Bài Phỏng Vấn

Một Nữ Tu Giúp Trẻ Em Vạn Ðò Huế

Có Áo Ấm Trước Ngày Lễ Chúa Giáng Sinh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Phỏng Vấn Một Nữ Tu Giúp Trẻ Em Vạn Ðò Huế Có Áo Ấm Trước Ngày Lễ Chúa Giáng Sinh.

Huế, Việt Nam (12/12/2007) - Một Nữ tu dòng thánh Phaolô thuộc cộng đoàn Thiên Hữu Huế đã giúp cho hàng trăm trẻ em ở khu vực Vạn Ðò Vĩ Dạ, Huế, và những em cơ nhở khác có được những bộ áo quần ấm để các em được mặc trước Ngày Lễ Chúa Giáng Sinh.


Các em Vạn Ðò được các Nữ tu dòng Thánh Phaolô thuộc cộng đoàn Thiên Hữu Huế phục vụ cho ăn trưa miễn phí tại nhà dòng.


Trẻ em ở khu vực Vạn Ðò Vĩ Dạ, Huế, một xóm chài nằm khuất sau những dãy nhà cao tầng ở đường Hàn Mặc Tử đều biết Nữ tu Ephrem Nguyễn Thị Lựu.

Ðó là vì Chúa Nhật nào vào lúc 8 giờ đến 11 giờ buổi sáng, các em cũng thường xuyên đến sinh hoạt với các Nữ tu dòng Thánh Phaolô thuộc cộng đoàn Thiên Hữu Huế cách Hà Nội 662 kilômét về phía nam.

Nữ tu Ephrem Lựu 70 tuổi, là người Huế, đặc trách một cộng đoàn nhỏ gồm 4 Nữ tu Ðà Nẳng, mặc dù dòng có mặt tại Huế gần 120 năm nhưng trụ sở của nhà mẹ vẫn còn tại Ðà Nẳng. Theo truyền thống của hội dòng này là hoạt động Bác Ái Tông Ðồ, sống Phúc Âm bằng cách đem tình thương đến cho người nghèo, tham gia dạy giáo lý, mở nhà trẻ, mẫu giáo, lớp học tình thương đặc biệt luôn chú ý đến những Người Bị Lãng Quên.

Sự hiện diện của các Nữ tu thuộc cộng đoàn Thiên Hữu Huế đã mang lại ánh sáng, niềm tin cho những người bất hạnh đặc biệt cho các em thuộc Vạn Ðò Vĩ Dạ, Huế.

Hôm 9.12.2007, Chúa Nhật II Mùa Vọng, hơn 250 trẻ em Vạn Ðò người Lương, và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã tập trung trong sân tu viện để sinh hoạt, vui chơi và nhận quần áo ấm. Ðiều gì đã thu hút các em bụi đời từ bỏ nếp sống lang thang trên các hè phố để đến với các Nữ tu và nhận ra nơi họ hình ảnh môn đệ của Vị Mục Tử Nhân Lành.

Sau đây là cuộc phỏng vấn:

Người Phỏng Vấn: Ðộng lực nào đã thúc đẩy chị chăm sóc cho các em Vạn Ðò, Huế?

Nữ tu Ephrem Nguyễn Thị Lựu: tôi còn nhớ cách đây 4 năm, chừng 3 giờ chiều của ngày 20.11, khi ấy, tôi đang ngồi trực tại phòng khách, nhìn ra phía cổng tu hội vẫn thường xuyên mở một cánh cửa, cách chừng 100 mét, tôi đã quan sát 5 em cả trai lẫn gái từ 7 đến 11 tuổi, lần lựợc ép mình để lườn qua lỗ hổng vì lưới thép B40 đã bị nứt vì hoen rỉ. Bất ngờ bị bắt gặp, hai em tiến lại gần tôi giả vờ xin nước uống, trong khi ba em còn lại vẫn lai vãng quanh vườn kiếm những phế liệu để bỏ đầy cái bao lớn đeo phía sau lưng, hỏi ra mới biết các em là con của gần 100 hộ dân Vạn Ðò nằm khuất sau những dãy nhà cao tầng của đường Hàn Mặc Tử, Huế, thường ngày các em ăn cơm không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Cha mẹ các em cả ngày lam lũ với nghề chài lưới. Họ vất vã thâu đêm lẫn ngày với cuộc sống cùng khổ. Vì vậy mà họ không quan tâm đến việc học hành của con cái, để các em phải chịu thiệt thòi tình thương của cha mẹ, thất học và lang thang trên khắp các nẻo đường như đu bám du khách để xin tiền, lượm phế liệu, chạy rong vào các chợ để móc túi, vào bệnh viện để lấy cắp tài sản của bệnh nhân. Ðứng trước cảnh thương tâm này, tôi đã mời các em ở lại dùng cơm tối với chúng tôi, sau đó tôi đã tìm cách giúp đỡ từng bước để các em thoát khỏi cảnh lầm thang cơ nhở.

Hỏi 2: Chị đã gặp những khó khăn gì?


Nữ Tu Ephrem Nguyễn Thị Lựu đang viếng thăm khu vực của dân chài, nơi ở của các em Vạn Ðò.


