Những Nhận Ðịnh
Về Ngày Mở Án Phong Chân Phước
Cho ÐHY F.X.Nguyễn Văn Thuận
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Những Nhận Ðịnh Về Ngày Mở Án Phong Chân Phước Cho Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Muôn Mầu Hy Vọng
Chông gai đời lắm điều cay đắng
Tù tội giam cầm đủ nỗi đau
Ðuổi Ngài trục xuất mau mau
Phải rời đất Việt nhuộm mầu thê lương
Ðường Hy Vọng đây đường mong ước
Chọn đường đi những bước cam go
Công Lý nền tảng tự do
Hòa Bình thế giới nỗi lo của Ngài
Tuổi đời chẳng nghĩ đến ngày mai
Lo cho thân mẫu tròn trăm tuổi
Mặc đời rong ruổi chơi vơi
Chúa gọi con trước mẹ rơi lệ sầu
Tân thế giới tươi đẹp muôn mầu
Chúa thưởng thật xứng đáng công sâu
Chân Phước nguyện ước mong cầu
Phan-xi-cô Thuận sáng mầu Việt Nam
(07.07.2007) - Quốc Nam
Borsum - 18.9.2007 - Chắc chắn vào ngày giỗ thứ 5 để tưởng nhớ đến Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, 16.9.2007 là ngày ghi nhớ đặc biệt của Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình và những người thân yêu ruột thịt của Ngài, và xa hơn nữa từ quê hương Việt Nam, từ các giáo phận Nha Trang, Sàigòn, Hà Nội và từ các giáo dân Việt Nam đang sống tại hải ngoại. Khi sinh tiền Ðức Hồng Y Thuận luôn nhắc nhở: "Con hãy kiểm điểm lại: con chọn Chúa hay con chọn công việc của Chúa" để nhắc nhở cho chính Ngài và cho mỗi người chúng ta. Cuộc sống của Ngài là mức đo cho châm ngôn này và sau 5 năm qua đời chúng ta mới nhìn thấy rõ hơn cuộc sống gương mẫu của Ðức Hồng Y Thuận. Ngài đã để lại nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống "chọn Chúa" rất bình thường dân dã mà ai cũng có thể làm được. Trong một bài giảng tại vùng Ðông Bắc Ðức vào năm 1993 trước hàng trăm bạn trẻ đã được ghi lại trong băng video: "Trong trại tù tôi được anh em thương bầu làm lao động tiên tiến, mà tôi có làm được gì to lớn đâu? Chẳng là lúc trời mưa lầy lội không ai muốn bước ra khỏi láng nhà thì tôi cùng với anh đội trưởng ra ngoài xúc cát lất lấp đường cho khỏi lầy lội và việc thứ hai là tôi luôn lau chùi cầu tiêu (vì ít người trong phòng muốn làm) cho khỏi mùi hôi thối trong phòng, thế là anh em tuyên dương tôi." Câu chuyện này chúng tôi được xem lại vào ngày lễ giỗ thừ 5 của Ngài tại Trung Tâm Mục Vụ Borsum vùng Ðông Bắc Ðức, ai nấy đều cảm phục người Cha đầy kiên nhẫn và kiên trung chấp nhận thánh giá đã được Thiên Chúa giao phó trong mọi hoàn cảnh cay nghiệt của cuộc sống.
1.
Nhận định từ nhiều cá nhân
Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam vùng Ðông Bắc Ðức Quốc cử hành thánh lễ tạ ơn nhân dịp Mở Án Phong Chân Phước cho Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (16/09/2007). |
- Chính tôi đã được nghe nhiều sự ca ngợi về Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận từ những vị cao cấp trong giáo hội Ðức. Ðức cha Hans-Jochen Jaschke, giám mục phó Tổng Giáo Phận Hamburg đã kể lại trong Ðại Hội Công Giáo Việt Nam tại Ðức vào năm 2006: "Ðức Hồng Y Văn Thuận thật tuyệt vời khi dâng thánh lễ trong trại tù bằng cách dùng đôi tay làm chén lễ với 3 giọt rượu." Ðức cha Jaschke đã xúc động chảy nước mắt khi nghe Ðức Hồng Y Văn Thuận kể lại như thế trong dịp họp các giám mục tại Rôma vào năm 2000.
