Nhà cầm quyền quân phiệt Myanmar

thay đổi chiến thuật hơn là

bày tỏ thiện chí muốn tiến tới dân chủ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Nhà cầm quyền quân phiệt Myanmar (Miến Ðiện) thay đổi chiến thuật hơn là bày tỏ thiện chí muốn tiến tới dân chủ.


Cuộc gặp gỡ giữa bà Aung San Suu Kyi (bên trái), lãnh tụ đối lập của Myanmar và Ông Ibrahim Gambari (bên phải), trưởng phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Myanmar để tìm cách giải quyết những xung đột tại Myanmar.


Tin Rangoon, Miến Ðiện (Radio Veritas Asia 18/10/2007) - Vào giữa lúc đang diễn ra tuần lễ cầu nguyện cho Hòa Bình và Hòa Giải trong xứ sở, do Hội Ðồng Giám Mục Myanmar phát động, chính quyền quân phiệt tại đây vẫn tiếp tục đàn áp những người biểu tình ôn hòa. Trong một xứ sở với 47 triệu dân mà 90% theo Phật Giáo, rất hiếm khi các Giáo Hội Kitô với tỷ lệ 4% dân số và phần lớn quy tụ các dân tộc thiểu số lại gửi đến chính quyền quân phiệt nước này một lá thư để yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp đối với những người biểu tình ôn hòa. Theo tập san Các Giáo Hội Á Châu của Hội Thừa Sai Balê (MEP), ngày 28 tháng 9 năm 2007, chỉ hai ngày sau khi diễn ra các cuộc biểu tình ôn hòa, các Giáo Hội Kitô tại Myanmar đã gửi đến nhà cầm quyền quân phiệt một lá thư để yêu cầu ngưng các cuộc đàn áp. Lá thư mang chử ký của Ðức Cha Charles Maung Bo, SDB, Tổng Giám Mục Rangoon kiêm Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Myanmar, và Ðức Giám Mục Anh Giáo Samuel Mahn San Si Htay, chủ tịch Hội Ðồng các Giáo Hội Tin Lành Myanmar. Trong lá thư các vị lãnh đạo Giáo Hội Kitô tại Myanmar cho biết, mỗi năm từ ngày 28 tháng 9 đến ngày mùng 4 tháng 10, các giáo hội đều kêu gọi các tín hữu tham gia vào tuần lễ cầu nguyện cho Hòa Bình và Hòa Giải trong xứ sở. Nhưng mặc cho lời kêu gọi của các vị lãnh đạo Kitô giáo, nhà cầm quyền quân phiệt Myanmar vẫn tiếp tục đàn áp những người biểu tình một cách dã man. Theo tin của tiếng nói dân chủ Burma, một chương trình phát thanh do những người Myanmar bất đồng chính kiến điều hành tại Na Uy: "đàn áp dã man là chuyện thường tình tại đất nước này". Về mặt chính trị, các tướng lãnh Myanmar đang đeo đuổi chính sách "củ cà rốt và cây gậy", một mặt họ đàn áp dã man những người biểu tình, mặt khác họ lại rộng rãi cúng dường cho một số Chư Tăng. Ngày mùng 8 tháng 10 năm 2007, một tướng lãnh đã được giao trách nhiệm liên lạc với bà Aung San Suu kyi. Theo các nhà phân tách, những cử chỉ này cho thấy, nhà cầm quyền quân phiệt Myanmar thay đổi chiến thuật hơn là bày tỏ thiện chí muốn tiến tới dân chủ. Người dân Myanmar chỉ còn lại một chút hy vọng là tiếng nói của Liên Hiệp Quốc. Hôm 11 tháng 10 năm 2007, Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã vượt qua được những chia rẽ nội bộ để thông qua một nghị quyết kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị và mở cửa đối thoại với các nhóm chính trị để đi tới hòa giải quốc gia.

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page