Phái đoàn ÐHY Phạm Minh Mẫn

thăm viếng Nagasaki, Nhật Bản

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Tường trình cuộc thăm viếng của Phái đoàn Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tới thành phố các Thánh Tử Ðạo Nhật Bản Nagazaki.

Nagasaki, Nhật Bản (29/03/2007) - Rời thành Hiroshima, tôi đi cùng phái đoàn Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đến thành phố Nagazaki vào ban sáng ngày 29.3.2007. Với xe lửa cao tốc tiện nghi quãng đường dài mấy trăm cây số nhưng chỉ đi mất có 1g30 phút là tới nơi.


Phái đoàn Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chụp hình chung với Ðức Tổng Giám Mục Joseph Katami của Giáo Phận Nagasaki, Nhật Bản.


Vừa đến nơi là chúng tôi mau mắn muốn đến Dòng thánh Phanxicô Viện Tu (conventuals) để thăm nhà dòng ngay -- vì nơi đây hiện có 3 thầy Việt nam đang tu trì -- Mong muốn của Ðức Hồng Y là muốn đi thăm và cám ơn các Dòng Tu Nhật Bản đã từng giúp đỡ các ơn gọi Việt Nam, càng ngày càng có nhiều người Việt Nam cả nam cũng như nữ được gửi sang Nhật tu nghiệp, nhưng đồng thời cũng là để mang lại chút niềm vui cho các chủng sinh xa nhà. Ðiểm đặc biệt nhất lại tu viện Phanxicô Conventual này là chính nơi thánh Maximilian Kolbe đã sinh sống tại đây từ 1930-1936.

Thánh Maximillian Kolbe, vị linh mục đã hy sinh chính mình cho người khác tại trại giam Auschwitz:

Cha Maximilian Kolbe là một linh mục dòng Phanxicô, ngài được sinh ra ở Ba Lan vào năm 1894. Ngài thành lập Hội Ðạo Binh Ðức Mẹ Vô Nhiễm và truyền giáo bằng một tình yêu không giới hạn. Năm 1930 ngài viếng thăm Nagasaki cùng với cha Zeno Zebrowski, cũng là người đã hiến cuộc đời mình để giúp đỡ những người nghèo. Ngài dạy thần học và xuất bản tờ báo "Seibo no Kishi" hay là "Hiệp Sĩ Nhật Bản". Rất nhiều người Nhật hưởng ứng chương trình của ngài, sau đó ngài thành lập tu viện Franciscan Conventual, "Ngôi vườn của Mẹ Vô Nhiễm" trên ngọn đồi Hikosan vào năm 1931. Trong khi sống âm thầm ở đó, thì vẫn có rất nhiều người ở khắp nước Nhật biết đến ngài.

Năm 1936 Ngài trở lại Balan khi Thế Chiến II đã bắt đầu. Ngài bị bắt và bị giam tại trại tập trung Auschwitz. Ngài bị kết án bỏ đói cho chết. Nhưng trước khi việc đó xẩy ra, thì có một người khác bị kết án tử hình, và vì quá sợ, nên Cha Kolbe đã xin chết thay cho anh ta. Cha bị chích thuốc độc và chết lúc 47 tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng John Paul II phong thánh năm 1971.

Thánh Phanxicô Xaviê người gieo giống đức tin tại thành Nagazaki:

Thành Nagazaki chính là nôi sinh của Kitô giáo tại Nhật Bản. Thánh Phanxicô Xaviê quả thật là người gieo giống đức tin đầu tiên cho giáo phận Nagasaki. Vào cuối tháng 8 năm 1555, Thánh Phanxicô đến tỉnh Kagoshima và sau đó đến Hirado bắt đầu truyền giáo. Ngài đã rửa tội cho một số dân làng ở đó. Bấy giờ Gia đình Koteda được rửa tội và họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng thánh đường công giáo đầu tiên tại Hirado, ngôi nhà thờ này vẫn còn tồn tại cho tới bây giờ.

Và cũng chính tại Nagazaki mà các người Kitô hữu đã can trường chứng minh đức tin vào Chúa Giêsu trải qua biết bao gian nan cực hình. Nguyên tại vùng Nagazaki có tới 26 vị tử đạo. Hiện nay có Ðền Các Thánh Tử Ðạo Nhật được xây cất trên chính nơi các ngài đã bị hành hình. Khu này nẳm ngang triền đồi Nishizaka nhìn ra biển, là một vị trí rất đẹp của thành phố hiện nay.