- Ðức cha chính địa phận Hildesheim, Joseph Homeyer đã đón tiếp Ðức Hồng Y Văn Thuận 2 lần tại tòa giám mục Hildesheim và sau khi đọc sách "Chứng Nhân Hy Vọng" thì ngài đã viết như sau: "Những cảm nghiệm đức tin thật sâu thẳm trong giây phút tối tăm cũng như những tia sáng hy vọng của lý giải Á Châu trong sách đã đánh động tôi thật nhiều. Sách này là một quà tặng lạ thường cho Giáo Hội và đặc biệt cho thế giới phương Tây."
- Một thần học gia trẻ của Ðức, Johannes Arnold đã nói với tôi: "Không thể tưởng tưởng được Ðức Hồng Y đã có sức mạnh từ đâu để vượt qua được bao nhiêu gian khó tù tội như thế? Chắc chắn sức mạnh này phải được xuất phát từ nơi Thiên Chúa."
- Vào dịp Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2005 tại Koeln, trên cánh đồng Marienfeld, nơi ngủ đêm và là nơi tổ chức thánh lễ kết thúc Ðại Hội, hàng hàng lớp lớp người trẻ di chuyển với cờ quạt và bảng hiệu. Ðoàn chúng tôi với bảng hiệu Việt Nam được giơ cao. Bỗng đâu một thanh niên người Ðức sống tại Bonn từ đàng xa chạy theo nhóm Việt Nam chúng tôi. Anh ta hỏi ngay tôi có biết Franz Xaver Nguyễn Văn Thuận không? Biết chứ và biết rõ ràng nữa, Bạn muốn gì? Tôi rất hạnh phúc gặp được người Việt Nam tại đây và nói cho các bạn biết: "Tôi rất ngưỡng mộ Ðức Hồng Y Phanxicô Xaver Nguyễn Văn Thuận." Nghe như thế lòng tôi quá đỗi vui mừng và hỏi lại: tại sao bạn biết Ðức Hồng Y của chúng tôi? "Tôi mới đọc xong sách giảng cấm phòng của Ðức Hồng Y cho Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào Năm Thánh 2000, thật là những tư tưởng tuyệt vời, tôi rất say mê và ngưỡng mộ. Hôm nay tôi quá hạnh phúc được nói lên điều này với các bạn Việt Nam," anh ta trả lời như thế. Các bạn trẻ đi cùng với tôi reo lên vui sướng và hô to Việt Nam. Khuôn mặt của bạn người bạn trẻ Ðức này vui sướng từ giã chúng tôi.
- Trong một cuộc thăm viếng và học hỏi mục vụ tại các Giáo Hội bên Ðông Âu vào năm 2005. Ðến nơi thăm viếng giáo phận Plovdiv của Bulgarien (Bun-Ga-Ri), trong khi chào hỏi, Ðức cha Georgi Jovcev, giám phục Giáo Phận Plovdiv biết tôi là người Việt Nam thì lập tức Ngài bước nhanh vào phòng làm việc lấy ra cuốn sách "Ðường Hy Vọng" bằng tiếng Bun-Ga-Ri tặng cho tôi và Ngài không ngớt ngợi khen Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
-
Những điều hy hữu như thế không chỉ đơn sơ dừng lại tại
nơi đây mà lại vượt xa hơn lòng chúng ta mong ước. Chẳng
là trong dịp lễ phong chức Hồng Y của Ðức Cố Hồng Y
Phanxicô Thuận ngày 21.2.2001, tại công trường Thánh Phêrô
phái đoàn Việt Nam của chúng tôi gặp gỡ Ðức Hồng Y
Joseph Ratzinger (sau này trở thành Giáo Hoàng Bênêđictô XVI)
sau buổi lễ, chúng tôi chụp hình và nói chuyện riêng với
Ngài hơn 15 phút tại đây. Tôi sung sướng tự hào khi nghe
được điều khen ngợi của Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger nói
với tôi bằng tiếng Ðức dành cho Ðức Cố Hồng Y Phanxicô
Thuận: "Kardinal Van Thuan ist ein groBer Mann in der Kirche" (Ðức
Hồng Y Phanxicô Thuận là một vĩ nhân trong Giáo Hội). Tôi
còn được nghe Ngài hân hoan kể: "Những bài giảng cấm
phòng của Ðức Hồng Y Thuận cho Ðức Hoàng Gioan Phaolô II
vào Mùa Chay Năm Thánh 2000 rất hay và nước Ðức đang cần
đến những tư tưởng đạo đức này." Chính Ngài lại
nói thêm: "Cha đang lo thúc đẩy người thư ký riêng của
Cha dịch sách giảng phòng này từ tiếng Ý (Testimoni della
Speranza - Chứng Nhân Hy Vọng) sang tiếng Ðức cho người Ðức."
