Kính nhớ Ðức Hồng Y

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Kính nhớ Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.


Từ trong nhà tù, lợi dụng công việc thợ mộc, Ðức Cha Thuận đã cưa một khúc gỗ làm thành cây Thánh Giá, và dùng giây điện để móc thành một sợi giây chuyền đeo Thánh Giá.


Roma, Italia (14/09/2007) - Thánh sử Marcô đã viết Phúc Âm, trong chương VIII, kể 'những điều kiện để theo Ðức Giêsu, hầu được vào Nước Trời' như sau: "Rồi Ðức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (34)". Thánh sử Matthêu cũng viết như vậy trong chương XVI, 24. Ðiều nầy cũng được Thánh sử Luca nhắc lại trong chương IX, câu 23. Tại sao là thập giá?

Hai chữ "thập giá" đã gợi lên, cho mọi người thời Chúa Giêsu, một cây khổ giá trần trụi với hình ảnh một người quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn và nhục nhã ê chề, lơ lửng giữa trời và đất, giữa sống và chết, trước những cái nhìn thù ghét và khinh bỉ, trước những con mắt tò mò và dửng dưng. Thế mà, Ðức Kitô, con Thiên Chúa, đã chọn "thập giá" để hiến thân trọn vẹn, ban chính mạng sống mình đến tận cùng cho đến độ chịu đóng đinh trên thập giá, nơi đó Ngài gánh tất cả tội lỗi của trần gian. Mặc dù "vô tội" (Mt 27, 4), là "người công chính" (1 Pr 3,18), Ngài đã chấp nhận trở nên giống như người tội lỗi.

Ngày nay, "thập giá" tượng trưng cho những gì chúng ta gặp phải trên con đường lữ thứ trần gian. Chúa không gọi chúng ta vác thập giá đi một mình, nhưng là đi theo sau Chúa, vì chỉ có đi theo Chúa, ta mới tới được vinh quang như Chúa đã nhận lấy thập giá làm đường đi tới vinh quang. Ðàng sau thập giá là vinh quang, nhưng chỉ khi chúng ta có đức tin mới nhìn biết được.

Ngoài ra, từ khi Chúa Giêsu chọn "thập giá" để chịu đóng đinh vào đó và chết hầu cứu chuộc nhân loại, thập giá đã trở thành Thánh Giá, biểu tượng cho Thiên Chúa giáo.

Nhân dịp lễ giỗ Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chúng tôi xin có vài dòng kính nhớ vị Mục Tử Việt-Nam đã vác thập giá mình mà theo Thầy Chí Thánh.

 

I. Linh Mục Của Chúa Kitô.

Ngày 11.06.1953, Thầy Sáu Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã nhận Bí tích Truyền Chức Thánh tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam (Huế) bởi Ðức Cha Gioan Baotixita Urrutia Thi (MEP) và trở thành Linh mục, mang hình ảnh Ðức Kitô.

Ngày 13.04.1967, Cha đã được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm Giám mục Chánh tòa Giáo phận Nha Trang, thay thế Ðức Cha Paul Raymond Piquet, MEP. Ngày 24.06.1967, lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, tại Nhà thờ Chính Tòa Huế, Cha đã được thụ phong Giám Mục do Ðức Cha Angelo Palmas, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Lào và Campuchia, chủ tế. Ðức Cha đã chọn khẩu hiệu "Vui Mừng và Hy Vọng" (Gaudium et Spes), tên của Hiến chế Mục vụ của Công Ðồng Vatican II.

Ngày 10.07.1967, Ðức Cha Thuận đã nhận nhiệm vụ Giám mục Giáo phận Nha Trang và là Ðức Giám Mục tiên khởi người Việt tại Giáo phận Nha Trang.

Sau cuộc tổng tấn công của quân Miền Bắc và thãm sát tại Huế nhân dịp Tết Mậu thân, ngày 19.03.1968, Lễ kính Thánh Giuse, Ðức Cha Thuận đã khẩn thiết kêu gọi qua Thư luân lưu đầu tiên "Tỉnh Thức và Cầu Nguyện":

- Tỉnh thức để nhận định, để hành động với trí óc, với sức lực của chúng ta: "Là công dân của nước Trời, người công giáo không quên mình cũng là công dân của nước trần thế. Phải quan tâm về cộng đồng chánh trị. Thái độ thoái thác, ỷ lại, dửng dưng ích kỷ trong giai đoạn nầy là đắc tội với Chúa và Tổ Quốc. Bức thông cáo Hội Ðồng Giám Mục trong dịp Tết dể nhắc anh chị em điều đó."

- Cầu nguyện để có Ơn Chúa giúp ta tự cứu thoát.


Linh Mục Phanxicô Thuận thời còn trẻ bồng em gái.