Ðền Thánh và Bảo Tàng Viện Các Thánh Tử Ðạo Nhật Bản:

Khi thăm Ðền Các Thánh Tử Ðạo Nhật Bản, chúng tôi được chính vị linh mục đã từng sống tại Nhật 60 năm và cũng là người có công nghiên cứu, hoạch định và trông coi bảo tàng viện Các Thánh Tử Ðạo hướng dẫn. Vừa vào trong bảo tàng viện, Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và phái đoàn được mời ký vào quyển sách lưu niệm dành cho các vị thượng khách.

Sau đó phái đoàn được giải thích tường tận về lịch sử của Công giáo tại Nhật, được đi lại con đường hành trình truyền giáo của các vị thừa sai. Ðó là khởi thủy từ Osaka, qua Kolbe, Hemiji, Hiroshima, đến Nagazaki. Một sự trùng hợp kỳ thú, vì đây cũng chính là con đường mà phái đoàn trong mấy ngày qua đã trải qua. Có khác là trước đây các nhà truyền giáo phải mất cả tháng trời, và có khi phải đi chân đất, đi thuyền... Còn phái đoàn chúng tôi ngày nay lúc đi xe hơi, lúc đi tầu, lúc đi xe lửa siêu tốc...

Tại Bảo tàng chúng tôi được nhìn tận mắt bút tích thư của thánh Phanxicô Xaviê viết cho Vua Bồ Ðào Nha vào năm 1546. Thư của khâm sai Nhật Bản tại Âu châu viết cho Roma vào năm 1582. Và rất nhiều tài liệu, chứng tích, sách vở, đồ dùng của các vị thừa sai cũng như của các thánh tử đạo Nhật được cất giữ tại đây. Ðức Giáo Hoàng John Paul II đã thăm viếng Ðền Tử Ðạo và Bảo tàng viện và năm 1981.

Nói đến Nagazaki là cũng nói đến bom nguyên tử vì thành phố này cùng chung với số phận của Hiroshima! Trái bom nguyên tử thứ hai đã tiêu diệt thành phố và làm mất mạng bao nhiêu người, người còn sống thì sống kiếp lầm than và đau khổ.

Khi chúng tôi thăm nhà thờ chính tòa Urakami của Tổng Giáo Phận Nagazaki, một nhà thờ được cho là đẹp nhất vùng Ðông Á, chúng tôi còn có thể chứng kiến được hai đặc điểm quan trọng và đáng ghi nhớ nhất của Nagazaki, đó là: có nhiều người kiên vững trong đức tin và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Chúa Giêsu, thứ đến là vết thương tàn bạo của bom nguyên tử hãy còn đây.

Nhà thờ chính tòa mới xây lại mới được hoàn thành một năm trước khi Ðức Giáo Hoàng John Paul II tới Nhật năm 1981, nằm trên nền nhà thờ cũ. Thế nhưng một số những tượng bằng đá, tượng thì mất đầu, tượng thì bị bể, tượng bị cháy, hãy còn được để lại ngay trước nhà thờ trong một khuân viên thiên nhiên nguyên thủy.

Gặp gỡ với Ðức Tổng Giám Mục Joseph Mitsuaki Takami:

Từ nhà thờ chính tòa chúng tôi nhìn xuống đồi là Tòa Tổng Giám Mục Nagazaki, một tòa giám mục rất rộng lớn và trang trọng. Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và phái đoàn đã ghé thăm Ðức Tổng Giám Mục Joseph Katami. Ðức Tổng Giám Mục Katami tiếp phái đoàn rất là nông hậu và thân tình. Ngài thuộc tu hội Xuân Bích, nên nói tiếng Pháp rất giỏi, vì thế Ðức Hồng Y Mẫn và Ngài đàm đạo với nhau bằng tiếng Pháp.

