Tường Thuật Thánh lễ đồng tế do ÐTC chủ sự

cùng với các tân hồng y

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường Thuật Thánh lễ đồng tế do ÐTC Beneđitô XVI chủ sự cùng với các tân hồng y.

(Radio Veritas Asia 26/11/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Như đã loan tin, trong những ngày thứ Sáu 23/11/2007, thứ Bảy 24/11/2007 và chúa nhật 25/11/2007, dịp lễ phong tước cho 23 vị Tân Hồng Y, ÐTC Beneđitô XVI đã triệu tập hai loại Công Nghị Hồng Y: Công Nghị Hồng Y Riêng Ðặc Biệt và Kín, dành cho Hồng Y Ðoàn mà thôi, vào ngày thứ Sáu 23 tháng 11 năm 2007. Công nghị Hồng Y riêng và kín này có hai buổi Họp, sáng và chiều thứ Sáu 23 tháng 11 năm 2007, với sự hiện diện của ÐTC. Phòng báo Chí Toà Thánh loan báo về biến cố này, nhưng không cho biết những điểm nội dung đã được thảo luận trong Công Nghị riêng và kín. Tuy nhiên các hãng tin đã cố gắng săn tin và cho biết rằng, trong Công Nghị Hồng Y riêng và kín, hôm thứ Sáu 23 tháng 11 năm 2007, quý vị hồng y đã dành phiên họp buổi sáng để kiểm điểm và lượng giá về công cuộc đối thoại đại kết, tìm về hiệp nhất kitô. Trích lại thông cáo báo chí của Phòng Báo Chí Toà Thánh, hãng tin công giáo Thuỵ Sĩ, Apic, ngày 23 tháng 11 năm 2007, đã đặc biệt lưu ý rằng quý Ðức Hồng Y đã nhắc đến tầm quan trọng phải dùng "những hình thức truyền thông chú ý không làm tổn thương cảm tính của những anh chị em kitô không công giáo". Hãng tin cũng nhắc đến vài điểm nội dung trong bài thuyết trình tổng hợp của Ðức Hồng Y Walter Kasper về hiện tình sinh hoạt đại kết. Chúng tôi sẽ nói thêm về bài diễn văn này trong một chương trình khác sau này.

Loại Công Nghị Hồng Y thứ hai, là Công Nghị bình thường và công khai, với sự tham dự của môi thành phần giáo hội. Ðây là Công Nghị đã diễn ra trong hai ngày thứ Bảy 24 tháng 11 năm 2007 và Chúa Nhật 25 tháng 11 năm 2007.

Chặng thứ nhất của Công Nghị Công Khai vào ngày thứ Bảy 24 tháng 11 năm 2007, là lễ công bố Văn Thư phong tước, trao mũ hồng y và chỉ định hiệu toà cho mỗi vị tân hồng y. Và Chặng thứ hai là Thánh Lễ đồng tế của quý Tân Hồng Y với ÐTC, vào sáng Chúa Nhật 25 tháng 11 năm 2007. Trong thánh lễ này, ÐTC đã trao nhẫn hồng y cho quý tân hồng y.

Trong bài thời sự hôm nay, chúng ta chú ý đến Chặng thứ hai của Công Nghị Công Khai, vào sáng Chúa Nhật 25 tháng 11 năm 2007, tức Thánh Lễ đồng tế của quý Tân Hồng Y với Ðức Thánh Cha.

Năm nay vì lý do thời tiết xấu, cả hai chặng vừa nói trên, đều đã diễn ra bên trong đền thờ thánh Phêrô, mặc dù con số người tham dự rất đông (ước tính khoảng 20 ngàn người).

Lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 25 tháng 11 năm 2007, đức thánh cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế cùng với 23 tân hồng y, và sau lời nguyện hiệp lễ, ngài đã ra trước tiền đường để chào mừng các tín hữu, đọc kinh Truyền tin và ban phép lành kết thúc.

Giờ đây chúng ta hãy chú ý đến bài giảng ÐTC dành cho cộng đoàn phụng vụ kèm theo đôi lời nhắn nhủ hưóng đến quý tân hồng y.