Sách tiếng Ðức "Hoffnung, die uns tragt" (lấy tựa đề:
Niềm Hy Vọng Cưu Mang Chúng Ta) đã trở thành sách tâm linh
được ưa thích tại Ðức. Nữ dịch giả Ingrid Stampa này -
gốc Hamburg thuộc Bắc Ðức - đang là người phụ tá đắc
lực của Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.
Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam vùng Ðông Bắc Ðức Quốc cử hành thánh lễ tạ ơn nhân dịp Mở Án Phong Chân Phước cho Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (16/09/2007). |
Sau khi nhận chức Hồng Y, trong một cuộc điện đàm Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Thuận bật mí thêm một chi tiết nhỏ cho tôi biết: "Tạ ơn Chúa, phần dịch sách qua tiếng Ðức, Ðức Hồng Y Ratzinger nhận lo từ đầu đến cuối, từ khâu dịch thuật cho đến tìm nhà xuất bản, mà Ngài lại tìm được nhà xuất bản nổi tiếng nhất về thần học của Ðức là Herder. Ðúng là Chúa thương cha. Trong tuần giảng cấm phòng cho giáo triều thì Ðức Hồng Y Ratzinger là một trong những người hiện diện nghe giảng từ ngày đầu đến ngày cuối và Ngài cũng là người đầu tiên đến chúc mừng cha khi chấm dứt tuần cấm phòng."
Nếu được nói thêm thì tôi có thể tạm viết: Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger chính là "FAN" của Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Thuận. Nếu không có lòng mến mộ đặc biệt này thì trong thời gian đó Ðức Hồng Y Ratzinger với công việc rất bận rộn tại Tòa Thánh, thì hỏi làm sao Ngài còn có đủ thì giờ lo đến những việc nhỏ nhoi in sách quá chu đáo này cho Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Thuận.
2. Nhận định từ Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI:
Ðiều thể hiện rõ thêm vào dịp lễ giỗ thứ 5 của Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, 16.9.2007 tất cả các nhận định và bài viết tưởng nhớ đến Ngài đã được đưa đi đến toàn cõi địa cầu và nhất là trong lòng Giáo Hội. Các ngôn ngữ chính trên thế giới: Anh, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha... đều được dịch qua từ tiếng Ý, phần tiếng Việt đã được đài Radio Vatican phổ biến. Tôi được phép sưu tập những tài liệu quý giá này cho chúng ta dễ dàng tra khảo.
Tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo, vào sáng thứ Hai, 17.9.2007, trong dịp tiếp kiến Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, dưới sự hướng dẫn của Ðức Hồng Y Chủ tịch Renato Martino. Trong số những người hiện diện có 8 người Việt Nam thân nhân ruột thịt của Ðức Cố Hồng Y. Khi Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chào mừng việc khởi sự mở án phong Chân Phước cho vị Tôi Tớ Chúa, Ngài bày tỏ công khai về tình bạn hữu: "5 năm đã trôi qua, những hình ảnh cao quí về người Tôi Trung này của Chúa vẫn còn sống động trong tâm trí của những người đã biết về Ðức Cố Hồng Y. Riêng tôi cũng giữ nhiều những kỷ niệm cá nhân về những cuộc gặp gỡ với Ðức Cố Hồng Y trong những năm Người phục vụ tại Giáo Triều Roma này". ("Sono trascorsi cinque anni, ma è ancora viva nella mente e nel cuore di quanti l'hanno conosciuto la nobile figura di questo fedele servitore del Signore. Anch'io conservo non pochi personali ricordi degli incontri che ho avuto con Cardinale François-Xavier Nguyên Van Thuân durante gli anni del suo servizio qui, nella Curia Romana").
