Phỏng Vấn Ðức Hồng Y Angelo Scola

về Tông Huấn Hậu THÐGM về Bí Tích Thánh Thể

Bí Tích của Tình Thương

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng Vấn Ðức Hồng Y Angelo Scola về Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích của Tình Thương.

(Radio Veritas Asia 25/03/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Với bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Angelo Scola, chúng ta được biết thêm vài khía cạnh nổi bật khác nữa của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể. Ðức Hồng Y Angelo Scola, hiện là Thượng Phụ Giáo Chủ Venezia, miền đông bắc Italia. Trong thời gian có Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể, Ðức Hồng Y Scola là Tổng Tường Trình Viên của Khoá Họp; vì thế ngài là một trong những nhân vật có uy tín, để nói về Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể. Trong thời gian qua, mục thời sự đã gởi đến quý vị và các bạn bài thuyết trình dài của ngài về Tông Huấn này, trong cuộc họp báo ngày 13 tháng 3 năm 2007, tại Vatican, để giới thiệu Tông Huấn cho giới báo chí.

Mục thời sự hôm nay mời quý vị và các bạn theo dõi bài phỏng vấn Ðức Hồng Y, do hãng tin Zenit thực hiện và phổ biến hôm ngày 14 tháng 3 năm 2007. Trong bài phỏng vấn nầy, chúng ta sẽ nghe Ðức Hồng Y Scola nhấn mạnh đến vài khía cạnh khác nữa của Tông Huấn.

Hỏi 1: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Hồng Y có nghĩ là trong Tông Huấn này, có một sự không quân bình giữa một bên là khuyến khích đào sâu thêm việc cử hành Phụng Vụ để nhắm đến một sự tham dự tích cực và có kết quả của các tín hữu, và một bên là yêu cầu xử dụng tiếng latinh trong những cử hành có tính cách quốc tế, và phục hồi giá trị của các bài hát bình ca Grêgôrianô, vừa không quan tâm nhiều đến cảm nghiệm tôn giáo của dân chúng (ở đây tôi nghĩ đến những điệu múa và các bài hát tiếng Phi châu trong những cử hành thánh lễ). Thưa Ðức Hồng Y, ngài có nghĩ rằng đó là không có sự quân bình giữa hai hướng giáo huấn này hay không?

Ðáp: Chúng ta cần đồng ý với nhau về căn bản lý luận xuyên suốt trọn cả Tông Huấn. Ðức Thánh Cha muốn nhắc đến tất cả những điểm cụ thể, ngõ hầu Bí Tích Thánh Thể là "hành động bí tích" duy nhất của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, và là hành động có liên hệ chung đến mọi tín hữu, cho dù Thánh Thể được cử hành tại bất cứ nơi nào, tại Sydney, tại Milanô hay tại Buenos Aires hay tại Kampala. Rồi ÐTC đề ra những tiêu chuẩn cho kẻ sống tại địa phương tiếp tục việc nhập thể của nghi thức được cử hành.

Trong Tông Huấn có một đoạn thật quan trọng nói về việc hội nhập văn hoá và việc các Hội Ðồng Giám Mục cộng tác với các Bộ liên hệ ở Roma, để thực hiện công việc hội nhập này.

Ðiều rõ ràng là trách nhiệm của Tông Huấn là tập trung vào tất cả những gì chung, bởi vì sẽ là một sự tự phụ, nếu Ðức Giáo Hoàng ở Roma mà nói về những gì cần phải làm để thực hiện hội nhập văn hoá tại Phi Châu, hay tại Ấn Ðộ. ÐTC chỉ đề nghị cho những vị giám mục tại địa phương hãy thực hiện công việc hội nhập trong sự cộng tác với các Bộ tại Roma. Như thế, theo tôi, không có sự bất quân bình nào cả.

Hỏi 2: Liên quan đến đề tài về tự do thờ phượng, người ta có cảm tưởng rằng Tông Huấn không đề ra những chỉ dẫn cụ thể phải làm sao để cổ võ những cử hành Thánh Thể bên trong những cộng đoàn kitô phải "sống những hoàn cảnh của cộng đoàn thiểu số hoặc bị thiếu sự tự do tôn giáo" (số 87). Ðức Hồng Y nghĩ như thế nào về điều này?

Ðáp: Ở đây cần phân biệt điều gì Tông Huấn có thể làm, như là một văn kiện chung cho tất cả mọi cộng đoàn địa phương trên khắp thế giới, và chỉ có thể nhắc đến nguyên tắc chung và đưa ra những gợi ý mà thôi. Thật ra, Giáo Hội luôn thể hiện chính mình theo hai hướng phổ quát và đặc thù tại địa phương.

Như thế, bổn phận của ai sống tại địa phương là tìm ra con đường công bằng hơn, dựa trên nguyên tắc đã được yêu cầu phải có, dựa trên đòi hỏi mạnh mẽ của việc tự do thờ phượng, như là thể hiện của tự do tôn giáo.

Và trên bình diện này, người ta không nên quên rằng đây là hoạt động bình thường của ÐTC và của Toà Thánh, để hỗ trợ cho những hoạt động như vừa nói trên. Nếu không, thì người ta phải mô tả những hoàn cảnh một cách thật chi tiết; và lúc đó có lẽ chúng ta phải cần đến cuốn sách dày cả 2,000 trang!

Hỏi 3: Thưa Ðức Hồng Y, "giáo hội học thánh thể" như được mô tả trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis, Bí Tích của Tình yêu, có thể hướng dẫn những cố gắng dấn thân nhắm đạt đến sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của tất cả mọi người kitô, như thế nào, thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Xét theo bình diện này, tôi cho rằng Tông Huấn về bí tích thánh thể có một giá trị đại kết thật cao, bởi vì nó đề ra sự liên kết nội tại giữa Mầu Nhiệm Thánh Thể, Cử hành Phụng Vụ và Sự Tôn Thờ Mới trong Thánh Thần (số 5). Do đó, dựa trên điểm này, Tông Huấn gặp gỡ thật gần với cảm nghiệm của anh chị em chính thống giáo, và cả gần với những anh chị em tin lành nữa!

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page