Ðể tuyên bố năm 1969 là Năm Ðức Tin của Giáo phận, Ðức Giám mục Nha trang đã cho phổ biến Thư luân lưu "Vững Mạnh Trong Ðức Tin, Tiến Lên Trong An Bình", đó là đường lối xây dựng và củng cố, phát triển một nền Hòa bình chân chính, trường cửu theo quan niệm Công giáo.

Nhân ngày Quốc tế Hòa bình 01.01.1970, Ðức Cha đã công bố Thư luân lưu "Công Lý và Hòa Bình" với lời mở đầu: "Công lý và Hòa bình là hai danh từ mà anh chị em đều cảm thấy cao đẹp mọi dân tộc đều khao khát."

Phải chăng đây là sự quan phòng của Thiên Chúa để chuẩn bị cho vị Mục tử người Việt trong chức vụ Chủ tịch (24.06.1998) Hội đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình?

Ngày 21.01.2001, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn Ðức Cha Thuận vào Hồng Y Ðoàn.

Lúc 18 giờ ngày 16.09.2002, Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian.

 

II. Vác Thánh Giá Mình Theo Ðức Kitô.

Ngày 23.04.1975, Ðức Cha Thuận được Ðức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng giám mục phó tổng giáo phận Sàigòn với quyền kế vị.

Ðức Cha đã quyết định đi vào Sàigòn, noi gương Ðức Kitô đã phải đi Giêrusalem, dù Ðức Cha biết những gì mình sẽ phải gặp tại đó như Ngài viết trong "Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá":

"Giờ đây, tôi phải đi vào Sàigòn lập tức, theo lệnh Ðức Phaolô VI bổ nhiệm...

Ðêm ấy 07.05.1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Ðức Thánh Cha.

Tiếp đến là gian khổ, thử thách tại Sàigòn..."

Trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Ðộc lập, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Ðức Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sàigòn cùng các Linh mục "yêu nước" (?). Ðối với Chính quyền Cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Ðế Quốc. Ðể trả lời sự cáo buộc đó, Ðức Cha chỉ xác nhận sự vâng lời của Ngài đối với Bài Sai của Ðức Thánh Cha.

Ngày 15.08.1975, lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Saigòn bắt giam Ðức Cha. Ngài đã bị giam giữ nhiều nơi khác nhau, trong đó, có 9 năm bị biệt giam, cho đến ngày 23 tháng 11 năm 1988 được thả tự do và bị quản chế tại Hà Nội. Trong thời gian 13 năm ở tù không bản án kết tội, bắt chước Thánh Phaolô, Ðức Cha đã viết thư cho các giáo đoàn về kinh nghiệm sống Ðức Tin, Mục vụ, Tu đức. Ðó là ba tập sách:

- Ðường hy vọng (1975);

- Ðường hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Cộng Ðồng Vatican II (1979);

- Những người lữ hành trên Ðường Hy Vọng (1980).

Năm 1989, Ðức Cha được phép qua Roma chữa bệnh và được mời làm thành viên Ủy Ban Quốc Tế về Di Trú và Di Dân. Nhà Nước Việt-Nam đã không cho Ngài trở lại Quê Hương.

Ngày 09.04.1994, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức Cha làm Phó chủ tịch Hội đồng giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình. Tiếp đến, ngày 24.06.1998, Ngài được bổ nhiệm là chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý Hòa bình, thay thế Ðức Hồng Y Roger Etchegaray.

 

III. Sống Nhờ Ðức Kitô.

Trở thành Tuyên úy trại giam các tù nhân không bản án, Ðức Cha biết mọi người Công giáo cần Mình Ðức Kitô để sống trong những ngày đen tối như Ðức Cha kể:

"Trong Thánh Thể, chúng tôi loan truyền sự chết của Chúa Giêsu và tuyên xưng sự sống lại của Ngài. Có lúc buồn nản vô cùng, tôi nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên Thánh giá: Ngài không giảng dạy, thăm viếng, chữa lành bệnh tật; Ngài hoàn toàn bất động. Ðối với con mắt loài người, cuộc đời Chúa Giêsu là vô ích, là thất bại. Nhưng đối với đôi mắt Thiên Chúa, chính giây phút ấy lại là giây phút quan trọng nhất của đời Ngài, vì trên Thánh giá Ngài đã đổ máu mình để cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu là mẫu gương của tình yêu tuyệt đối với Ðức Chúa Cha và các linh hồn. Ngài đã cho tất cả, yêu thương đến cùng (Ga 13, 1), cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng và nói lên tiếng "hoàn tất" (Ga 19, 30)."

Nhưng làm sao để Thánh Thể hiện diện trong nhà tù?

