Các nhà đào tạo chủng viện Việt Nam soạn thảo

chương trình đào tạo linh mục chung cho cả nước

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các nhà đào tạo chủng viện Việt Nam soạn thảo chương trình đào tạo linh mục chung cho cả nước.

Saigòn, Việt Nam (UCAN VT03383.1463 Ngày 21-9-2007) - Các nhà đào tạo từ tất cả các đại chủng viện ở Việt Nam lần đầu tiên soạn thảo một chương trình đào tạo linh mục tương lai chung, nhấn mạnh đến sự thánh thiện, tri thức và phục vụ.

Chương trình này là mục chính trong chương trình nghị sự mà 30 giám đốc, trưởng khoa và giáo sư chủng viện đã thảo luận trong cuộc họp hai năm một lần được tổ chức từ ngày 20-25/8/2007 tại Ðại Chủng viện Sao Biển Nha Trang, cách Hà Nội 1,270 km về phía nam.

"Chương trình chung cho toàn quốc này nhằm đào tạo các linh mục tương lai về cách cư xử tốt, tri thức, tu đức và công tác mục vụ để họ có thể phục vụ Giáo hội Công giáo Việt Nam cách hữu hiệu", linh mục Giuse Ðỗ Mạnh Hùng, đứng đầu ban soạn thảo phát biểu với UCA News hôm 11-9-2007.

Ðây là lần đầu tiên các nhà đào tạo soạn thảo một chương trình chung về đào tạo linh mục để áp dụng cho tất cả các chủng viện trong nước, cha Hùng, linh hướng tại Ðại Chủng viện Thánh Giuse ở Thành phố Saigòn. Ngài cho biết Hội đồng Giám mục Việt Nam muốn có một chương trình chính thức như thế, theo yêu cầu của Tòa Thánh, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể lập được do những khó khăn mà họ gặp trong nước.

Cha Hùng, còn dạy thần học tại Ðại Chủng viện Thánh Giuse, cho biết bản thảo gồm bảy chương này được soạn từ năm 2005 và tập trung vào việc đào tạo các nhà truyền giáo sẽ phục vụ Giáo hội và đất nước như là mục tiêu của việc đào tạo linh mục.

Cha Hùng nói, "các linh mục cần được đào tạo để nên thánh trong mục vụ", đồng thời phát triển tính nhạy bén trí tuệ để học tập và làm việc hiệu quả cho Giáo hội. Ngoài ra, các ngài cũng phải "tha thiết yêu thương và chăm sóc người nghèo", vốn chiếm đa số trong số 82 triệu dân Việt Nam.

Ngài cho biết một số chủng viện đã đưa ra các chương trình thực tiễn giúp các linh mục tương lai sống đời phục vụ người nghèo. Chẳng hạn, các chủng sinh của ngài hàng tuần đến viếng thăm viếng 4 trung tâm trẻ mồ côi, trẻ đường phố, bệnh nhân nghèo và người bị thiệt thòi ở địa phương.

Khi Việt Nam gia nhập nền kinh tế thị trường thế giới, người dân gặp những thách thức và ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, vốn làm tổn hại các giá trị truyền thống như đạo hiếu, lòng trung thành và tính chân thật, cha Hùng nói. Vì thế các linh mục phải đẩy mạnh các giá trị này, đặc biệt là chữ hiếu và lòng nhân ái, ngài nói thêm.

Thành phố Saigòn, nơi vị linh mục nói chuyện với UCA News, cách Hà Nội 1,710 km về phía nam, là thành phố lớn nhất và là trung tâm thương mại của Việt Nam.

Cha Hùng cho biết bản thảo này còn quy định các linh mục tương lai cần biết cách đối thoại với người ngoài Công giáo và làm việc với họ vì lợi ích chung. Người Công giáo chỉ chiếm 7% dân số Việt Nam. Việt Nam có nhiều người theo các tôn giáo lớn và tín ngưỡng bản địa, ngài lưu ý.

Các nhà đạo tạo chủng viện tại cuộc họp nhất trí cho rằng chương trình đào tạo cần có các giai đoạn tiền chủng viện, chủng viện và hậu chủng viện. Các tiểu chủng viện bị đóng cửa sau năm 1975, khi đất nước thống nhất. Trong hoàn cảnh này, cha Hùng giải thích, các ứng sinh chủng viện tham gia các cuộc tĩnh tâm hàng tháng và các khóa học tại giáo xứ trong nhiều năm, dành một năm để sống và học tập chung tại các nhà tập của giáo phận trước khi vào chủng viện.

Các chủng sinh phải hoàn tất chương trình học chín năm mới được chịu chức linh mục, cha Hùng cho biết. Họ dành một năm cho việc đào tạo tu đức, hai năm học triết học, một năm thử để tạo cho họ có cơ hội củng cố ơn gọi, bốn năm học thần học và một năm làm công tác mục vụ tại giáo xứ.

Trong 5 năm đầu sau khi chịu chức linh mục, các linh mục được tham gia các khóa học định kỳ về khả năng lãnh đạo, quản lý giáo xứ và đời linh mục trong khi làm phó xứ. Sau đó các ngài tham dự các khóa thường huấn hàng năm tại giáo phận, theo cha Hùng.

Ngài cho biết bản thảo này sẽ được trình lên các giám mục Việt Nam trong cuộc họp thường niên vào tháng 10. Sau đó bản thảo cuối cùng sẽ được gửi sang Tòa Thánh xin chấp thuận trước khi các chủng viện trong nước áp dụng.

Một linh mục dạy tại Ðại Chủng viện Sao Biển nói với UCA News rằng cần có một chương trình đào tạo chung cho toàn quốc, vì các chủng viên đang thực hiện chương trình riêng của mình, vốn khác nhau về nội dung và thời gian. Một số chương trình chỉ dài sáu năm.

Theo số liệu thống kê của Giáo hội, năm vừa qua có 1,093 chủng sinh đang theo học tại sáu đại chủng viện ở Việt Nam.

 

UCAN

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page