Người Công giáo Hmông vui mừng

vì đã trùng tu được ngôi thánh đường

bị bỏ hoang trong nhiều thập niên

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Người Công giáo Hmông vui mừng vì đã trùng tu được ngôi thánh đường bị bỏ hoang trong nhiều thập niên.

Sa Pa, Việt Nam (UCAN VT03806.1472 Ngày 19-11-2007) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn từ phía chính quyền địa phương, nhưng người Công giáo thiểu số Hmông tại một giáo xứ miền bắc Việt Nam vẫn vui mừng tham dự Thánh lễ tạ ơn đặc biệt mừng ngôi thánh đường 80 năm tuổi của họ được trùng tu.

Khoảng 2,000 người Hmông trong trang phục truyền thống, đã tham dự Thánh lễ hôm 24-10-2007 tại nhà thờ Sa Pa tại khu nghỉ mát có cùng tên ở tỉnh Lào Cai, cách Hà Nội khoảng 400 km về phía bắc.

Linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình, chánh xứ Sapa, nói với UCA News: "Chúng tôi tạ ơn Chúa, mọi chuyện tạm ổn, cho dù vào phút chót chính quyền không cho phép tổ chức lễ khánh thành, nhưng điều đó không quan trọng, vì mọi người vẫn có thể qui tụ nhau tham dự Thánh lễ tạ ơn, cầu nguyện và ca hát nhảy múa".

Cha Bình là linh mục chánh xứ tiên khởi từ năm 1950, khi linh mục chánh xứ trước đó là một người ngoại quốc bị trục xuất.

Cha Bình nói: "Phải vất vả lắm sau 5 tháng miệt mài thi công, cộng đoàn giáo xứ chúng tôi mới hoàn thành ngôi thánh đường bằng đá cổ kính". Ngoài những lúc lao động, giáo dân còn tập trung cầu nguyện sốt sắng cho công trình để Chúa thương cho trời bớt mưa, cho công trình không bị chính quyền cản trở nhiều, không xảy ra tai nạn, vị linh mục 36 tuổi nói thêm.

Ða số giáo dân là người Hmông sống rải rác cách nhà thờ từ 8-12 km.

Cha Bình, được bổ nhiệm làm quản xứ tháng 4-2006, cho biết chính quyền địa phương lúc đầu không cho phép trùng tu toàn bộ ngôi thánh đường, mà chỉ cho phép sửa chữa những chỗ nứt trên vách tường.

Sau nhiều lần làm đơn xin phép, các giới chức Sapa mới đồng ý cho phép trùng tu. Nhưng ngay sau khi công trình khởi công, chính quyền tỉnh Lào Cai nói rằng tỉnh mới cấp giấy phép cho công trình trùng tu trị giá 500 triệu đồng trở lên. Nên công trình đã bị đình chỉ một tháng cho đến khi giáo xứ xin được giấy phép, cha Bình cho biết.

Theo ngài, các bức tường đá, mái và cung thánh của nhà thờ rộng 342 mét vuông cần phải phá bỏ và làm lại, và giáo xứ còn phải mua đá từ ngoài tỉnh. Ngài cho biết tháp chuông cao 36 mét là phần duy nhất của nhà thờ còn tốt.

Ngôi nhà thờ mới có mái ngói và 32 ô cửa sổ kính màu có hình các mầu nhiệm Mân côi, các chặng đàng Thánh giá và các thánh. Bàn thờ bằng gỗ cũ được thay bằng một bàn thờ mới bằng đá. Chi phí trùng tu là một tỷ đồng, cha Bình cho biết.

Ngài nói thêm khi nhà thờ được trùng tu xong, giáo xứ dự định tổ chức lễ cung hiến và Ðức cha Antôn Vũ Huy Chương của Hưng Hóa sẽ làm phép bàn thờ ngôi thánh đường mới. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không cho phép tổ chức lễ khánh thành, và họ nói rằng đây chỉ là sự kiện trùng tu chứ không phải là xây mới.

Cha Bình hy vọng Ðức cha Chương sẽ viếng thăm và làm phép nhà thờ trong tương lai.

Giáo phận Hưng Hóa trông coi hầu hết 10 tỉnh miền núi miền Ðông Bắc trong đó có tỉnh Lào Cai.

Trong Thánh lễ hôm 24-10-2007, linh mục Phêrô Phùng Văn Tôn, tổng đại diện giáo phận Hưng Hóa, đã làm phép nhà tạm bằng gỗ và thiếu nhi Hmông múa, hát thánh ca bằng tiếng Hmông và dâng hoa tạ ơn Ðức Mẹ. Sau Thánh lễ, các em trình diễn các tiết mục văn hóa và thết đãi khách các món ăn truyền thống, họ cầm tay nhau và cùng nhảy múa quanh đống lửa trong sân nhà thờ.

Chủ tịch hội đồng giáo xứ là ông Gioan Lồ A Thông, 72 tuổi, nói với UCA News: "Mặc dù bà con còn nghèo, nhưng ai cũng tích cực lao động đóng góp công sức với khả năng của mình trong nhiều ngày, điều đó làm cho chúng tôi vô cùng vui sướng vì ngôi nhà thờ đá là di sản đức tin của cha ông chúng tôi để lại". Ông nội của ông là một trong bốn người Hmông đầu tiên được các thừa sai người Hmông và Pháp từ Thái Lan qua rửa tội trong vùng này.

Các thừa sai làm việc trong vùng này từ năm 1850. Năm 1902, Ðức Giám mục người Pháp Paul-Marie Raymond, giám mục tiên khởi của giáo phận Hưng Hóa, thành lập giáo xứ này. Ðức cha về hưu năm 1938 nhưng phục vụ giáo xứ cho tới khi qua đời năm 1944.

Giáo xứ có 40 người Công giáo khi được thành lập nhưng nay có 1,850 giáo dân Hmông. Ngoài ra còn có khoảng 150 giáo dân người Kinh, hầu hết đến từ thị xã Sapa.

Bà Monica Nguyễn Thị Vui, 88 tuổi, người Kinh Công giáo cao tuổi nhất trong giáo xứ, cho UCA News biết sau khi cộng sản nắm quyền kiểm soát miền Bắc và nhiều người Công giáo địa phương bỏ chạy đi nơi khác, nhà thờ bị bỏ hoang và bị người ta ăn cắp ngói và cửa. Các giáo dân còn ở lại sợ không dám tập trung đọc kinh cầu nguyện tại nhà thờ và cũng không dám treo tượng Chúa trong nhà, bà kể.

 

UCAN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page