Huấn đức của ÐTC Beneđitô XVI

trước giờ Kinh Truyền Tin

vào Trưa Chúa Nhật 28/10/2007

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Huấn đức của ÐTC Beneđitô XVI trước giờ Kinh Truyền Tin vào Trưa Chúa Nhật 28 tháng 10 năm 2007: ngày Lễ phong chân phước cho 498 vị tử đạo Tây Ban Nha, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Roma.

(Radio Veritas Asia 29/10/2007) - Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 28-10-2007, Ðức Hồng Y José Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, đã chủ sự lễ phong chân phước cho 498 vị tử đạo Tây Ban Nha trước thềm đền thờ thánh Phêrô.

Cùng đồng tế thánh lễ, có 75 Hồng Y Tổng Giám Mục và Giám Mục Tây Ban Nha, với sự tham dự của hơn 300,000 tín hữu, trong số này có khoảng 30,000 tín hữu thuộc các đoàn hành hương chính thức của mọi giáo phận Tây Ban Nha đến Roma. Ðặc biệt, trong số các tín hữu hành hương Tây Ban Nha này, có 2,000 thân nhân của các vị tử đạo. Thánh lễ cũng được đài phát thanh truyền hình "Lời Hằng Sống" của Mẹ Angelica bên Hoa Kỳ, chiếu trực tiếp cho tín hữu toàn Hoa Kỳ và toàn Mỹ châu Latinh.

Giảng trong Thánh Lễ Phong Chân Phước ngày 28/10/2007, tại Quảng Trường Thánh Phêrô ở Roma, Ðức Hồng Y Jose Saraiva Martins, đã nhắc rằng những người kitô cần sống một cách ăn khớp với Ðức Tin, không bị cấm thi hành những bổn phận nhắm góp phần vào công ích. Ðức Hồng Y đã nhấn mạnh thêm rằng lễ phong chân phước cho các vị Tử Ðạo nam nữ người Tây Ban Nha, bị giết chết trong khoảng thời gian từ năm 1936-1937, bởi những người thuộc đảng cộng hoà Tây Ban Nha, là một biến cố lịch sử... Những vị Tử Ðạo không phải là "phần gia tài" của riêng một giáo phận hay của riêng một quốc gia mà thôi, nhưng thuộc về toàn thế giới và toàn thể giáo hội phổ quát."

Tưởng cũng nên nhắc lại đây rằng trong các ngày qua, có một số báo chí cho rằng lễ phong chân phước cho 498 vị tử đạo Tây Ban Nha, ngày 28 tháng 10 năm 2007, có ý chống lại chính quyền của đảng xã hội, vì trùng với ngày kỷ niệm của đảng này.

Trả lời một cuộc phỏng vấn của nhật báo "Cộng Hoà", xuất bản tại Italia, số ra ngày 26 tháng 10 năm 2007, Ðức Hồng Y Julian Heranz, người Tây Ban Nha, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh chuyên giải thích các văn bản luật khẳng định rằng lễ phong chân phước không có ý nghĩa chính trị nào. Vì thế ai gán cho nó ý nghĩa chính trị là xuyên tạc sự thật.

Linh Mục Juan Antonio Martinez, Tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Tây Ban Nha cho biết: hiện Giáo Hội cũng đang cho điều tra và thu thập hồ sơ liên quan tới 2,000 vụ tử đạo khác nữa.

Phần Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, ngài đã không chủ tế Thánh Lễ Phong Chân Phước, theo quy định mới do chính ngài ban hành. Nhưng sau Thánh Lễ, đến giờ Trưa, ÐTC đã xuất hiện nơi cửa sổ Phòng Làm Việc của ngài nói vài lời huấn đức về các vị Tân Chân Phước, trước khi xướng kinh Truyền Tin. ÐTC đã gọi các vị Tử Ðạo Tây Ban Nha là những "Mẫu Gương của sự Hoà Giải" và tha thứ cho những kẻ đã bách hại các vị. Các vị Tân Chân Phước mời gọi chúng ta đừng bao giờ ngưng dấn thân thực hiện lòng nhân từ, sự hoà giải và sự chung sống hoà bình.

