Ðức Thánh cha vui mừng về việc
mở án tôn phong chân phước
cho Ðức Hồng y người Việt Nam
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức Thánh cha vui mừng về việc mở án tôn phong chân phước cho Ðức Hồng y người Việt Nam.
Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên ở Rôma
Rôma (UCAN - ZY03393.1463 Ngày 18-9-2007) - Ðức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bày tỏ "niềm vui khôn xiết" về tin chính thức mở án tôn phong chân phước cho Ðức cố Hồng y Việt Nam Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Việc mở án phong chân phước cho Ðức Hồng y diễn ra ngày 16-9-2007, ngày lễ giỗ lần thứ năm của ngài, tại nhà thờ Santa Maria della Scala, nhà thờ Rôma được trao cho ngài khi ngài được tấn phong hồng y.
Ðức Hồng y Thuận sống tám năm cuối đời tại Rôma và làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình từ năm 1998 đến khi ngài qua đời do bị ung thư vào năm 2002, thọ 74 tuổi. Trước đó ngài bị giam cầm khắc nghiệt trong 13 năm ở quê nhà.
Ðức Hồng y Renato Martino, đương kim chủ tịch hội đồng này, đã chủ tế và giảng trong Thánh lễ hôm 16-9-2007 với sự tham dự của các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam. Ðức Hồng y Martino đã chỉ định một nữ luật sư giáo luật là Silvia Monica Correale làm cáo thỉnh viên xin mở án phong chân phước và phong thánh cho đức cố giám mục.
Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI, biết rõ Ðức Hồng y Thuận tại Vatican, khen ngợi ngài là một "nhà tiên tri lỗi lạc về hy vọng của các Kitô hữu" khi Ðức Thánh cha tiếp đón các thành viên của hội đồng này hôm 17-9-2007 tại Castel Gandolfo, dinh thự nghỉ hè của Ðức Giáo hoàng.
Các thành viên thuộc Tổ chức Quốc tế Hồng y Thuận quan sát việc phổ biến học thuyết xã hội của Giáo hội cũng có mặt tại buổi tiếp kiến Ðức Giáo hoàng, cùng với thân nhân và bạn bè của đức cố giám mục.
Ðức Thánh cha kể lại Ðức Hồng y Thuận "là một người giản dị và thân thiện, ngài có tài đối thoại và dễ gần gũi với mọi người và ngài tha thiết gắn bó với việc phổ biến học thuyết xã hội của Giáo hội giữa người nghèo trên thế giới", theo thông cáo báo chí của Vatican.
Ngài kể về "tầm nhìn sâu rộng, đầy hy vọng, và ao ước truyền giáo trên quê hương châu Á" của vị giám chức Việt Nam, cũng như "tài tổ chức các hoạt động từ thiện và phát triển con người mà Ðức Hồng y đã khởi xướng và ủng hộ ở những nơi hẻo lánh nhất trên trái đất".
Ðức Hồng y Thuận "sống trong hy vọng, và ngài phổ biến cách sống này cho mọi người ngài gặp", Ðức Thánh cha Bênêđictô khẳng định. "Hy vọng đã giúp ngài tiếp tục làm giám mục bị cô lập khỏi cộng đoàn giáo phận của ngài trong 13 năm; hy vọng còn giúp ngài nhận ra, trong sự phi lý của các sự kiện đã xảy đến cho ngài (ngài chưa hề được đưa ra xét xử trong khi bị giam trong một thời gian dài), kế hoạch quan phòng của Chúa."
Sinh ra tại cố đô Huế ngày 17-4-1928, Ðức Hồng y vào tiểu chủng viện An Ninh năm 1941 và chịu chức linh mục năm 1953. Sau sáu năm học thêm ở Rôma, năm 1959 ngài dạy và làm giám đốc Tiểu chủng viện Hoan Thiện. Ngài giữ chức vụ này đến năm 1967, thì Ðức Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm giám mục Nha Trang.
Bảy ngày trước 30-4-1975, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục phó tổng giáo phận Sài Gòn.
Chính quyền không công nhận việc ngài được bổ nhiệm và đã bỏ tù ngài trong 13 năm, trong đó có chín năm biệt giam. Ðược trả tự do năm 1988, ngài được phép ra nước ngoài năm 1991. Trong khi ở hải ngoại, ngài bị cấm trở về Việt Nam.
Năm 1994, Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II triệu ngài sang Rôma. Ðức cố Giáo hoàng rất ngưỡng mộ ngài. Ngoài việc thăng chức cho ngài trở thành vị giám mục Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ cấp cao tại Vatican, Ðức Thánh cha còn giao cho ngài giảng tĩnh tâm mùa Chay cho Giáo triều Rôma vào năm 2000. Ngày 21-2-2001, Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II vinh thăng ngài lên hồng y.
Người Công giáo Việt Nam ở Rôma hết sức vui mừng tại lễ khai mạc quá trình tôn phong chân phước cho ngài. Một trong số những người biết rõ ngài là linh mục Giuse Nguyên Công Ðoan, bề trên tỉnh dòng Tên tại Việt Nam từ tháng 4-1975 đến năm 1981, trong năm này ngày bị bắt giam chín năm. Vị linh mục nói với UCA News tại Rôma: "Mọi người đều vui mừng, ngay cả Ðức Thánh cha, là người biết ngài rất rõ. Tôi rất tự hào về việc này, và tất cả người Công giáo Việt Nam cũng thế".
Cha Ðoan nói: "Khi quá trình điều tra kết thúc, và ngài được tôn phong chân phước và hiển thánh, đến lúc đó ngoài nhiều vị thánh tử đạo của chúng tôi ra, chúng tôi cũng sẽ có được vị thánh hiển tu Việt Nam đầu tiên".
UCAN