Các nhân viên xã hội của Giáo Hội Việt Nam

trau dồi kỹ năng chuyên môn

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các nhân viên xã hội của Giáo Hội Việt Nam trau dồi kỹ năng chuyên môn.

Sàigòn, Việt Nam (UCAN VT02360.1443 Ngày 1-5-2007) - Các nhân viên xã hội của Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam đang học cách quản lý, giám sát và đánh giá công việc họ đảm trách cách tốt hơn, cũng như viết báo cáo về các dự án để xin các nguồn trợ cấp nước ngoài.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Kim Loan nói với UCA News: "Tôi không biết làm thế nào để phát triển các dự án. Chúng tôi làm công tác xã hội trên tinh thần tự phát, xin được cái gì chúng tôi chia sẻ với người nghèo cái đó".

Chị Loan, thuộc Ủy ban Bác ái Xã hội của giáo phận Mỹ Tho, đã tham dự khóa học do Ủy ban Bác ái Xã hội của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam tổ chức từ ngày 11 đến 13/04/2007 tại Trung Tâm Công Giáo ở Thành phố Saigòn, cách Hà Nội 1,710 Km về phía Nam.

Nữ tu dòng Mến Thánh Giá Tân An cho biết, chị không được đào tạo về quản lý công tác xã hội thực tiễn và thậm chí không biết cách viết dự án, việc làm cần thiết để mô tả công việc, xin hỗ trợ tài chính và kiểm tra sổ sách.

35 tham dự viên gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ các ủy ban bác ái xã hội cấp giáo phận đã tham dự khóa học này. Các tham dự viên đại diện cho 17 trong 26 giáo phận trên cả nước. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Ðức Giám Mục chủ tịch Ủy ban Bác Ái Xã Hội, Ðức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Giáo Phận Phan Thiết.

Tổng thư ký Ủy Ban là linh mục An tôn Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu với các tham dự diên rằng một số giáo phận xin ủy ban của ngài hỗ trợ tài chính cho các dự án công tác xã hội nhưng không gởi báo cáo về các dự án đó cho ngài. Các giáo phận đã nhận hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân bão lụt năm 2005 cũng chưa gởi báo cáo.

Cha Sơn nói: "Vì thế tôi khó báo cáo tài chính cho các cơ quan Caritas hải ngoại đã trợ giúp". Caritas là cơ quan phát triển xã hội của Giáo hội Công giáo, thường có trung tâm ở mỗi giáo phận trên khắp thế giới.

Ngài nói thêm, năm nay (2007) các tổ chức từ thiện hải ngoại sẽ yêu cầu kiểm toán, vì thế "chúng ta sẽ không được hỗ trợ tài chính nếu không thay đổi cách làm việc".

Cha Sơn dẫn chứng giáo phận Vĩnh Long, nơi có nhiều người nghèo nhưng không nhận được hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài bởi vì họ không biết cách viết báo cáo về những đề xuất cho dự án. Trong khi đó, giáo phận Vinh nhận được nhiều trợ giúp tài chính vì họ có thể đưa ra những đề xuất hay cho các dự án.

Ðức Cha Hoan nói với các tham dự viên rằng họ phải biết cách làm việc với các tổ chức nước ngoài và Giáo Hội hoàn vũ để được hỗ trợ tài chính cho các dự án của họ.

Ngài cho biết người ta yêu cầu báo cáo và kiểm toán về các dự án để thể hiện tính minh bạch và tin cậy, nhằm chứng tỏ tiền tài trợ được sử dụng có hiệu quả, và đúng mục đích. Ngài kể, một giám mục viếng thăm dự án làm đường mới được giáo phận tài trợ thì được hội đồng giáo xứ cho biết họ đã dùng tiền tài trợ để mua một cái chuông mới cho nhà thờ.

"Khóa học này giúp tôi hiểu được những khó khăn ủy ban gặp phải", linh mục Marcel Ðoàn Minh đến từ giáo phận Ðà Nẵng nói khi ngài hứa giải thích vấn đề như thế với giám mục của ngài.

Trong khóa học, cha Sơn đã đưa cho các tham dự viên mẫu đơn dự án bằng tiếng Việt và tiếng Anh của Misereor, tổ chức trợ giúp phát triển của các giám mục Công giáo Ðức; Manos Unidas, tổ chức phi chính phủ của Công giáo Tây Ban Nha; và Caritas Úc, tổ chức dịch vụ xã hội của Giáo hội Úc. Ngài hướng dẫn cho các tham dự viên biết các thông tin yêu cầu của các nhà tài trợ và cách điền mẫu đơn.

Hai chuyên gia công tác xã hội khác của Giáo hội Công giáo còn giải thích cho các tham dự viên cách thiết kế và đánh giá các dự án trước khi thực hiện. Họ giải thích cách chọn các dự án mang lại lợi ích nhất cho người được hưởng dự án.

Các tham dự viên cũng chia sẻ nhận xét của họ về các nhu cầu và hạn chế ở địa phương. Linh mục Phêrô Trương Văn Khoa thuộc giáo phận Ban Mê Thuột, vui mừng khi biết về các dự án đào tạo nhân viên chăm sóc sức khỏe trong khóa học. Giáo phận của ngài có nhiều dân tộc thiểu số, vì thế cần đào tạo các bà mụ tại các làng. Ngài cho biết làng của người dân tộc cách xa bệnh viện, nên các thai phụ khó đến bệnh viện.

Những người khác cho biết giáo phận của họ không có các tiện nghi dành cho nhân viên xã hội và họ không được đào tạo chuyên môn hay hưởng lương. Chỉ có giáo phận Xuân Lộc trả cho mỗi nhân viên xã hội 600,000 đồng (tiền Việt Nam) mỗi tháng. Những người khác như linh mục Phanxicô Phan Văn Triêm thuộc giáo phận Cần Thơ, cho biết ủy ban bác ái xã hội của giáo phận có bảy linh mục nhưng linh mục nào cũng bận việc giáo xứ.

Các tham dự viên yêu cầu Ðức Cha Hoan tổ chức thêm các khóa học như thế cho họ. Khóa học lần trước có 30 tham dự viên, được tổ chức vào năm 2005.

 

UCAN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page