"Tôi vui lòng nhân cơ hội này để, một lần nữa, nêu bật chứng tá đức tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. Giám Mục Phanxicô Xaviê - như Ðức Hồng Y thường tự giới thiệu - đã được gọi về nhà Cha vào mùa thu năm 2002, sau một thời gian dài chịu bệnh trong sự phó thác hoàn toàn cho thánh ý Chúa. Trong thời gian trước đó, Người đã được vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, rồi trở thành chức vị Chủ Tịch. Ðức Hồng Y đã khởi sự tiến trình công bố "Toát Yếu Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh". Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của Người? Làm sao không nêu lên khả năng của Ðức Cố Hồng Y trong việc đối thoại và trở nên người thân cận với mọi người? Chúng ta nhắc nhớ Ðức Cố Hồng Y với tất cả lòng ngưỡng mộ, trong khi chúng ta nhớ đến những viễn tượng đầy hy vọng đã linh hoạt Ðức Hồng Y và Ðức Hồng Y biết đề nghị những viễn tượng ấy một cách dễ dàng và đầy sức thuyết phục; sự dấn thân hăng hái của Ðức Cố Hồng Y trong việc phổ biến giáo huấn xã hội của Hội Thánh nơi người nghèo trên thế giới, lòng khao khát đối với công cuộc truyền giảng Tin Mừng tại đại lục của Người là Á châu, khả năng phối hợp các hoạt động từ thiện và thăng tiến nhân bản mà Ðức Hồng Y đã cổ võ và nâng đỡ ở các miền hẻo lành nhất của trái đất."
Ðức Giáo Hoàng nói thêm rằng: "Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là một người hy vọng, đã sống hy vọng và phổ biến hy vọng nơi tất cả những người Ðức Hồng Y gặp. Chính nhờ năng lực tinh thần ấy, Ðức Hồng Y đã chống lại tất cả những khó khăn về thể lý và tinh thần. Niềm hy vọng đã nâng đỡ Người như một Giám Mục bị cô lập trong 13 năm trời xa cách cộng đoàn giáo phận của Người; niềm hy vọng đã giúp Người nhận thấy, trong sự vô lý của các biến cố xảy ra cho Người, một kế hoạch của Chúa Quan Phòng - Người không hề được xét xử trong thời gian bị giam cầm lâu dài."
"Tin về bệnh ung thư - đưa Người đến cái chết - đã được tiết lộ cho Người hầu như cùng với tin được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Hồng Y. Ðức Cố Giáo Hoàng vốn có lòng rất ngưỡng mộ và quí mến đối với Ðức Cố Hồng Y. Ðức Hồng Y Văn Thuận ưa thích lập lại rằng Kitô hữu là con người của lúc này, của giờ phút hiện tại, cần phải đón nhận và sống giây phút này với lòng mến Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại ấy có biểu lộ sự phó thác thâm sâu của Ngài trong tay Chúa và sự đơn sơ Tin Mừng mà tất cả chúng ta đã ngưỡng mộ nơi Ðức Cố Hồng Y. Ðức Hồng Y Văn Thuận tự hỏi: Làm sao một người tín thác nơi Cha trên trời mà lại từ khước không để cho Chúa ôm vào vòng tay của Chúa sao?"
Cuối cùng Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự mở án phong Chân Phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt này của niềm hy vọng Kitô, và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của Người, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em."
3.