Dựa theo bài đọc Sách thánh trong thánh lễ, đức Bênêđictô XVI trình bày ba bức tranh để suy niệm về Chúa Kitô Vua: ở chính giữa là Chúa Giêsu trên thập giá, dựa theo bài trình thuật của Luca; một bên là cuộc xức dầu tấn phong vua Ðavit; bên kia là bài thánh thi ca tụng đức Kitô trích từ thư gửi tín đoàn Côlôsê. Cả ba đều trình bày Ðức Kitô là Chủ tể của chúng ta, và tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. ÐTC đã nói như sau:

Chúng ta cần khởi đầu từ biến cố trung tâm là Thập giá. Nơi đây, đức Kitô bày tỏ cách độc đáo vương quyền của mình. Trên núi Calvariô, hai thái độ đối kháng với nhau. Một vài nhà lãnh đạo đứng gần thập giá, và kể cả một trong hai người tử tội, đã buông ra những lời khinh bỉ chế nhạo kẻ bị treo: "Nếu ông là Vua Mêsia, thì hãy tự cứu lấy mình đi, hãy xuống khỏi khổ giá đi". Tuy nhiên, đức Giêsu đã bảy tỏ vinh quang của mình bằng cách ở lại trên thập giá, như Chiên hiến tế. Cùng đứng về phía với Người là tên trộm thứ hai, khi ông ta nhìn nhận vương quyền của Người qua lời khẩn nài: "Chừng nào Ngài vào vương quốc, xin hãy nhớ đến tôi" (Lc 23,42). Thánh Cyrilô Alexandria đã chú giải thế này: "Anh thấy Người bị đóng đinh và anh xưng Người là vua. Anh tin rằng kẻ đang chịu sỉ nhục và đau khổ sẽ bước vào vinh quang Thiên Chúa" (Comm. a Luca, hom.153). Theo thánh sử Gioan, vinh quang Thiên Chúa đã được tỏ lộ rồi, tuy rằng nó bị che khuất bởi khổ hình thập giá. Kể cả đối với thánh sử Luca, thực tại tương lai đã thành hiện thực khi đức Giêsu hứa với người trộm lành: "Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng" (Lc 23,43). Thánh Ambrôsiô nhận xét như sau: "Anh ta thỉnh cầu Người hãy nhớ đến mình khi vào vương quốc, nhưng Chúa đã đáp lại: Quả thật, tôi nói cho anh, ngày hôm nay anh sẽ ở với tôi trên Thiên đàng. Sự sống hệ tại ở với Chúa Kitô, bởi vì Chúa Kitô ở đâu thì Vương quốc của Người ở đó" (In Luc 10,21). Như thế bản án đóng trên đỉnh cây thập giá "Ðây là vua dân Do thái" trở thành tuyên ngôn của chân lý. Thánh Ambrosiô viết tiếp: "Bản án được viết trên thập giá là đích đáng, bởi vì tuy Chúa Giêsu bị treo trên thập giá nhưng từ trên đỉnh thập giá đã chiếu rạng vinh quang vương giả" (ibid 10,113).

Ðức Thánh Cha bình luận thêm rằng vinh quang Thiên Chúa được tỏ rạng trên thập giá bởi vì nơi đó Thiên Chúa là tình thương đã mặc khải tình thương tột độ đối với nhân loại. Hướng về các tân hồng ý, Người nhắn nhũ: "Trên chiếc nhẫn sắp sửa được trao cho các tân hồng y, có khắc thập giá. Ðây là một lời mời gọi các hồng y hãy nhớ rằng mình phục vụ Vị Vua nào, Người đã ngự trên ngai nào, và Người đã trung tín cho đến chết như thế nào để thắng tội lỗi và sự chết nhờ sức mạnh của lòng lân tuất của Thiên Chúa. Hội thánh, hiền thê của Chúa Kitô, trao cho các hồng y chiếc nhẫn này như là kỷ niệm của hôn phu của mình, đấng đã yêu thương và hiến mạng sống cho nàng. Khi đeo chiếc nhẫn này, các hồng y được nhắc nhỡ hãy hiến mạng sống mình cho Hội thánh".

