Những tiêu chuẩn được các giám mục Úc Châu

đề ra cho cuộc bầu cử quốc hội liên bang Úc

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những tiêu chuẩn được các giám mục Úc Châu đề ra cho cuộc bầu cử quốc hội liên bang Úc.

Tin Úc Châu (Zenit 26/10/2007) - Ngày 24 tháng 11 năm 2007, dân chúng cử tri Úc Châu sẽ đi bỏ phiếu chọn những đại diện cho mình vào quốc hội liên bang Úc Châu. Vì thế, tuần vừa qua, các giám mục công giáo Úc Châu, đã gởi đến dân chúng bản tuyên ngôn, kêu gọi mọi công dân hãy thể hiện quyền lợi của mình qua lá phiếu, và hãy dùng "công ích" như là tiêu chuẩn để quyết định, vượt qua những lợi lộc riêng tư.

Các giám mục Úc Châu kêu gọi dân chúng hãy nghiêm chỉnh sử dụng đúng những sự tự do dân chủ của mình, và dấn thân tích cực vào trong tiến trình chính trị của đất nước.

Trong tuyên ngôn, các Giám Mục Úc Châu đã nêu ra 8 lãnh vực quan trọng cần phải lưu ý, như sau:

1. sự sống con người;

2. gia đình;

3. những sắc dân địa phương;

4. việc giáo dục;

5. vấn đề sức khoẻ;

6. môi sinh;

7. vấn đề di dân và người tị nạn;

8. vấn đề hoà bình.

Về sự sống con người, các giám mục Úc Châu đã có những nhận định tiêu chuẩn như sau: "Tôn trọng sự sống và cổ võ cho phẩm vị con người dính liền với sự sống, là những việc làm có sức cũng cố cho điều gì là nhân bản. Cần phải tôn trọng tất cả mọi sự sống con người, nhất là những sự sống yếu đuối dễ bị tổn thương nhất, như những thai nhi chưa sinh ra, những bệnh nhân, những người cao niên, những anh chị em tàn tật, và những cộng đồng dân chúng bị hoành hành bởi sự nghèo cùng, sự lạm dụng, nạn đói hoặc chiến tranh." Các giám mục Úc Châu ghi nhận hiện tượng tích cực này là càng ngày càng có nhiều quan tâm hơn đến tệ nạn phá thai và cho rằng phá thai là một việc làm không ổn đối với lương tâm. Các Giám Mục nhắc rằng việc tôn trọng sự sống con người đòi hỏi thái độ luôn tỉnh thức canh phòng, ngỏ hầu luật an tử và trợ tử không bao giờ được hợp pháp hoá tại Úc Châu."

Các giám mục quan tâm sâu xa đến việc "tạo ra" rồi sau đó "cố ý huỷ bỏ" những "thai nhi nhân tạo", trong chương trình nghiên cứu tế bào gốc. Cần phân biệt rõ ràng nơi đây rằng: Giáo Hội công giáo không chống lại việc nghiên cứu tế bào gốc, nhưng chống lại việc "tạo ra rồi sau đó cố ý huỷ bỏ những thai nhi nhân tạo" trong tiến trình nghiên cứu tế bào gốc.

Giáo Hội công giáo không chống lại việc nghiên cứu tế bào gốc, miễn là việc nghiên cứu này sử dụng những tế bào lấy ra từ các tế bào của người lớn, hay những tế bào lấy từ cái "nhau", tức từ khúc ruột cung cấp sức dinh dưỡng của người mẹ cho thai nhi. Những tế bào này không phải là những "tế bào thai nhi qua thụ tinh nhân tạo". Vì thế, Giáo Hội công giáo ủng hộ việc nghiên cứu tế bào gốc, đúng theo những nguyên tắc luân lý, nơi các Học Viện Nghiên Cứu, nơi các dịch vụ y tế, nơi các bệnh viên nghiên cứu.

Về vấn đề gia đình, nhất là về những quyền lợi của gia đình, các giám mục Úc Châu đã viết trong tuyên ngôn như sau: "vào lúc mà đời sống gia đình phải phải chịu những áp lực như chưa từng có, thì gia đình cần được nâng đỡ hết sức có thể. Cần phải có sụ nhìn nhận pháp chế đối với bản chất duy nhất của hôn nhân giữa một người nam và một người nữ; và cần có sự bảo vệ đúng những quyền lợi của các trẻ em. Những quy định về thuế khoá và mạn lưới các dịch vụ nâng đỡ xã hội, nên nhắm đến việc cũng cố các gia đình và làm giãm bớt những áp lực trên gia đình."

Các Giám Mục Úc Châu có lập trường rằng các dân tộc bản địa phải được đại diện một cách tương xứng trong chính quyền, "ngõ hầu những dân tộc đầu tiên của Úc Châu được lắng nghe, và những hy vọng và khát vọng của họ, được theo đuổi như là một ưu tiên của quốc gia".

Nại đến vai trò của Giáo Hội công giáo trong việc giáo dục dân chúng Úc Châu, các giám mục quả quyết rằng: "Việc hỗ trợ tài chánh cho công cuộc giáo dục, cần phải thực hiện trong công bằng, cởi mở và trong sáng, thể hiện nghiêm chỉnh những đóng góp từ phía nhà nước, từ các bang, từ các bậc phụ huynh và từ những trợ giúp riêng. Không nên có những ngăn cản nào cho công việc giáo dục, chỉ vì đương sự không có khà năng trả học phí."

Cũng thế, các giám mục Úc Châu nhấn mạnh rằng mọi người đều có quyền được chăm sóc sức khoè. Trên bình diện này, các giám mục yêu cầu canh tân hệ thống chăm sóc sức khoẻ hiện nay, sao cho mọi thành phần gia đình đều được chăm sóc sức khoẻ trong những gì là căn bản.

Về môi sinh, các giám mục lưu ý đến việc bảo vệ các nguồn nước sạch. Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ việc cung cấp nước sạch, xét vì Úc Châu đang gặp cảnh hạn hán.

Ðối với vấn đề di dân và tị nạn, các giám mục Úc Châu nhận định như sau: "Chúng tôi có lập trường rằng tất cả những anh chị em xin được tị nạn tại Úc Châu, bất luận họ đến Úc bằng cách nào, đều nên được đáp ứng tại Úc Châu, đúng theo công pháp quốc tế. Những thủ tục cần được giải quyết nhanh nhất có thể, để tránh tình trạng bị giam giữ lâu thời gian. Những đương sự được xác nhận như là những "người tị nạn thật sự", thì cần được cấp chiếu khán thường trú vĩnh viễn, cho phép họ được làm việc bình thường và được hưởng các dịch vụ cùa nhà nước, tạo cho họ sự ổn định cần thiết để xây dựng cuộc sống mới tại Úc Châu.

Cuối cùng về vấn đề Hoà Bình, các giám mục Úc Châu quả quyết rằng: Thiên Chúa không chống lại bạo lực bằng một bạo lực lớn hơn... Chúng tôi ủng hộ những cố gắng nhắm xây dựng một nền văn hoá hoà bình, qua việc cổ võ những chính sách về viện trợ cho các quốc gia khác, nhắm cung cấp lương thực, sự chăm sóc y tế, nơi cư ngụ và việc giáo dục cho dân chúng."

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page