Ðức Hồng Y Mẫn trình bầy cho biết sơ qua về hiện tình Giáo hội tại Việt Nam, và đồng thời nói lên ước vọng về một tương lai hợp tác về nhiều mặt giữa các Giáo hội tại Á châu, nhất là Nhật bản. Ngày nay không những kinh tế Việt Nam đã mở của qua WTO, và tất nhiên người Nhật sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt nam, nhưng điều quan trọng là giữa các Giáo hội tại Á châu có thể tương trợ, chia sẻ và học hỏi gì lẫn nhau.


Các nữ tu Việt Nam tại Nagasaki tiếp đón Phái đoàn Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tại Trạm Xe Lửa Siêu Tốc.


Chính giáo phận Nagazaki vào ngày Ðức Hồng Y Mẫn thăm viếng đã nhận thêm 2 đại chủng sinh sang học cho giáo phận Nagazaki, và hiện đã có một đại chủng sinh khác đã ở đây hơn một năm, trong giáo phận cũng đã có một số các tu sĩ, nữ tu Việt nam thuộc các Dòng khác nhau. Ðặc biệt Dòng Nữ Thánh Giuse đã có chương trình rất cụ thể đào tạo và huấn luyện nữ tu của Dòng tại Việt Nam và tại Nhật...

Hai vị Tổng giám mục đã trao đổi với nhau rất nhiều tin tức về sinh hoạt nội bộ Giáo hội, về tình hình xã hội, chính trị, việc tái thiết quốc gia, nhất là kinh nghiệm từ phía Nhật bản sau thế chiến II.

Nhận định về tình trạng xã hội hai quốc gia, Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Saigòn đại khái đã có nhận định như sau: "Nước Nhật bị 2 quả bom nguyên tử dội xuống, và sau thế chiến II, nước Nhật là kẻ bại trận. Còn Việt Nam sau chiến tranh dài là kẻ chiến thắng, nhưng trên 30 năm chúng tôi bị quả bom cộng sản làm suy sụp... Nước Nhật bản của Ngài nhờ ý chí tự cường và tính tự trọng nên đã có thể vượt qua mọi khó khăn mà trở thành cường quốc. Nước Nhật sản xuất ra thứ gì cũng làm có chất lượng và càng ngày càng cố gắng làm tốt hơn và giá trị hơn, đó là nhờ vào tinh thần tự trọng và nền giáo dục, nhờ vào luật pháp kỷ luật nghiêm minh... Còn Việt Nam chúng tôi, làm gì cũng cho qua, giáo dục thì không dậy ra con người nhân bản, dậy dối trá, làm đồ giả, một xã hội đã băng hoại... nên chúng tôi còn phải học nước Nhật rất nhiều. Trong 30 năm dưới chế độ Cộng Sản thì 20 năm đầu người Cộng Sản cho người Công giáo chúng tôi là kẻ đối kháng cần phải khống chế và đối đầu, 10 năm trở lại đây có thể nói đã có sự thay đổi não trạng, có thể được coi là đã có những sự thông cảm và hiểu biết khá hơn, không còn coi là đối kháng mà cho rằng có những vấn đề có thể hợp tác được. Gần đây thì một số các nhà lãnh đạo Việt Nam đã ra quan sát nước ngoài và đã có tầm nhìn khá hơn..."

Câu truyện còn được tiếp nối rất sâu rộng và cởi mở trong 3 tiếng đồng hồ khi Ðức Tổng Giám Mục Nagazaki thiết tiệc phái đoàn chúng tôi tại một nhà hàng sang trọng gần ngay trung tâm thành phố, trên sườn đồi Các Thánh Tử Ðạo và nhìn xuống dòng sông Nagazaki buổi tối hôm đó. Tại bữa tiệc có sự hiện diện của Bề Trên Nữ Tu một Dòng Nhật đã gửi người sang hoạt động tại Việt Nam trong năm qua...

Lịch Sử Truyền Giáo Vùng Nagasaki:

- Thánh Phanxicô Xaviê, Người Gieo Giống:

Thánh Phanxicô Xaviê quả thật là người gieo giống đức tin đầu tiên cho giáo phận Nagasaki. Vào cuối tháng 8 năm 1555, Thánh Phanxicô đến tỉnh Kagoshima và sau đó đến Hirado bắt đầu truyền giáo. Ngài đã rửa tội cho một số dân làng ở đó. Sau đó, cha Cosme de Torres được trao phó trông coi cộng đoàn công giáo ở đây. Cha Barthbasar Goga, cha Gaspar Vilela và thầy Luiz de Almeida hướng dẫn các cộng đoàn. Bấy giờ Gia đình Koteda được rửa tội và họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng thánh đường công giáo đầu tiên tại Hirado, ngôi nhà thờ này vẫn còn tồn tại cho tới bây giờ.