Nhắc lại bài đọc thứ nhất, kể lại cảnh các bô lão Israel đến ký kết một giao ước với vua Ðavit, thể hứa sẽ đoàn kết với ông, đức thánh cha áp dụng vào Chúa Kitô, và so sánh với các hồng y, những bô lão của Giáo hội. Các ngài cũng nói được với Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi cùng xưong cùng thịt với Ngài. Chúng tôi thuộc trọn về Ngài và ước muốn liên kết nên một với Ngài. Ngài là kẻ chăn dắt dân Chúa, Ngài là thủ lãnh của Giáo hội. Trong Thánh lễ hôm nay, chúng tôi muốn lặp lại giao ước với Ngài, tình thân hữu với Ngài, bởi vì duy chỉ mối tình thân thiện này mới đem lại ý nghĩa cho các chức vụ và trách nhiệm lãnh nhận".

Cuối cùng dựa trên lá thư thánh Phaolô gửi các tín hữu Colosê, kêu gọi các tín hữu hãy tạ ơn hoan hỉ, bởi vì chúng ta đã được đem vào vương quốc của Chúa Kitô, được chia sẻ gia nghiệp các thánh, nhờ công trình cứu chuộc của Con Thiên Chúa. Ðiều này đưa thánh Phaolô đến cuộc chiêm ngắm vai trò của Chúa Kitô trong cuộc tạo dựng vũ trụ và công cuộc hoà giải. Ðối với công trình tạo dựng vũ trụ, Ðức Kitô là chủ tể muôn loại, bởi vì muôn vật đã được tạo dựng nhờ Người và hướng đến Người... muôn vật tồn tại trong Người. Công trình hoà giải dựa trên mầu nhiệm Vượt qua: nhờ cái chết của Người trên thập giá, Thiên Chúa đã hoà giải vạn vật trên trời dưới đất; nhờ cuộc phục sinh của Người, Thiên Chúa đã đặt Người làm nguyên uỷ của tạo dựng mới, đứng đầu thân thể huyền nhiệm là Hội thánh.

Thánh Phaolô đã lồng thập giá trong toàn bộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, nơi mà vương quyền của Chúa Giêsu lan rộng tới khắp vũ trụ. Hội thánh ngỡ ngàng khi nhìn ngắm quang cảnh này, khi khám phá vai trò của mình. Mầu nhiệm của Chúa Kitô được uỷ thác cho Hội thánh. Hội thánh đón nhận sứ mạng này với lòng tri ân khiêm tốn, bởi vì đuợc vinh dự cộng tác vào việc phục vụ vị Chủ tể vạn vật, bằng cách làm chứng tá cho Người, để mang lại cho nhân loại sứ điệp hoà bình. Trong sứ mạng đó, các hồng y giữ một trọng trách đặc biệt, tìm cách loan báo cho toàn thế giới chân lý của Chúa Kitô, niềm hy vọng cho mỗi người và cho toàn thể gia đình nhân loại. Việc phụng sự vương quyền của Chúa Kitô cũng mang theo việc phục vụ cho sự hợp nhất và hoà bình trên thế giới.

Sau bài giảng, các tân hồng y đã lên lãnh chiếc nhẫn từ đức thánh cha với công thức như sau: "Xin ngài hãy nhận lấy chiếc nhẫn từ tay của Phêrô, và xin Ngài hãy biết rằng nhờ lòng yêu mến Thủ lãnh các tông đồ và lòng yêu mến của Ngài với Giáo hội được thêm vững".

Thánh lễ kết thúc lúc 12 giờ 15. Như đã nói trên, sau lời nguyện hiệp lễ, đức thánh cha đã rời bàn thờ chính, đi ra trước tiền đường thánh Phêrô để chào thăm các tín hữu đứng ngoài quảng trường và theo dõi các lễ nghi qua màn hình.

Chúng tôi sẽ kể về những chi tiết này trong những lần phát thanh lần tới.

 

(Bình Hoà và Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page