Sứ Ðiệp Phục Sinh năm 2007

của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sứ Ðiệp Phục Sinh của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI năm 2007:

 

Chư huynh và anh chị em trên khắp thế giới,

Thưa quý vị thành tâm thiện chí nam nữ!

Chúa Kitô đã phục sinh! Bình an cho tất cả mọi người! Hôm nay được cử hành mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm nền tảng đức tin và niềm hy vọng kitô: Chúa Giêsu Nazareth, Ðấng chịu đóng đinh, đã sống lại từ cỏi chết vào ngày thứ ba, đúng như Kinh Thánh đã nói. Lời loan báo của các thiên sứ, vào lúc bình minh của ngày thứ nhất sau ngày Sabát, cho Maria Magdala và cho các người nữ tại nơi Mộ Chúa, được chúng ta nghe lại trong ngày hôm nay với niềm xúc động mới. Ðó là những lời như sau: "Tại sao các người đi tìm Ðấng hằng sống nơi những kẻ chết? Người không còn ở đây, Người đã sống lại!" (Lc 24, 5-6).


Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI đọc Sứ Ðiệp Phục Sinh năm 2007 và ban phép lành cho toàn thế giới, trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh 8/04/2007.


Chúng ta dễ dàng tưởng tượng những tâm tình của các người nữ này vào giây phút đó: những tâm tình ưu buồn và chán nản vì Chúa đã chết, những tâm tình không tin và kinh ngạc vì sự việc quá bất ngờ để có thể tin là thật. Tuy nhiên, ngôi mộ đã được mở toang và trống rỗng: thân xác của Chúa Giêsu không còn đó nữa. Phêrô và Gioan, sau khi đưọc các người nữ báo tin, thì chạy đến ngôi mộ và và nhận thầy là các bà đã có lý mà nói như vậy. Ðức tin của các Tông Ðồ vào Chúa Giêsu, Ðấng Thiên Sai được mong đợi, đã bị thử thách nặng nề, do bởi gương mù thập giá. Trong thời gian Chúa bị bắt giữ, bị kết án và bị giết chết, thì các ngài đã bị phân tán; giờ đây, các ông tựu chung lại với nhau, nhưng không hiểu gì cả và bị lạc lỏng mất định hướng. Nhưng chính Ðấng Phục sinh đến gặp họ đang có thái độ không tin nhưng khao khát biết được cách chắc chắn. Cuộc gặp gỡ này không phải là giấc mơ, cũng không phải là ảo tưởng hay tưởng tượng chủ quan; cuộc gặp gỡ này là một kinh nghiệm thật, dù bất ngờ, và vì thế mà có sức đánh động. "Chúa Giêsu hiện đến, ngự giữa họ và nói: "Bình an cho anh em!" (Gn 20,19).

Nghe những lời này, đức tin gần như đã bị tắt mất trong tâm hồn họ, giờ được bật cháy trở lại. Các Tông Ðồ kể lại cho ông Tôma, người vắng mặt trong buổi gặp gỡ đầu tiên ngoại thường đó như sau: Ðúng rồi, Chúa đã hoàn thành tất cả những gì Ngài đã loan báo trước: Chúa đã sống lại thật và chúng tôi đã thấy và chạm đến Người! Tuy nhiên, tông đồ Tôma vẫn còn nghi ngờ và bối rối. Khi Chúa Giêsu hiện ra lần thứ hai, tám ngày sau đó, trong Phòng Tiệc Ly, thì ngài nói với Tôma như sau: "Con hãy đặt tay con vào đây và hãy nhìn vào đôi tay Thầy; hãy đưa tay ra và sờ vào cạnh sườn Thầy; con đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin!" Câu trả lời của Tông đồ Tôma là một lời tuyên xưng đức tin thật cảm động như sau: "Lạy Chúa, là Chúa Trời Tôi! Lạy Chúa tôi!" (Gn 20, 27-28).

