Tìm hiểu về Thể Thức để được Tôn Vinh Chân Phước

nhân dịp Tòa Thánh Khởi Sự Án Phong Chân Phước

cho Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tìm hiểu về Thể Thức để được Tôn Vinh Chân Phước nhân dịp Tòa Thánh Khởi Sự Án Phong Chân Phước cho Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.


Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, chứng nhân đức tin trong Nhà Tù Cộng Sản. (trong hình: ngài đang ngồi viết cuốn sách "Ðường Hy Vọng" trong thời gian bị Cộng Sản Việt Nam bắt giam trong nhà tù).


Nha Trang, Việt Nam (LB 17/09/2007) - Vào ngày 16/9/2007, nhân dịp kỉ niệm 5 năm ngày Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận qua đời, tại Vatican diễn ra nghi lễ tưởng niệm Ðức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, đồng thời cũng khởi sự tiến trình phong Chân phước (Beatus) cho Ngài. Ðây là niềm vinh dự lớn lao, không những cho người Công giáo Việt Nam mà còn cho cả dân tộc Việt Nam, và cho Giáo hội hoàn vũ nữa.

Nhân dịp này Liệu cũng xin chép lại một vài chi tiết về thể thức để được tôn vinh Chân Phước và Hiển Thánh của Giáo Hội chúng ta. Ðể được tôn vinh lên hàng Chân Phước hay Hiển Thánh, theo thông lệ, việc đầu tiên là một tổ chức của Giáo Hội, Hội Dòng, hay Giám Mục giáo phận, hay hàng Giám Mục thuộc quốc gia liên hệ đệ đơn với hồ sơ đính kèm trình bày về một nhân vật nào trong hàng Giáo Sĩ Tu Sĩ, hay Giáo dân nổi danh về đời sống hành Ðạo, để xin Toà Thánh cứu xét và nếu xứng đáng nêu cao nhân vật đó làm tấm gương trong sáng cho toàn dân soi chung, nghĩa là đưa lên danh dự bàn thờ làm mộ phạm cho mọi người tôn kính. Nhân vật đó sẽ lần lượt được ghi danh sách những bậc tôn kính sau đây:

 

- Bậc Tôi Tớ Chúa (Servus Dei)

Từ khi hồ sơ được Toà Thánh chấp nhận. Tập hồ sơ này sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong thời gian lâu dài hay mau chóng tùy các tổ chức của Giáo Hội, hay các Dòng Tu, hay hàng Giám Mục quốc gia có khả năng cung cấp tài liệu sẽ được đòi hỏi, nhất là những tài liệu chắc chắn minh chứng đời sống nhân vật đề cử đó có tầm quan trọng, đích đáng đặc biệt.

 

- Bậc Ðáng Kính (Venerabillis)

Nếu đời sống vị Tôi Tớ Chúa qủa thật xuất chúng, nghĩa là theo các chứng tham khảo bằng giấy tờ đã thực sự tận hiến cho Chúa, hay đã phục vụ tha nhân với mức cao độ. Thí dụ, chết thay cho người khác, hy sinh xả kỷ trong bịnh viện, trại phong cùi, sống thánh thiện khó nghèo, chịu Tử Ðạo... Lúc đó Toà Thánh sẽ công nhận tính cách anh hùng, nhân đức của các Ngài, và ghi nhận vào sổ các Bậc Ðáng Kính.

 

- Bậc Chân Phước (Beatus)

Tức là khi vị Ðáng Kính được nâng lên, xứng đáng danh dự tôn kính trên bàn thờ một cách công khai. Theo truyền thống của Giáo Hội, từ bậc Ðáng Kính sáng bậc Chân Phước, thường ra phải chờ đợi chừng 50 năm, nhất là phải chứng minh bằng hai phép lạ. Thời gian 50 năm có thể rút ngắn lại, tuy nhiên điều kiện hai phép lạ thế nào cũng phải có, nhất là khi những vị Ðáng Kính không phải Tử Ðạo. Các phép lạ nói đây thường là những phép lạ chữa những tật bịnh nguy hiểm, trầm trọng, lâu dài, và cứu chữa một cách tức tốc, ngoài sự dự trù của con người. Ðể tuyên bố phép lạ chính xác hay không, phải qua nhiều phen khám nghiệm và điều tra của Ủy Ban Bác Sĩ được Tòa Thánh chấp nhận.

 

Bậc Hiển Thánh (Sanctus)

Từ bậc Chân Phước lên bậc Hiển Thánh cũng cần một thời gian khoảng vài chục năm và thêm vào đấy phải cần một phép lạ khác nữa. Giáo Hội đi trong thời gian, do đó bao giờ cũng đòi hỏi những bằng chứng thật vững chắc, là vì việc tôn phong Hiển Thánh được toàn dân xác nhận là một việc tôn thờ Thiên Chúa thật cao cả, và tôn kính các bậc Thánh nhân là một hành động chính đáng.

 

Riêng về Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, các tổ chức sau đây đã đệ đơn xin Giáo Hội phong Chân Phước (Beatus) cho Ngài:

- Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình,

- Quỹ Thánh Mathêu tưởng niệm Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận,

- Hội Quan sát Quốc tế Ðức Hồng Y Văn Thuận về Học thuyết xã hội Công Giáo,

- Thân nhân và bạn hữu của Ðức Cố Hồng Y,

- Cộng đoàn Việt Nam ở Roma.

 

Trần Ðình Liệu

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page