Ðức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý Hòa bình đã nói cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và những nhân viên Giáo Triều Rôma nhân dịp giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000: "Khi bị bắt, tôi phải ra đi tay không, đi ngay lập tức. Ngày hôm sau, tôi được phép viết cho những người thân để xin những thứ cần thiết nhất như áo quần, kem đánh răng,... Tôi viết: "Xin vui lòng gửi cho tôi một chút rượu thuốc để chữa bịnh đường ruột". Các tín hữu hiểu ngay. Họ gửi cho tôi một chai nhỏ đựng rượu lễ, bên ngoài có ghi "Thuốc chữa bịnh đường ruột", còn bánh lễ thì họ giấu trong một ống nhỏ chống ẩm thấp.

Giám thị hỏi tôi:

- Ông bị bịnh đường ruột?

- Phải.

- Ðây, có ít thuốc cho ông đây.

Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết hết niềm vui lớn lao của tôi: mỗi ngày, với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ. Và đó cũng là bàn thờ, là nhà thờ chính tòa của tôi! Ðó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi: "thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sống trong Chúa Giêsu", như Thánh Ignatio thành Antiokia đã nói.

Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay và đóng đinh mình vào thập giá với Chúa Giêsu và cùng Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài với máu của tôi. Ðó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi!


Những ngày sau hết với Ðức Thánh Cha John Paul II.


Tuy nhiên cách dâng lễ mỗi nơi mỗi khác. Dưới hầm tàu thủy chở tôi ra miền Bắc, ban đêm tôi ngồi giữa mấy bạn tù, bàn thờ là túi cói đựng đồ, dâng lễ thánh Phanxicô quan thầy của tôi và cho các bạn chịu lễ. Lúc ở trại Vĩnh Quang, tôi phải dâng lễ trong góc cửa ban sáng lúc người ta đi tắm sau giờ thể dục. Lúc đã quen với thời khóa biểu của trại, tôi dâng lễ ban đêm, vì chúng tôi được chia thành từng đội 50 người, ngủ chung trên một láng gỗ, mỗi người được 50 cm, đầu đụng nhau, chân quay ra ngoài. Chúng tôi đã thu xếp để năm anh em Công giáo nằm quanh tôi. Ðến 9 giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và mọi ngươi phải nằm trong mùng muỗi cá nhân: tôi ngồi cúi sát xuống để dâng lễ thuộc lòng. Tôi đưa tay dưới mùng để chuyển Mình Thánh cho anh em chịu lễ. Chúng tôi nhặt lấy giấy nylon bọc bao thuốc hút để làm những túi nhỏ đựng Mình Thánh. Như thế Chúa Giêsu luôn ở giữa chúng tôi. Chúng tôi tin một sức mạnh: Thánh Thể. Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống. "Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào" (Ga 10,10). Như manna nuôi dân Do Thái đi đường về Ðất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng (Ga 6, 53).

Mỗi tuần, sáng thứ sáu có buổi học tập, tất cả 250 anh em phải tham dự. Ðến lúc xả hơi, các bạn Công giáo thừa dịp đó mang các túi nylon đựng Mình Thánh đến chia cho bốn đội kia, mỗi người thay nhau mang trong túi áo một ngày...

Những người tù biết có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở giữa trại tù với họ. Chính Ngài an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh thần; chính Ngài thêm can đảm chịu đựng cho họ. Ban đêm, họ thay phiên nhau làm giờ thánh. Sự hiện diện thinh lặng của phép Thánh Thể biến đổi họ cách lạ lùng. Nhiều người Công giáo trở lại sống đạo đức hơn; nhiều anh em không Công giáo tìm hiểu Phúc âm và lãnh phép Thánh tẩy trong trại cải tạo, hoặc sau lúc được tự do. Nhà tù trở thành trường dạy giáo lý. Không có gì cưỡng lại được tình yêu Chúa Giêsu. Ðêm tối của ngục tù trở thành ánh sáng, hạt giống đã đâm chồi dưới đất đang lúc trời giông tố phong ba. Những ơn trọng này do Chúa Giêsu Thánh Thể chứ không phải do sức loài người."

 

IV. Chọn Ðức Kitô.

Ðức Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, khi còn trẻ tuổi và sức khỏe dồi dào, chẳng những thành công nơi giáo phận Nha Trang mà còn đứng đầu một cơ quan kinh tế có thế lực là Cơ quan Hợp tác Tái thiết Việt Nam. Nhưng đêm 01-12-1975, cùng với 1,500 bạn tù đói, mệt, chán nản, bị còng tay hai người chung một khóa số 8, bước xuống gầm tàu "Hải Phòng" đậu tại bến Tân cảng gần cầu Xa lộ, để chở ra trại cải tạo Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, trong thung lũng núi Tam Ðảo, mùa đông 1976-77 lạnh rét 2 độ C.

