa cử yêu thương, giúp người khuyết tật hội nhập với cộng đồng".

Rời bữa cơm ấm áp nghĩa tình, ông Nguyễn Xuân Khởi, phó ban giáo lý của giáo xứ chân thành chia sẻ: "Dù giáo xứ đã nhiều lần có những dịp tổ chức vui như ngày hôm nay, nhưng chưa lần nào giống như lần này. Lần này, ngoài chuyện vui ra còn có ý nghĩa truyền giáo nữa". Nếu ý nghĩa này thành hiện thực thì thật đúng với ước nguyện của linh mục Raphael Trần Xuân Nhàn khi ngài tâm sự cùng tôi: "Tôi muốn dùng công tác xã hội làm công cụ cho mục đích chính của tôi là đem tình thương của Ðức Kitô đến với mọi người". Ðược biết trong dự định kế tiếp, nhân dịp Tết Cổ Truyền, ngài cũng muốn tổ chức "Tấm bánh chưng cho người nghèo". Nghe đâu quy mô tổ chức cũng lớn hơn, tôi mừng thầm cho những thân phận neo đơn, cùng cực, những con người kém may mắn.

Nắm chặt tay vị linh mục nhiệt tình lúc chia tay, tôi xin kính chúc cho ước nguyện và dự định của linh mục thành hiện thực. Chúc cho những dự định mang lại sự ấm áp cho những người nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt sẽ mãi là sự thể hiện của tinh thần bác ái Kitô giáo.

 

Duy Khánh, O.P.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page