Sau đó cha Torres và thầy De Almeida phát triển công việc truyền giáo đến các vùng Yokoseura, Shinabara và Kuchinotsu.

Vào năm 1562 Omura Sumitada được rửa tội tại Yokoseura, trở thành vị lãnh chúa công giáo đầu tiên tại Nhật. Vào thời kỳ này, hải cảng Yokoseura bị phá hủy, do đó cha Torres phải dời về Kuchinotsu.

Vào năm 1565, thầy De Almeida và thầy Lorenzo bắt đầu truyền giáo ở đảo Goto và 2 nhà thờ đã được xây dựng ở Fukue và Okuura.

Vào năm 1567, thầy Almeida đến Nagasaki, và được Nagasaki Jinzaemon, một tín hữu và là lãnh chúa của Omura Sumitada, cho một khoảng đất và một ngôi chùa Phật giáo. Nhà thờ đầu tiên ở Nagasaki, dâng kính các Thánh, được hoàn tất vào năm 1569. Vào mùa xuân năm 1570, thầy Torres bắt đầu sống trong ngôi nhà thờ "nhỏ bé nhưng xinh đẹp".

20 năm sau khi thánh Phanxicô đến Hirado, việc truyền giáo đã được bắt đầu trong một vài nơi ở Nagasaki.

- Việc Xây Dựng Hải Cảng Nagasaki và Nhà Thờ Trong Vùng:

Vào năm 1579, Omura Sumitada quyết định thành lập hải cảng Nagasaki để buôn bán, ông ra lệnh cho viên tùy tùng là Tomonga Tsushima xây dựng 6 thành phố. Trên miền đất dự tính xây dựng hải cảng (hiện nay là khu đất của tòa thị chính), cha Figuereido đã xây một nhà thờ nhỏ được gọi là "nhà thờ Ðức Mẹ Lên Trời", dần dần nó phát triển rộng lớn đến độ được gọi là trung tâm của các nhà thờ ở Nhật.

Vào năm 1580, Omura Sumitada đã dâng cúng khu đất trung tâm của vùng Nagasaki và làng Mogi cho Dòng Tên, và Nagasaki đã được phát triển với việc nhiều nhà thờ được xây dựng. Vào năm 1583 Nhóm Misericordia Benevolent đã được thành lập và trụ sở được đặt tại Kozenmachi. Vào năm 1584, Arima Harunobu, cũng là người công giáo, đã dâng cúng khu đất của ông ở Urakami cho các cha dòng Tên. Dân số người công giáo trong làng Urakami đã được tăng số.

Việc nới rộng nhà thờ trong vùng đã được bắt đầu, vì nó đã trở thành quá nhỏ. Nhà thờ đã phải ngưng xây cất vì lệnh cấm đạo của Toyotomi Hideyoshi, nhưng rồi cũng được hoàn tất vào năm 1590. Nhưng 2 năm sau đó, nhà thờ đã bị tàn phá theo lệnh của Hideyoshi. Sau đó nó lại được xây lại vào năm 1593. Trụ sở chính của dòng Tên cũng được xây bên cạnh đó, và đã được dùng làm nhà thờ chính tòa của vị Giám Mục đầu tiên tại Nhật, Ðức Cha Pedro Martins.

Năm 1592 Bệnh Viện Thánh Lazaro được nhóm Misericordia thành lập tại Uwamachi. Cùng lúc đó, một bệnh viện Thánh Lazaro khác được thành lập ngay tại lối vào Urakami, cả 2 bệnh viện đều có nhà nguyện riêng.

Vào ngày 05 tháng hai năm 1597 Nagasaki chứng kiến 26 vị tử đạo, ngọn đồi Nishizaka, nơi nhuộm máu các vị tử đạo, được gọi là "ngọn đồi thánh" hay "đồi tử đạo" và được biến thành công viên đầu tiên của Nagasaki.