"Lạy Chúa, là Chúa Trời Tôi! Lạy Chúa Tôi!" Chúng ta cũng hãy lặp lại lời Tuyên Xưng Ðức Tin của thánh tông đồ Tôma. Năm nay, như là lời chúc lễ Phục Sinh, Tôi đã chọn chính những lời của thánh tông đồ Tôma, bởi vì nhân loại hôm nay chờ đợi nơi những người kitô một chứng tá mới về việc Chúa Kitô Phục Sinh. Bởi vì nhân loại ngày nay cần được gặp Chúa và cần được nhận biết Chúa như là Thiên Chúa thật và là Con người thật. Nếu chúng ta có thể gặp những nghi ngờ và những sự không chắc chắn của biết bao người kitô hôm nay nơi tông đồ Tôma, nếu chúng ta gặp những lo sợ và những thất vọng của vô số người đồng thời với chúng ta, thì cùng với tông đồ Tôma, chúng ta có thể khám phá lại , với xác tín mới , đức tin vào Chúa Kitô, Ðấng đã chết và đã sống lại vì chúng ta. Ðức Tin này, được thông truyền qua các thế kỷ bởi những kẻ kế vị các tông đồ, giờ đây tiếp tục được thông truyền, bởi vì Chúa phục sinh không còn phải chết nữa. Ngài sống trong Giáo Hội và hướng dẫn giáo hội một cách vững chắc trên đường hoàn thành ý định cứu rỗi đời đời.

Mỗi người chúng ta có thể bị cám dỗ bởi sự không tin của tông đồ Tôma. Thử hỏi đau khổ, sự dữ, những bất công, cái chết, nhất là khi chúng giáng xuống trên những kẻ vô tội, --- chẳng hạn như những trẻ nhỏ nạn nhân của chiến tranh và của nạn khủng bố, của những tật bệnh và của nạn đói --- không thử thách nặng nề đức tin chúng ta hay sao? Một cách thật ngược đời, trong những trường hợp như vừa nói trên, chính sự không tin của tông đồ Tôma trở nên hữu ích cho chúng ta và là điều quý báu, bởi vì giúp chúng ta thanh luyện mọi quan niệm sai lầm về Thiên Chúa và hướng dẫn chúng ta đến việc khám phá dung mạo đích thật của Thiên Chúa: dung mạo của một vì Thiên Chúa, Ðấng, trong Chúa Kitô, đã mang lấy những tai ương của nhân loại đã bị thương tích. Tông đồ Tôma đã lãnh nhận từ Chúa, và đã thông truyền lại cho giáo hội hồng ân của một đức tin đã chịu thử thách bởi sự thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, và được củng cố bởi cuộc gặp gỡ vối Ðấng Phục Sinh. Một đức tin xem ra gần như bị chết đi và đã được tái sinh, nhờ vào việc gặp gỡ với những vết thương của Chúa Kitô, với những vết thương mà Ðấng Phục sinh đã không che dấu, nhưng đã biểu lộ và tiếp tục chỉ cho chúng ta nhìn thấy, nơi những nỗi gian truân khốn khó và trong những đau khổ của mọi người.

"Chúng ta được chữa lành bởi những thương thích của Ngài" (I Phêro 2, 24), đó là lời loan báo mà thánh Phêrô ngỏ với những kẻ tân tòng đầu tiên. Những vết thương này, mà đối với tông đồ Tôma, là một cản trở cho đức tin, bởi vì nói lên sự thất bại bề ngoài của Chúa Giêsu; nhưng chính những vết thương nầy được trở thành, trong cuộc gặp gỡ với Ðấng phục sinh, bằng chứng của tình yêu chiến thắng. Những vết thương mà Chúa Kitô đã mang lấy vì yêu thương chúng ta, giúp cho chúng ta hiểu được Thiên Chúa là ai, và giúp chúng ta lặp lại những lời tuyên xưng của tông đồ Tôma như sau: "Lạy Chúa là Chúa Trời con!" Chỉ một vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta cho đến mức mang lấy những vết thương chúng ta và những đau khổ của chúng ta, nhất là những đau khổ vô tội, chỉ một vì Thiên Chúa như thế mới đáng được chúng ta tin.

(còn tiếp)

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page