Ðáp: Sau nhiều lần đến thăm gia đình các em đang sống trong những chiếc đò nhỏ dài 6 mét, nan giữa 2 mét hay những chiếc chòi tranh tre tạm bợ, tôi mới hiểu rằng hầu hết mọi người ở đây không ai biết chữ; vả lại cha mẹ các em thích uống rượu; có lẽ rượu làm cho ấm cơ thể vì cả ngày họ phải ngâm mình dưới giòng nước sâu 3-4 mét để vớt rong, bắt ốc, tôm tép, lặn hến để bán lấy tiền mua gạo củi, gia vị và dầu thắp. Vì thế, họ không có dư tiền để cho con cái đến trường. Tôi cố gắng thuyết phục họ cho con cái đi học, một người đàn ông ở đây đã nói với chúng tôi rằng, cái chữ ăn không được khi đói. Tôi đã trăn trở nhiều về đời sống của họ, điều khó khăn nhất là làm sao con cái của họ vừa học vừa có thêm tiền để phụ thêm với kinh tế của gia đình. Bước đầu, tôi đã liên hệ các đại lý bán vé số để các em nhận số đi bán, các quán bán cơm để các em phụ bàn hoặc đánh giày cho khách, buổi trưa các em tập trung về tu hội để ăn cơm, một khó khăn khác, chính quyền địa phương chưa muốn các Tu Sĩ trực tiếp mở trường học tại đây vì các cơ sở giáo dục ở đây thuộc Phòng giáo dục huyện Phú Vang và cô thầy phải do Nhà Nước phân bổ.

Hỏi 2: Các em được các chị dạy những gì?

Ðáp: Mỗi sáng Chúa Nhật hàng tuần các em đến sinh hoạt vui vẻ với chúng tôi tại cộng đoàn, chúng tôi dạy cho các em các bài hát về thiếu nhi kèm theo những trò chơi năng động, cho các em đọc truyện tranh, tập các em viết, làm toán, dạy các em múa, giáo dục nhân bản cho các em biết cách xử thế trong môi trường sống như biết giúp đỡ, nhường nhịn, hiền lành, khiêm tốn, chơi tốt với bạn bè, lễ phép với thầy cô và người lớn, hiếu thảo với cha mẹ, khi thi cử không chép bài của bạn.

Hỏi 2: Chị đã ưu tiên cho họ những vấn đề gì?

Ðáp: Ðể giúp các em thoát cảnh lang thang trên các hè phố và có ích cho xã hội, việc đầu tiên là xoá mù chữ cho các em, tôi phải liên hệ với các Phường, Xã để làm giấy tờ cho các em vì một số các em trong độ tuổi đến trường chưa có Giấy Khai Sinh, đồng thời đề nghị họ mở lớp tình thương, chúng tôi đã mời và trả thù lao 720,000 đồng một tháng cho cô giáo thông qua hợp đồng của cơ sở Giáo dục địa phương để dạy cho các em biết đọc và biết viết, Sách vở, quần áo, giày dép chúng tôi hỗ trợ cho các em, riêng hơn 100 cháu mẫu giáo thuộc các em vạn đò và những em con nhà nghèo trong các phường xã không phân biệt Luơng Giáo, mỗi tháng chúng tôi trợ cấp từ 40,000 - 70,000 đồng để các em được đóng học phí cho lớp Mẫu Giáo. Ngoài ra, chúng tôi còn liên hệ tại các trung tâm dạy nghề: Thêu Ren, May Công Nghiệp, sửa Hon đa, Làm Tủ kính. Hiện tại đã có hơn 50 em đã học nghề và đang hành nghề tại các Xí Nghiệp.

Hỏi 2: Chị làm gì để giúp người dân Vạn Ðò cải thiện đời sống tinh thần và vật chất?

Ðáp: Hầu hết những người dân ở đây không muốn rời xa những chiếc đò vì hầu hết họ đã quen sống với nghề đánh bắt tôm, cá, hến, ốc trên sông Hương. Tôi rất muốn đời sống của họ mỗi ngày được khá lên, và hy vọng tương lai, cuộc sống của các em tươi sáng hơn, con cái của họ cũng được vào đại học vì cả xóm Vạn Ðò hơn 500 người này từ trước đến nay chưa có người học hết cấp ba. Chúng tôi sẳn sàng giúp đỡ các em có đủ điều kiện để đến trường học, hoặc đã hỗ trợ phương tiện xe đạp đi lại hay tiền học phí cho các em đang học nghề, cấp gạo cho các em đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng tôi như viếng thăm an ủi họ thường xuyên, giúp đỡ các người già cả neo đơn tại gia, những bệnh nhân nghèo tại nhà thương cũng đủ xoa dịu những nỗi lo âu trong khi họ đau ốm.

Hỏi 2: Chị chuẩn bị gì để tổ chức mừng Giáng Sinh cho các em Vạn Ðò, Huế?

Ðáp: Những dịp Trung Thu, lễ Quốc tế Thiếu Nhi, Tết hoặc Noel, các em rất vui mừng nhận được những món quà kẹo bánh, vải, sách vở và đồ chơi. Năm nay do điều kiện mưa lụt, ở Huế năm nay có 6 cái lụt lớn một số em rất cần quần áo đặc biệt là áo ấm, lương thực như: gạo, dầu ăn, cặp đựng sách vở, chăn màn, chúng tôi sẽ đóng vai ông già Noel đến tận Vạn Ðò để phát quà, múa, hát Thánh Ca mừng Chúa Ra Ðời và mời các em về tu hội chúng tôi để ca ngợi Chúa và dự tiệc mừng Giáng Sinh.

 

Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page