Nhận định từ Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình
Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam vùng Ðông Bắc Ðức Quốc cử hành thánh lễ tạ ơn nhân dịp Mở Án Phong Chân Phước cho Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (16/09/2007). |
Cho dự án tiến trình xin phong Chân Phước cho Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người Việt Nam chúng ta phải cám ơn đến Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình đã đại diện cho Giáo Hội Việt Nam và Giáo Dân Việt Nam tại hải ngoại làm thỉnh nguyện thư này. Chắc chắn cuộc sống của Ðức Cố Hồng Y tại nơi làm việc hằng ngày đã là một gương sáng cho các nhân viên. Khi Ngài vừa mới qua đời, ngày 16.9.2002 Ðức Cha Giampaolo Crepaldi, Thư Ký của Hội Ðồng đã rõ ràng tuyên bố trên báo chí: "Một Ðấng Thánh đã qua đời" (Ein Heiliger ist gestorben). Chính lời tuyên bố này đã trở thành một lời của tiên tri từ ngày Chúa nhật, 16.9.2007.
Và trong ngày lễ giỗ 16.9.2007 và cũng là ngày khởi sự mở án phong Chân Phước với sự hiện diện của Ðức Hồng Y Chủ Tịch Renato Raffaele Martino, Ðức Hồng Y Angelo Sodano (Hồng Y Trưởng của Hồng Y Ðoàn) và Ðức Hồng Y Roger Etchegaray (Cựu Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình), tại Nhà thờ Ðức Mẹ Cầu Thang ở khu Trastevere, Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình đã tuyên dương: "Cách đây đúng 5 năm, 16.9.2002, Ðức Hồng Y Việt Nam Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, đã qua đời. Ðể tưởng nhớ hình ảnh anh dũng của một người con Chúa và là một người cầu nguyện, một chứng nhân hòa bình và hy vọng, đã chịu giam cầm 13 năm tại quê hương của Ngài... Hội Ðồng Tòa Thánh này đã được Ðức Cố Hồng Y Thuận điều khiển trong sự khôn ngoan, sáng suốt và tận tụy."
Ðức Hồng Y Martinô nhận định thêm: "Ðức Hồng Y Văn Thuận là một người mẫu mực về đức tin kiên cường, về niềm hy vọng bền vững và về sự yêu thương vô bờ bến." Tiếp theo đó Ðức Hồng Y Martinô kể thêm về mẫu thánh giá đeo ngực: "Thánh giá gỗ nhỏ được bí mật làm trong trại tù và sau này được bọc bằng kim loại đeo trước ngực của Ðức Hồng Y Văn Thuận là một biểu tượng rung động của sự nghịch lý Kitô, bởi vì đó là thánh giá của tình yêu." Ðức Hồng Y Martinô kết luận: "Ðức Hồng Y Văn Thuận là một vị tử đạo của tình yêu để tiến tới sự nên thánh." (un martire della carità verso la beatificazione).
Kết luận bài viết thì chúng ta có thể nhận ra được sự mến mộ và kính trọng Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nơi mọi người Ngài đã gặp qua hoặc chỉ qua việc đọc sách của Ngài. Hai vị tôi được phép nhắc đến là Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã dành riêng nhiều ưu ái cho Ngài và cùng làm việc chung với Ngài. Chắc chắn tinh thần sống giây phút hiện tại và sự chọn Chúa đã được đánh giá cao qua cách nhìn của Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là mầu nhiệm tận hiến cho Thiên Chúa mà Ðức Hồng Y Thuận đã sống: "Chúng ta ngưỡng phục sự sống Tin Mừng đơn sơ của Ðức Hồng Y Thuận."
Theo cách sống Tin Mừng và viết về tư tưởng thần học thì ngày nay không ai đạt qua khỏi nhà thần học uyên bác Joseph Ratzinger. Vậy ai được Ngài khen: "là một vĩ nhân trong Giáo Hội" thì cá nhân đó phải là một người phi thường, tạo nên một hiện tượng lạ trong ánh mắt của thần học gia Ratzinger. Hy vọng mọi người chúng ta sẽ tham dự được trực tiếp trong quá trình điều tra án phong Chân Phước và có cơ hội tham dự vào ngày vinh quang của Giáo Hội tôn vinh Á Thánh Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
Trung Tâm Mục Vụ Công Giáo Borsum
Vùng Ðông Bắc Ðức