Nỗi gian khổ của 9 năm biệt giam một mình với hai người gác, không bạn bè, không có việc làm, tôi ở trong một sự trống rỗng tuyệt đối, đến mức có thể điên đi được. Tôi đi lại suốt ngày trong buồng giam, để vận động cơ thể kẻo nằm luôn thì tôi sẽ chết vì thấp khớp, viêm phổi. Nhiều lúc một mình, tôi bị đau khổ giày vò, tại sao đang lúc mình 48 tuổi, trưởng thành và khỏe mạnh, sau tám năm Giám mục tôi đã có nhiều kinh nghiệm mục vụ, lại phải vào phòng biệt giam, xa giáo phận những 1,700 km?

Một đêm thanh vắng, một tiếng từ đáy lòng nhắc nhở tôi: "Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo... tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần; Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!"

Tôi luôn luôn học tập làm theo ý Chúa. Ánh sáng này mang lại cho tôi một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ của tôi, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi "một sự bình an mà thế gian không cho được".

Theo tính tự nhiên, những lúc chương trình đang thực hiện tốt đẹp phải bỏ dở, hoạt động đang hăng say phải bó tay, nhiệm vụ đang quan trọng phải hạ tầng công tác! Uất ức và chán nản! Tôi tự hỏi: Chúa gọi con "Hãy theo Thầy" hay "Hãy theo việc nọ, người kia?" Ðể đó, Chúa sẽ liệu, Ngài sẽ giải quyết tốt hơn con là cái chắc.

Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua ba lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài; dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau này hai linh mục bị giam cách tôi hai lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết: "Một hôm cô Thanh, cấp dưỡng, đã mỡ cửa cho chúng con ra đứng nhìn Ðức Cha nằm dưới đất và bảo: cho hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết!" Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi!

Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác.

 

V. Phó Thác Cho Mẹ Ðức Kitô.

Trong những giây phút bi đát nhất của cuộc đời, bí quyết của Ðức Hồng Y là tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa; sống trọn vẹn giây phút Hiện Tại và nương nhờ vào tình yêu của Mẹ Maria, Ðức Hồng Y đã phó thác tất cả cho Mẹ, để Mẹ dâng lên Chúa người con yêu đang cần đến Ngài. Tâm tình đó đã được Cha lần lượt viết thành sách và diễn tả ra bằng những vần thơ:

 

"Ðời con dâng hiến Mẹ của con

Giây phút đầu tiên đến Sài Gòn

Cáo gian lắm điều con vì Mẹ

Vu vạ nhiều nỗi Mẹ với con

Sống chết lao tù con có Mẹ

Gian truân chẳng quản Mẹ bên con

Tăm tối đêm trường con theo Mẹ

Băng rừng vượt biển Mẹ dẫn con

Cô quạnh ê chề con kêu Mẹ

Hy vọng trào tràn Mẹ nghe con

Ðau khổ xác hồn con nhìn Mẹ

Âm thầm lễ tế Mẹ dạy con

Muôn vàn thương mến con trao Mẹ

Ức triệu ân tình Mẹ thương con

Sứ mạng tương lai con dâng Mẹ

Khó khăn hiện tại Mẹ giúp con

Âu yếm đêm ngày con yêu Mẹ

Ngày về tin tưởng Mẹ đợi con."

"Con Với Mẹ"

Trại Thanh Liệt, 08.12.1978

 

Ðoạn Kết

Trong Thánh lễ giỗ Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận lần thứ tư, cử hành sáng hôm 16.09.2006, tại nhà nguyện của Hội đồng, Ðức Hồng Y Renato Martinô, người kế vị Ðức Hồng Y Phanxicô Thuận, trong nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình đã thông báo: Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã chấp thuận cho Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đứng ra xúc tiến việc mở án phong chân phước cho Ðức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.

Theo Giáo luật, việc mở án phong chân phước cho một tín hữu chỉ được tiến hành năm năm sau khi qua đời.

Chân Phước (hay Thánh) là những người đã có một cuộc sống Thánh Thiện đã vác thập giá mình mà theo Thầy Chí Thánh, Ðức Kitô, Chúa chúng ta, đã được Giáo Hội điều tra qua các nhân chứng hay các phép lạ.

Chân Phước được tôn kính trong nước và Thánh được tôn kính trên thế giới. Nhờ sự can thiệp của các Vị đó, Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Ðời sống các Thánh và Chân Phước là những gương sáng cho chúng ta noi theo để đáp lời Thiên Chúa mời gọi nên thánh như ý nguyện của chúng ta trong khi lãnh Bí tích Rửa Tội.

 

Lễ Suy tôn Thánh Giá 14.09.2007

Hà Minh Thảo

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page