ÐTC đã nói như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Sáng nay, tại quảng trường thánh Phêrô, có 498 vị tử đạo Tây Ban Nha đã được công bố là chân phước. Các ngài đã bị giết chết trong những thập niên 30 của thế kỷ vừa qua. Tôi cảm tạ Ðức Hồng Y José Saraiva Martins, tổng trưởng bộ phong thánh, đã chủ sự Thánh Lễ và tôi gởi lời chào thân tình đến các khách hành hương họp nhau trong dịp vui mừng này. Việc hôm nay ghi vào sổ bộ những vị Chân Phước con số thật đông những vị tử đạo, chứng tỏ rằng lời chứng tột cùng bằng giá máu không phải là điều ngoại thường chỉ dành riêng cho vài cá nhân, nhưng là một thực tế thời sự cho toàn dân kitô. Thật vậy đây là những con người nam nữ, thuộc nhiều hạn tuổi khác nhau, thuộc nhiều ơn gọi và hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng đã trả giá bằng chính mạng sống mình cho sự trung thành với Chúa Kitô và với giáo hội. Chúng ta có thể áp dụng cho các ngài những lời sau đây của thánh Phaolô Tông Ðồ, được đọc lên trong Phụng Vụ Chúa Nhật (28 tháng 10) này. Thánh Phaolô đã viết cho Timotê như sau: "Máu Cha sắp đổ ra làm của lễ và đã đến lúc vén mở những tấm màn che khuất. Cha đã chiến đấu trong cuộc chiến chính đáng, Cha đã kết thúc cuộc đua, và Cha đã giữ vững đức tin" (2 Tim 4, 6-7). Lúc bị giam giữ tại Roma, Thánh Phaolô thấy cái chết đến gần và tính sổ cuộc đời trong tinh thần biết ơn và hy vọng. Ngài giữ được an bình với Thiên Chúa và với chính mình; ngài an tâm đối diện với cái chết, với ý thức là đã tiêu hao trọn cả cuộc đời một cách không dè giữ, để phục vụ Tin Mừng.

Ðược dành một cách đặc biệt cho công cuộc dấn thân truyền giáo, tháng Mười kết thúc với chứng tá sáng chói của các vị tử đạo Tây Ban Nha, cùng với con số những vị tử đạo vừa được phong chân phước bên Brazile và Áo Quốc, như các vị Albertina Berkenbrock, Emmanuel Gomez Gonzales, Adilo Daronch, và Franz Jagerstatter. Mẫu gương của các vị làm chứng rằng bí tích Rửa Tội đòi buộc những người kitô phải can đảm tham dự vào việc phổ biến Nước Chúa, vừa cộng tác vào đó, nếu cần, bằng hy sinh chính mạng sống mình. Chắc rằng không phải tất cả đều được gọi chịu tử đạo bằng việc đổ máu. Còn có "việc tử đạo" không đổ máu, nhưng không vì đó mà kém ý nghĩa hơn, giống như việc "tử đạo" của Celina Chludzinska Borzzcka, một người vợ, một người mẹ trong gia đình, một người goá bụa và một nữ tu, vừa được phong chân phước hôm qua tại Roma: đó chính là chứng tá âm thầm nhưng anh hùng của biết bao người kitô sống Tin Mừng một cách không thoả hiệp, vừa chu toàn bổn phận vừa dấn thân một cách quảng đại vào việc phục vụ người nghèo. Việc tử đạo trong cuộc sống bình thường như thế là một chứng tá quan trọng hơn bao giờ hết trong những xã hội trần tục hoá của thời chúng ta. Ðây là cuộc chiến "an hoà" của tình thưong mà mọi người kitô, như thánh Phaolô, phải dấn thân vào một cách không mệt mỏi; đây là cuộc chạy đua để phổ biến Tin Mừng đòi buộc chúng ta dấn thân cho đến mức chịu chết. Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh, Nữ Vương các vị Tử Ðạo và là Ngôi sao của việc rao giảng Phúc Âm, phụ giúp và nâng đỡ chúng ta.

Sau những lời trên, ÐTC xướng kinh Truyền Tin rồi ban phép lành cho các tín hữu. Sau đó, ÐTC chào chúc các nhóm bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Bằng tiếng Pháp, ÐTC nói như sau: "Với sự trợ giúp của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, ước gì anh chị em trở về cùng Chúa và bước đi mỗi ngày trên con đường thánh thiện, nguồn mạch của sự tự do và hạnh phúc."

Bằng tiếng Anh, ÐTC nói như sau: "Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy bỏ qua mọi hình thức tự kiêu và tự ái, và hãy bước đi cách khiêm tốn trước nhan Thiên Chúa và cùng với anh chị em lân cận. Lễ phong chân phước hôm nay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc khiêm tốn theo Chúa, cả với việc hy sinh mạng sống mình cho Ðức Tin".

Dĩ nhiên, ÐTC cũng đã dùng tiếng Tây Ban Nha mà chào chúc mọi thành phần phái đoàn đến Roma dự lễ Phong Chân Phước, và chào tất cả những ai theo dõi buổi đọc kinh Truyền Tin, qua các phương tiện Truyền Thanh và Truyền Hình.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page