Vài nét về Thánh lễ và nghi thức

kết thúc giai đoạn điều tra cấp giáo phận

để phong Chân Phước cho Ðức Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nét về Thánh lễ và nghi thức kết thúc giai đoạn điều tra cấp giáo phận để phong Chân Phước cho Ðức Gioan Phaolô II.

Vatican (Tin tổng hợp Apic 2/04/2007) - Sáng sớm ngày 2/4/2007, Ðức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Krakôvia, và khoảng 40 linh mục đã cử hành lễ giỗ hai năm Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, bên cạnh phần mộ của ngài, dưới hầm Ðền Thờ Thánh Phêrô. Trong khi đó, bên ngoài đền thờ thánh Phêrô, hàng dài tín hữu xếp hàng để chờ đến lượt vào kính viếng mộ phần Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.


Ðức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Krakôvia, và khoảng 40 linh mục đã cử hành lễ giỗ hai năm Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, bên cạnh phần mộ của ngài, dưới hầm Ðền Thờ Thánh Phêrô.


Tưởng cũng nên nhắc lại nơi đây rằng Ðức Gioan Phaolô II đã băng hà ngày 2 tháng 4 năm 2005. Rồi vào tháng 6 cùng năm 2005, vị kế nhiệm ngài, Ðức Bênêđitô XVI đã ban phép chuẩn khỏi việc tuân giữ "quy định 5 năm" sau khi qua đời, để chính thức mở án điều tra cấp giáo phận, trong tiến trình phong chân phước và phong thánh cho Ðức Gioan Phaolô II.

Sau Thánh Lễ, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin I-Media, Ðức Hồng Y cho biết ý kiến của ngài là "tất cả mọi việc trong án phong chân phước cho Ðầy tớ Chúa Gioan Phaolô II, nên được thực hiện đúng theo những quy định của Giáo Hội Công Giáo, mà không cần vội vàng, đốt giai đoạn". Theo Ðức Hồng Y, việc tôn trọng các giai đoạn và những quy định của Giáo Hội, là điều cần thiết, để tránh bị tố cáo sau này, là không làm đúng theo luật của giáo hội.

Ðức Hồng Y Stanislaw Dziwisz cũng cho biết thêm là có "nhiều phép lạ" do lời khẩn cầu của Ðức Gioan Phaolô II xảy ra bên Châu Mỹ Latinh, tại BaLan và tại Italia; nhưng việc ban điều tra chọn phép lạ xảy ra bên Pháp, --- cho một nữ tu đã mắc bệnh Parkinson như chính Ðức Gioan Phaolô II đã bị, --- là một điều rất có ý nghĩa. Ðức Hồng Y nói thêm như sau: "Ðây sẽ là niềm vui to lớn, khi một ngày kia Giáo Hội tuyên bố chính thức Ðức Gioan Phaolô II là thánh. Nhưng phần chúng tôi, trên bình diện riêng tư, chúng tôi xác tín Ðức Gioan Phaolô II đã là thánh rồi!"

Trong khi đó, trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo "La Stampa", số phát hành ngày mùng 2 tháng 4 năm 2007, Ðức Hồng Y Jose Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, cũng đã phát biểu rằng mặc dù đối với nhiều người, Ðức Gioan Phaolô II đã là thánh rồi, nhưng vẫn cần tuân giữ những quy định của Giáo Hội. Theo Ðức Hồng Y, bản thân Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, có lẽ cũng muốn chúng ta thực hiện nghiêm chỉnh công việc này, ngõ hầu sau này, 10 năm, 20 năm hay 100 năm nữa, bất cứ ai muốn biết thật sự Ðức Karol Wojtyla là như thế nào, thì có thể tìm đến các tài liệu, được lưu giữ trong Văn Khố, để hiểu được trọn vẹn sự cao cả của Ðức Giaon Phaolô II.

Trả lời cho câu hỏi khi nào Ðức Gioan Phaolô II sẽ được phong chân phước, Ðức Hồng Y Martins nhấn mạnh rằng "người ta không thể biết được khi nào, và cũng không thể tiên đoán trước được, bởi vì "việc này không tuỳ thuộc vào con người chúng ta." Ðức Hồng Y đã giải thích thêm về các thủ tục như sau:

"Khi các hồ sơ được chuyển đến Bộ Phong Thánh, thì Cáo Thỉnh Viện của Án Phong Chân Phước, --- với sự giúp đỡ của "Tường trình viên", --- cần soạn ra "Bản Xác Ðịnh" (positio) trình bày cách tổng quát những chứng từ đã thu được trong thời gian điều tra cấp giáo phận, và nộp cho Ủy Ban Các Thần Học Gia nghiên cứu. Các vị trong Ủy Ban sẽ khảo sát xem đương sự có thực hành trong đời sống những nhân đức kitô hay không, và không phải chỉ thực hành cách bình thường như bao người khác, mà phải thực hiện cách anh hùng. Những diễn tiến của công việc thật sự cần có thời gian, mặc dù đối với tôi, Ðức Gioan Phaolô II đã là thánh, là quyển Phúc âm sống."