Vào năm 1598, năm mà Hideyoshi qua đời, Vị Giám Mục mới, Ðức Cha Luis de Cerqueira và cha Valignani được thuyên chuyển tới Nagasaki. Gần bên cạnh nhà thờ, tòa giám mục và chủng viện đã được xây dựng, cũng như nhà thờ cũng được tân trang lại. Vào năm 1601, Ðức Cha Cerquiera đã thánh hiến nhà thờ, cũng trong thời gian đó, các nhà thờ xinh xắn đã được dựng lên tại Omura và Arina.

- Thời Vàng Son của Các Nhà Thờ ở Nagasaki:

Thời gian 13 năm từ 1601 đến 1614 là thời vàng son của các nhà thờ ở Nagasaki. Trong thời gian này 7 linh mục triều người Nhật đã được truyền chức và các nhà thờ sau đây đã được xây cất: Nhà thờ Ðức Mẹ Maria ở trên Ðồi, Nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả (bây giờ là Chùa Phật giáo Honrenji), nhà thờ thánh Antôn (ở Handaikumachi), nhà thờ thánh Phêrô (ở Imamachi) tất cả đã được xây vào năm 1607.

Vào năm 1609, nhà thờ thánh Larenso đã được xây dựng dành cho người công giáo Ðại Hàn.

Các nhà dòng cũng đã xay cất những nhà thờ của họ ở Nagasaki: nhà thờ thánh Ðaminh của các cha Ðaminh xây năm 1609, nhà thờ thánh Phanxicô ở Kurusu machi và nhà thờ thánh Augustinô ở Motofurukawamachi được xây cất bởi các cha dòng Phanxicô vào năm 1511.

- Thời Kỳ Bách Hại:

Một cuộc bách hại kinh khủng bất ngờ đã bao phủ những ngày vinh quang của Nagasaki. Vào năm 1612 các thừa sai ở Arima bị trục xuất và chủng viện phải dời về nhà thờ Các Thánh. Chủng viện đã được mở rộng và tân trang, thí dụ, nguyện đường kính các tử đạo đã được xây dựng và trở thành nơi hành hương. Vào năm 1614, chính quyền Tokugawa ra lệnh cấm đạo khắp trên nước toàn Nhật, và các nhà thừa sai tề tựu về Nagasaki.

Takayama Ukon, Naito Tokuan và gia đình bị đuổi ra khỏi vùng Kanazawa. Các nữ tu cũng dồn về Nagasaki. Vào tháng 4, một cuộc kiệu rước sám hối để cầu xin ơn thương xót đã được tổ chức, nhưng các vị thừa sai và giáo dân đã trốn sang Macao và Manila tất cả. Các nhà thờ ở Nagasaki đã bị tàn phá và nhiều tín hữu đã tử đạo tại Arima và Kuchinotsu. Các cuộc bắt dạo xảy ra tại Omura vào năm 1617 và ở Nagasaki vào năm 1619. "Kurusu-ro" hay "nhà tù thánh giá" đã được dựng lên tại địa điểm của nhà thờ thánh Phanxicô, ở đó các vị thừa sai và giáo dân bị giam cầm. Họ bị điệu đến đồi Nishizaka và bị hành quyết tại đó. Cũng có những cuộc bắt đạo lớn ở Nagasaki vào năm 1633.

- Giáo Hội Hầm Trú:

Cuộc nổi dậy của Shimabara xảy ra từ năm 1637 đến 1638 và các nhà thờ ở Arima đã bị tiêu hủy. Các Kitô hữu trốn chạy về các làng Urakami, Nishisonogi, Hirado và sống hầm trú để bảo vệ đức tin. Các cuộc bách hại được gọi là "Kuzure" để đánh dấu từng thời kỳ. Vào năm 1658 "Omura Kuzure", năm 1790 "cuộc bách hại đầu tiên ở Urakami", năm 1839 "cuộc bách hại thứ hai ở Urakami", và từ năm 1867 đến năm 1873 "cuộc bách hại thứ tư ở Urakami" đã xảy ra. Những cuộc đàn áp ở đảo Goto và vùng Mitsuyama của vùng Omura xảy ra vào cùng thời với cuộc bách hại cuối cùng.

 

LM Nguyễn Hữu Hiến và LM. Trần Công Nghị

(VietCatholicNews 31/03/2007)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page