Vào trưa ngày 2/4/2007, giáo phận Rôma đã chính thức hoàn tất việc điều tra ở cấp giáo phận về cuộc đời, các nhân đức và danh thơm tiếng tốt của vị Ðầy Tớ Chúa, Gioan Phaolô II, trong một nghi lễ long trọng của Giờ Kinh Trưa, diễn ra tại đền thờ Thánh Gioan Latêranô. Việc kết thúc cuộc điều tra cấp giáo phận này là bước đầu trong tiến trình phong Chân Phước cho Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.


Bên ngoài đền thờ thánh Phêrô, hàng dài tín hữu xếp hàng để chờ đến lượt vào kính viếng mộ phần Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.


Khi công bố việc kết thúc điều tra ở cấp giáo phận, Ðức Hồng Y Camillo Ruini, Tổng Ðại Diện ÐTC cai quản giáo phận Rôma, đã chia sẻ những suy tư về phẩm chất tinh thần cao cả của Ðức Gioan Phaolô II. Ðức Hồng Y đã nói như sau: "Ở buổi đầu, ở trung tâm, và ở đỉnh cao của hình ảnh này, chúng ta không thể không đề cập đến quan hệ mật thiết với Thiên Chúa của Ðức Karol Wojtyla, một mối quan hệ đã rất mạnh mẽ, đằm thắm và sâu xa từ thời niên thiếu, và không ngừng phát triển và lớn mạnh, sản sinh nhiều hoa trái trong mọi chiều kích cuộc đời của ngài".

"Ở đây, chúng ta đứng trước một Mầu Nhiệm. Trước hết, mầu nhiệm của tình yêu đặc biệt trong đó Chúa Cha đã yêu thương cậu bé Ba Lan này, kết hiệp cậu với chính Ngài và rồi duy trì sự kết hiệp này; không phải để cứu cậu thoát khỏi những thử thách của cuộc đời - trái lại, kết hiệp cậu mãi mãi và mới mẻ với thánh giá của Con Ngài - đồng thời ban cho cậu ơn can đảm để yêu mến thánh giá, và một trí tuệ tinh thần để thấy, qua thánh giá, thiên nhan Chúa Cha".

"Trong niềm xác tín mình được Thiên Chúa yêu thương và trong niềm vui đáp trả tình yêu này, Ðức Karol Wojtyla tìm thấy ý nghĩa, sự thoáng nhất và mục đích của đời mình. Những ai đã biết ngài, dù gần bên hay từ xa, đều bị đánh động bởi sự phong phú về nhân bản,  và bởi sự hoàn chỉnh nơi con người của ngài, hay nói cách khác, bởi sự thánh thiện của ngài".

Ðức Hồng Y Camillo Ruini còn nhấn mạnh đến một nét đặc điểm tinh thần khác nữa nơi con người Ðức Gioan Phaolô II. Nét đặc biệt đó là "sự tự do nội tâm của Ðức Gioan Phaolô II, một sự tự do được diễn tả trong nhiều chiều kích. Trong tương quan với những của cải vật chất, Ðức Gioan Phao lô II là con người sống khó nghèo cách cụ thể và tận căn, hoàn toàn không dính bén tiền của. Ngài cũng hoàn toàn tự do đối với bản thân, không mưu tìm sự thành công cho cá nhân. Ngài cũng rất tự do đối với kẻ khác, tự lập trong những quyết định khó khăn và "không tiện lợi"; ngài không sợ trước những phản ứng của các quyền lực chống giáo hội, trong những năm thi hành tác vụ tại Balan, và cũng không sợ trước những sự không hiểu và chống đối của dư luận trong những năm thi hành thừa tác vụ Phêrô trên ngai toà Phêrô.

Lời kêu gọi "Anh chị em đừng sợ", --- mà Ðức Gioan Phaolô II đã nói lên ngay từ khởi đầu triều giáo hoàng của ngài, --- là lời được phát sinh từ sự tự do nội tâm này, mội sự tự do được nuôi dưỡng bởi Ðức Tin. Ðây là lời kêu gọi có sức mạnh "truyền nhiễm" đã giải phóng BaLan, --- và không phải chỉ có BaLan mà thôi, mà còn những đất nước khác nữa, --- khỏi sự sợ hãi và sự nô lệ chính trị, nô lệ văn hoá và nô lệ tinh thần.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page